Diễn tiến
Trước hết tôi xin nói về diễn tiến của sự kiện lịch sử này theo lời cựu Bộ trưởng quốc phòng McNamara và nhận định của ông (1). Nước Mỹ tiến gần tới tuyên chiến tại Việt Nam đó là vụ Nghị quyết vịnh Bắc Việt tháng 8-1964. Những biến chuyển quanh Nghị quyết này cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi mâu thuẫn.
Trước hết tôi xin nói về diễn tiến của sự kiện lịch sử này theo lời cựu Bộ trưởng quốc phòng McNamara và nhận định của ông (1). Nước Mỹ tiến gần tới tuyên chiến tại Việt Nam đó là vụ Nghị quyết vịnh Bắc Việt tháng 8-1964. Những biến chuyển quanh Nghị quyết này cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi mâu thuẫn.
Trước tháng 8-1964 chỉ có một số ít người Mỹ không quan tâm đến diễn tiến ở VN, chiến tranh có vẻ còn xa nhưng biến cố Vịnh Bắc Việt đã thay đổi cái nhìn đó. Về đoản kỳ khi tầu chiến Mỹ bị tấn công trong vịnh và nghị quyết của Quốc hội sau đó đã đưa tới khả năng Mỹ can thiệp vào cuộc chiến chưa từng có trước đây. Theo McNamara điều quan trọng hơn là chính phủ Johnson đã xin Quốc hội ra Nghị quyết này để hợp thức hóa về mặt hiến pháp mọi hoạt động quân sự của Hành pháp Mỹ tại VN từ 1965.
Quốc hội nhìn nhận quyền hạn lớn của Nghị quyết dành cho TT nhưng nó không có nghĩa như một tuyên chiến và cũng không có nghĩa đó là sự cho phép mở rộng lực lực lượng Mỹ tại VN từ 16,000 cố vấn lên 550,000 quân tác chiến. Bảo đảm sự tuyên chiến và cho phép quân tác chiến những năm sau đó chắc là không được.
Nhiều người coi chín ngày từ 30-7 tới 7-8-1964 như một giai đoạn nhiều tranh cãi nhất của cuộc chiến 25 năm. Qua nhiều thập niên, đã có nhiều tranh luận về những sự kiện tại vịnh, Hành pháp tường trình cho Quốc hội và người dân thế nào, xin Quốc hội quyền hành động và hai ông Tổng thống đã xử dụng quyền này qua các năm ra sao
McNamara nêu nên một số câu hỏi và tự ông trả lời như sau.
Tầu tuần duyên của Bác Việt tấn công khu trục hạm Mỹ ngày 2-8 và 4-8-1964, có thật không?
Trả lời: ngày 2-4 thì chắc chắn không chối cãi được. Ngày 9-11-1995 tại Hà Nội, McNamara có gặp gỡ và nói chuyện với Võ nguyên Giáp, ông ta nói ngày 4-8 không có cuộc tấn công của tầu BV như người Mỹ tưởng.
Hồi đó và sau này một số vị dân cử Quốc hội và người dân Mỹ cho rằng chính phủ Johnson khiêu khích địch để có cớ leo thang chiến tranh và dùng mưu mẹo để được Quốc hội chấp thuận cho leo thang.
Trả lời: hoàn toàn không có chuyện này.
Tổng thống trả đũa, cho máy bay ném bom bốn căn cứ tầu tuần duyên và một kho nhiên liệu, như thế có đúng không?
Trả lời: có thể.
Những biến cố tại vịnh BV có liên hệ tới hai chiến dịch riêng rẽ của Mỹ trước đây: Kế hoạch 34A và DESOTO.
Từ tháng 1-1964 Hội đồng an ninh quốc gia đã chấp nhận cho CIA yểm trợ miền nam VN những hoạt động bí mật chống phá BV, mật danh 34A gồm hai hoạt động trước hết thả biệt kích ra Bắc, thứ hai dùng tầu tuần duyên nhỏ, tốc độ cao do người Việt hoặc Mỹ lái đánh phá bờ biển hoặc hải đảo BV những nơi được coi là xuất phát xâm nhập, yểm trợ VC tại miền nam, đánh rồi chạy (hit and run).
DESOTO là một phần của hệ thống thám thính toàn cầu bằng điện tử do những tầu hải quân Mỹ chạy ngoài hải phận quốc tế. Những tầu này thu lượm những tín hiệu của radar, những truyền tin từ các trạm trên bờ các nước CS như Nga, Trung cộng, Bắc Hàn, Bắc Việt cũng giống như Nga dùng tầu lưới cá tại bờ biển Mỹ.
Tối 30-7 -1964, tầu tuần duyên của VNCH tấn công hai hải đảo thuộc vịnh BV được cho là dùng để yểm trợ xâm nhập miền nam VN. Sáng hôm sau khu trục hạm Mỹ Maddox đi vào vịnh (chiến dịch DESOTO ) rất xa các đảo. Hai ngày rưỡi sau tức 2-8 lúc 3 giờ 40 (giờ VN, tức 3 giờ 40 sáng Mỹ) tầu Maddox báo cáo bị những tầu tuần duyên cao tốc đuổi theo, một lúc sau bị tấn công bằng ngư lôi và súng tự động nhưng Maddox không bị trúng đạn hoặc hư hại. Thủy thủ lấy được những mảnh đạn trên boong tầu mà McNamara yêu cầu gửi cho ông làm bằng chứng. Trong quân sử của BV, họ xác nhận đã đưa ra lệnh tấn công Maddox, khi biến cố sẩy ta khu trục hạm này nằm ở hải phận quốc tế, cách bờ biển BV hơn 25 dặm.
Lúc 11:30 sáng (2-8) Tổng thống Johnson họp các cố vấn để nghiên cứu tình hình. Mọi người tin là do cấp chỉ huy địa phương BV hơn là do cấp lớn đã khởi động. Tổng thống vì thế không trả đũa mà chỉ gửi kháng thư cho Hà Nội, ông vẫn cho tiếp tục tuần tiễu, cho thêm khu trục hạm C.Turner Joy đi kèm. Maxwell Taylor, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn phản đối tại sao không giáng trả BV, có thể coi như Mỹ lùi bước không dám đối đầu với CS.
Vào lúc 3 giờ chiều hôm sau Dean Rusk (bộ trưởng ngoại giao) và McNamara thuyết trình cho các Thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban ngoại vụ và Ủy ban quân sự để diễn tả chiến dịch 34A, DESOTO và tại sao Tổng thống đã không giáng trả địch. Hai ông cũng giải thích cho biết DESOTO không có ý khiêu khích BV để tầu Maddox bị tấn công, vẫn tiếp tục chiến dịch DESOTO.
Vào lúc 7 giờ sáng (7 giờ chiều VN) ngày 4-8 tầu Maddox cho biết bị tầu lạ tấn công. Một giờ sau tầu Maddox nói radar cho thấy ba tầu lạ. Hàng không mẫu hạm Ticonderoga ở gần đó đã cho máy bay tới yểm trợ hai tầu Mỹ Maddox và Turner Joy. Trời nhiều mây, có mưa bão lớn rất khó quan sát. Mấy tiếng sau hai tầu này báo cáo bị hơn hai mươi ngư lôi tấn công, thấy vệt sóng của ngư lôi, ánh đèn chiếu sáng trên boong tầu địch, súng tự động nhả đạn, radar của tầu Mỹ có báo hiệu.
McNamara cùng ông phụ tá họp với bộ tham mưu để đối phó. Mọi người đồng ý nếu báo cáo này đúng, cần trừng trị thích đáng kẻ tấn công tầu Mỹ ngoài hải phận quốc tế , vì thế họ vội triển khai ngay kế hoạch cho máy bay từ hàng không mẫu hạm đánh phá bốn căn cứ tầu tuần duyên và và hai kho nhiên liệu. Lúc 11 giờ 40 sáng, McNamara họp với Dean, Mac (Bundy) và các Tướng khác để duyệt lại quyết định, họ tiếp tục bàn tại phiên họp tại Hội đồng an ninh QG và họp với Tổng thống. Johnson đồng ý lần này nếu được xác nhận đúng cần phải trừng trị nhanh và mạnh.
Vấn đề còn lại là cuộc tấn công lần thứ hai có thật không?
Như đã nói tầm nhìn khi bị tấn công đợt hai rất hạn chế, vì thế và vì tiếng động máy dò tầu ngầm thường không đáng tin lắm cho thấy báo cáo về cuộc tấn công đợt hai (4-8) không chắc chắn lắm. Vì thế McNamara cố điều tra để tìm sự thật, ông yêu cầu Trung tướng David A Burchinal liên lạc hỏi Đô đốc Sharp ở Honolulu để biết hư thực.
Lúc 1 giờ 27 chiều đại úy Herrick, người điều hành DESOTO trên tầu Maddox cho biết tin tức về việc bị tấn công bằng ngư lôi có vẻ nghi ngờ. Thời tiêt xấu ảnh hưởng radar có thể gây lên báo cáo đó, đề nghị lượng giá lại trước khi hành động. Bốn mươi phút sau Đô đốc Sharp gọi cho tướng Burchinal nói mặc dù đại úy Herrick nói thế nhưng ông vẫn tin là cuộc tấn công lần thứ hai (4-8) là có thật. McNamara gọi hỏi thẳng Sharp, ông này cho biết có vài nghi ngờ xong cũng tin có bị tấn công bằng một số ngư lôi, tầu Turner Joy báo cáo đánh chìm ba tầu tuần duyên, Maddox báo cáo đánh chìm một hoặc hai cái. McNamara nói khi nào biết chắc là có thật thì sẽ trả đũa. Sharp nói có thể có và sẽ điều tra thêm.
Lúc 4 giờ 47 McNamara họp với các tham mưu trưởng duyệt các chứng cớ liên quan cuộc tấn công, có năm yếu tố cho thấy cuộc tấn công có thật. Tầu Turner Joy bị chiếu sáng khi bị bắn bằng súng tự động, một trong hai khu trục hạm thấy đèn pha trên boong tầu tuần duyên, súng phòng không của họ đã bắn hai phi cơ Mỹ bay ở trên, đã bắt được và giải mã một bản tin của BV được biết họ có hai chiếc tầu bị bắn chìm. Đô đốc Sharp nói có thể có tấn công ngày 4-8. Đến 5 giờ 23 Đô đốc gọi Tướng Burchinal và nói chắc chắn có tấn công các khu trục hạm Mỹ.
Lúc 6 giờ 15 chiều, Hội đồng an ninh QG họp, McNamara kể sơ chứng cớ và đề nghị trả đũa. Mọi người nhất trí hành động, Tổng thống cho lệnh máy bay thuộc Hải quân trừng phạt. Lúc 6 giờ 45 TT Johnson, Dean Rusk, Bus Wheeler (Tham mưu trưởng mới), McNamara họp với các vị Chủ tịch ủy ban Quốc hội để thuyết trình sự việc, giải thích sự trừng phạt. Dean nói BV đã cố ý tấn công, ta cần trừng trị giới hạn. Tổng thống nói ông muốn đưa ra Quốc hội để xin yểm trợ cuộc chiến nếu cần, một số vị dân cử nói họ sẽ ủng hộ.
Lúc 7 giờ 22 hàng không mẫu hạm Ticonderoga và Constelletion được lệnh tấn công trả đũa. Tổng cộng có 64 phi vụ tấn công các căn cứ tuần duyên và kho dầu để trả đũa, chỉ là tấn công giới hạn.
Mấy năm sau, tháng 2-1968 Thượng viện họp xét lại chứng cớ và chỉ trích tường trình của chính phủ. Năm 1972, Tordella, phụ tá giám đốc cơ quan an ninh QG kết luận bản tin nghe được của BV cho là lệnh tấn công ngày 4-8 thực ra là lệnh tấn công ngày 2-8. Cline, phụ tá giám đốc CIA 1964 trả lời một cuộc phỏng vấn năm 1984 nói thế. Phi công Stockdale, năm 1964 đã bay yểm trợ cho hai khu trục hạm Mỹ tối 4-8, sau này viết hồi ký nói tối hôm đó khi bay ngang hai khu trục hạm ông ta chẳng thấy cái tầu BV nào cả và nói chắc không hề có cuộc tấn công này.
Ngày 6-8-1964, lúc 9 giờ sáng các ông Dean, Bus, McNamara vào phòng họp với Ủy ban Ngoại vụ và Quân sự Thượng viện để xác nhận vụ tấn công 2-8 và 4-8 và xin Thượng viện ủng hộ. Dean nhấn mạnh cuộc tấn công này không phải là biến cố riêng mà nó nằm chung trong kế hoạch xâm chiếm miền Nam và các nước Đông nam Á. Sau đó nói chi tiết hai vụ tấn công, Tướng Bus cho biết các TMT nhất trí trả đũa, đó là thích đáng.
McNamara cho rằng Quốc hội hiểu quyền hạn rộng lớn mà Nghị quyết dành cho Tổng thống, nhưng chắc Quốc hội hiểu rằng Tổng thống sẽ không dùng nó mà không tham khảo cẩn thận tường tận với Quốc hội. Hôm sau, lưỡng viện bỏ phiếu bầu ngày 7-8. Thượng Viện thông qua Nghị quyết Tonkin Gulf Resolution với tỷ lệ 88-2, Hạ viện bỏ phiếu thuận hoàn toàn 416-0, tỷ lệ chung là 99.60%.
Nhiều người chỉ trích (sau này) cho rằng chuyện Vịnh có nhiểu âm mưu giả dối, họ lên án chính phủ mong được Quốc hội ủng hộ cuộc chiến tại Đông Dương, soạn thảo một nghị quyết, khiêu khích địch gây ra biến cố để được ủng hộ, McNamara nói những chỉ trích này vô căn cứ.
Tổng thống không hề nghĩ Nghị quyết cần để đưa quân vào VN mà vài vị Tham mưu trưởng đã đề nghị từ tháng 1-1964, việc đưa quân vào cần có Quốc hội chấp thuận. Bộ Ngoại giao đã soạn một Nghị quyết từ cuối tháng năm nhưng vì Max Taylor khuyên nên hoãn chiến dịch quân sự tới tới mùa thu. Johnson, Dean, Mac, McNamara đồng ý và đã quyết định hoãn đưa dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội chờ khi Đạo luật Nhân quyền đã được Thượng viện chấp thuận tháng Chín.
Nhưng khi BV tấn công, Johnson thấy đó là cơ hội để được Quốc hội ủng hộ cuộc chiến chống lại âm mưu xâm lược của Hà Nội, hành động của ông cứng rắn nhưng vẫn ôn hòa so với ứng cử viên diều hâu Goldwater của đảng đối lập.
Năm 1977, George Ball (cựu thứ trưởng ngoại giao 1964) trả lời phỏng vấn đài BBC chỉ trích chính phủ đã mở chiến dịch DESOTO khiêu khích BV để có cớ trả đũa. Ngược lại Bill Bundy (CIA, cố vấn ngoại vụ TT 1964) cũng đã nói chuyện trên BBC, ông ta phủ nhận những lời cáo buộc như trên, theo Bill tình hình lúc đó (tại VNCH) chưa tồi tệ đến nỗi phải có biện pháp mạnh. Bill nói “Không có chuyện Chính phủ cố tình khiêu khích để tạo ra biến cố ấy” (2)
McNamara cho rằng nếu Nghị quyết vịnh Bắc Việt đã không đưa tới sự can thiệp quân sự lớn lao tại VN thì nó đã không gây nhiều tranh cãi như vậy. Nhưng nó dùng để mở cửa cho dòng thác lũ (đưa quân vào), McNamara nói tuy nhiên cho rằng chính phủ Johnson lừa gạt Quốc hội là sai. Vấn đề không phải là Quốc hội không nắm được khả năng của Nghị quyết mà là nhưng là không nắm được tiềm lực của cuộc chiến và chính phủ có thể đối phó với nó như thế nào. Trong phiên họp ngày 20-2-1968 để duyệt lại vấn đề này, Thượng nghị sĩ Fulbright vui vẻ từ bỏ lời đã kết án McNamara cố ý khiến cho Quốc hội sai lầm, ông nói “Tôi không bao giờ có cảm tưởng rằng tôi đã nghĩ ông cố tình gạt chúng tôi”, các Thượng nghị sĩ Mansfield , Claiborne Pell và Symington cũng xác nhận thế (3)
McNamara kết luận cơ bản của vấn đề Vịnh Bắc Việt không phải là sự lừa gạt nhưng nói đúng hơn là sự lạm dụng quyền hạn từ Nghị quyết. Ngôn ngữ của Nghị quyết cho Tổng thống quyền hành xử, và Quốc hội hiểu tầm vóc của quyền hạn khi họ ủng hộ tối đa Nghị quyết ngày 7-8-1964. Nhưng chắc chắn là Quốc hội không có ý định cho phép xa hơn trong việc tăng vọt từ 16,000 lính Mỹ lên 550,000 tại VN mà không tham khảo đầy đủ với Quốc hội. Nó khiến chiến tranh mở rộng lớn có nguy cơ kéo Nga, Trung Cộng vào cuộc và đã mở rộng sự can thiệp của Mỹ tại VN trong nhiều năm.
Vấn đề Quyền hạn của Quốc hội đối nghịch với quyền Tổng thống về điều động quân đội vẫn còn tranh cãi cho tới nay. Căn nguyên của sự tranh chấp này nằm ở chỗ văn tự Hiến Pháp mơ hồ, nó trao Tổng thống quyền Tổng tư lệnh nhưng lại cho Quốc hội quyền tuyên chiến.
Những nhận định khác
Trên đây là nội dung vấn đề theo diễn tả và ý kiến của McNamara, nhân vật đóng vai trò then chốt trong chiến tranh VN giai đoạn 1963-1968. Tôi xin ghi thêm nhận xét và ý kiến của các chính khách và nhà nghiên cứu khác để vấn đề được nhìn thêm dưới nhiều khía cạnh. Về cuộc tấn công hai ngày 2-8 và 4-8 qua sự tường thuật của các tác giả có khác nhau về chi tiết, có thể vì do tam sao thất bản, tôi chú trọng về ý kiến riêng của họ nhiều hơn.
Về biến cố này cựu Tổng thống Nixon nói (4) ngày 2-8 tầu tuấn duyên BV tấn công khu trục hạm Maddox tại vịnh trên bằng ngư lôi nhưng không gây thiệt hại, và sau đó ngày 4-8 họ lại tấn công hai tầu Maddox và C Turner Joy. Nhiều năm sau, các ký giả phản chiến xác định rằng cuộc tấn công 4-8 của BV không hề có, họ kết án Johnson và quân đội ngụy tạo ra để lấy cớ can thiệp vào cuộc chiến. Nixon kết luận là không có chứng cớ nào cho thấy Mỹ khiêu khích, ngay quân sử của BV cũng kể lại chuyện này.
Ông cũng nói Nghị quyết vịnh BV không phải là mưu mẹo để được rộng quyền tham chiến như một số người kết án nhưng nó là một cố gắng lương thiện để được Quốc hội yểm trợ cho việc can thiệp sâu rộng hơn mà nó buộc ta phải gánh vác. Nghị quyết của Johnson không phải là lý do người Mỹ vào VN, nó xác nhận rằng các cuộc tấn công này chỉ là một phần của chiến dịch xâm lược có hệ thống của CSBV đối với các nước láng giềng, các nước liên kết chiến đấu cho tự do. Quốc hội chấp thuận và ủng hộ quyết định của Tổng thống, với cương vị Tổng tư lệnh, bằng mọi cách đẩy lui những lực lượng gây hấn với Hoa Kỳ và phòng ngừa những gây hấn trong tương lai.
Nixon nói “Chúng ta không lâm chiến vì hai cuộc tấn công nhỏ ngoài khơi nhưng vì Bắc Việt đang ra sức chiếm trọn Đông dương” (5). Nhiều người trách Johnson không xin Quốc hội tuyên chiến. Quốc hội và Ngũ giác đài không tuyên chiến vì họ không ngờ cuộc chiến lại kéo dài như thế, Johnson tưởng là oanh tạc chiến thuật tại miền nam VN và oanh tạc giới hạn tại BV sẽ khiến Hà nội từ bỏ xâm lược, tuyên chiến có thể lôi kéo Nga Trung Cộng nhập cuộc. Johnson không muốn chiến tranh khi ông chuẩn bị ứng cử Tổng thống năm 1964. Hạ viện chỉ họp trong bốn mươi phút và đồng thuận 100% (480-0), Thượng viện bàn thảo 8 tiếng cuối cùng bầu với 88 thuận, 2 chống. Nixon nói sự kiện chứng tỏ Quốc hội đã ủng hộ vô cùng vững chắc.
Những người ủng hộ Nghị quyết về sau họ chống chiến tranh kết án Johnson lừa gạt Quốc hội để vượt quá quyền hạn của mình. Nixon cho là không phải như thế, bản ghi âm cuộc thảo luận tại Thượng viện cho thấy Quốc hội tham chiến với con mắt mở to, hoàn toàn tự nguyện. Nghị quyết này không phải chỉ là căn bản hợp pháp để lâm chiến, Johnson cũng hành động phù hợp với những điều khoản an ninh của Tổ chức Liên phòng Đông nam Á (SEATO). Vả lại Quốc hội cũng hành xử quyền hạn chiến tranh của mình hàng năm khi họ chi tiền cho quân đội Mỹ tại VN.
Tác giả Bernard C. Nalty (6) nói ngày 2-8 ba tầu tuần duyên BV đuổi theo tầu Maddox đang ở ngoài hải phận quốc tế, tầu BV đã phóng ba ngư lôi nhưng không trúng mục tiêu. Tầu Maddox bắn trả bằng đại bác 127 ly gây thiệt hại nặng cho hai tầu BV, phi cơ từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga tới yểm trợ.
Về cuộc tấn công ngày 4-8, Nalty nói BV gây hấn hay người Mỹ tưởng tượng? ông tỏ vẻ nghi ngờ biến cố này. Hôm sau Tổng thống Johnson cho tăng cường thêm khu trục hạm C Turner Joy, ngày 4-8 người chuyên viên radar trên tầu Maddox báo cáo có năm tầu phóng ngư lôi đang đuổi theo, sau đó cả hai thuyền trưởng của Maddox và C. Turner Joy quả quyết là họ bị tấn công và gọi máy bay yểm trợ đồng thời cho khai hỏa, họ báo cáo là bắn chìm hai tầu BV và làm hư hại hai cái khác.
Theo tác giả có nhiều chỉ trích gồm cả các viên chức tình báo, lời của họ đã được viết vào Văn kiện Ngũ giác đài, sau này nó xác nhận “tầu địch” chẳng qua chỉ là những tiếng “blip”của radar do những đợt sóng phía sau tầu C Turner Joy gây ra mà những chuyên viên radar chưa có kinh nghiệm của tầu Maddox đã tưởng lầm. Tuy nhiên các vị chỉ huy tại chiến trường xác nhận là có tấn công và tin rằng BV đáng bị trừng phạt giới hạn, Tổng thống Johnson quyết định trả đũa, cho không kích các căn cứ xuất phát tấn công nhưng không có mục đích mở rộng chiến tranh. Các phi cơ từ hàng không mẫu hạm Ticonderoga và Constellation tấn công bốn căn cứ hải quân và một kho dầu của BV. Khoảng 25 tầu tuần duyên bị phá hủy, 90% các kho dầu tại Vinh bị bốc cháy. Hai máy bay Mỹ bị phòng không bắn rơi, hai chiêc khác bị hư hại.
Thăm dò cho thấy sau cuộc tấn công trả đũa, người dân Mỹ ủng hộ hành động của Johnson rất cao.
Tác giả Marilyn B. Young (7) nhận xét: nhiều năm sau Nghị quyết khi sự lừa dối được phát hiện và Quốc hội muốn tự tách ra khỏi cuộc chiến mà chính họ đã phê chuẩn năm 1964, nhiều Thượng nghị sĩ than phiền rằng nếu họ biết sự thật thì họ đã chống lại Nghị quyết. Dân biểu Dante, Florida nói ông Tổng thống có nhu cầu quyền hạn, một biến cố tình cờ có thể đem lại quyền lực cho ông. Quốc hội nghĩ oanh tạc BV sẽ khiến họ chấm dứt chiến tranh. Họ cũng nghĩ như Hành pháp, nếu Mỹ khiến CS trả giá cao thì sẽ ngưng xâm lược miền nam. James Thomson (1964 trong Hội đồng an ninh GQ) trong một phiên họp của Thượng viện năm 1968 nói biến cố Vịnh lần sau (4-8) là cách thuận lợi chứng tỏ ý chí của chung mà chẳng cần có chứng cớ rõ ràng để tham dự cuộc chiến. Thượng viện sau này đánh giá Hành pháp Johnson sai lầm khi nghĩ rằng dùng oanh tạc hay sức mạnh quân sự có thể khiến Hà nội bị khuất phục.
Không cần biết chuyện gì sẩy ra ở Vịnh BV, việc đưa ra Quốc hội thành công mà các cố vấn của Tổng thống đã khuyên ông làm để đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến. Theo Marilyn B. Young Hà nội quyết tâm đi vào cuộc chiến, tháng 10-1964 họ đã đưa ba trung đoàn chính qui khoảng 4,500 người vào Nam, chiến dịch oanh tạc của Johnson không khiến Hà nội phải đầu hàng mà còn mở rộng cuộc chiến hơn nữa, cuối cùng Johnson không tìm được hòa bình như ông đã hứa với người dân.
Tác giả Stanley Karnow (8) nói tổng cộng cuộc oanh kích trả đũa BV của Johnson gồm 64 phi vụ, có khoảng 25 tầu bị phá hủy hoặc hư hại, Mỹ bị mất hai máy bay. McNamara hồi đó cho biết ông đã có bốn công điện của BV cho thấy họ cho lệnh tấn công tối 4-8, những công điện này được giữ bí mật từ đó. Nhưng hoặc ông hiểu sai công điện hay cố tình dấu diếm nó, theo một cựu viên chức Mỹ rành về những bản truyền tin của địch thì đó không phải là lệnh tấn công (attack orders) mà McNamara hiểu nhưng là lệnh của bộ chỉ huy cho các tầu tuần duyên chuẩn bị tác chiến (military operations) mà có thể là tự vệ. Ray Cline phụ tá giàm đốc CIA hồi đó, đã phân tách sự khác biệt chính giữa hai cuộc tấn công là: sau khi duyệt xét những hồ sơ thì chỉ thấy nó liến quan đến cuộc tấn công trước (2-8)
Kết Luận
Những năm đầu thập niên 60, người dân Mỹ và Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh VN vì quá sợ CS, họ tin rằng nếu mất miền nam VN hay Đông dương sẽ mất Đông nam Á. Tất cả sách báo, thống kê về giai đoạn này, nhất là 1964 đều nói đa số, đại đa số người dân, thậm chí có tài liệu nói 78% hoặc 85% (9) ủng hộ cuộc chiến, đại đa số Quốc hội ủng hộ cuộc chiến. Tháng 8-1964 Johnson đưa ra Quốc hội xin Nghị quyết Đông nam Á và đã được chấp thuận với tên Nghị quyết Vịnh Bắc Việt ngày 7-8-1964 với tỷ lệ tối đa 99.60% số phiếu thuận choTổng thống can thiệp vào cuộc chiến ngăn chận CS tại VN.
Những năm đầu thập niên 60, người dân Mỹ và Quốc hội ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh VN vì quá sợ CS, họ tin rằng nếu mất miền nam VN hay Đông dương sẽ mất Đông nam Á. Tất cả sách báo, thống kê về giai đoạn này, nhất là 1964 đều nói đa số, đại đa số người dân, thậm chí có tài liệu nói 78% hoặc 85% (9) ủng hộ cuộc chiến, đại đa số Quốc hội ủng hộ cuộc chiến. Tháng 8-1964 Johnson đưa ra Quốc hội xin Nghị quyết Đông nam Á và đã được chấp thuận với tên Nghị quyết Vịnh Bắc Việt ngày 7-8-1964 với tỷ lệ tối đa 99.60% số phiếu thuận choTổng thống can thiệp vào cuộc chiến ngăn chận CS tại VN.
Trường hợp nếu Johnson -McNamara dùng oanh tạc khuất phục được BV, mang lại hòa bình thì sẽ không có ai đề cập tới Nghị quyết này. Nhưng sau khi được Quốc hội cho phép hành động, Johnson McNamara đã đem hơn nửa triệu quân vào miền nam VN trong mấy năm chiến tranh nhưng không thắng được CS, cuộc chiến ngày càng mở rộng. Sau trận Tết Mậu Thân tháng 2-1968 số người ủng hộ chiến tranh tụt thang nhanh chóng, tỷ lệ chống chiến tranh tăng nhanh. Khi ấy người ta kết tội Johnson đã gây lên cuộc chiến sa lầy, họ bèn xét lại Nghị quyết và lên án ông đã lừa gạt Quốc hội để đưa nước Mỹ can thiệp vào VN. Sau đó tới màn bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu và duyệt xét lại Nghị quyết để kết luận không có cuộc tấn công lần thứ hai ngày 4-8 của tầu tuần duyên BV mà do McNamara và ban tham mưu bịa ra trình Tổng thống lường gạt Quốc hội, nghĩa là chỉ Johnson McNamara là chịu trách nhiệm, người dân và Quốc hội không có gì đáng chê trách!
Như đã nói trên buổi chiều tối 4-8 chuyên viên radar trên tầu Maddox cho biết nhận được tín hiệu bị tấn công bằng ngư lôi, các thủy thủ trên tầu Turner Joy xác nhận đã nhìn thấy đèn pha chiếu sáng từ tầu địch và thấy súng tự động bắn, súng phòng không bắn hai máy bay Mỹ bay trên cao (10). Hai thuyền trưởng trên hai khu trục hạm Maddox và C Turner Joy báo động và ra lệnh bắn trả tối đa về hướng nghi ngờ, không có lửa tại sao lại có khói?
Thuyền trưởng kêu gọi không quân yểm trợ, Stockdale một trong các phi công từ hàng không mẫu hạm bay tới, ông đảo trên trời một tiếng rưỡi và không thấy chiếc tầu nào của BV mà chỉ thấy tầu Mỹ bắn loạn xạ trên mặt biển, sau này viết hồi ký kể lại như vậy
Đô đốc Sharp, Tư lệnh Thái bình dương dựa theo báo cáo của hai thuyền trưởng để tường trình với McNamara và ông này trình lên Tổng thống như đã nói trên. Mặc dù chứng cớ về cuộc tấn công này có vẻ mơ hồ nhưng phản bác của những người chống đối cũng không có gì là cụ thể, chỉ là “lý sự”, thí dụ họ nói các chuyên viên radar thiếu kinh nghiệm, tưởng lấm, những năm sau giải mật các bản công điện của BV thì thấy chắc là lệnh tự vệ chứ không phải lệnh tấn công. Đó cũng chỉ là một cách hiểu khác, giải thích khác cũng như người ta giải nghĩa những câu văn trong Kinh Dịch, mỗi người hiểu một cách. Ngoài ra những bản công điện, vô tuyến điện thoại của BV chưa chắc đáng tin cậy, họ thường đưa tin giả để nghi binh, Đại tá Nguyễn trọng Luật, cựu tỉnh trưởng Ban mê Thuột cho biết CSBV thừa biết đối phương hay nghe lén điện thoại, công diện nên họ đã đưa nhiều tin giả để lừa địch.
Nhưng vấn đề là Johnson McNamara có cần phải khiếu khích BV và tạo biến cố giả tại Vịnh Bắc việt để đánh lừa Quốc hội hay không trong khi cuộc chiến giữa Mỹ-VNCH với Hà nội đã thực sự diễn ra từ 1959?
Ngày 13-5-1959 tại Hà Nội, CSBV đã mở Hội nghị thứ 15, ra Nghị quyết phát động chiến tranh chiếm miền nam bằng vũ lực (11). Họ thành lập đoàn 559 đưa người vũ khí xâm nhập miền nam qua Lào và hai tháng sau đoàn 779 xâm nhập đường biển. Năm 1959 có hơn 2,500 vụ ám sát các viên chức chính phủ, gấp hai lần năm 1958 (12). Ngày 12-12-1960, CSBV thành lập Mặt trận giải phóng miền nam tại Hà nội, chính thức ra mắt ngày 20-12-1960 (13). Ngày 18-9-1961 hai tiểu đoàn VC chiếm tỉnh lỵ Phước Thành trọn một ngày, giết tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng và 10 công chức, tổng cộng có 17,000 cán binh xâm nhập miền nam. Ngày 18-10-1961 Tổng thống VNCH ban hành tình trạng khẩn cấp toàn quốc (14). Năm 1962 cố vấn Mỹ gia tăng 11,300 người, quân đội VNCH tăng lên 220,000 người (15).
Đầu tháng 1-1963 trận Ấp Bắc thuộc tỉnh Mỹ Tho, VC bắn rơi 4 trực thăng Mỹ và bắn cháy ba M113, VNCH thiệt hại 63 người, Mỹ có 3 người chết, VC chết 41 nguời (16). Ngày 23-11-1963 tại trận Hiệp Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa có 41 Dân sự chiến đấu miền nam bị giết, 120 bị thương , 32 mất tích, VC bỏ lại 7 xác, 4 lực lượng đặc biệt Mỹ mất tích (17). Ngày 1-1-1964 VC pháo kích phi trường Biên hòa, phá hủy 6 máy bay B-57, làm hư hại 20 cái khác , giết 5 người Mỹ, 2 VN, 76 bị thương (18). Từ 1959 cho tới 1962 có 100 cố vấn Mỹ bị giết, tới cuối 1964, tổng cộng có 416 người Mỹ bị giết chưa kể số người bị thương và bị bắt làm tù binh (19). Từ cuối 1964, đầu 1965 Hà nội công khai đưa quân chính qui vào nam. Như thế chiến tranh đã diễn ra rất sôi động rồi, cần gì phải tìm lý do?
Johnson chẳng thiếu gì chứng cớ để xin Quốc hội ủng hộ, đâu cần phải ngụy tạo biến cố Vịnh Bắc Việt ? dù có hay không Nghị quyết thì cuộc chiến tranh giữa Mỹ-VNCH với Hà nội đã diễn ra từ lâu rồi.
Ngoài ra Johnson không phải diều hâu, ông chủ trương hòa bình, dùng oanh tạc đe dọa để Hà nội thấy cái giá phải trả mà từ bỏ cuộc chiến xâm lược, khác với ứng cử viên đối lập Goldwater chủ trương đánh mạnh hơn nữa. Năm 1965 khi tình hình quân sự tại miền nam rất xấu, Cộng quân gia tăng xâm nhập tấn công liên tục, Quân đội miền nam bị thiệt hại nhiều, Tướng Westmoreland khẩn khoản xin McNamara và Johnson gửi thêm quân tác chiến để cứu nguy miền nam. Mặc dù vậy, Johnson vẫn chần chừ, ông thăm dò các cố vấn, hỏi ý kiến cựu Tổng thống Eisenhower đến khi mọi người khuyên ông phải tăng quân theo yêu cầu của Tư lệnh, Johnson mới chịu dấn thân. Ông leo thang khi Hà Nội đã gia tăng xâm nhập, tấn công mạnh để làm sụp đổ VNCH. Trong khi đại đa số người dân, Quốc hội ủng hộ cổ võ cuộc chiến, nó đã gián tiếp lôi cuốn Johnson can thiệp, ông tham gia cuộc chiến để khỏi mất phiếu vì bị cho là nhu nhược.
Nguyên do TT Johnson không muốn tham gia cuộc chiến VN vì sợ nó sẽ làm hỏng chương trình chương trình phúc lợi xã hội Great Society của ông gồm medicaire, cải tổ di dân, chống nghèo, làm dịu kỳ thị chủng tộc, nâng đỡ nhân quyền…. Johnson nghĩ ngân sách quốc phòng sẽ làm hỏng chương trình xã hội của ông.
Nếu nói là Johnson lừa gạt Quốc hội để được chấp thuận Nghị quyết Vịnh BV 1964 rồi đem quân vào VN là không đúng vì dù không có Nghị quyết này ông vẫn có thể đem quân vào VN mà không cần đưa ra Quốc hội vì hồi đó chưa có Nghị quyết War Powers Resolution, giới hạn quyền Tổng thống trong chiến tranh mà mãi tới năm 1973 mới có.(Tháng 8- 1973 War Powers Resolution được ban hành, nó qui định TT phải tham khảo Quốc Hội trước khi tham chiến. Sau khi tham khảo, TT có quyền tham chiến trong 60 ngày không cần sự chấp thuận của Quốc Hội và thêm 30 ngày nữa….)
Trường hợp TT Johnson gần giống TT Bush năm 2003 khi ông đã được Quốc hội và người dân ủng hộ cuộc chiến Iraq, nhưng mấy năm sau khi bị sa lầy người ta chỉ trích ông lừa gạt người dân vì không tìm thấy vũ khí giết người hàng loạt. Tuy nhiên trường hợp Johnson có hơi khác là ông không muốn tham chiến vì chuẩn bị ứng cử, vì chương trình phúc lợi xã hội.. còn Bush muốn chiến tranh, nhiều người nói cuộc chiến Iraq là do ý muốn của chính ông.
Người ta chỉ trích chiến dịch oanh tạc BV thất bại, Johnson không làm cho BV chịu thua cuộc nhưng cả Quốc hội, người dân cũng tin vào kế hoạch này. Không riêng gì Johnson mà cả nước Mỹ sai lầm vì chủ quan, khinh địch, đánh giá quá thấp đối phương cũng như CS quốc tế, quá tin tưởng vào sức mạnh của mình. Chiến dịch thất bại một phần vì hỏa lực phòng không địch rất mạnh, người Mỹ không nghĩ CS quốc tế viện trợ cho Hà Nội dồi dào như thế, từ đầu chí cuối họ đã cung cấp cho BV 3,229 khẩu cao xạ; 20,000 hỏa tiễn địa-không (SAM) (20)
Phản chiến nói TT Johnson lừa Quốc hội để có Nghị quyết vịnh BV, từ Nghị quyết này đi tới cuộc chiến lớn và sa lầy tại VN, có nghĩa vì sự lừa gạt mà đưa tới cuộc chiến VN. Nhận định này không có căn cứ vì như đã nói dù không có biến cố vịnh BV Johnson cũng có những lý do khác để đưa ra Quốc hội, và thậm chí dù không có Nghị quyết Vịnh BV 1964, ông vẫn có thể đưa quân vào VN được vì ông là Tổng tư lệnh quân đội, vì tình hình đòi hỏi và vì hồi đó chưa có Nghị quyết hạn chế quyền Tổng thống (1973).
Những người chống chiến tranh và cả McNamara sau này cho là cuộc chiến VN sai lầm, nhưng nếu sai lầm tại sao không rút bỏ VN từ giữa thập niên 60? Tháng 12-1964, Hội đồng quân lực VNCH đã yêu cầu Quốc trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ tướng Trần văn Hương trục xuất Đại sứ Mỹ Taylor mà họ cho là có thái độ hách dịch (21). Trong tường trình cuối năm về Tòa Bạch ốc, Taylor có đề nghị rút bỏ miền nam VN (22) nhưng không được ai chú ý. McNamara (hồi ký trang 320) cho là đáng lý Mỹ phải rút bỏ miền nam từ cuối 1963 hay cuối 1964 hoặc đầu 1965.
Nói cho oai thôi chứ trên thực tế Hoa kỳ vẫn bám vào miền nam VN kỹ lắm, mặc dù 1965, 1966 phản chiến tại Mỹ lên cao, ngay tại miền nam cũng có nhóm quá khích chống chiến tranh1966 nhưng họ cũng không dám rút bỏ. Người Mỹ chỉ rút bỏ VN năm 1975 sau khi đã hòa được với CS quốc tế.
Những năm 1964, 1965 Hoa Kỳ có thể lựa chọn hoặc tham chiến hoặc rút bỏ miền nam VN hay không? Thực ra họ không có con đường nào khác hơn là can thiệp vào cuộc chiến VN để giữ Đông nam Á, để bảo vệ an ninh cho chính họ, bảo vệ cho chính quyền lợi của nước Mỹ.
Như thế không thể kết luận chỉ có Johnson là người đã đưa nước Mỹ vào cuộc chiến sa lầy.
Năm 1964, 65 người dân Mỹ ủng hộ chính phủ can thiệp vào VN với tỷ lệ rất cao nhưng người dân thay đổi ý kiến rất nhanh nhất là sau trận Mậu Thân 1968 họ trở mặt chống đối chiến tranh VN dữ dội. Năm 1964 tỷ lệ ủng hộ lên tới trên 70% như đã nói trên , năm 1965 tỷ lệ ủng hộ 61% , tới cuối 1968 chỉ còn 37% (23).
Ngày 8-6-1969, Tổng thống Nixon họp với Tổng thống Thiệu tại Midway để bàn về kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, nghĩa là Mỹ rút quân và quân đội VNCH sẽ tự đảm nhiệm cuộc chiến chống CS. Chương trình này do Bộ trưởng quốc phòng Laird đề nghị được Nixon chấp thuận vì phong trào phản chiến đã lên quá cao. Người chống đối mạnh là Kissinger với lý luận nếu rút quân sẽ mất thế mạnh tại bàn Hội nghị, CSBV chỉ chờ có thế (24). Ngoài ra TT Thiệu, Tướng Abrams (cựu Tư lệnh) cũng khinh bỉ kế hoạch này, đó chỉ là sự tháo chạy trá hình.
Kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh đưa tới học thuyết Nixon chủ trương biệt lập (isolationism), không can thiệp. Thời kỳ can thiệp (interventionism) bắt đầu bắt đầu 24- 2-1947 khi Tổng thống Truman quyết định bảo vệ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ khỏi tay CS. Thời kỳ can thiệp kéo dài 22 năm đã chấm dứt vào ngày 25-7-1969 khi trung đoàn I thuộc sư đoàn 9 BB Mỹ trở về nước từ Quân khu 4 VNCH.
Học thuyết Nixon thực ra chỉ là để khoác cho việc rút quân, Việt nam hóa chiến tranh một vẻ đẹp hơn là bỏ chạy một cách khéo léo, lịch sự. Trên thực tế khi cần bảo vệ an ninh cho Mỹ, bảo vệ quyền lợi của Mỹ họ vẫn đưa quân sang nước khác như tại Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003.
Năm 2014, Tổng thống Obama bị dư luận và đảng đối lập chỉ trích mạnh vì chính sách ngoại giao không can thiệp hiện nay trước những biến cố lớn như tình hình Nga gây hấn tại Ukraine, cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria và Iraq. Ở đây tôi không bình luận về chính sách, thái độ của Obama nhưng chỉ đề cập những lý do đưa tới quyết định của ông.
Thường thì các Tổng thống Mỹ nghe theo ý kiến các cố vấn, ban tham mưu thí dụ tháng 4 -1954 TT Eisenhower nghe theo các tham mưu trưởng nên đã không can thiệp vào Đông dương cứu nguy Điện Biên Phủ, cũng vậy năm 1963 TT Kennedy đã nghe theo Bộ trưởng quốc phòng McNamara quyết định rút dần các cố vấn Mỹ để tránh can thiệp vào cuộc chiến VN …
TT Obama cũng đã được các cố vấn góp ý, họ e ngại sa lầy nếu can thiệp quân sự hoặc viện trợ quân sự cho Iraq, Syria, Ukraine. Bài học của Johnson năm 1964, 65 và của Bush năm 2003 vẫn còn đó, người dân ủng hộ cuộc chiến mạnh rồi sẽ trở mặt chống đối một sớm một chiều. Không can thiệp bị lên án, chống đối nhưng tham chiến cũng có thể mang họa nếu sa lầy như các bài học đã qua.
© Trọng Đạt
© Đàn Chim Việt
© Đàn Chim Việt
Chú thích
(1) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, trang 127-143
(2) In Retrospect trang 140
(3) In Retrospect trang 141
(4) No More Vietnams trang 73-76
(5) No More Vietnams trang 74
(6) The Vietnam war, trang 81, 82
(7) The Vietnam war 1945-1990, trang 120-123
(8) Việtnam, a History trang 388,389
(9) Vietnam a History trang 390; answer.com,
(10) In Retrospect trang 134
(11) Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1955-1963, trang 152
(12) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn tập trang 61
(13) VN Niên Biểu trang 206
(14) VN Niên Biểu trang 228,229
(15) Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 61
(16) Sách kể trên trang 63.
(17) Sách kể trên trang 94,95
(18) The World Almanac of The Vietnam War trang 95(19) National Archives, Statistical Information about Fatal Casualties of the Vietnam War
(20) Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(21) Lâm vĩnh Thế, VNCH 1963-1967, Những Năm Xáo Trộn trang 98
(22) In Retrospect, trang 164
(23) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
(24) Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 235, 236
(2) In Retrospect trang 140
(3) In Retrospect trang 141
(4) No More Vietnams trang 73-76
(5) No More Vietnams trang 74
(6) The Vietnam war, trang 81, 82
(7) The Vietnam war 1945-1990, trang 120-123
(8) Việtnam, a History trang 388,389
(9) Vietnam a History trang 390; answer.com,
(10) In Retrospect trang 134
(11) Chính Đạo, Việt Nam Niên Biểu 1955-1963, trang 152
(12) Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn tập trang 61
(13) VN Niên Biểu trang 206
(14) VN Niên Biểu trang 228,229
(15) Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 61
(16) Sách kể trên trang 63.
(17) Sách kể trên trang 94,95
(18) The World Almanac of The Vietnam War trang 95(19) National Archives, Statistical Information about Fatal Casualties of the Vietnam War
(20) Đăng Phong, Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121
(21) Lâm vĩnh Thế, VNCH 1963-1967, Những Năm Xáo Trộn trang 98
(22) In Retrospect, trang 164
(23) Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
(24) Walter Isaacson, Kissinger a Biography trang 235, 236
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét