Kỳ án "ụ nổi" của Dương Chí Dũng: Con voi chui lọt... cửa hải quan
(Dân trí) - Trong kỳ án "ụ nổi sắt vụn" của Dương Chí Dũng và đồng bọn gây thiệt hại gần 370 tỷ đồng cho nhà nước, nếu không có sự tiếp tay của những cán bộ hải quan tại cảng Vân Phong (Khánh Hòa) thì chắc chắn sẽ không có chuyện "con voi chui lọt lỗ kim".
Trong số 10 bị can bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến phi vụ mua ụ nổi 83M, ngoài nhóm bộ sậu Dương Chí Dũng thì có đến 3 cán bộ hải quan "góp mặt" là: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng.
Chắc chắn nếu không có sự tiếp tay của nhóm cán bộ hải quan biến chất thì dù Dương Chí Dũng và đồng bọn có dùng đến bao nhiêu mưu mô thủ đoạn cũng không thể đưa cả đống sắt vụn khổng lồ 83M vào Việt Nam trót lọt. Bởi vậy, trong kỳ án "ụ nổi sắt vụn" của Dương Chí Dũng còn có câu chuyện li lỳ về việc "con voi" ụ nổi 83M chui lọt...cửa hải quan.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, hợp đồng mua ụ nổi 83M giữa Vinalines với công ty AP được ký ngày 15/3/2008. Đến ngày 28/5/2008, ụ nổi 83M được vận chuyển từ cảng Nakhodka (Liên bang Nga) về Việt Nam bằng tàu nâng nặng của công ty Dock Wisi (Hà Lan). Ngày 6/6/2008, ụ nổi này được đưa về cảng Vân Phong (Khánh Hòa) và được Chi cục hải quan Vân Phong Cục hải quan Khánh Hòa làm thủ tục thông quan, nhập khẩu.
Ly kỳ chuyện ''con voi'' ụ nổi 83M chui lọt...cửa hải quan. (ảnh: Lao động)
Chi cục hải quan Vân Phong tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu ụ nổi 83M của Vinalines, trong đó bao gồm: Hợp đồng mua bán ụ nổi, hóa đơn thương mại do Công ty AP phát hành. Nội dung các tàu liệu này đều thê hiện ụ nổi 83M là tàu biển, sản xuất năm 1965, đến thời điểm tháng 6/2008, tuổi thọ của ụ nổi này đã là 43 năm.
Mặc dù biết ụ nổi 83M đã là tàu biển nhưng khi làm thủ tục thông quan, nhập khẩu, nhóm cán bộ hải quan cảng Vân Phong vẫn thực hiện theo quy trình như sau: Sau khi tiếp nhận, kiểm tra sơ bộ và đăng ký hồ sơ nhập khẩu ụ nổi do ông Võ Hồng Phú, cán bộ Vinalines nộp, ông Nguyễn Văn Thọ, công chức bước 1 Chi cục hải quan Vân Phong báo cáo đề xuất kiểm tra chi tiết hồ sơ và được ông Huỳnh Hữu Đức - phó chi cục trưởng duyệt và chuyển hồ sơ cho Lê Ngọc Triện là công chức bước 2 thực hiện kiểm tra chi tiết hồ sơ.
Khi kiểm tra hồ sơ phát hiện ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng Triện không báo cáo với lãnh đạo mà chỉ tính thuế rồi chuyển cho Lê Văn Lừng. Lừng tiến hành kiểm tra thực tế thấy ụ nổi đã cũ, han rỉ, hư hỏng nhiều, máy phát điện không hoạt động, không đủ điều kiện nhập khẩu nhưng vẫn báo cáo đề nghị Huỳnh Hữu Đức cho thông quan.
Khi xem xét hồ sơ, Huỳnh Hữu Đức biết rõ ụ nổi 83M không đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định nhưng vẫn "nhắm mắt" ký đồng ý cho thông quan.
Trong quá trình điều tra, để xác định ụ nổi 83M là tàu biển hay các phương tiện khác, cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc với các cơ quan, đơn vị: Văn phòng interpol Matxcova, Tổng Cục Hải quan Việt Nam, Cục hải quan TP Hồ Chí Minh... đều xác định ụ nổi này là tàu biển.
Theo Nghị định 49/2006/NĐ-CP quy định : Trường hợp đăng ký lần đầu tại Việt Nam, tàu biển đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng tàu không quá 15 tuổi. Chính vì vậy, ụ nổi 83M được sản xuất từ năm 1965 đến thời điểm Vinalines làm thủ tục hải quan nhập khẩu đã 43 tuổi và hoàn toàn không đủ điều kiện nhập khẩu.
Như vậy, mặc dù biết rõ ụ nổi sắt vụn 83M đã quá tuổi, cũ nát, hư hỏng không đủ điều kiện nhập khẩu, nhóm cán bộ hải quan Vân Phong đã giấu nhẹm không báo cáo lãnh đạo Chi cục hải quan mà hợp thức hóa thủ tục thông quan nhập khẩu cho Vinalines. Đây là việc làm trái quy trình thủ tục hải quan gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Những sai phạm của nhóm cán bộ hải quan này đã mở cửa tiếp tay cho Dương Chí Dũng và đồng bọn đưa được ụ nổi 83M vào Việt Nam, hợp thức hồ sơ gây thất thoát cho nhà nước gần 370 tỷ và tham ô hơn 1,6 triệu USD.
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, trách nhiệm của hành vi sai phạm này trực tiếp thuộc về: Huỳnh Hữu Đức - Phó Chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, người trực tiếp kỹ cho thông quan; Lê Ngọc Triện, cán bộ kiểm tra chi tiết hồ sơ, tính thuế; Lê Văn Lừng, cán bộ kiểm hóa.
Ngay sau khi xác định được những sai phạm của nhóm cán bộ hải quan Vân Phong, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 3 cán bộ này về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo xác định tại bản kết luật điều tra, hành vi phạm tội của 3 cán bộ hải quan đều gây thiệt hại cụ thể như nhau, gần 82,5 tỷ đồng.
Ngoài nhóm cán bộ hải quan Vân Phong, một cán bộ Cục đăng kiểm Việt Nam là Lê Văn Dương, đăng kiểm viên đã tham gia khảo sát, lập ký biên bản giám định ụ nổi 83M. Khi lập ký biên bản kiểm tra giám định, theo đề nghị của lãnh đạo Vinalines, Dương đã đánh giá không đúng thực tế giúp Vinalines hợp thức hóa hồ sơ khảo sát chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi gây thất thoát cho nhà nước gần 82,5 tỷ đồng. Lê Văn Dương cũng đã bị khởi tố về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, 6 bị can khác bị khởi tố cùng tội danh với nhóm cán bộ hải quan là: Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiếu, Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang và Bùi Thị Bích Loan.
Anh Thế
Phạm Duy Nghĩa
Khi người bán chỉ mong được giá 5 triệu USD cho một cái ụ nổi dùng vào việc sửa chữa tàu biển mà người mua sẵn lòng trả tới 9 triệu USD, những thương vụ ngược đời ấy chỉ có ở loại doanh nghiệp cha chung không ai khóc.
Nhận “lại quả” hàng triệu USD từ thương vụ ấy, nguyên giám đốc Dương Chí Dũng của Vinalines được cho là đã vung tiền tỉ mua nhà cho bạn gái. Tham ô, cố ý làm trái là những ngôn từ khô khốc của luật pháp. Trong khi dân nghèo tần ngần lựa những mớ rau ngày càng nhiều.
Chính việc thiếu giám sát đã tạo cơ hội cho người quản trị doanh nghiệp nhà nước lạm dụng quyền lực được ủy nhiệm, làm giàu bất chính. Bất công ấy nếu dai dẳng kéo dài sẽ gieo mầm mống bất an rất lớn cho xã hội.
Ông giám đốc có đi tù, song gánh nặng nợ nần của doanh nghiệp nhà nước vẫn đè nặng lên ngân sách quốc gia, tức trên vai mỗi người dân. Càng bơm tiền cho doanh nghiệp nhà nước càng tăng rơi vãi, của cải khan hiếm của một đất nước vốn đã nghèo lại góp phần làm giàu cho tư gia các nhà quản trị trong nước và làm giàu thêm cho các công ty đồng lõa nước ngoài. Ụ nổi nay đã thành đống sắt han gỉ, song cái ụ chìm đang nâng đỡ những đống sắt vụn ấy cũng cần nhận diện đích danh. Gần 30 năm cải cách, doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự trở thành đầu tàu tạo ra của cải và giúp phân bổ phúc lợi hài hòa, chưa trở thành hình mẫu năng động trong quản trị kinh doanh, chưa đóng góp được nhiều việc làm cho thị trường lao động, và chưa tạo ra hiệu suất sử dụng đồng vốn đầu tư cao tương xứng với những ưu tiên mà Nhà nước đã dành cho chúng.
Để ngăn chặn tham ô và hoang phí tiền dân, cần vun đắp các thể chế tạo ra một nền kinh tế tư hữu và công hữu cùng cạnh tranh năng động. Vụ án liên quan đến ông Dương Chí Dũng của Vinalines, thêm một lần nữa nhắc nhở rằng doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát đầu tư công, sau ba thập kỷ cải cách, vẫn cần phải đặt ở vị trí trung tâm trong cải cách thể chế kinh tế hiện nay. Cần xác định rõ chủ sở hữu, tạo điều kiện cho người dân, báo chí, các cơ quan dân cử tham gia quyết định, kiểm soát và giám sát ngày càng chặt chẽ hơn hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, giảm độc quyền và ưu đãi, buộc họ phải cạnh tranh với khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, chỉ khi đó doanh nghiệp nhà nước mới tuân thủ kỷ luật thị trường và hi vọng được quản trị hiệu quả. Chỉ khi ấy mới mong ít dần những thương vụ ngược đời như cái ụ nổi của Vinalines.
PHẠM DUY NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét