Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Vô tình nhiễm HIV


hiv-prevention
Mới đây ở Việt Nam có một thắc mắc về mức độ chính xác của một email liên quan tới nhiễm HIV như sau:

Subject: Phòng chng HIV khi b kim đâm
Tôi mới nhận được email về cách phòng chống HIV khi bị kim đâm. Xin được chia sẻ cùng các bạn:
Khi bị giẫm kim tiêm chứa HIV. Đừng lo lắng mà bình tĩnh xử lý theo những bước sau:

1) Bạn phải nặn máu ra
2) Ghé vào nhà người dân gần nhất xin xà phòng bôi vào vết thương để sát trùng rồi rửa sạch
3) Trong vòng 24h đến cơ sở y tế gần nhất mua thuốc chống phôi nhiễm HIV. Lưu ý thuốc chỉ có tác dụng trong vòng 72h, uống liên tục trong vòng 4 tuần.
Vì lợi ích của cộng đồng hãy send tin này cho tất cả mọi người. Vì chỉ bằng tin nhắn này của bạn, bạn có thể cứu sống được một mạng người đấy!”


Xin có đôi lời góp ý:
- Nặn máu ra có mục đích loại bỏ những vi sinh vật, hóa chất độc xâm nhập máu qua vết thương trên da như vết dao cắt, kim đâm, rắn cắn, ong đốt... Không nên lấy miệng hút máu như một số người xưa thường làm, e rằng chất độc ngấm qua niêm mạc miệng.
- Chỉ cần rửa tay kỹ càng bằng xà bông thường rồi xả nước nóng ấm chứ cũng không cần xà bông quảng cáo là có kháng sinh diệt trùng.
Email viết “khi bị giẫm kim tiêm CHỨA HIV” có ý nói là kim dính máu nhiễm HIV đâm vào da của mình thì cách đối phó (hoặc xử lý) như trên đã tóm tắt một phần nào hướng dẫn của các nhà chuyên môn y khoa học về “Bất Ngờ Gặp HIV” (Accidental HIV exposure).
Còn trường hợp khi vừa mới ngồi xuống ghế trong rạp hát mà thấy bàn tọa đau nhói, đứng lên tìm kiếm thì ôi thôi... đã ngồi lên một kim tiêm kèm theo mảnh giấy ghi mấy hàng chữ “Chào mừng bạn đến với thế giới của gia đình HIV”.
Hoặc rút tiền ở máy ATM, lấy tiền lẻ thối lại ở máy bán đồ tự động rồi bị một cái kim chích do ai đó gài cạnh máy đâm vào tay với vài chữ nguệch ngoạc “Bạn đã nhiễm HIV” thì nhiều người cũng e ngại là có thể bị nhiễm HIV.
Nhưng xin thưa rằng, theo các nhà chuyên môn, chưa có tài liệu nào chứng minh về sự truyền HIV theo 2 cách vừa kể. Vì nhiễm bệnh chỉ xảy ra khi một trong những người liên quan tới tình trạng tiếp cận đã bị nhiễm với HIV. Ngoài ra, tác nhân gây bệnh HIV không sống lâu khi ra khỏi cơ thể.
Vô tình nhiễm HIV có thể xảy ra cho nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân nhiễm HIV như là khi lấy máu để thử nghiệm thì chẳng may kim hút đó chích vào da, virus xâm nhập.
Nhân dịp này, xin nhắc lại mấy điều căn bản, giải tỏa vài ngộ nhận về dịch bệnh trầm kha thời đại này. Gọi là trầm kha vì hằng năm vẫn còn cả triệu người mắc bệnh, tử vong vì bệnh vẫn chưa trị dứt được và vẫn chưa có thuốc chủng ngừa, mặc dù nhiều tỷ Mỹ kim đã được tiêu dùng tìm kiếm cho phương thức chữa- tránh.

Trước hết cần phân biệt HIV và AIDS.
HIV là chữ viết tắt của Human immunodeficiency virus, là loại virus gây ra bệnh liệt kháng AIDS. Có virustrong cơ thể không bắt buộc là bị AIDS. Nhiễm virus này thường cần một thời gian khá lâu, có khi cả mươi năm thì Bệnh liệt kháng, AIDS (Acquired immunodeficiency syndrome), mới xuất hiện.

1. Tại sao bệnh gây nhiều tử vong, khó chữa?
Vào được cơ thể, virus gây bệnh xâm nhập trực tiếp vào hệ thống bảo vệ cơ thể là những tế bào máu gọi là T cell và cơ quan miễn dịch.
Trong nhân tế bào, virus tạo ra các virus mới và bắt đầu tấn công cơ quan sản xuất các tế bào máu như tủy sống, tuyến ức (thymus), hạch. Diễn tiến bệnh tùy thuộc sức khỏe con người, hệ thống miễn dịch và loại virus. Trung bình nếu không được điều trị, thời gian từ khi nhiễm HIV tới bị bệnh AIDS khoảng từ 8 tới 10 năm.
Đo số lượng virus và số lượng T cell trong máu cho biết tình trạng trầm trọng của bệnh.
Khi CD4+ T cell dưới 200/mm3 máu là ở giai đoạn khá xa của bệnh AIDS. Bình thường CD4+ T cell từ 500-1600/mm3 máu.
Vì có nhiều loại HIV và chúng thay đổi cấu trúc liên tục cho nên thuốc chống virus đặc trị không kịp thời tiêu hủy, do đó bệnh kéo dài.

2. Chỉ những người đồng tính luyến ái và chích choác mới bị HIV- AIDS.
Không hoàn toàn đúng.
HIV là loại virus gây bệnh ở mọi giới nam nữ, tuổi tác, nòi giống kể cả em bé mới lọt lòng mẹ. Bất cứ hành vi nào như hoạt động tình dục không bảo vệ, giao hợp với nhiều đối tượng khác nhau hoặc dân ghiền dùng chung ống chích đều có nguy cơ nhiễm HIV.

3. Chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân AIDS có lây bệnh không?
Không.
HIV không lan truyền qua sự tiếp xúc hằng ngày với bệnh nhân ở bệnh viện, trường học, ở nhà cũng như qua quần áo, chăn màn, chén bát hoặc điện thoại, cầu tiêu, khi bệnh nhân ho, hắt hơi, sổ mũi. Cũng không truyền qua hôn khan, hôn nhẹ, đấm bóp (massage), tắm chung với người bệnh.
Virus HIV chỉ sống được trong các chất lỏng còn tươi của cơ thể như máu, tinh dịch, nước âm hộ và chúng rất dễ dàng bị oxy hủy hoại. Vài giờ trong không khí là virus hết sống.

4. Như vậy thì HIV lây lan bằng cách nào?
Để bị nhiễm bệnh, cần sự tiếp xúc trực tiếp với các chất lỏng của cơ thểVirus hiện diện trong đa số các chất lỏng này nhưng sự lây bệnh hầu hết đều qua:
- máu,
- nước tinh dịch,
- chất tiết âm hộ,
- sữa mẹ bị nhiễm HIV.
Nước tiểu, nước miếng, phân, mồ hôi cũng có thể có một chút virus, nhưng số lượng không đủ để gây nhiễm.
HIV có thể xâm nhập cơ thể qua vết thương trực tiếp hoặc qua màng nhầy lót mặt trong nhiều bộ phận như xoang mũi, âm hộ, trực tràng, ống dẫn nước tiểu. Virus không xâm nhập qua da trừ khi da bị tổn thương hay bị trầy xước.

Nói chung, bệnh lây lan như sau:
- Hoạt động tình dục với người bị bệnh khi niêm mạc lót miệng, âm hộ, dương vật hoặc trực tràng (rectum) tiếp xúc với chất lỏng cơ thể chứa virus, chẳng hạn giao hợp mà không mang bao cao su bảo vệ.
- Chích hoặc truyền máu bị nhiễm virus. Thí dụ dân ghiền thuốc cấm dùng chung ống chích, tiếp nhận máu không được kiểm soát, chẳng may bị kim tiêm nhiễm virus đâm vào da. Virus trong máu người bệnh khá nhiều, chỉ vài giọt là đủ để truyền bệnh rồi.
- Truyền từ mẹ nhiễm bệnh sang con trong thời kỳ mang thai, trước hoặc trong khi lâm bồn sanh đẻ hoặc thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

5. Xâm da có bị nhiễm HIV không?
Chưa có tài liệu chứng minh lây lan HIV qua xâm da, bấm lỗ trên da để đeo trang sức vì virus không sống lâu ngoài không khí.
Tuy nhiên, nếu dụng cụ dùng trong các dịch vụ này dính máu khách hàng trước mà không vứt bỏ hoặc được khử trùng cẩn thận thì vẫn có thể lây bệnh cho khách kế tiếp.
Vì thế trước khi xâm, bấm nên kiểm soát sự sạch sẽ của dụng cụ.

6. Và muỗi đốt có truyền bệnh?
Không.
Lý do là khi virus HIV mà muỗi hút từ người bệnh AIDS vào ruột sẽ bị coi như một loại thực phẩm và tiêu hóa ngay với máu người bệnh.
Bình thường khi đốt người, muỗi nhả vào một chút nước miếng của muỗi chứ không nhả máu. Nhưng nước miếng của muỗi lại chứa vi sinh vật gây ra các bệnh như sốt rét ngã nước, sốt vàng (yellow fever), hay West Niles fever.
Thắc mắc, ngộ nhận về HIS-AIDS còn nhiều, xin hẹn vào một dịp khác.

Kết luận
HIV không dễ dàng lan truyền từ người này sang người khác.
Để nhiễm bệnh, cần có máu, sữa, nước tiết khi giao hợp chứa HIV xâm nhập cơ thể. Phụ nữ có thai nhiễm HIV đều truyền bệnh cho thai nhi.
Để tránh nhiễm HIV:
- Mang bao cao su khi giao hợp;
- Không dùng chung ống kim chích với người bệnh;
- Đang bị bệnh mà có thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ về sử dụng thuốc trị HIV;
- Bảo vệ các vết thương trên da, miệng, mắt khỏi sự xâm nhập của HIV;
- Nếu cho là mình có thể bị nhiễm HIV, tham khảo ý kiến bác sĩ về xét nghiệm, uống thuốc trị HIV.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét