Thư gửi bạn ta (11/05/13)
Ngày 6 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Khoảng năm 1976, khi nhận được một số báo Nhân Dân do một người bạn gửi cho, đọc trong mục giải đáp thắc mắc của độc giả, tôi thấy có một câu trả lời của tòa soạn đại khái cho biết là đã tìm kiếm trong các tài liệu về quân đội nhân dân nhưng không thấy có anh hùng nào tên là Đại Úy Đương cả.
Mặc dù tờ Nhân Dân không đăng câu hỏi của độc giả, nhưng đọc câu trả lời tôi vẫn có thể tin chắc người hỏi đã nghe được ca khúc “Anh Không Chết Đâu Anh” của Trần Thiện Thanh mà lời ca có nhắc đến “người anh hùng mũ đỏ tên Đương”. Như vậy là người viết đã nghe một bản nhạc vàng của Ngụy và muốn biết thêm về Đại Úy Nguyễn Văn Đương của pháo binh Dù tử trận ở Hạ Lào năm 1972 và muốn biết ông là ai mà oai quá đến là như vậy. Đại Úy Đương dĩ nhiên không có tên trong quân sử miền Bắc nên tòa soạn đã kín đáo không đăng câu hỏi mà chỉ trả lời trên báo như thế.
Chuyện mê nhạc Ngụy đã bắt đầu từ ngay khi dép râu tiến vào Sài Gòn. Sau chiến dịch tịch thu và đốt các văn hóa phẩm của miền Nam, cấm nghe các bản nhạc của miền Nam, nhiều đồng chí thấy những thứ được lệnh tận diệt ấy lại là những thứ nên đọc, nên nghe. Chuyện ấy dễ hiểu. Cứ hét lên là có bác Hồ trong ngày vui đại thắng mãi thì cũng chán thấy mồ. Trong chuyến đi vượt Trường Sơn thỉnh thoảng lôi tấm ảnh chụp người em bé bỏng để lại ở ngoài Bắc, viết cái tên của em bé trên ba lô thì có lý hơn là cứ ư ử rên rỉ “đêm qua trên bến Ô Lâu, cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ” nhiều. Đàn ông đàn ang quái gì mà đêm đến cứ mơ tưởng chòm râu Bác Hồ thì rất là “bịnh”. Nghe câu hát “viết tên người yêu trên ba lô nặng trĩu” nghe hợp lý hơn nhiều.
Chứ
thơ thẩn kiểu chó gì mà lại như thế này:
“… Buổi đầu hò hẹn say mê
Anh nắm tay em sôi nổi vụng về
Mà nói vậy: “Trái tim anh đó
Rất chân thật, chia ba phần
tươi đỏ
Anh dành riêng cho đảng phần
nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu”
Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh
nhỉ”
Rồi hai đứa hôn nhau, hai người
đồng chí
Dắt nhau đi cho đến sáng mai
đây…”
Mẹ kiếp tán nhau kiểu Bài Ca Mùa Xuân 1961 ở trên của Tố Hữu thì... thối bỏ mẹ. Em bé nào người ngợm bình thường, đầu óc không khật khùng kiểu em cán bộ mát dây như trong bài thơ vớ vẩn ấy thì phải tát cho thằng đàn ông tỏ tình kiểu cậu Tố Hữu mấy tát, đuổi cha nó đi ăn mày cho đáng kiếp Cộng Sản chứ làm gì có chuyện hai người đồng chí quay sang “bú mồm” nhau như nhà thơ cung đình đã viết láo viết lếu như thế.
Vậy nên “bộ đội cụ Hồ” lén nghe nhạc vàng của Ngụy thấy đã đời hơn là nghe những tiếng chầy trên sóc... con mẹ gì hay hò kéo pháo (?) kéo phiếc biết là bao nhiêu. Đó là hồi những năm 70.
Bây giờ, sau gần 40 năm chiếm miền Nam, chuyện nghe nhạc vàng lại càng ngày càng phổ biến nhiều hơn. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các giọng ca của miền Bắc vào Sài Gòn bỗng tìm ra những bài hát của các nhạc sĩ miền Nam và thấy đó mới là loại nhạc để hát, để cho thính giả và khán giả nghe. Những thế hệ ca sĩ trẻ sau đó ở trong nước cũng tiếp tục hát những bản nhạc đó đến độ tờ Công An mới đây đã phải viết một bài than phiền về các chương trình hát loại nhạc cũ trước năm 1975, trong khi không thèm dùng các bản nhạc có nội dung làm “phấn chấn những đôi lứa yêu nhau vượt lên lửa đạn, hay những bài tình ca theo suốt từng chặng hành quân của người bộ đội”. Tờ Công An cho biết các chương trình nhạc truyền hình thứ Bảy mỗi cuối tháng mang tên là Tình Khúc Vượt Thời Gian đều chỉ trình bày những ca khúc của Sài Gòn trước năm 1975 như Tuổi Mười Ba, Ngàn Thu Ao Tím, Mưa Nửa Đêm, Nửa Hồn Thương Đau... và luôn cả những ca khúc sáng tác ở hải ngoại. Bài báo phàn nàn là các chương trình này chỉ nhắm hoài niệm dĩ vãng và tôn vinh nhạc hải ngoại. Bài báo muốn các chương trình này bỏ thái độ “kỳ thị đối với nhạc tình của miền Bắc trước năm 1975 khi không sử dụng những sáng tác thuộc loại nhạc cách mạng”. Nhưng ai mà chẳng biết rằng nhạc hay thì mới có người nghe chứ dở mà... cách mạng thì nghe làm chó gì.
Mà nếu nhạc hay thì người nghe tìm nghe và ca sĩ sẽ đem ra hát. Những bài hát mà tờ Công An nêu ra là các sáng tác của Ngô Thụy Miên, Hoàng Trọng, Phạm Đình Chương, Anh Bằng… Mà các nhạc sĩ này thì không cần phải về nước, tuyên bố vài ba câu nhăng nhít nào là mấy chục năm đi trong đêm mù mịt, về nước mới sáng mắt ra vân vân để xin cho hát nhạc của mình.
Trong khi người làm công việc đó cũng chẳng được bọn chó dại trong nước đối xử tử tế một chút nào, cuối cùng chết âm thầm và mờ nhạt mới là chán.
* * *
Ngày 7 tháng 5 năm năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay, đài ABC trong bản tin buổi sáng có nói về một dịch vụ mới ở Mỹ: snuggery. Dịch vụ này đã thấy có ở một vài thành phố lớn ở Mỹ. Khách trả mỗi phút 1 đô la để được nằm ôm một phụ nữ trên giường. Giường và người phụ nữ đều do dịch vụ cung cấp.
Ôm thôi. Không làm bất cứ gì khác. Qui luật đã nói rõ như thế. Tối thiểu mỗi phi (?) vụ phải là một tiếng đồng hồ. Mỗi phút 1 đô la và như vậy, mỗi giờ là 60 đô la. Jackie Samuel ở New York quảng cáo dịch vụ của cô trên internet và nói rằng người Mỹ ít được ôm chay (non sexual touch) nên cô muốn giúp những ai thiếu thốn những cái ôm chay đó. Cô cũng quảng cáo trên đài phát thanh, báo chí địa phương, và nay dịch vụ này đã thấy có mặt ở nhiều nơi khác.
Jackie Samuel nói là có nhiều kiểu ôm khác nhau, nhưng cô đề nghị ôm theo kiểu... úp muỗng (spoon). Cô cho biết cô là người nhỏ bé nên rất hợp với kiểu úp muỗng. Những người đàn ông nào được vợ giao cho công việc rửa chén thì phải biết kiểu úp muỗng này.
Hai cái muỗng được xếp như ôm vào nhau, cái muỗng nọ... xem lưng cái muỗng kia. Mất 60 đô la để ôm và xem cái lưng… một tiếng thì có gì lạ đâu. Thỉnh thoảng giận nhau cũng úp muỗng đó chứ.
Thế thì snuggery thực ra cũng chẳng có gì hấp dẫn. Mà cũng không mới lạ gì. Nói để các bà yên tâm. Yasunari Kawabata (Nobel Văn Chương 1968) trong cuốn The House Of Sleeping Beauties viết từ năm 1961 cũng đã viết về một dịch vụ tương tự. Kawabata viết về một cái quán nhỏ nơi những người khách, mà thường là mấy ông già, đến đó, trả tiền để ngủ chung với những phụ nữ trẻ đã được cho uống thuốc ngủ mê man cho đến khi một người phụ nữ một ông già thuê để ngủ chung thình lình qua đời trong đêm và quán phải đóng cửa. Không thấy Kawabata viết là có úp muỗng không. Nhưng ngủ chung thì có.
Thánh Cam Địa (Mohanda Gandhi) của Ấn Độ cũng có một thời gian mỗi tối đều vào giường với hai thiếu nữ còn trẻ khỏa thân ngủ chung. Gandhi nói rằng ông làm như thế để kiểm soát những ham muốn xác thịt của ông và để giúp cho tinh thần và thể xác của ông trong sạch, thánh thiện.
Đến như thánh (Cam Địa) mà còn làm như thế. Mà làm như thế rồi vẫn tranh đấu chống chế độ thuộc địa của đế quốc Anh, đem lại độc lập cho toàn thể tiểu lục địa Ấn Độ thì việc ông làm mỗi tối chắc phải lành mạnh và tốt đẹp lắm.
Vậy thì thỉnh thoảng ông chồng có xin phép đi ôm một hai tiếng để cho tinh thần sảng khoái, thể xác trong sạch một chút thì chắc các phụ nữ Mỹ cũng không hẹp hòi gì mà cấm đoán không cho các chàng mang cái muỗng đi úp sau khi chén bát đã rửa xong, xếp bên cái sink trong nhà bếp.
Chỉ cần khéo một chút để cái muỗng còn nguyên vẹn mang về nhà, hôm sau còn đi ăn phở hay bún bò Huế là được rồi.
* * *
Ngày 8 tháng 5 năm năm 2013
Bạn ta,
Sau vụ xử tại tòa Southwark Crown ở Luân Ðôn, nước Mỹ có thể sẽ phải nghĩ ra một câu nói khác để thay thế câu đã được dùng từ nhiều năm nay mong cứu được những người đàn ông tình ngay lý gian ở quốc gia này mới được.
Câu gỡ tội đó là câu tôi đọc được trong cột báo của một nữ lưu mà cả nước Mỹ yêu quí và tín nhiệm, Ann Landers. Người phụ trách mục gỡ rối trong gần một nửa thế kỷ trên các trang báo Mỹ một lần được một người đàn ông hỏi là làm sao thoát hiểm nếu hôm nào tình cờ vợ hay bạn gái mở hộp đựng găng tay trong xe ra, và thấy mấy món đồ lót phụ nữ rơi ra. Lúc ấy thì phải nói gì, và phải làm gì để toàn thây?
Ann Landers trả lời tỉnh queo rằng cứ thú nhận mình là transvestite, thỉnh thoảng mặc y phục phụ nữ cho vui là thoát ngay.
Từ đó, nhiều người đàn ông đã đành phải thú nhận mình mắc một thứ bệnh tâm thần nhẹ là lâu lâu lại kín đáo mặc mấy món này cho đỡ buồn. Nhiều người đàn ông ở nước Mỹ nhờ đó mà thoát nạn, và ngày nay, trò transvestism không còn bị coi là chuyện xấu xa cần giấu nữa.
Luôn cả những người trong phòng khách có cuốn catalogue của Victoria's Secrets nằm chình ình trên bàn xa lông cũng có thể dùng lối giải thích đó mà thoát nạn, hay ít ra thì cũng không bị ngờ vực và đổ cho đủ mọi thứ chuyện.
Nguyên do là mấy hôm trước, một công dân Anh bị cảnh sát chặn khi có điệu bộ khả nghi ở giữa thủ đô Luân Ðôn, cảnh sát khám cái túi giấy chàng cầm trong tay, thì thấy trong đó có một đống quần áo lót phụ nữ rất đẹp và đắt tiền (trị giá khoảng hơn 500 Mỹ kim). Hỏi của ai, thì người đàn ông này nói là của chàng, để mặc trong những ngày mùa đông cho ấm.
Cảnh sát không tin, dồn cho mấy câu nữa, cuối cùng chàng phải thú nhận là vừa đi ăn trộm của một cửa tiệm gần đó.
Người đàn ông này sẽ bị tuyên án vào tháng tới.
Như vậy là câu giải thích mà Ann Landers gợi ý cho những người đàn ông Mỹ bao nhiêu năm nay bỗng nhiên trở thành vô dụng. Cảnh sát không tin nữa. Mà khi cảnh sát đã không tin, thì làm sao còn có thể dùng để gỡ tội được nữa.
Bây giờ những người đàn ông có vài ba món lingerie để trong cốp xe sẽ ăn làm sao, nói làm sao bây giờ?
Người đàn ông này bị bắt và bị tòa phạt là đáng. Giấu đầu hở đuôi thì không tha được. Ai lại mặc mấy thứ đó cho ấm bao giờ! Mặc cho mát mới đúng chứ.
Khi không khai láo làm bao nhiêu người không còn dùng được câu cứu nguy cũ nữa.
Thế thì bây giờ phải làm gì?
Không thể thú nhận là transvestie được nữa. Mà cũng không thể nói là có người cho, hay có người để quên, hay sở có lạc quyên quần áo cũ để tặng mấy quốc gia Trung Phi nghèo khó hay đang lái xe qua cầu, gió thổi bay vào trong xe, định mang ra tòa thị chính gửi vào kho “lost and found” để có ai làm rớt đến xin lại.
Hay là nhận cái tội như người đàn ông ở Luân Ðôn và nói rằng đó là vài ba món vừa đi ăn trộm về? Nhưng tại sao lại nhận cái tội lớn như thế trong khi mình không làm việc đó?
Thế thì phải nhận là có người cho hay sao? Muốn chết à?
Hay là lôi thơ Dực Tông ra đọc, rồi ngậm ngùi: “Xếp tàn y lại để dành hơi” cho phía bên kia tin là nó đã ra nằm ở một bãi đất đâu đó rồi?
Nhưng đàn ông Mỹ nào văn học nghệ thuật được như ông vua của triều Nguyễn?
* * *
Ngày 9 tháng 5 năm năm 2013
Bạn ta,
Hà Lan dự tính sẽ dùng những cái nhãn tương tự như những cái nhãn có chữ PASSED mà chúng ta vẫn thấy trên các sản phẩm của Nhật như các loại máy chụp ảnh của Minolta, Nikon, Fujica... chứng nhận phẩm chất của các sản phẩm do các công ty này sản xuất.
Những cái nhãn PASSED bảo đảm là các sản phẩm đã được kiểm soát về phẩm chất do các kiểm soát viên của hãng. Nhìn thấy chữ PASSED, người tiêu thụ yên trí về phẩm chất của hàng mua.
Chỉ khác là những cái nhãn mà Hà Lan dự tính dùng sẽ không được dán lên các sản phẩm của họ, vì thực ra, gọi là sản phẩm thì cũng không đúng. Dịch vụ có thể đúng hơn.
Ở một quốc gia với hơn hai ngàn thanh lâu và khoảng ba chục ngàn phụ nữ bán phấn buôn hương thì việc làm của Hà Lan là đúng, nhất là trong thời buổi cạnh tranh kinh tế ráo riết như hiện nay, với các dịch vụ càng ngày càng rẻ và nhìn đâu cũng có.
Chính phủ Hà Lan cho biết sẽ ủng hộ đề nghị đóng những cái mộc (seals) chứng nhận phẩm chất cho các thanh lâu được tổ chức chu đáo và các phụ nữ làm việc tại các nhiệm sở này sau khi kiểm soát kỹ lưỡng và biết chắc là phẩm chất đạt được tiêu chuẩn chính phủ đặt ra (*).
Chính phủ Hà Lan cách đây 4 năm đã thu hồi lệnh cấm bán và mua dâm. If you cannot fight them, join them: chống, cấm đoán không được thì chi bằng đứng hẳn về phía bên kia cho rồi. Có thể đó là lối suy nghĩ của chính phủ Hà Lan. Trước đó, chính phủ Hà Lan cũng đã cho phép dân chúng tự do sử dụng cần sa như ở Mỹ cho dân chúng uống bia vậy. Dĩ nhiên là cũng có những hạn chế, nhưng cho phép. Hà Lan thấy là từ khi cho phép mua bán nhu cầu của những người kích thích tố đực chạy quá mạnh (testosterone) thì những trường hợp phạm pháp trong lãnh vực tình dục giảm hẳn xuống. Thấy con đường đi đúng, chính phủ quyết định cải thiện thị trường hiện nay bằng biện pháp kiểm phẩm (quality control) tại các cơ sở cung cấp các dịch vụ.
Như thế, các dịch vụ này trong tương lai cũng sẽ được xếp hạng một sao, hai sao, ba sao đến bốn sao hệt như các khách sạn hay những bài điểm phim, điểm nhà hàng, tiệm ăn, điểm máy chụp hình...
Thí dụ một sao, hai sao, ba sao là nhất định phải bỏ ra ngoài danh sách những nơi ghé của các công ty du lịch. Bốn sao, năm sao là những nơi phải ghé của các du khách.
Nhưng ngoài tiêu chuẩn đánh giá mà chính phủ đặt ra, chắc chắn sẽ còn có những đánh giá, lượng định của các tư nhân, thí dụ các cây viết của các tờ báo chuyên về giải trí chẳng hạn.
Nếu đã có những cây bút chuyên đi nếm, đi thử rồi về viết những bài giới thiệu các tiệm ăn (food critics) hay các hầm rượu (wine critics), thì rồi đây, các tòa báo ở Hà Lan cũng phải có những cây bút chuyên điểm những thanh lâu để viết bài cho độc giả đọc trên báo.
Ở những thành phố lớn bên Mỹ, food critics là những người có quyền sinh sát với các tiệm ăn. Khen thì thực khách đến xếp hàng trước cửa, chê thì tiệm ăn biến thành cơ sở tu hành của người đàn bà tên là Ðanh ngay.
Tưởng tượng cây bút điểm thanh lâu mô tả chủ nhân có nước da lờn lợt, to béo, bên cạnh là dăm bảy phụ nữ lông mày như râu con ngài, giữa nhà có cái hương án treo một bức tượng có đôi lông mày trắng, lại có một phụ nữ lột áo lầm rầm nguyện hương, ong bướm bay lia chia, người đàn bà chủ cơ sở leo lên giường bắt một thiếu nữ lạy là mẹ, rồi quay sang bên cạnh lạy một người đàn ông tuổi ngoại tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi, quần áo bảnh bao bắt gọi là cậu thì cây bút phải về tòa soạn viết ngay cho một bài cực kỳ xấu cho cơ sở sập tiệm luôn. Có thể nhờ đó mà người khách du họ Thúc ở Lâm Truy sẽ sợ, không đến mà nhờ đó, thân phận của người phụ nữ trẻ mà cơ sở vừa mua được sẽ đổi đi phần nào, không đến nỗi đoạn trường như vậy chăng...
Việc lượng giá và định phẩm chất của các thanh lâu là một việc mà chính phủ Hà Lan làm rất đúng.
Vừa giúp Hà Lan cạnh tranh với các nước trong Liên Hiệp Âu Châu mà còn giúp cho rất nhiều người tránh được những vất vả như người đàn ông quen thói bốc rời mà chúng ta cũng biết.
(*) Seal of Quality for Better Brothels? REUTERS
* * *
Ngày 10 tháng 5 năm năm 2013
Bạn ta,
Nếu không đọc bản tin của AFP sáng nay thì chắc tôi vẫn tin rằng ở thế giới văn minh của chúng ta, không ai còn dùng cái “thiết bị” mọi rợ và dã man đó trong thế kỷ 21 này nữa.
Nó là cái chastity belt (ceinture de chasteté), cái thắt lưng trinh bạch, có từ thời Trung Cổ, thời đại mà những người phụ nữ vẫn còn bị coi là tài sản của đàn ông, để bảo đảm là tài sản ấy, khi khóa lại, chỉ có chủ nhân được toàn quyền sử dụng. Khi mới nghe nói về nó, tôi nghĩ khó có thể có một vật dụng như thế trên đời này. Lý do là không một ai có thể đeo một cái gọi là thắt lưng, nhưng thực ra là một cái quần bằng sắt che kín phía dưới trong suốt thời gian người chồng vắng nhà, cho dù đó là hai ba ngày khi chàng ra tỉnh, hay vài năm khi chàng theo đoàn hiệp sĩ viễn chinh thập tự quân đi Trung Ðông đánh bọn Hồi giáo đòi lại thánh địa. Nhưng cái “thiết bị” đó, thực ra vẫn còn sống cho mãi tới ngày nay, và vẫn có những người đàn ông bắt những người đàn bà đeo nó, và vẫn còn có những người đàn bà chịu đeo nó trên người vì người đàn ông muốn.
Tưởng tượng cái còng ở cổ tay hay cái gông sắt ở cổ đeo suốt ngày đêm thì làm sao chịu nổi. Nhưng có thể nếu kiểu được vẽ khéo một chút, thì hình như vẫn đeo được trên người dăm ba ngày, như bản tin của AFP gửi đi từ Athens, thủ đô Hy Lạp, cho biết.
Nếu phi trường Athens không sử dụng các hệ thống an ninh dò tìm kim loại ở lối lên máy bay để dò súng đạn và chất nổ, thì có thể không ai biết có người đeo nó lên máy bay. Nhưng khi còi hụ báo động kêu ầm ỹ, các nhân viên an ninh chận người phụ nữ quốc tịch Anh 40 tuổi lại, thì cảnh sát và phi hành đoàn mới được cho biết người nữ hành khách có đeo một cái chastity belt trong người.
Người phụ nữ cho biết bà bị chồng bà buộc phải đeo nó trong chuyến đi Hy Lạp để ông có thể biết chắc bà không đi lạc ra ngoài con đường chính nghĩa.
Như vậy là chỉ mới tuần trước vẫn còn có người bị bắt đeo nó trong người. Chỉ một chuyến viếng thăm ngắn ngủi ở Hy Lạp, người chồng bắt người vợ phải đeo nó, rồi chàng đích thân khóa lại, chìa khóa chàng giữ lại ở Luân Ðôn, nàng mới được cho đi Athens vài ngày.
Nhân viên an ninh, có thể không tháo ra được vì không có chìa khóa, mà gọi thợ khóa làm cái chìa khác thì hơi lâu (mặc dù thợ khóa sẵn sàng làm cho vài cái chìa khóa miễn phí), nên đã để cho người phụ nữ này lên máy bay trở lại Luân Ðôn sau khi phi công của máy bay đứng ra nhận trách nhiệm nàng sẽ không làm gì gây nguy hiểm cho tính mạng các hành khách khác.
Chuyện này làm người ta thắc mắc vài ba điều.
Người phụ nữ tại sao lại tiếp tục ở với một... con thú như thế? Tại sao người này lại chịu làm theo cái mệnh lệnh hay đề nghị mang đầy nét nhục mạ, hạ thấp nhân phẩm con người như thế? Tại sao không ném cái “thiết bị” đó vào mặt con quái vật tiền sử ấy rồi mở cửa bỏ đi?
Còn người đàn ông thì tại sao phải giữ một con ngựa như vậy? Xểnh ra là nó... chạy lung tung thì giữ nó làm gì? Chìa khóa nào phải là thứ không đánh được ở... Home Depot? Hay là nghĩ rằng cửa... của (?) mình, mình khóa để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”? Sao không thả cho nó đi để đỡ phải mang tiếng mọi rợ?
Còn các ông an ninh phi trường, tại sao không lôi cái cưa điện ra, cắt nó ra, quăng đi cho người hành khách du lịch... thoải mái?
Cứ cắt nó ra, giữ trong phòng phi công, đến nơi, trao lại cho khổ chủ thì cũng có sao? An ninh không lưu mà.
Làm như thế, từ nay, những người đàn ông hư đốn bị vợ bắt đeo một cái vào người để cho “tiết hạnh khả phong” trước khi ra phi trường, cứ bình tĩnh xuất trình vé và đi qua máy dò kim khí, khi máy gào lên, quay trở lui, nhờ cắt hộ, vì con dao mở đồ hộp mang theo (?) không làm gì được với cái thắt lưng trinh bạch ấy…
Vài hôm sau, khi trở về nhiệm sở, xuất trình cái thiết bị đã bị cắt mở tung có giấy chứng nhận của an ninh phi trường là không ai có quyền làm khó dễ gì hết.
Vỏ quít dày thì... cưa ở phi trường vẫn bóc được như thường.
Bùi Bảo Trúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét