Ngày 20/04/2013, một thiên tai khủng khiếp đã xảy ra tại thành phố Nhã An, huyện Lô Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, khiến cho gần 200 người chết, 6.700 người bị thương. Đó là trận động đất nằm ở phía tây nam Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Phía Trung Quốc thông báo cường độ trận động đất ngày 20/04 đo
được 7 độ richter, trong khi Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (United States Geological Survey – USGS)nói cường độ của trận động đất là 6,6 độ richter với chiều sâu 13 km. Nhã An được coi là nơi sản xuất trà uống lớn nhất thế giới và là một trong những trung tâm nuôi gấu mèo (panda) lớn nhất Trung Quốc.
Sau trận động đất, báo chí Tàu tường thuật, các khu vực bị động đất nặng tại huyện Lô Sơn không thể vào được bằng đường bộ, dịch vụ điện thoại bị cắt đứt. Hãng tin quốc doanh Tân Hoa xã cũng cho biết trận động đất đã làm rung chuyển các tòa nhà ở thành phố Trùng Khánh, cách Nhã An 115 km về hướng đông.
Thiên tai xảy ra trong ngày 20/04 đã gợi lại những ký ức đau buồn cho cư dân tỉnh Tứ Xuyên. Cách đây gần 5 năm (12/05/2008), người dân tỉnh này đã phải chịu đựng trận động đất 7,9 độ richter, giết chết hơn 7.000 người, 18.000 người mất tích.
Theo nghiên cứu mới đây của USGS, nguyên nhân xảy ra trận động đất mạnh 6,6 độ richter ngày 20/4 cũng như trận động đất xảy ra năm 2008 với cường độ 7,9 richter, đều do đứt gãy tại ngọn núi Long Môn gây ra.
Đứt gãy tại ngọn núi Long Môn thực chất là khu vực đứt gãy địa chấn tại khu vực cao nguyên Tây Tạng và vùng đất thấp thuộc khu vực lòng chảo Tứ Xuyên. Sau mỗi trận động đất, đoạn đứt gãy lại xô cao nguyên phủ lên lòng chảo, khiến cho khoảng cách giữa 2 khu vực được rút ngắn. Khu vực đứt gãy kéo dài tới 240 km dọc theo nền của dãy núi Long Môn. Trận động đất xảy ra trong ngày 20/04 do 2 tầng kiến địa Ấn Độ và Á - Âu xô nhau. Khi di chuyển về hướng bắc để tiến tới Châu Á, tầng kiến địa ở Ấn Độ buộc cao nguyên Tây Tạng di chuyển chệch hướng về phía đông tới Trung Quốc.
Sau trận động đất ngày 12/05/2008 và trận động đất ngày 20/04/2013, nhiều người đặt câu hỏi “Đây là thiên tai hay nhân họa?” Một số người trả lời ngay là nhân họa vì chính con người đã góp phần vào việc gây ra những trận động đất này.
Sau khi xảy ra động đất ở Nhã An một ngày (21/04), Thủ Tướng mới của Trung Quốc là Lý Khắc Cường,vừa được bầu lên hồi tháng 03/2013, đã có mặt tại khu vực động đất. Phó TTg Uông Dương cũng đã kịp thời đến khu vực bị động đất khảo sát tình hình. So với TTg cũ là Ôn Gia Bảo, Lý Khắc Cường làm việc cẩn thận và chu đáo hơn. Ông ta không lợi dụng cơ hội này để tự đề cao mình như kiểu chảy nước mắt cá sấu của Ôn Gia Bảo...
Vừa đến Nhã An, Lý Khác Cường lập tức lăn vào công việc, đến tận những trọng điểm để tìm hiểu dân tình. Người ta kể rằng buổi sáng ông ta chỉ húp cháo suông rồi xông vào khu vực động đất làm việc ngay, mặt mày phờ phạc. Ông ta chỉ muốn việc cứu cấp đạt hiệu quả cao nhất, cứu được nhiều người nhất. Ông ta đưa ra khẩu hiệu: “Cứu người trên hết”.
Có nhiều dư luận cho rằng công tác cứu trợ của Lý Khắc Cường và Uông Dương so với Ôn Gia Bảo trước kia hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên... dù kết quả đến mấy, cũng nên nhân cơ hội này xem xét lại nguyên nhân đã gây ra những tai họa này do thiên tai hay là nhân họa? Cũng như xem xét lại việc xây dựng cơ chế hiện nay. Nếu không thì, trong khi Lý Khắc Cường và Uông Dương lăn lộn trên đống đất đổ nát ở Nhã An, ở những nơi khác như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu... trăm ngàn quan chức Tàu ngồi hú hí tại những bữa tiệc trị giá hàng trăm ngàn Mỹ kim. Cuối cùng dư luận khẳng định, dân Tàu không sợ thiên tai, chỉ sợ nhân họa, bởi vì con người đã gây ra những thiên tai đó. Muốn giảm bớt thiên tai, trước tiên phải đổi mới chế độ để giảm bớt nhân họa. Muốn vậy phải xây dựng một chế độ minh bạch, người dân thực sự có quyền làm chủ để dựng nên một chế độ xã hội tốt đẹp hơn bay giờ.
Nhân họa
Trận động đất ở Lô Sơn, Nhã An, Tứ Xuyên, ngày 20/04/2013 xảy ra cách trận động đất ở huyện Văn Xuyên ngày 12/05/2008 gần 5 năm tròn. Tại sao 2 trận động đất này đều xảy ra tại Tứ Xuyên? Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, đập nước Tử Bình Phô cỡ lớn xây dựng trên ngọn núi Long Môn, nơi đứt gãy địa chấn, là nguyên nhân chính đã gây ra 2 trận động đất này. Mặc dù khi bắt đầu xây dựng đập nước này đã có nhiều nhà khoa học góp ý không nên xây đập nước này, bí thư ĐCSTQ tỉnh Tứ Xuyên lúc đó là Chu Vĩnh Khang vẫn mũ ni che tai, ra lệnh phải hoàn thành con đập trong một thời gian ngắn để phát triển kinh tế ở miền Tây Trung Quốc.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc, người từng nghiên cứu công trình xây dựng đập nước Tam Hiệp lớn nhất Trung Quốc và những đập lân cận từ thập niên 80 của thế kỷ 20, khi trả lời phỏng vấn của ký giả đài Á Châu Tự Do, đã nói: “Bây giờ có thể khẳng định, trận động đất năm 2008 cũng như trận động đất ngày 20/04, đều do đập nước Tử Bình Phô gây ra. Trước khi xây dựng đập nước này, nhiều nhà khoa học đã đề nghị không nên xây dựng, nhưng bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên hồi đó là Chu Vĩnh Khang dốt nát và ngạo mạn không nghe lời khuyên của các nhà khoa học, như vậy, 2 trận động đất đều do con người gây ra, không phải thiên tai mà là... nhân họa”.
Tiến sĩ Vương Duy Lạc nói thêm, xây dựng các công trình thủy lợi ở cao nguyên Tây Tạng có thể gây ra động đất. Lý do vì, kết cấu địa chất của cao nguyên Tây Tạng so với những nơi khác còn thuộc vào loại “trẻ”. Tuy có nhiều người đề nghị không nên xây dựng đập nước ở đó, nhưng Chu Vĩnh Khang vẫn quả quyết xây dựng bằng được. Ngoài ra tiến sĩ Vương còn đưa ra những luận chứng để khẳng định không thể xây dựng đập nước ở xung quanh cao nguyên Tây Tạng và đưa ra những lý do xảy ra động đất tương tự như những nguyên nhân Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ nêu ra, người viết đã giới thiệu ở đoạn trên.
Họa vô đơn chí
Tại Trung Quốc, nhân họa không những gây ra động đất, còn làm môi trường ô nhiễm. Đó là một vấn nạn lớn trên đất Tàu, vì nó ảnh hưởng đến mọi người. Người dân luôn lo âu khi bàn về ô nhiễm không khí, bão cát, dòng sông, các mạch nước ngầm bị nhiễm độc, kể cả các “ngôi làng ung thư”, nơi mà hóa chất độc hại gây ảnh hưởng nguy hiểm đến người dân sinh sống ở thôn quê.
Các quan chức Tàu lúc nào cũng mau mồm cổ động bảo vệ môi trường. Tháng 12/2012, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình trong bài thuyết giảng về “Giấc mơ Tàu” cũng nói cần phải tạo ra một môi trường sống tốt hơn. Dù Tổng Bình nói, những người quan ngại về môi trường sống ở Trung Quốc vẫn đặt câu hỏi: “Tại sao trên đất Tàu ô nhiễm ngày càng tệ? Ngày càng xuất hiện nhiều ngôi làng ung thư?”.
Đúng là các quan Tàu nói một đằng làm một nẻo. Họ đã và đang hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Những ai đem tiền ra làm sạch môi trường sẽ chịu một hình phạt nặng.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì, ngay từ ban đầu, ĐCSTQ đã xây dựng một chế độ độc tài. Họ thường thúc đẩy phát triển kinh tế để tự khoe khoang mình tài giỏi, mặt khác còn nhằm mục đích kéo dài thời gian thống trị dân Trung Hoa. Trước năm 2012, ĐCSTQ liều mạng giữ tăng trưởng Tổng sản lượng quốc nội (GDP) ở Tàu với mức 8%. Sau 2012, không đạt được 8%, họ tìm mọi cách giữ mức tăng trưởng kinh tế là 7%. Nếu dưới mức 7%, tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh, gây nên bất ổn xã hội và gây nguy hiểm cho sự cai trị dân Tàu của đảng cộng sản.
Gần đây Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Bureau of Economic Research) đã chứng minh điều này bằng các con số. Các nhà nghiên cứu quan sát 283 thành phố tại Trung Quốc, phát hiện ra rằng, quan chức nào chi tiêu ngân sách vào việc giảm bớt ô nhiễm môi trường thường không được thăng quan tiến chức. Ngược lại, những ai chi nhiều tiền cho việc xây đường cao tốc và các hạ tầng khác sẽ được thăng chức. Nói cách khác, quan chức nào quan tâm đến phúc lợi người dân, giải quyết nạn ô nhiễm, thì đừng có mơ đến việc được thăng tiến. Trái lại, quan chức nào nâng cao GDP, chế độ sẽ cho ông ta thăng quan tiến chức theo mức độ ô nhiễm môi trường ông ta đã gây ra. Thử hỏi, được hưởng những lợi ích như vậy, bao nhiêu quan chức TQ đứng ra bảo vệ môi trường?
Chế độ độc tài của ĐCSTQ đã ngăn cấm các phong trào bảo vệ môi trường của người dân. Nhiều công ty thải ra chất hóa học như p-xylene, được sử dụng chủ yếu để sản xuất acic terephtalic, tổng hợp nhựa polyeste (PET) và molybdenum, nguyên tố hóa học thuộc nhóm 6 với ký hiệu Mo và số nguyên tử 42, khiến cho môi trường ô nhiễm... người dân kêu ca nhiều, các quan vẫn mặc kệ. Do không có quyền khiếu kiện trước các quyết định của cơ quan công quyền, họ phải tính đến chuyện biểu tình và nổi loạn. Từ năm 1996, số lượng các cuộc biểu tình và nổi loạn lớn với mục đích bảo vệ môi trường trong sạch đã tăng khoảng 30% một năm. Chính quyền lấy lý do bảo vệ an ninh trật tự huy động lực lượng cảnh sát vũ trang đàn áp các cuộc biểu tình của người dân. Điều này đã trở thành phương sách cố định đối phó với những người muốn giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Cuối cùng có thể nói, ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc ngày càng phản ánh sự thối nát của chế độ cộng sản. ĐCSTQ còn thì ô nhiễm môi trường ngày càng nặng. Đã đến lúc dân Tàu hiểu rằng, phải tìm đủ mọi cách giảm bớt ô nhiễm môi trường, càng nhiều càng tốt. Muốn làm được điều này, việc đầu tiên là phải loại trừ đảng cộng sản ra khỏi chính trường Trung Quốc. Đó là điều người dân đang chuẩn bị hành động để đạt được mục đích của mình.
Lý Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét