Thật đáng tiếc cho tác phẩm của Nguyễn Tuân, cho một công trình văn nghệ có giá trị mà ông đã đóng góp cho văn hóa dân tộc, trong phút chốc dưới sự đổi trắng thay đen, nó đã tiêu tan thành tro bụi.
Tác phẩm đã được độc giả say mê thưởng thức, tài nghệ của ông đã được bao người ngưỡng mộ mà chỉ trong chớp mắt nghệ thuật và tài năng của ông đã bị chôn sâu đáy mộ.
Phải chăng chỉ vì Nguyễn Tuân quá sợ hãi, quá khiếp nhược để rồi phải đổi trắng thay đen, phải uốn cái lưỡi không xương nói ngược nói xuôi và kết án chính bản thân mình.
Truyện quái đản cuối cùng của Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân sinh 10-7-1910, mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội
Chùa Đàn là truyện ma quỉ của Nguyễn Tuân viết vào năm 1945 đã được một số nhà phê bình coi như tác phẩm đặc sắc nhất của ông, có người nói đã đạt tới đỉnh cao nghệ thuật. Truyện đã được tái bản tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau ngày Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội, Nguyễn Tuân “giác ngộ cách mạng” bèn viết thêm một phần mở đầu gọi là Dựng và một phần kết gọi là Mưỡu Cuối để biến câu chuyện thành một tác phẩm “văn chương vô sản” do Quốc Văn xuất bản tại Hà Nội 1946.
Năm 1947 Chùa Đàn được nhà xuất bản Tân Việt in lại tại Sài Gòn.
Sau khi Nguyễn Tuân viết thêm, Chùa Đàn viết năm 1945 đã trở thành phần thứ hai và được gọi là Tâm Sự Của Nước Độc .
Chùa Đàn viết 1945 đã được quay thành phim Mê Thảo Thời Vang Bóng năm 2002, đạo diễn Việt Linh
Trước hết chúng tôi xin đề cập tới Chùa Đàn viết năm 1945, phần tác giả viết thêm sẽ đề cập sau.
Trước hết chúng tôi xin đề cập tới Chùa Đàn viết năm 1945, phần tác giả viết thêm sẽ đề cập sau.
Chùa Đàn nay đã được in lại trong tập III, bộ Nguyễn Tuân Toàn Tập, nhà xuất bản Văn Học năm 2000, bìa cứng rất đẹp và trang trọng. Truyện cũng đã được in lại trong cuốn Yêu Ngôn Của Nguyễn Tuân, truyện ngắn do nhà xuất bản Hội Văn Hà Nội ấn hành năm 1999.
Nói về truyện quái đản nổi tiếng trên thế giới phải kể đến những đoản thiên của Edgar Allan Poe, một thi sĩ, văn sĩ cổ điển Mỹ (1809-1849), truyện nổi tiếng nhất của ông là The Fall Of The House Of Usher (1839), có người dịch là Giọt Máu Cuối Cùng Dòng Họ Usher, chắc nhiều quí vị đã đọc qua. Nhà thi hào Pháp Charles Baudelaire (1821-1867) đã dịch các truyện của Edgar Poe trong cuốn Les Histoires extraordinaires d’Edgar Poe (Những truyện quái đản của Edgar Poe), đây là một trường hợp đặc biệt, bản dịch lại được người ta coi là hay hơn bản chính.
Tại Á Đông chúng ta phải kể Bồ Tùng Linh (1644-1715) với bộ truyện ma quỉ lừng danh Liễu Trai Chí Dị (1670-1707) đã làm say mê nhiều thế hệ đã qua với mầu sắc, không khí quái đản của đông phương. Tác phẩm này đã được nhiều người hâm mộ từ thế kỷ 17 đến nay.
Nguyễn Tuân chịu ảnh hưởng của truyện ma quỉ Liễu Trai, vào năm 1943 ông viết một số truyện ma theo lối Bồ Tùng Linh đăng trên các tờ Thanh Nghị và Trung Bắc chủ nhật, hết sức hoang đường, kỳ quái. Hồi ấy tác giả đã có ý định thu thập các truyện quái đản trên để in trong một tuyển tập lấy tên là Yêu Ngôn nhưng vì chiến tranh bùng nổ nên công việc đã phải bỏ dở. Năm 1999 nhà nghiên cứu văn học trong nước Nguyễn đăng Mạnh đã thu thập những đoản thiên ma quái ấy để in thành tập Yêu Ngôn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành gồm: Khoá Thi Cuối Cùng, Trên Đỉnh Non Tản, Đới Roi, Xác Ngọc Lam, Rượu Bệnh, Lửa Nến Trong Tranh, Loạn Âm, Tâm Sự Của Nước Độc (tức Chùa Đàn), Nguyễn Mạnh Đăng có nhận xét như sau.
“Nhưng Nguyễn Tuân tìm vào thế giới yêu ma có lẽ còn do một yêu cầu khác. Con người này luôn thèm khát những cảm giác mới lạ và mãnh liệt. . . . những cảm giác ấy, Nguyễn Tuân không thể tìm được trong cái môi trường vẫn vây bọc lấy ông trong cuộc sống hàng ngày mà ông chỉ thấy là lèm nhèm, lẹt đẹt và xám xịt”
Vào những năm 1943, 1944, 1945 Nguyễn Tuân đã chuyển hướng từ tùy bút sang viết những truyện ngắn ma quỉ như trên và Chùa Đàn viết năm 1945 là truyện quái đản cuối cùng của ông. Nó cũng là tác phẩm thuần túy văn chương cuối cùng của tác giả vì sau đó theo Cộng Sản, ông đã trở thành cây bút phục vụ tuyên truyền cho chế độ. Từ thập niên 80 về trước Chùa Đàn đã bị coi như loại văn nghệ duy tâm phản động, nay với tinh thần đổi mới tư duy, trong nước người ta đã đánh giá lại Chùa Đàn và đã đề cao giá trị của tác phẩm như sau.
“Nhiều độc giả ái mộ và am hiểu văn chương Nguyễn Tuân đã đánh giá Chùa Đàn là tác phẩm đặc sắc nhất của nhà văn. Trong các sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Tuân biểu lộ một tài năng sáng tạo đặc biệt. Mỗi công trình nghệ thuật đều in đậm dấu ấn đỏ chói của ông, không thể lẫn với một ai khác, không một người nào khác mô phỏng được. Với Chùa Đàn, tài năng sáng tạo của nhà văn đã vươn tới thượng đỉnh”.
( Hoàng Như Mai – Tác phẩm Chùa Đàn Của Nguyễn Tuân.)
Hoặc
“. . . Tất nhiên Chùa Đàn là một hiện tượng độc đáo và phức tạp. Đọc Chùa Đàn phải thấy Lãnh Út,. . . Bá Nhỡ hay Cô Tơ, những nhân vật tài hoa nghệ sĩ ấy, tất cả đều là Nguyễn Tuân”
(Nguyễn Đăng Mạnh – Đọc Lại Chùa Đàn Của Nguyễn Tuân.)
(Nguyễn Đăng Mạnh – Đọc Lại Chùa Đàn Của Nguyễn Tuân.)
Sơ lược.
Tại ấp (đồn điền) Mê Thảo, Lãnh Út một chủ ấp còn trẻ, vợ bị chết trong một tai nạn xe lửa lật, quá thương vợ Lãnh Út đâm thù oán cơ khí máy móc. Cậu bán rẻ hay đem cho hết những sản phẩm của nền văn minh máy móc như ô tô, xe đạp, máy bơm nước, máy hát, máy chữ, lò cồn, đèn măng sông, súng săn… Khách đến chơi không được đem đến ấp những vật dụng về máy móc như đồng hồ, bật lửa, bút máy… vì vậy ấp đã vắng khách, làm ăn cũng kém hẳn đi, nay việc kinh tế chỉ trông vào trồng dâu, nuôi tằm.
Dân trong ấp than thở về ông chủ ngày càng khùng điên, gàn dở, uống rượu sáng đêm, ngày càng càn dỡ. Nay chỉ có Bá Nhỡ thông cảm chủ ấp Lãnh Út. Bá có họ hàng xa với vợ Lãnh Út, tòng phạm một vụ án mạng, bị kết án tử hình. Vợ Lãnh đã đưa Bá lên đây nhờ chồng làm giấy tờ giả cho Bá ẩn náu trong ấp. Bá Nhỡ chịu ơn Lãnh Út nên hết sức trung thành, Bá nay là quản gia quán xuyến mọi việc trong ấp, Bá cũng có tài đàn hát giỏi.
Lãnh Út thương vợ chết trẻ, buồn rầu, rượu chè, say sưa, sao nhãng việc sản xuất, có khi áp bức đánh đập dân trong ấp. Bá Nhỡ dàn xếp mọi việc êm thắm, nếu không có Bá ấp Mê Thảo đã tiêu tan rồi, vì thế người dân biết ơn quản gia Bá Nhỡ vừa chịu khó lại công bằng. Bá vừa lo phục hưng kinh tế ấp còn săn sóc tinh thần cậu Lãnh. Bữa rượu tối nào của Lãnh, Bá cũng ngồi hầu rượu, bình văn, ngâm thơ Đường, diễn lại truyện Tây Hán, Đông Chu hay gẩy đàn. Có khi Bá dựng nhà rạp cho tìm các gánh hát về làm cho cậu Lãnh vui, nhưng cậu vẫn u sầu. Bá lo lắng cho ấp vì cậu Lãnh cứ thương vợ khóc lóc, rượu chè say sưa mãi có ngày ấp cũng tiêu tan. Ngày giỗ vợ, Lãnh Út khóc um lên, cậu uống rượu hết bình này sang bình khác, rồi cho đào rượu ở tửu phần lên, đây là khu mả rượu, Bá đã cất rượu rồi đem chôn ngoài gò.
Sau trận giỗ ấy, cậu Lãnh Út không khóc, chỉ ra mồ hôi tóc, cậu không nói nửa nhời, Bá Nhỡ càng lo, bèn đi tìm bọn con hát nhà nghề để cứu vãn cái tâm hồn đau khổ ấy. Phường chèo, hát đến diễn tuồng một hồi, cậu lại dở chứng bãi cuộc vui, không uống rượu nữa, đòi mua pháo đốt, tằm giật mình chết cả lứa vì tiếng pháo của người cuồng, dân ấp nhiều người bỏ trốn, Bá Nhỡ ngồi chờ ngày tận thế của Mê Thảo.
Cậu bây giờ lại thôi không uống, không khóc, không nghe đàn hát. Trông cậu ngày càng thê thảm, ngày đêm ngồi sừng sững như nhà sư nhập định, khối óc đã cầm cho tương tư. Bỏ rượu cả năm nay rồi một đêm mưa gió cậu đòi rượu. Bá vừa quán xuyến việc ấp còn lo cho cậu trở lại yêu đời, tục huyền với đời sống. Rượu vào cậu lại nhớ đến đàn hát, sai Bá đi tìm cô Tơ, một danh ca về hát cho cậu nghe, chỉ cho một người đánh đàn đi theo cô. Bá mừng rỡ đi tìm cô Tơ hy vọng chữa cho cậu hết bệnh tâm thần, Bá tìm cùng cả sau phải về tận quê cô Tơ và gặp cô ở một nếp nhà tranh vùng quê. Ông Chánh Thú chồng cô đã mất, cô Tơ bỏ tỉnh về quê vui việc đồng áng, Bá nài nỉ cô về hát cho Lãnh Út nghe, cô Tơ chối từ nói từ ngày chồng mất, cô giải nghệ, bây giờ hát sợ động vong hồn người xưa.
Bá ngủ nhờ tối ấy, hôm sau năn nỉ cô Tơ nhưng cô vẫn một mực chối từ, Bá tưởng cô không nhận lời vì cho là không có ai đàn cho xứng, Bá trước đây cũng là tay đàn điêu luyện. Về Mê Thảo Bá đón một người đàn giỏi về luyện lại ngón đàn cho mình, kiếm mua cây đàn đáy cũ rồi đến quê cô Tơ dạo thử một khúc cho cô nghe. Cô Tơ khâm phục ngón đàn ấy nhưng vẫn chối từ vì đã chót thề với tổ, Bá thật tình kể bệnh trạng cậu Lãnh ra cho cô nghe, cô cũng thật tình kể lại từ khi chồng chết đã thề không hát nữa, ai mà cầm cây đàn đáy của chồng gẩy sẽ gặp tai biến hay vong mạng.
Đàn làm bằng ván nắp cỗ quan tài một cô gái đồng trinh, như có yểm bùa, hồi chồng còn sống nó đã có nhiều chứng, nay chồng mất, gần ngày giỗ cây đàn ấy đổ mồ hôi phát ra những tiếng thở dài. Bá Nhỡ đòi xem cây đàn, vào đến gần bỗng một tiếng nổ tách, một sợi dây đứt, Bá thắp nhang thì bỗng các chân nhang cháy bùng lên, cô Tơ và Bá sợ tái mặt. Cô tơ nói năm ngoái có ông khách cũng sành đàn ôm cây đàn cũ ấy gẩy được vài khổ thì lăn đùng ra sau bị bán thân bất toại.
Bá Nhỡ về ấp suy nghĩ miên man, bỏ cả công việc, nghĩ rằng hễ cầm cây đàn của Chánh Thú là phải chết hay thân bại danh liệt, Bá cũng muốn đánh liều một bản rồi thác như con tằm rút ruột nhả tơ. Tự nhiên tóc Bá bạc hẳn đi, Bá và cậu Lãnh Út đối ẩm, hai người nay lại thân thiết nhau hơn.
Bá Nhỡ về ấp suy nghĩ miên man, bỏ cả công việc, nghĩ rằng hễ cầm cây đàn của Chánh Thú là phải chết hay thân bại danh liệt, Bá cũng muốn đánh liều một bản rồi thác như con tằm rút ruột nhả tơ. Tự nhiên tóc Bá bạc hẳn đi, Bá và cậu Lãnh Út đối ẩm, hai người nay lại thân thiết nhau hơn.
Tối nọ cô Tơ mơ thấy chồng hiện về bảo sẽ có người sẽ đến lấy cây đàn ở gần bàn thờ gẩy, sau đó hắn sẽ chết sẽ thế mạng cho ông ở dưới cung Thủy Tinh. Ông sẽ đầu thai lên làm người dương gian, cô giật mình ghê sợ. Sau Bá Nhỡ lại đến, cô nhớ ra giấc mơ tối nọ bèn mời Bá uống nước rồi lẻn vào buồng khấn chồng tha mạng cho Bá Nhỡ, chờ người khác, nhưng Chánh Thú không thuận.
Một hôm Bá lại tới quê tìm cô Tơ, hắn đòi ôm cây đàn bên bàn thờ đánh mấy khúc và xin chịu mọi oan khiên xảy ra. Hắn cương quyết cầm cây đàn đó và nói cậu Lãnh Út sẽ đi võng xuống đây để cầm trống chầu, và rồi cậu đã tới.
Bá vào buồng ôm đàn ra, cậu Lãnh Út cầm chầu, cô Tơ hát nhưng trong lòng như người mất hồn, tiếng đàn của Bá thật đau khổ ngậm ngùi, nhức nhối. Tiếng hát cô Tơ, tiếng đàn Bá Nhỡ dắt nhau mà lướt bổng, Bá Nhỡ nhận thức mình đang chết dần, mười đầu ngón tay chảy máu, quần áo Bá dần dần đỏ như vóc đại hồng, máu trong người Bá cứ thấm ra ngoài. Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt nẩy ra, cô Tơ rùng mình, tiếng đàn hát như đang sa lầy trên bãi sình mênh mông. Bỗng dây đàn đứt phựt bắn vào mặt cô Tơ, khi ấy tiếng hát cô như mọc cánh bay lên, tiếng trống chầu lợi hại, cậu đang ngủ cái thôi miên của âm nhạc.
Bá vào buồng ôm đàn ra, cậu Lãnh Út cầm chầu, cô Tơ hát nhưng trong lòng như người mất hồn, tiếng đàn của Bá thật đau khổ ngậm ngùi, nhức nhối. Tiếng hát cô Tơ, tiếng đàn Bá Nhỡ dắt nhau mà lướt bổng, Bá Nhỡ nhận thức mình đang chết dần, mười đầu ngón tay chảy máu, quần áo Bá dần dần đỏ như vóc đại hồng, máu trong người Bá cứ thấm ra ngoài. Mỗi tiếng đàn là một miếng thịt nẩy ra, cô Tơ rùng mình, tiếng đàn hát như đang sa lầy trên bãi sình mênh mông. Bỗng dây đàn đứt phựt bắn vào mặt cô Tơ, khi ấy tiếng hát cô như mọc cánh bay lên, tiếng trống chầu lợi hại, cậu đang ngủ cái thôi miên của âm nhạc.
Trong buồng có tiếng cười trên bàn thờ Chánh Thú, bát hương vỡ đôi lăn xuống đất kêu một tiếng soảng, cô Tơ hiểu đó là điều linh thiêng. Bá Nhỡ ngày càng ốm yếu sa sút vì mất máu rồi bỗng gục xuống đàn lạnh ngắt, cô Tơ oà lên khóc, đỡ xác Bá Nhỡ, vuốt mắt cho y, chiếc đàn tự nhiên nổ tung vỡ tan ra đất. Lãnh Út ngủ ngồi bên xác tới hôm sau, khi tỉnh giấc Lãnh đặt thi thể Bá vào võng cho người khiêng đưa về Mê thảo, cô Tơ lẽo đẽo theo sau. Bá Nhỡ được hạ thổ lúc xế chiều, tửu phần bị khai quật, Lãnh Út vứt bó đuốc vào gò rượu khiến phát hoả, thảo mộc chim muông bị say lây, Lãnh thề bỏ rượu, đàn hát.
Một năm sau, chùa Đàn mọc lên ở ấp, cô Tơ giữ việc kinh kệ, Lãnh Út bán ấp, giữ lại hai mẫu nơi dựng chùa Đàn”
Các nhà nghiên cứu phê bình cho rằng Chùa Đàn là một tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật, một truyện ngắn hơn bốn mươi trang cho thấy bút pháp của Nguyễn Tuân thật kỳ ảo như rồng bay phượng múa.
(Hoàng Như Mai)
Tác phẩm có thể bao gồm trong ba khía cạnh chính: Nhân bản, Nghệ thuật, và Quái đản.
Khía Cạnh Nhân Bản – Như đã sơ lược, truyện gồm có ba nhân vật chính: Lãnh Út chủ ấp, Bá Nhỡ quản gia và cô Tơ đào hát. Các nhân vật đều đã được Nguyễn Tuân xây dựng bằng những nét kỳ quái cho phù hợp với không khí ma quỉ: Lãnh Út, một chủ đồn điền còn trẻ, vợ chết trong một tai nạn xe lửa lật xuống vực khiến y trở nên thù ghét cơ khí máy móc. Lãnh đã vứt bỏ, bán tống táng hết những đồ đạc do nền văn minh cơ khí sản xuất ra như ô tô xe đạp, máy bơm nước, máy chữ… để trở về thời trung cổ chỉ vì quá thương yêu vợ, cậu đã trở thành kẻ thù của nền văn minh cơ khí.
Út đã không nguôi sầu mà ngày càng đau khổ hơn, ngày giỗ vợ cậu uống rượu liên tu bất tận đến phát điên cuồng. Cậu khóc ầm lên trong ngày giỗ khiến cho chim cú cũng phải tắc tiếng cầm canh. Dân trong ấp bắt đầu lo sợ. Cậu ngày càng hoá rồ, hoá dở vì thương vợ, công việc kinh tế bỏ bê, đồn điền có cơ tận thế.
Sau cậu không khóc mà lại tịnh khẩu, cứù ngồi yên lặng ngắm bức tranh vợ như nhà sư nhập định rồi còn sai mua pháo đùng về đốt ầm ầm khiến bao nhiêu tằm phải chết. Cậu bỏ rượu cả năm rồi lại uống nữa cho đến khi Bá Nhỡ người quản gia trung thành đã chết thê thảm vì cây đàn ma quỉ, Lãnh Út mới tỉnh cơn mê muội và chuyển tình thương yêu sang cho Bá Nhỡ.
“Lảo đảo, Lãnh Út lắp bắp ấm ớ nói mê giữa một giấc chiêm bao không ngày tháng: Sau một cái tử biệt, bây giờ ta phải tính đến một nỗi sinh ly khác. Đối với đàn hát từ bây giờ ta nguyện làm một người điếc, một người cô đơn, một người phản bội. Và trên vong linh Bá Nhỡ, ta thề độc là không bao giờ cầm đến một cái chén nào của cuộc đời này”
Cái chết bất đắc kỳ tử của người vợ thân yêu đã khiến cậu trở nên điên khùng mấy năm vì quá thương vợ, nay cái chết thê thảm của Bá Nhỡ, một người quản gia trung thành với cậu đã tìm hết cách để đưa cậu về đời, tục huyền với đời sống để rồi Bá phải bỏ mạng vì cây đàn ghê gớm ấy. Bá đã khiến cậu Lãnh tỉnh mộng, tỉnh cơn điên và xót thương cho người quản gia trung thành đã chết vì mình và bây giờ tình thương lại chuyển sang cho Bá Nhỡ.
Bá Nhỡ có liên hệ một vụ giết người ở dưới trung châu, bị kết án tử hình, vợ Lãnh Út đã đưa Bá về Mê Thảo đổi lại lý lịch cho làm quản gia. Cảm cái ơn cứu tử của Lãnh nên Bá đã hết sức trung thành ra sức cứu vãn ngày tận thế của ấp Mê thảo. Bá quán xuyến mọi việc sổ sách, trồng dâu nuôi tằm. Không những thế Bá còn lo cho cậu Lãnh Út tỉnh cơn điên dại vì thương cậu. Bá coi cậu như anh em ruột, Bá đã cứu vãn được ngày tàn của ấp Mê thảo mà còn cứu người chủ nhân vì lòng trung thành, vì tình thương.
Bá hầu rượu cậu, bình văn ngâm thơ để làm cậu quên mối sầu nhớ người thiên cổ, dựng nhà rạp, tìm gánh hát về múa hát cho cậu giải khuây. Lòng thương của Bá thể hiện trong lời tự nhủ như sau.
“Còn việc làm trong ấp, cái kén cái tơ, cái lá dâu, thuế má, công xá người làm, cậu cứ mặc em tính liệu. Miễn là cậu đừng buồn. May ra ông giời mà thương lại, xui cho cậu lại tục huyền với đời sống- đời sống nhiều khi cũng lại chỉ tượng trưng bằng cái hình người đàn bà muôn năm!- Cậu lại tục huyền mà hồi dần lại với cuộc đời cần lao như ngày cũ thì em này vui sướng đến đâu”
Cậu muốn được nghe cô Tơ hát, một ca kỷ có tiếng, thế là Bá bèn lặn lội về tận quê tìm cô Tơ, hai ba lần năn nỉ cô lên ấp không xong. Bá đã luyện lại tay tay đàn xuống tận quê Nhộn của cô Tơ, sai người võng cậu Lãnh xuống để cậu cầm chầu, Bá sẵn sàng chấp nhận cái chết vì ôm cây đàn của Chánh Thú.
“Thưa Cô, tôi về ấp đã nghĩ kỹ rồi. Tôi sẽ đánh đúng vào cây đàn thờ dựng trong buồng. Sự gì sẽ phải xảy ra cho tôi, tôi vui lòng chịu lấy. Cô không nên lo sợ ái ngại gì cho tôi cả”
Bá thương cậu như y như tình ruột thịt.
“Cậu Lãnh đãi mình rất hậu. Đấy là cái ơn tri ngộ. Ta muốn trở nên một chút ánh sáng, ta muốn trở nên một cái đốm lửa để làm bừng dậy trong lòng con người tê dại này”
Cô Tơ một goá phụ đoan chính, một danh ca có tình thương và căn tu. Mặc dù Bá nài nỉ nhiều lần nhưng vì đã chót thề giải nghệ nên đã không lên ấp Mê thảo hát cho cậu nghe. Cô quí trọng tài nghệ của Bá Nhỡ, cảm thông cho lòng trung thành của hắn nên cũng đã cố sức cứu mạng cho Bá: Một tối nọ cô nửa ngủ nửa mê thì chồng (Chánh Thú) hiện hồn về cho biết một ngày rất gần đây sẽ có người đến nghe cô hát, cứ để hắn lấy cái đàn ở bàn thờ mà gẩy, gẩy xong hắn sẽ lăn ra chết thế mạng cho ông dưới cung Thủy Tinh để ông đầu thai lên dương thế. Chánh Thú than đàn hát cho Diêm Vương trong mười vương phủ tối tăm khổ lắm.
Khi Bá Nhỡ đến nhà cô Tơ lần thứ ba, nhớ ra giấc mộng hôm nọ, cô đã gắng công cứu mạng cho Bá như sau.
“Nếu mộng triệu ứng vào người khách chơi đàn trên ấp Mê Thảo đang ngồi ngoài kia, thì tôi muốn xin mình tha cho người ấy. Mình chờ đến người sau rồi hãy đầu thai lên lại với cuộc đời bằng thịt bằng xương thật này. Cũng không lâu gì đâu . . . . . Nhưng đến cái người ngồi ngoài nhà kia thì tôi thấy không đang tâm. Tôi xin mình, mình chứng giám cho tấm lòng ngay thẳng và thương người của vợ mình. Tôi gieo tiền, mình bằng lòng thì một đồng sấp một đồng ngửa”
Tiền khất đài một mặt bôi vôi, ba lần gieo xuống đĩa thì ba lần chỉ quay tít mà cười rồi lăn ngửa cả ra đĩa, chứ không keo nào được cả. .”
Chánh Thú muốn đầu thai lên làm người đã không tha mạng cho Bá, cô Tơ hoa mắt nghẹn họng y như ngồi trên đống lửa. Cái gì phải đến đã đến, Bá Nhỡ chết vì cây đàn ma quái gây xuất huyết, cô Tơ oà lên khóc thảm thương rồi vuốt mắt cho Bá Nhỡ.
Khi bọn lực điền khiêng xác Bá về Mê Thảo, cô Tơ lẽo đẽo chạy theo. Một năm sau chùa Đàn đã được dựng lên tại Mê Thảo, cô Tơ đã xuất gia thoát tục trầm mình trong cõi từ bi.
Khía Cạnh Nghệ Thuật – Chùa Đàn cũng là một đoản thiên chan hòa nghệ thuật đàn ca của nền âm nhạc ả đào cổ truyền của dân tộc. Nhà biên khảo Nguyễn Mạnh Đăng có viết.
“Những đoạn văn như thế, phi Nguyễn Tuân, chắc không ai viết được. Bởi vì trong giới cầm bút, ai sành sỏi được như Nguyễn Tuân về các ngón nghề của hát ả đào, của cây đàn đáy, của chiếc trống chầu”
Hoặc Hoàng Như Mai đã viết.
Hoặc Hoàng Như Mai đã viết.
“Với Chùa Đàn Nguyễn Tuân còn tung phóng cái vốn kiến thức và cái tài dẫn truyện ở mức cao hơn. Những trang tả từ thời tiết phong cảnh đến nghệ thuật đánh đàn, hát ả đào, đến phong tục tín ngưỡng…. khiến độc giả say mê vì chất bác học và chất thơ chứa đựng trong từng câu từng chữ”
Mặc dù là một truyện quái đản, ma quỉ theo lối Liễu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh nhưng Nguyễn Tuân đã đưa vào tác phẩm tất cả kiến thức của mình về thuật đàn hát của lối ả đào cũng như sự say mê nghệ thuật của ông qua hình ảnh Bá Nhỡ, cô Tơ, Cậu Lãnh những người sành về đàn hát, trống chầu. Nhất là Bá Nhỡ một tay đàn tài hoa đã đón người về luyện lại tay nghề đã bỏ từ lâu rồi ôm đàn về quê tìm cô Tơ để đàn vài khúc cho cô nghe thử một cách say sưa khiến cô phải cảm phục.
“Cô chưa hết ngẩn ngơ thì cô đã phải chú ý đến ngón đàn khuôn của ông khách. Những chỗ buông bắt sao mà giống cái nghệ thuật ngày xưa của ông Chánh Thú đến thế”
Bá đã được cô Tơ nói cho biết sự thật ghê gớm về cây đàn đáy của Chánh Thú dựng bên bàn thờ, hễ ai cầm vào là phải chết thế nhưng Bá vẫn quyết cầm đàn để rồi thác như con tằm nhả tơ.
“Nhả cái tơ lòng ấy ra, đánh lên cái tơ ấy cho dội vang lên một giây phút của thời gian rồi mà hết luôn với tất cả chung quanh”
Hoặc.
Hoặc.
“Một người uống để kéo dài đời mình ra bằng sự nhớ thương một cái bóng trắng. Một người đánh đàn để càng cảm thấy rằng đời mình rồi sắp là cuộc đời của một sợi tơ do tay mình cấu đứt….”
Phần kết thúc của Chùa Đàn là cảnh đàn hát trống chầu của ba tay nghề ả đào, trúc tơ, tiếng đàn của Bá Nhỡ được mô tả là ngậm ngùi hậm hực
“Nó nghẹn ngào liễm kết cái u uất vào tận bên trong lòng người thẩm âm… nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình”
Cuộc đàn hát đưa người về cõi chết cũng là một sự biểu diễn nghệ thuật điêu luyện, Nguyễn Tuân đã trổ hết am tường của mình vào buổi ca nhạc cuối cùng này. Độc giả tưởng như đang hoà mình tham dự vào một buổi đàn ca không tiền khoáng hậu.
“Dưới mười ngón tay hoa múa dẻo quánh, tre trúc bật nẩy lên vì thỏa thích. Đàn và hát dắt nhau mà lướt bổng. Cậu Lãnh Út mềm tay roi, càng mê tơi đi vì tơ trúc ríu ran. Chưa hồi tỉnh cuộâc rượu của ấp, Cậu lại tự bồi thêm trận rượu của đêm nhạc”.
Cậu Lãnh như đang ngủ cái giấc thôi miên của âm nhạc dẫu cả cái vùng này có cháy nhà động đất cậu cũng chẳng hay. Phần kết thúc Chùa Đàn là một tấn thảm kịch của đàn hát, Bá Nhỡ say sưa trong tiếng đàn ca và cũng nhận ra mình đang chết dần mòn giữa tiếng nhạc, tiếng trúc, tiếng tơ đánh lên để đưa Bá ngả dần về cõi chết.
“Có người tự tử bằng mùi hoa ngát, có người tự tử bằng hơi nhạc”
Bá Nhỡ đàn, cô Tơ hát, Lãnh Út cầm chầu, họ trổ hết tài nghệ trong buổi đàn hát chết người ghê rợn và chính Nguyễn Tuân cũng đã trổ hết tài nghệ của ông để xây dựng, dàn cảnh cho buổi hòa nhạc tuyệt diệu ấy.
Trong phần giới thiệu cuốn Yêu Ngôn, Nguyễn Đăng Mạnh viết.
“Ai có được cái máu nghệ sĩ đậm đặc và cái kho từ vựng giầu có và đầy giá trị tạo hình như Nguyễn Tuân để mô tả cái tâm trạng ghê gớm dữ dội của một anh kép đàn tài hoa quyết đem mạng sống của mình để đánh đổi lấy mấy giây phút điên rồ của cảm hứng nghệ thuật, mấy giây phút chói ngời của anh hoa phát tiết, mấy giấy phút khoái cảm tuyệt vời của cuộc giao hòa thiêng liêng giữa những tâm hồn nghệ sĩ tri âm tri kỷ?….
Vâng, để viết được những trang như thế, tôi cho rằng Nguyễn Tuân phải thật sự đắm mình trong thế giới nghệ thuật mà mình sáng tạo nên”
Khía Cạnh Quái Đản – Đây cũng là một đặc điểm chính của tác phẩm, Chùa Đàn đã nằm trong số những truyện ma quỉ của Nguyễn Tuân, một chuyển hướng mới của ông đi tìm cảm giác lạ. Đây là truyện quái đản cuối cùng của ông và phần lớn giá trị của truyện dựa trên tính chất ma quái kinh dị.
Hoàng Như Mai có nói.
“Nhưng cũng không ít độc giả, trong đó có cả những người mến phục Nguyễn Tuân, tỏ ra phân vân, thậm chí có thể nói là hoang mang khi đọc Chùa Đàn. Tác giả kể một câu chuyện có nhiều yếu tố hoang đường khó tin, hơn thế nữa, kinh dị, ma quái”
Những truyện ma quái thật ra không hẳn là không có thật ở thế giới hữu hình. Có thể khó thấy ở nơi thị tứ náo nhiệt đông người nhưng lại sẵn có ở nơi hẻo lánh xa xôi rừng thiêng nước độc Miên, Lào vùng thượng du, rừng rú. Vả lại người sáng tạo nghệ thuật trong đề tài ma quỉ không nhất thiết phải bị gò bó trong giới hạn nào. Nghệ thuật không hẳn phải là tả chân hiện thực như ở Thạch Lam, Tô Hoài mà nó cũng có thể là hư cấu hoặc được mang nhiều kịch tính.
Nguyễn Tuân đã trổ hết tài nghệ của ông trong Chùa Đàn để cho truyện nhuốm mầu sắc quái dị ghê hồn, nhân vật, tình tiết được bao trùm bằng một mầu ma quái như tiếng khóc của cậu Lãnh Út thương người thiên cổ.
“Cậu Lãnh khóc to dần mãi lên… Rồi tiếng khóc vụt rống lên in hệt cái tiếng người rừng… Cơn khóc rống đã đổi sang thành tiếng hú hồn. Gió hưu hưu trên nương dâu, kéo lê thê những tiếng thảm rợn ấy xuống những vùng phụ cận thấp xa.”
Mê Thảo có một bãi tha ma chôn rượu gọi là tửu phần, mả rượu. Trên các luống mả có những thẻ tre ghi ngày tháng từng lứa rượu, cảnh đào rượu ban đêm không ngoài cái không khí quái đản của Chùa Đàn.
“Cảnh ấp, những đêm đào rượu chôn, trở nên quái đản. Khách qua đường đêm vắng tưởng đấy là một vụ chôn của hoặc là đào mả trộm”
Nhân vật có nhiều cá tính: Bá Nhỡ trung thành, nghệ sĩ tài hoa, Lãnh Út điên rồ vì thương người thiên cổ, cô Tơ có tiếng hát như mọc cánh bay lên, Chánh Thú hồn ma chỉ chờ người thế mạng để đầu thai lên cõi trần gian, và cả cây đàn của Chánh Thú cũng đã được mô tả bằng những nét kinh dị, cầm đến là phải chết.
“Nguyên cây đàn đó hình như có phù trú yểm bùa biếc gì ấy. Tang đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh. Hồi còn mồ ma nhà tôi, cái đàn ấy cũng đã sinh ra nhiều chứng lắm rồi. Về sau này, cứ vào những đêm tối giời… nhất là vào những đêm áp ngày giỗ nhà tôi, thường cây đàn vẫn dở giời, thành đổ mồ hôi cứ vã ra như tắm và thùng đàn phát lên những tiếng thở dài và vật mình vật mảy với bức vách, cứ lủng củng suốt đêm”
Một tâm hồn giầu tưởng tượng như Nguyễn Tuân khiến câu chuyện ngày càng trở nên kỳ ảo như rồng bay phượng múa đậm nét ghê rợn với những tình tiết mà trong văn chương Việt Nam ít người nghĩ được. Xây dựng nhân vật người kỳ dị, ông cũng dựng lên nhân vật hồn ma dưới cung Thủy Tinh như Chánh Thú đàn hát cho Diêm Vương trong mười vương phủ tối tăm cực khổ muốn đầu thai lên dương thế, Chánh đã hiện về nói cho cô Tơ biết sẽ bắt Bá Nhỡ xuống thế mạng cho y.
“Cô Tơ ngồi hẳn dậy thì không thấy gì nữa. Và một điều lạ là trong buồng thờ lại có ánh đèn, ai thắp?… . ba sợi dây tiểu dây trung dây đại ở đàn đáy kế tiếp nhau mà cùng đứt. Một con đom đóm vờn bay trên cây đàn nhễ nhại mồ hôi. Trên nền tang đàn gỗ ngô đồng, có những đốm lân tinh lập lòe. Cô Tơ lại gần nhìn thì mới biết đấy là máu của dây đàn đứt. Đầu các dây còn rung lên, ruột sợi tơ rỉ tuôn ra một thứ nước đặc sệt như máu con giời leo và xanh đục như ruột bọ nẹt.”
Và rồi khi Bá Nhỡ nâng chén độc ẩm tại nhà cô Tơ qua hình ảnh một tội nhân sắp lên đoạn đầu đài mở đầu cho những cảnh ghê rợn của của buổi đàn hát chết người.
“Bởi vì, chốc nữa – chỉ một chốc nữa thôi – khi mà Bá Nhỡ cầm đúng cây đàn thờ ấy lên, hễ bắt đầu sòng lên ba tiếng tức là ký vào một bản án tử hình đấy”
Cây đàn thì quái gở, tiếng đàn ngậm ngùi, ngẹn ngào u uất y như cơn gió chẳng lọt kẽ mành thưa nhưng ghê rợn nhất của đoạn kết của tác phẩm, cái chết oan nghiệt của Bá Nhỡ bị Chánh Thú gọi hồn.
“Trong buồng Chánh Thú có tiếng cười sằng sặc ở sau cái bài vị. Bát gương bàn thờ sứ chẻ dọc làm hai mảnh, tiếng nẻ toác to gọn như mắt tre nổ trong lửa. Hai mảnh sứ nhào lăn xuống nền đất, kêu đánh xoảng. Riêng cô Tơ nhận thấy tiếng đổ vỡ này và hiểu nó là điềm báo hiệu một điều linh thiêng gì. Qua cái màn mỏng nước mắt, người hát trừng trừng vào người đàn. Bá Nhỡ vốn đã còm, giờ lại càng khô sút hẳn đi. Máu tuôn ra nhiều quá, đánh đống quanh chỗ Bá Nhỡ như một khối hồng hoa.”
Máu tuôn từ năm đầu ngón tay qua những tiếng đàn u uất và kết thúc bằng cái chết thê thảm của người tài hoa bạc mệnh.
“Máu tuôn đã hết chất nồng và chỉ còn tỏa ra một mùi tanh nhạt.
Bá Nhỡ gục vào đàn, nách cắp lấy thành đàn mà nhoài ra giường. Gỗ bục đêm và thân người nhoài ra kia lạnh bằng nhau.
Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng.
Phía sau gáy Bá Nhỡ, vụt bay lên một con bướm đen loang lổ những chấm tròn hồng hoàng.
Tinh hồn Bá Nhỡ đã xuất thoát ra kia đang ríu đôi cánh ốm rồi biến dần vào bóng khuya. Một con châu chấu ma nổ ruột trên tim nến lả lay”
Thế là hết hẳn ngân rung của chỉ đàn.
Điệu hát Hoà Mã, chưa quá một phần ba”
Điệu hát Hoà Mã, chưa quá một phần ba”
Và rồi cây đàn Bá Nhỡ vùa buông ra cũng nổ tan thành từng mảnh giữa tiếng khóc nức nở của cô Tơ. Cảnh ghê rợn cuối cùng của Chùa Đàn khi Bá Nhỡ được dưa về mai táng tại Mê Thảo. Chủ ấp Lãnh Út đã cho khai quật gò rượu và rồi nổi lửa đốt tửu phần.
“Sẵn bó đuốc cháy, lãnh Út vứt luôn vào tửu phần khai quật. Gò rượu phát hỏa. Lửa men khê nồng bốc lên liên tiếp. Cho đến hết canh ba mà ngọn lửa men rượu xanh lè cũng chưa dịu ngọn. Đêm phóng hoả tửu phần, thảo mộc chim muông vùng Mê Thảo bị một trận say lây. Cây cành cỏ lá đều miên man rũ rượu rầu nhũn. Thú ngàn rống to lên như cảnh động rừng. Chim bị say, cánh cụp cứng lại mà lìa khỏi tổ, rụng xuống đất như quả chín rời cành mẹ”
Có lẽ Nguyễn Tuân đã trổ hết tài nghệ của mình, vận dụng hết trí tưởng tượng để dựng lên hoạt cảnh buổi đàn hát, một tấn thảm kịch kết thúc một đời người khiến ta không khỏi ngậm ngùi cho kiếp nhân sinh. Bá Nhỡ đã mang bản án tử hình, cuối cùng Bá đã buông xuôi cuộc đời cho số mệnh khi nhất quyết ôm cây đàn của Chánh Thú để tấu lên những bản nhạc định mệnh kết thúc đời mình.
Đoạn kết tấn thảm kịch diễn ra ngoài sức tưởng tượng khiến ta có cảm tưởng như đang mơ màng không biết mình đang sống trên dương gian hay nơi âm cảnh.
“Nhờ thế ông đã có thể tạo ra được những cảnh tượng mà người đọc khó phân biệt được là âm hay dương, là người sống hay người chết, là thế giới ông tưởng tượng ra hay những điều ông tin như thế thật và nhìn thấy như thế thật”
(Nguyễn Đăng Mạnh – Lời giới thiệu cuốn Yêu Ngôn.)
(Nguyễn Đăng Mạnh – Lời giới thiệu cuốn Yêu Ngôn.)
Nguyễn Tuân đã sống thật sự với hồn ma, với các nhân vật quái đản của ông để đưa người đọc vào một thế giới ma quái cho đến khi tấn thảm kịch đã kết thúc, ta vẫn tưởng như đang sống trong cơn ác mộng không biết đâu là hư đâu là thực, là dương gian hay âm phủ. Về giá trị văn chương, đoạn kết tấn thảm kịch đã đưa Chùa Đàn lên đến đỉnh cao của nghệ thuật, không còn gì cao hơn được.
PHẦN VIẾT THÊM
Chùa Đàn vừa đề cập trong phần trên là tuyện ma quỉ viết năm 1945, nhưng sau cách mạng mùa thu, Nguyễn Tuân đã vẽ rắn thêm chân vào tác phẩm để lập công với cách mạng. Ông đã viết thêm phần mở đầu gọi là Dựng, phần kết gọi là Mưỡu Cuối, phần giữa tức truyện Chùa Đàn cũ đổi tên thành “Tâm Sự Của Nước Độc”.
Toàn bộ cả ba phần kể trên làm thành Chùa Đàn năm 1946, Nguyễn Tuân mở đầu tác phẩm bằng câu.
“. . . Mày hãy diệt hết những con người cũ ở trong mày đi. . . mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã. Mày hãy lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày”
(Nguyễn)
(Nguyễn)
Có nghĩa là tác giả thề sẽ tự lột xác, tự hủy để trở thành con người cách mạng. Nhìn chung sau khi viết thêm phần Dựng và Mưỡu Cuối Nguyễn Tuân đã chữa “lợn lành thành lợn toi”, Chùa Đàn đã trở thành một truyện đầu Ngô mình Sở vì toàn bộ ba phần của tác phẩm hoàn toàn không có sự “kết hợp hài hòa”.
Xin sơ lược phần Dựng.
Người kể truyện (tác giả) bị Pháp bắt đi đầy một tỉnh phía tây, miền Bắc. Đây là một trại giam những người làm cách mạng chống Pháp, ông chú ý đến một anh tù tên Lịnh mang số 2910, tượng trưng cho những người trí thức say đắm với cách mạng, trại an trí V.B gồm toàn tù chính trị Kinh, Thổ. Tù nhân có quyền mua bán thực phẩm do tiền người nhà gửi lên, được viết, đọc họ tương đối có tự do.
Lịnh nhiều áo len, nhiều ngân phiếu ở ngoài gửi vào, nhiều thư. Tết anh còn được người nhà gửi cho lịch, một củ thủy tiên, mứt sen, trà mạn… Lịch đã trải qua nhiều trại giam, đã từng tuyệt thực, vượt ngục, nhiều án chính trị nhưng anh vẫn không sờn lòng. Tác giả có cảm tình với Lịnh, tìm cách gần anh. Một buổi trưa, Lịnh mời tác giả uống trà dưới bếp, anh khuyên ông đừng ngủ trưa để tránh bệnh… anh đưa thuốc cho ông uống, khuyên nên giữ mình để sau này trở về hoạt động cho cách mạng.
Lịnh dạy ông học ngoại ngữ, anh đọc sách, biên chép luôn tay. Mấy người lính gác nhờ Lịnh viết thư, anh sốt sắng giúp họ, anh nghiên cứu kinh Dịch và đưa nó vào biện chứng pháp duy vật, Lịnh hiểu biết rộng. Khi lao động ngoài bãi, làm việc xong anh chui vào bụi đọc viết. Lịnh dư tiền, hay giúp đỡ anh em túng thiếu, anh em tù thường gửi mua bánh ngọt, thuốc lá, trà tầu, xà phòng, gà vịt, rượu lậu… Lịnh chỉ mua giấy mực để biên chép, anh giúp các bạn tù, dạy họ học, ít nói, anh thường tập thể thao. Lịnh được cử đọc báo cho anh em, anh bình luận chính trị rất hay, tin tưởng vào cách mạng. Tác giả coi Lịnh như anh cả, mỗi khi đi ra ngoài làm, ông xin lính gác cho đi theo Lịnh, nhiều người tù uống rượu tiêu sầu, Lịnh không bao giờ uống.
Trước đây tác giả la cà đắm đuối đàn hát, chèo, ca Huế, cải lương… nhưng từ khi bị tù nay thì không còn nghĩ đến nữa, viên đội coi tù biết Lịnh là tay tài hoa, biết làm bài hát nói. Một hôm qua sông cắt cỏ, ông đội xin Tây cho anh em đi làm xa và có mời đào hát cho anh em ăn nhậu vui chơi. Lịnh lánh mặt không tham dự nên buổi hát không thành hình.
Một hôm Lịnh kể cho tác giả chuyện hát ả đào, hắn rành lắm, rồi đưa cho tác giả xem một truyện do hắn đã viết “Tâm Sự Của Nước Độc”, (tức Chùa Đàn 1945) và như vậy nhân vật cậu Lãnh Út, chủ ấp Mê Thảo, người đã say rượu điên đảo, mê hát ả đào bây giờ trở thành nhà cách mạng Lịnh (người mang số 2910).
Đây là một sự lột xác giả tạo y như một trò diễu. Trước thập niên 80 Chùa Đàn bị xếp vào loại duy tâm phản động nhưng nay vì chính sách đổi mới tư duy, người ta đã đánh giá lại cho công bằng hơn, ngay cả những nhà nghiên cứu trong nước như Nguyễn Đăng Mạnh ngày nay cũng phải khó chịu về cái lối xám hối như trên.
“Rõ ràng là nó nằm trong cái mạch văn xám hối, lột xác. Tuy chân thật nhưng cũng không tránh khỏi bốc đồng một cách ấu trĩ của Nguyễn Tuân cũng như của nhiều nhà văn tiền chiến khác trong buổi đầu đi theo cách mạng”
Nguyễn Đăng Mạnh cũng nói.
Nguyễn Đăng Mạnh cũng nói.
“Vừa giác ngộ cách mạng được ít ngày, tác giả Yêu Ngôn, cũng như của Vang Bóng Một Thời, Thiếu Quê Hương. . . làm sao đã có thể lột xác ngay được”
Nhà nghiên cứu xã hội chủ nghĩa còn phải thấy cái giả tạo trơ trẽn của trò lột xác ấy.
“Chủ trương của ông có phần trái qui luật, trái tự nhiên vốn là tình trạng chung của quan niệm những người hoạt động trên lãnh vực văn hoá tư tưởng lúc bấy giờ. Ngày nay nghĩ lại thấy cũng nông nổi thật! Việc gì mà phải diệt hết những con người cũ ở trong mày đi”
Trong con người cũ, tư tưởng cũ cũng có thiếu gì những yếu tố tốt cần được phát huy, gìn giữ.
Mưỡu Cuối.
Sau phần ruột, Nguyễn Tuân viết thêm phần kết luận gọi là Mưỡu Cuối.
Xin sơ lược
Kính gửi sư thầy Tuệ Không.
Tác giả gửi thư cho nhà sư Tuệ không tức cô Tơ nay đã xuất gia vào nơi cửa Phật. Tôi vào bụi lau đọc xong “Tâm Sự Của Nước Độc” (tức Chùa Đàn viết 1945) do Lịnh viết xong năm 1932 trên một con tầu bể sau khi bỏ ấp Mê thảo xuất dương làm bồi tầu đi làm cách mạng ngoài xứ, Tâm Sự Của Nước Độc là quãng đời niên thiếu của Lịch lúc còn theo cá nhân chủ nghĩa, hưởng lạc. Tập truyện hồi ký đã cho tôi nhiều rung động hiếm có. Ấp Mê Thảo như một cái ngục tối, lính canh là rượu, hát, kỷ niệm, thương tiếc vợ đã ra người thiên cổ, cái ấp nay những lạc thú ấy đã không giữ được Lịnh (Lãnh Út), thế mà Lãnh Út đã thoát ra.
Tôi nhìn Lịnh và cảm phục, một người đã chìm nổi vì rượu chán ngấy tửu ca, nay Lịnh sợ rượu, ả đào hơn cả tù đầy của thực dân Pháp. Lịnh đã đem tuổi trẻ cầm cố cho rượu. Lịnh đổi cái đối tượng của mê mải, nay là tình nhân của cách mạng. Lịnh tặng tôi luôn tập truyện Tâm sự Của Nước Độc để tôi nghiền ngẫm.
Bạch sư thầy Tuệ Không .
Cô Tơ chính là sư thầy Tuệ Không lúc này, tác giả nói mình đã mãn tù đến nói chuyện với sư thầy: Xin thầy hãy gấp cuốn Kinh Hoa Nghiêm lại mà luận định một thái độ với kẻ vô đạo này.
Phải chăng sư thầy nay muốn lấy cái mộc mạc lặng lẽ thay cho cái xán lạn ồn ào ngày trước: đi tu, đi hát có khi nào thầy nghĩ tới những người đã cung cấp cơm ăn áo mặc cho thầy không? như người thợ mộc, thợ dệt, thợ nề? trước kia thầy gõ cái phách ca hát bây giờ thầy gõ mõ. Cô Tơ đã đi tìm đến Chùa Đàn để tự tử dần dần hay đi tu cũng thế. Cho đến nay sư thầy vẫn sống để nhai hạt lúa của cuộc đời. Sư thầy ăn cơm không thịt không cá mà không có nợ với xã hội xung quanh hay sao?
Đối với cuộc đời ta cần phải sòng phẳng. Ông Phật nói diệt dục, nhưng ý thức cách mạng là dục vọng chính đáng sâu sắc, rộng rãi mỹ miều, đi tu như sư thầy để diệt dục, ăn gạo của cuộc đời là trò lộn sòng, đánh bạc gian. Đời sống nay còn lệch vẹo nhưng mai kia sẽ tươi đẹp hơn. Sư thầy bỏ công cuộc kiến tạo chung để xây dựng hạnh phúc riêng cho mình, để thành Phật một mình, đi tu như thế chẳng khác nào ăn cắp gạo vải của cuộc đời.
Tác giả khuyên cô Tơ phải sống, phải trở lại cuộc đời, vứt bỏ cái mõ, vứt bỏ cuốn kinh trở lại nghề ca để đem tiếng hát cho xứ sở cho nhân dân cho cách mệnh.
Như chúng ta đã biết nhân vật cô Tơ và Tuệ Không là do tác giả dựng lên từ khi viết cuốn Chùa Đàn năm 1945, một cô Tơ từ bi có lòng nhân đức, xót thương cho thân phận bi thảm của Bá Nhỡ đã phải xuống Thủy Cung. Sau cô đã gửi thân nới cửa thiền môn thành nhà sư Tuệ Không thế mà có gần một năm sau tác giả lại xỉ vả Cô Tơ, Tuệ Không bằng những lời lẽ nặng nề nhất. Tại Chùa Đàn ông xây dựng Lãnh Út như một tên điên khùng, rồ dở chống lại nền văn minh cơ khí và bây giờ lại hết lời tán tụng hắn qua hình ảnh Lịnh, đã lột xác thành người đàng hoàng có đạo đức cách mạng.
“Nhưng sau cái cái thời kỳ hỗn loạn của ấp Mê Thảo, giờ Lịnh là người tình nhân của cách mạng”
Và cô Tơ bây giờ trở thành thầy Tuệ Không, một người ăn bám xã hội, đi tu để chối sự sống.
Và cô Tơ bây giờ trở thành thầy Tuệ Không, một người ăn bám xã hội, đi tu để chối sự sống.
“Hoặc đi hát hoặc đi tu, riêng trong hai việc mặc và ở dẫn ra đó, có lúc nào sư thầy nghĩ đến những người đã cung cấp cho sư thầy những điều cần dùng hàng ngày ấy cho thể xác không? Có lúc nào sư thầy nghĩ đến một người thợ dệt- dệt tơ dệt vải cũng thế- một người thợ mộc thợ nề?”
Ông nói đi tu là ngồi ngoài rìa của sự sống! Để nhai cái hạt lúa của cuộc đời tạo ra, ông nói rằng những người xuất gia như thầy Tuệ Không là đánh bạc gian.
“Còn có dục vọng nào chính đáng sâu sắc rộng đẹp bằng ý thức cách mệnh… vậy mà có những pho sách gỗ in đã bảo sư thầy nên diệt hết những dục vọng cao quí ấy đi để rồi chạy theo một bóng hạnh phúc ở chỗ huyền ảo nào. Ấy thế rồi sư thầy mặc áo thật của cuộc đời, ăn gạo thật của cuộc đời để phản ngay đời sống bằng cái sống lộn sòng như thế đấy”
Nguyễn Tuân kết án những người gửi thân nơi cửa Phật thay vì tham gia vào công việc xây dựng chung khổng lồ, lại chạy trốn cuộc sống đi tìm một mái chùa nếu có thành quả thì cũng chỉ là một cái tội ích kỷ.
“… Bỏ cái nhà mình đến ở một cái nhà của ông Phật để trở nên một ni cô, nghĩa là một người ăn cắp gạo vải của cuộc đời”
Nếu nói như Nguyễn Tuân, những người đi tu là ích kỷ, tìm cái hạnh phúc riêng cho mình, là ăn cắp cơm gạo của xã hội, là cái trò đánh lộn sòng cuộc đời thì trên đời này không có gì được gọi là chân thiện mỹ, thế giới tâm linh mà được gọi chung là duy tâm phản động.
Nếu nói như Nguyễn Tuân, những người đi tu là ích kỷ, tìm cái hạnh phúc riêng cho mình, là ăn cắp cơm gạo của xã hội, là cái trò đánh lộn sòng cuộc đời thì trên đời này không có gì được gọi là chân thiện mỹ, thế giới tâm linh mà được gọi chung là duy tâm phản động.
Tất cả những tinh hoa của giáo lý, chân lý, tất cả tinh hoa của nền văn minh tinh thần đã bị chôn sâu lòng đất. Con người dưới lăng kính duy vật chủ nghĩa của tác giả chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu vật chất cơm ăn áo mặc, con người chỉ sống theo bản năng động vật và cũng sẽ chẳng hơn gì con vật.
Ở Chùa Đàn năm 1945, Nguyễn Tuân đưa cô Tơ vào chùa nương náu cửa từ bi để xuất gia thoát tục và bây giờ ông lại kêu gọi cô Tơ vứt bỏ kinh kệ trở về nghề hát để phục vụ cách mạng.
“Hãy vứt bỏ lại cái mõ, cầm ngay lấy đoạn trúc xưa mà hát lên một bài cho xứ sở, rung thêm lên nữa với công cuộc đang sinh thành”
Hoặc.
“Lịch sử đang chép những thanh âm của cô đấy và đánh giá tiếng hát cô ngang hàng hàng với những nhát búa, nhát bay, tiếng gặt hái của tất cả một thời.
Cô hát nhiều nữa lên. Lời đã có thời đại đặt hộ. Điệu cũng thế.
Cho tới ngày nay, chưa có cuộc Cách Mệnh nào của con người mà bỏ được tiếng hát, cô Tơ ạ”
Nguyễn Tuân đã xây dựng tô điểm, nhân vật cô Tơ năm 1945 và bây giờ 1946 ông lại bôi bác, phỉ báng cái nhân vật ấy vì ông đã lột xác, đã diệt hết con người cũ ở trong bản thân mình. Nhân vật cô Tơ đã đi theo con đường duy tâm phản động, đi tìm hạnh phúc cho riêng mình thay vì tham gia vào công cuộc xây dựng cách mạng to lớn. Thật chẳng khác nào tác giả rủa nhân vật của mình cũng như chửi lại chính mình.
Thật đáng tiếc cho tác phẩm của Nguyễn Tuân, cho một công trình văn nghệ có giá trị mà ông đã đóng góp cho văn hóa dân tộc, trong phút chốc dưới sự đổi trắng thay đen, nó đã tiêu tan thành tro bụi.
Tác phẩm đã được độc giả say mê thưởng thức, tài nghệ của ông đã được bao người ngưỡng mộ mà chỉ trong chớp mắt nghệ thuật và tài năng của ông đã bị chôn sâu đáy mộ.
Phải chăng chỉ vì Nguyễn Tuân quá sợ hãi, quá khiếp nhược để rồi phải đổi trắng thay đen, phải uốn cái lưỡi không xương nói ngược nói xuôi và kết án chính bản thân mình.
Thật đáng buồn cho ông, cho cái lối ngụy biện, lý luận ngược đời của ông và thật không hiểu ông đã lầm đường hay cô Tơ lạc lối?
© Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét