Di cư vào Nam 1954. Ảnh lấy từ LTCG |
Hôm nay là ngày 20/7. "Hai mươi tháng bảy, toàn dân Nam nhớ thương" .... Mỗi lần đến ngày này, tôi lại nhớ đến câu hát ấy, được lấy trong một bài hát về "ngày quốc hận" dưới thời VNCH mà giờ đây hình như không còn ai biết đến nữa.
Vâng, 20/7 được xem là ngày quốc hận vì cách đây đúng 60 năm, một cuộc chia lìa vĩ đại trong lịch sử VN đã được định đoạt, kéo theo 21 năm chiến tranh triền miên với bao nhiêu máu xương đổ xuống hai miền để đất nước thống nhất vào năm 75.
Còn nhỏ khi học sử dưới thời VNCH thì tôi nghe người ta lên án miền Bắc cộng sản vì đã ký vào Hiệp định chia đôi đất nước, đưa chủ nghĩa cộng sản vào VN gây cảnh chia lìa và chiến tranh tang tóc, để cả nước phải chịu cảnh "đêm sông Hương nhung nhớ, ngày Cửu Long mơ ... mơ một ngày Hồng Hà góp hội trùng dương" như trong lời một bài hát của TCS. Đối với người miền Nam lúc ấy, nước Mỹ là một đồng minh giúp VNCH xây dựng một chế độ tự do dân chủ tại một nửa đất nước, nền dân chủ ấy tất nhiên là còn rất non trẻ và vô cùng khó khăn (vì sự quấy phá liên tục không ngừng nghỉ bằng vũ lực của Việt Cộng với sự hỗ trợ của miền Bắc, với sự ra đời của Mặt trận giải phóng miền Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng Lao Động VN ngay từ năm 1960 khi Mỹ chưa hề trực tiếp đặt chân vào miền Nam). Chỉ mới 21 năm, nhưng VNCH cũng đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận và có một số thành tựu về kinh tế, khoa học kỹ thuật....
Nhưng sau ngày "giải phóng" thì ngày ký HĐ Geneva đã xuất hiện với những ý nghĩa khác hẳn: Ta chiến thắng vẻ vang, Mỹ thay chân Pháp tiếp tục xâm lược, ta bắt đầu cuộc chiến tranh thần thánh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đánh đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền SG .... (trong đó tất nhiên có cha tôi và rất nhiều người dân ở miền Nam, vì làm sao có thể khác?)
Quay lại giai đoạn 1954-1955. Cha mẹ tôi, lúc ấy mới vừa lấy nhau được ít lâu, một người 18 tuổi còn người kia 22 tuổi, sau lưng bỏ lại quê hương, gia đình và chòm xóm để cùng dòng người di cư từ miền Bắc để vào Nam trong chuyến hành trình được đặt tên là "Passage to freedom" - Đường đến tự do. Cái tên mà mãi sau này đọc tài liệu nước ngoài về cuộc chiến VN tôi mới được biết. Cuộc ra đi được so sánh với những người Mỹ đầu tiên rời bỏ nước Anh để đi tìm tự do ở vùng đất xa lạ mà sau này trở thành nước Mỹ. Với tôi, nó giống cuộc Exodus để tìm về miền đất hứa của dân Do Thái hơn. Vì cuộc hành trình đó cũng rất dài và gian lao chẳng kém gì cuộc Exodus, mà có lẽ đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn tất.
Lý do cha mẹ tôi vào Nam mà ông bà nội tôi không đi là vì ông bà còn một người con trai - anh ruột của cha tôi - đi theo Việt Minh và mất tích trong thời kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, ông nội tôi muốn ở lại để may ra có thể tìm được bác tôi nếu bác còn sống và chỉ lưu lạc ở đâu đó, hoặc nếu đã qua đời thì cũng tìm lại nắm xương đem về chôn cất, để người chết được mồ yên mả đẹp và người sống cũng yên lòng khi thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ.
Quyết định như vậy, nhưng ông tôi lại khuyến khích cha mẹ tôi đi vào Nam sinh sống. Lúc ấy, cuộc cải cách ruộng đất đã bắt đầu diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có Nam Định là nơi ông bà nội tôi sinh sống. Ngay từ trước năm 75 thỉnh thoảng khi nói chuyện về miền Bắc tôi vẫn nhớ bố tôi nhắc đến ông Trường Chinh, kể rằng ông đã về nói chuyện ở làng trong thời gian cải cách ruộng đất, nhớ bố tôi kể chuyện (hình như) chính cha mẹ của ông TC cũng bị mang ra đấu tố, nhớ cả câu truyện về thói quen của những cán bộ VM là dùng đũa hai đầu, một đầu để ăn còn đầu kia dùng để gắp cho người khác cho hợp vệ sinh. Những mẩu chuyện tôi nghe thấy lạ lùng nhưng không quan tâm vì không nghĩ nó có bao giờ ảnh hưởng đến cuộc đời mình. Nhưng có ai đoán được tương lai!
Cuộc cải cách ruộng đất ấy không làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của ông bà nội tôi vì ông tôi nghèo không có nhiều ruộng, lại có con trai (là bác tôi) theo Việt Minh nên được xem là có công với cách mạng. Dù vậy, ông tôi vẫn cảm thấy chế độ mới có lẽ không phù hợp cho đứa con trai duy nhất còn lại của ông là cha tôi, một anh học trò chân trắng (ông bà tôi tuy làm ruộng nhưng lại muốn cho bố tôi thoát cảnh làm nông dân nên đã cố gắng cho cha tôi lên Hà Nội ăn học). Mẹ tôi là người Hà Nội cũng chỉ biết buôn bán, và chắc chắn là khó sống với chế độ mới, vì quan điểm tư bản là kẻ thù, là phản động, chỉ có lao động chân tay mới là vinh quang, là chân chính, và bần cố nông mới là giai cấp của cách mạng.
Những kẻ thuộc thành phần tiểu tư sản như cha mẹ tôi (dù khi lấy mẹ tôi thì cha tôi chẳng có một xu dính túi, chỉ có một chút học hành và sức lao động mong có thể bán cho kẻ nào muốn mua!) thì là thành phần ăn bám, cần phải được cải tạo để sống trong chế độ cách mạng, mà biết có thể cải tạo được chăng! Đi vào Nam, thì may ra còn có cơ hội tìm được nghề sinh sống. Đó là suy nghĩ của ông nội tôi và cha mẹ tôi trong những tính toán rời bỏ quê hương để vào Nam, mà tôi đã nghe được khi cha mẹ tôi nói chuyện với chú (chồng của cô út) sau năm 75 khi miền Bắc đã chiến thắng trong cuộc chiến.
Một lý do khác nữa mà ông tôi khuyến khích cha mẹ tôi vào Nam là vì gia đình tôi là người Công giáo. Lúc ấy, chủ trương vô thần của chính quyền cộng sản thời ấy cộng với sự ác cảm không giấu diếm của cộng sản đối với người Công giáo khiến cho rất nhiều người không muốn ở lại quê hương với chính quyền cộng sản, dù với họ cuộc ra đi là một cuộc phiêu lưu vô định vào một nơi xa lạ chẳng biết tương lai sẽ đưa họ về đâu. Một quyết định xé lòng, nhưng dường như đối với những người như cha mẹ tôi (và nhiều người công giáo khác) thì không còn lựa chọn nào khác. Sau này, một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của chế độ mới mà tôi đọc được là cuốn Bão biển của Chu Văn, cũng nói về cuộc sống của người Công giáo ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giờ tôi không còn nhớ rõ nội dung nhưng nhớ chắc chắn hình ảnh người Công giáo dưới mắt của tác giả (và tất nhiên nó phản ánh quan điểm chính thống của chính quyền "cách mạng") là vô cùng xấu xí và dĩ nhiên là rất phản động.
Quay trở lại cuộc di cư. Sự chia cắt đau thương của ngày ấy ấy tôi biết được qua những lời mẹ tôi kể về những ngày giằng co để cuối cùng đi đến quyết định di cư, trong đó bố tôi thì nửa muốn đi - vì thanh niên trai tráng, lại cũng có chút chữ nghĩa, cũng muốn tìm cho mình một cơ hội nhiều hơn là ở lại nhà quê với cái nhìn không thiện cảm của chế độ mới và phải tự cải tạo bằng lao động để trở thành một con người chân chính! - nửa lại bịn rịn vì thương ông bà nội tôi, chỉ có hai người con trai thì một bác đã mất mà bố tôi lại bỏ đi vào Nam. Chính vì sự dùng dằng này mà bố mẹ tôi chờ mãi đến gần hết giai đoạn 300 ngày cho phép di chuyển giữa hai miền - Bắc vào Nam, Nam ra Bắc - mới quyết định vào (bố mẹ tôi vào Nam năm 1955), và chuyến đi từ quê Nam Định ra Hải Phòng để lên tàu vào Nam gặp biết bao nhiêu trở ngại vì chính quyền Việt Minh lúc ấy không muốn bị mất dân nên cản trở bằng nhiều cách.
Những điều ấy mẹ tôi hay kể cho bọn tôi nghe; bọn tôi nghe thì thấy lạ lẫm nhưng không xúc động vì mình không trải nghiệm. Nhưng điều mà tôi cảm nhận được rất rõ ràng là trong mắt bố mẹ tôi, mà nhất là bố tôi, thì làng quê miền Bắc là một cái gì đó hết sức thơ mộng, với những đêm trăng sáng mọi người quây quần ở ngoài sân hóng gió và kể chuyện cổ tích hoặc chuyện ma, hay cây đa giếng nước ở đầu làng .... Còn với mẹ tôi thì ký ức về miền Bắc là một Hà Nội vô cùng thanh lịch, thiên nhiên thì vô cùng thơ mộng đẹp đẽ với mưa phùn vào dịp Tết, với hoa đào đỏ thắm, với với rất nhiều hồ, nào là hồ Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, hồ Tây, đương nhiên là phải có hồ Hoàn Kiếm với những cây liễu rủ lơ thơ mà mãi sau này tôi mới thấy lần đầu tiên vào cuối năm 1990 khi ra Hà Nội để nhận học bổng đi học ở Úc vào cuối năm 90 đầu năm 91.
(Nhân nhắc đến việc này cũng tôi xin lạc đề để viết mấy dòng cám ơn nước Úc, chính phủ Úc và nhân dân Úc đã tài trợ cho một đứa con nhà nghèo, lại thêm lý lịch đen như tôi cũng có cơ hội để đi ra bên ngoài ngắm nhìn thế giới, mà lần đầu tiên chỉ đi đến Thái Lan thôi là tôi đã thấy thật shock và vô cùng tủi nhục - nhưng đó là một câu chuyện khác.)
Sự thương nhớ của cha tôi còn thể hiện qua việc lưu giữ cẩn thận mấy tấm bưu thiếp in sẵn mà cô ruột tôi gửi vào cho gia đình tôi trong thời gian 2 bên vẫn còn được quyền liên lạc - dù rất hạn chế - trong thời gian chờ "tổng tuyển cử" vào năm 1956. Tất nhiên cuộc tổng tuyển cử ấy không bao giờ xảy ra như mọi người đã biết, và lòng thương nhớ khôn nguôi ấy tôi vẫn chằng thể nào hiểu được cho đến mãi sau này chính tôi cũng đã trải qua khi lịch sử lặp lại vào năm 1975.
Vâng, ngày 29/4 năm 1975 thì người chị cả và anh kế của tôi cũng cỡ tuổi 18 đôi mươi (chính xác thì chị tôi 20 còn anh tôi chỉ mới 17) lại dắt díu nhau đi "di tản" (à, ai còn trẻ chưa biết thì cần nhớ "di cư" là chuyện của năm 54, còn "di tản" là việc của năm 75). Nhưng không giống năm 54 còn có 300 ngày để bàn bạc, cân nhắc và đi đến quyết định, lần này gia đình tôi và những người khác nữa chẳng có ngày nào mà chỉ là một quyết định tức thời trong "cuộc tháo chạy tán loạn" năm ấy. Anh chị tôi ra đi, để lại cha mẹ tôi và 6 đứa con còn lại mà tôi là đứa lớn nhất, năm ấy chưa đầy 15 tuổi, và một trời thương nhớ lại bắt đầu, bây giờ đã chuyển sang đến thế hệ của tôi.
Tôi vẫn nhớ, thực ra ban đầu cha tôi đã đồng ý cả gia đình sẽ cùng đi. Trước đó, theo kế hoạch đã bàn bạc sẵn thì mẹ tôi đã sắp xếp đồ đạc vào túi xách để đem đi di tản. Tôi nhớ mẹ tôi đã chuẩn bị cho anh chị em tôi mỗi người một túi vải với mấy bộ quần áo, một ít lương khô, một ít tiền và 2 cây vàng, phòng hờ lỡ có đánh nhau to mà lạc mất nhau thì mỗi người cũng còn có thể sống sót ít lâu. Trong nhà tôi có hai chiếc xe gắn máy, một chiếc Vespa Sprint do cha tôi chạy và chiếc xe Honda PC do chị tôi chạy. Kế hoạch của cha tôi là chị tôi chở anh tôi ra cảng SG trước, rồi quay về đón tôi và đứa em kế, còn cha tôi thì đi chiếc xe Vespa chở mấy đứa nhỏ và mẹ tôi chừng vài vòng là hết.
Lúc ấy khoảng gần 5 giờ chiều, cha tôi lấy chiếc Vespa Sprint đi một vòng để xem chỗ tàu đậu và nghe ngóng tình hình, bỗng trở về và nói: Ở ngoài đó hỗn loạn lắm, đi ra ngoài đường lúc này vô cùng nguy hiểm, đạn pháo khắp nơi, không biết sống chết thế nào. Thôi, không đi đâu hết, có chết thì cùng ở lại chết với nhau thôi. Đúng ngay lúc ấy thì chị tôi về đón tôi sau khi đã bỏ anh tôi ở cảng SG. Tôi nhớ mình đã ngồi lên yên xe (chiếc xe Honda PC nhỏ nhắn thời ấy đang được xem là rất mốt, phù hợp với các cô thiếu nữ) nhưng rồi cha tôi đã gọi giật lại, bảo tôi xuống xe và bảo chị tôi ra đón anh tôi về nhà. Chị tôi hơi ngỡ ngàng khi thấy tôi xuống xe, trân trối nhìn tôi, rồi chị quay sang nhìn cha tôi, hơi gật đầu rồi quay xe đi.
Tôi vẫn nhớ mãi cái hình ảnh cuối cùng ấy: Mặt chị căng thẳng, như hơi đanh lại, tóc dài bay bay khi phóng xe đi, và ngay lúc ấy một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu tôi nhưng tôi không dám nói với ai, rằng chắc chắn là chị tôi và anh tôi sẽ quyết định đi luôn chứ không quay lại nữa đâu. Và tôi đã đúng. Để sau ngày 30/4, cứ mỗi lần thấy một đồ vật gì của chị tôi bỏ lại - những quần áo, tập vở, số sách, ghi chép, hình như có cả tập thơ chép tay, thơ của chị tôi và thơ của những tác giả mà chị tôi thích, thì tôi lại thấy lòng quặn lại, và nhớ hình ảnh chị tôi chiều hôm ấy.
Quyết định thay đổi từ ra đi thành ở lại của cha tôi diễn ra trong tích tắc, chỉ trong thời gian khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ, và mẹ tôi cũng rất ngỡ ngàng nhưng không nói gì. Rồi liền sau đó là một cuộc sống mới với tất cả mọi giá trị hoàn toàn đảo lộn đã ập đến. Sau này cuộc sống khó khăn quá, thỉnh thoảng khi nhớ lại thì mẹ tôi lại trách cha tôi về cái quyết định chớp nhoáng vào lúc ấy, và tỏ ra không hiểu vì sao ông làm như thế. Cha tôi không bao giờ nói gì về việc này, nên tôi chẳng rõ lý do gì khiến cha tôi có cái quyết định đó, và ông có bao giờ cảm thấy hối tiếc hay không. Nhưng khi nói chuyện riêng với tôi thì mẹ tôi quả quyết cha tôi đã quyết định ở lại vì nghĩ đến ông nội tôi còn sống ở miền Bắc, hẳn là không muốn vĩnh viễn rời xa cha mình vì như thế là bất hiếu (bà nội tôi đã mất không lâu sau khi gia đình tôi di cư vào Nam, và cái tin bà mất cũng làm cho cha tôi vô cùng đau đớn). Và những trải nghiệm của bản thân tôi với sự ra đi của chị tôi đã giúp tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm với quyết định lúc ấy của cha tôi.
Cuộc chia ly 21 năm của gia đình (lớn) của tôi sau năm 1975 đã có một kết cục tạm gọi là đẹp. Khoảng đầu năm 1976 chú tôi (chồng của cô út ở miền Bắc) đã đưa ông nội tôi vào Nam trên chuyến xe lửa Bắc Nam để thăm gia đình tôi lúc ấy đang cảm thấy rất lo lắng với cuộc sống mới. Cuộc gặp gỡ sau hơn 20 năm của hai cha con diễn ra đầy mừng tủi, ông nội tôi rất vui khi thấy đứa con trai duy nhất (vì người con trai đầu đã hy sinh) giờ đây đã có một bầy con đông đúc, với 5 người con trai (mà trước đó khi nói về ông tôi ở miền Bắc thì cha tôi lại tự hào nói với những người bà con trong họ: họ Vũ của ông nội tôi "con độc cháu đàn"), 3 cô con gái. Tất nhiên là còn thiếu hai người con đầu của cha mẹ tôi đã đi di tản mà lúc ấy vẫn còn chưa có tin tức.
Ông tôi rất vui khi nhìn thấy đám cháu chưa bao giờ biết mặt, bố tôi thì khỏi phải nói rồi, chỉ có mẹ tôi (và tôi, đứa con gái lớn lúc ấy vì chị cả tôi đã đi) là hơi vất vả vì ông tôi vào nên khách khứa liên miên, lại thêm phải lo cho ông ăn ở sinh hoạt. Rất lạ là thằng em út của tôi dù mới gặp ông lần đầu đã rất quyến luyến ông, lúc nào cũng lẩn quẩn bên ông như ông cháu đã ở với nhau từ lâu lắm. Cha tôi muốn đón ông vào SG sinh sống nhưng ông quyết định trở về Nam Định, bởi vì ông không quen ở thành phố nên cảm thấy rất xa lạ, nhớ ruộng đồng chòm xóm. Và điều quan trọng nhất là vì ông tôi sau này đã tái hôn với bà sau, có thêm cô con gái bằng tuổi đứa em út của tôi, và ông muốn trở về với bà và cô út (sau) vì biết cuộc sống ở SG không hợp với mọi người.
Cuộc hội ngộ năm 76 của gia đình tôi dù cảm động vẫn có những điều chưa trọn vẹn. Anh chị tôi vẫn còn "mất tích" chưa có tin tức gì (mãi mấy năm sau chị tôi mới gửi thư về, lại là một chuyện ly kỳ khác mà một lúc nào đấy tôi cũng sẽ phải kể lại), nên mỗi lần nhắc đến thì ai cũng đau lòng, chẳng biết mọi người sống chết ra sao. Dường như ông tôi không hài lòng lắm với việc cha tôi để cho 2 đứa con đầu đi di tản, nhưng ông không bao giờ nói ra. Những cuộc trao đổi vẫn còn né tránh chuyện chính trị, ai cũng cố tránh không gợi ra về cuộc chiến lâu dài đẫm máu mà hai bên chĩa súng bắn vào nhau (nhà tôi thì không có cảnh này vì ông nội tôi chỉ có mỗi một mình cha tôi, nhưng nhiều bà con khác thì có), không nhắc đến sự sụp đổ của chính quyền SG, dù thỉnh thoảng vô tình vẫn để lộ ra quan điểm chính trị mà một bên nghe thì rất khó chịu nhưng phải nén lại.
Dù sao thì tình cảm gia đình cũng là nét chính của cuộc hội ngộ, và một tháng trời ông tôi ở SG quả là đáng giá cho cả hai phía, đặc biệt là vì lúc ấy gia đình tôi vẫn còn chút ít của cải đã tích lũy trước năm 75, chưa phải trải qua cảnh nuôi heo, nuôi gà vịt, làm miến dong ngay trong căn nhà 2 tầng ở mặt tiền đường lớn (đường CMT8) ở Quận Tân Bình, vốn được thiết kế theo kiểu nhà đô thị hiện đại chứ không phải để nuôi heo hay nuôi gà vịt (đây cũng là một chuyện dài mà tôi sẽ kể vào dịp khác). Và đáng giá hơn nữa là chuyến đi ấy của ông nội tôi vào thăm cha tôi là cuộc gặp mặt duy nhất giữa hai cha con sau 21 năm ròng, vì sau đó vài năm vào đầu thập niên 80, giữa lúc VN đang thiếu gạo, đói kém nhất (dù đang tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH) thì ông tôi đã mất, và cha con không bao giờ còn gặp mặt nhau nữa.
Nhưng ngay cả khi ông mất cha tôi cũng chẳng dám về Nam Định chịu tang (vì hồi ấy vẫn còn sợ địa phương ngoài ấy kỳ thị, trả thù "tội di cư vào Nam", mà điều này là có thật, vì có những người bà con xa tôi của tôi khi về Bắc đã bị lôi thôi với chính quyền địa phương vì cho rằng họ là CIA hoặc phản động về móc nối ...), chỉ có bác ruột tức chị của bố tôi là phụ nữ không bị nghi có liên can đến chính trị là dám về thôi. Khi về, bác tôi có nói rằng ông bà nội có để lại cho bố tôi một chiếc mâm đồng làm của gia bảo, hiện vẫn còn ở nhà cô út (cô ở lại miền Bắc với ông bà) nhưng bác không dám mang về (vì mọi hàng hóa mang theo người đều phải khai báo và có giấy tờ chứng minh lằng nhằng), khi nào bố tôi có dịp ra Bắc thăm họ hàng thì sẽ nhận. Nhưng cái mâm ấy tôi chưa bao giờ được thấy vì đến năm 91, bắt đầu mở cửa và thể chế bắt đầu có những nhận thức lại thì bố tôi mất vì ung thư phổi. Vì thế, vật "gia bảo" ấy không còn người nhận, hẳn là cô tôi đã giữ thay cho bố tôi luôn rồi, chẳng biết nó có còn được giữ hay đã bán đi trong những năm thiếu gạo ở cả hai miền.
Có một chi tiết rất cảm động mà tôi không thể không kể. Năm 1976 khi vào Nam, ông nội tôi chỉ có một món quà. Ông gói nó kỹ trong một chiếc khăn nhỏ và đưa cho bố tôi. Đó là chiếc huân chương chiến thắng hạng ba mà bác tôi (người đã hy sinh trong chiến tranh chống Pháp) được truy tặng vào năm 1958, cùng với 2 thứ giấy tờ kèm theo: Một tờ giấy chứng nhận truy tặng huân chương cho bác tôi, và một tờ giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ cấp cho ông tôi là cha của liệt sĩ. Mãi tận sau này, mỗi khi mở tủ đựng giấy tờ của cha tôi thì tôi lại thấy cái hộp giấy nhỏ màu đỏ thẫm đựng tấm huy chương ấy để riêng một chỗ trong tủ.
Ông tôi đã cất công đem vào Nam cho cha tôi những thứ ấy để cha tôi có thể khai vào lý lịch, tin rằng nó có thể giúp được cho cha tôi lúc ấy khỏi bị những kỳ thị hoặc trừng phạt nếu có vì đã can tội di cư vào Nam và theo chân đế quốc, làm việc trong hệ thống hành chính của "ngụy quyền", và cũng có thể giúp cho bọn tôi dễ dàng hơn trong khi đi học hoặc xin việc sau này. Có một điều lạ là mặc dù cha tôi vẫn nhắc đến việc này một cách cảm động và trân trọng, nhưng trong lý lịch của cha tôi và sau này là của anh em tôi thì chi tiết này chưa bao giờ được khai vào. Tôi không bao giờ hỏi, cũng chẳng bao giờ quan tâm, thậm chí trong lòng còn thầm ủng hộ là cha tôi đã không tận dụng cái "công trạng" của người khác ấy. Dù lúc ấy chỉ mới 16, 17 tuổi, không nói được thành lời nhưng tôi cũng cảm thấy việc dựa vào lý lịch, vào thành tích của người thân là thiếu tự trọng - mỗi người phải có trách nhiệm với chính những gì mình làm và với những lựa chọn về quan điểm của mình.
Mãi đến khi cha tôi mất vào năm 91 và tôi không còn có dịp nào để nghe cha tôi nói về những gì đã diễn ra trong lòng ông lúc ấy, tôi mới thấy hối tiếc là tại sao hồi ấy mình không đủ trưởng thành để dám hỏi ông và nghe ông tâm sự. Và tôi cũng có một chút tò mò, nếu như trong lý lịch của cha tôi và anh em tôi có khai tên ông bác liệt sĩ thì số phận của chúng tôi có thay đổi chút nào không nhỉ, và đổi thay ấy sẽ theo hướng tốt lên hay xấu đi?
Đã 60 năm rồi. Rất nhiều nhân chứng đã không còn, vật chứng cũng thất lạc không còn giữ được bao nhiêu. Cuộc sống đã trôi qua, ý nghĩa của hội nghị Geneva đối với VN và tình hình chính trị thế giới đã được phân tích đi, phân tích lại nhiều lần. Năm nay trên báo chí lề phải cũng có một bài phân tích khá dài của ông Vũ Khoan (à, lại họ Vũ của làng Vũ Đại nhà tôi!) về những bài học cần rút ra về hiệp định Geneva. Có một số điểm đã được nhìn nhận lại cho chính xác hơn, ví dụ như theo một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm Geneva tức cách đây 20 năm mà tôi mới đọc được thì Geneva là thắng lợi vẻ vang của ta, thì nay Geneva chỉ còn là cuộc chơi của những nước lớn trên bàn cờ chính trị mà VN chỉ là một con tốt. Không sai, nhưng rõ ràng là vẫn còn rất nhiều góc khuất cần được bạch hóa phân tích kỹ hơn ở mọi khía cạnh.
Câu hỏi lớn nhất cho người VN hiện nay theo tôi là: Bản chất của cuộc chiến tranh VN, kéo dài từ thời chống Pháp đến tận năm 1975 và tốn không biết bao nhiêu xương máu của cả hai miền, đó là cuộc chiến gì thế, và nó có cần được tiến hành không? Phải chăng nếu không có Đảng CSVN với sự ủng hộ của quốc tế vô sản, đặc biệt là 2 đồng chí Liên Xô và TQ lãnh đạo cuộc chiến tranh "thần thánh" để đuổi Pháp và giành độc quyền lãnh đạo đất nước cho đến tận bây giờ, thì VN sẽ không có được độc lập và thống nhất? VN có độc lập sớm hơn các nước trong khu vực một chút nào chăng, khi các nước ấy chẳng phải tốn bao xương máu để giành độc lập như VN? Rất tình cờ, hôm qua tôi cũng có một cuộc tranh luận nảy lửa đến độ đã tuyên bố cắt đứt tình bạn với một người mà cho đến giờ trong thâm tâm tôi vẫn xem là một người bạn quý - trừ sự khác biệt trong nhìn nhận về cuộc chiến tranh ấy. Lại thêm một sự chia cắt xé lòng về một câu chuyện đã quá cũ, đã tròn một hoa giáp 60 năm mà vẫn còn khả năng gây chia rẽ đối với người Việt.
Câu trả lời là gì, và tại sao, tại sao, tại sao cho đến tận bây giờ lòng người VN vẫn còn những hố sâu dường như không bao giờ vượt qua được? Tôi không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người, và cũng không có câu trả lời chắc chắn cho riêng tôi. Tôi chỉ biết, việc quan trọng nhất hiện nay của VN là thống nhất lòng người, là cùng nhau xác định một con đường đi lên cho đất nước và cùng nhau quyết tâm thực hiện. xóa đi những hận thù, hờn oán của cuộc chiến oan nghiệt đó. Nhưng để làm được điều này chắc chắn là không dễ dàng, nếu sự thật vẫn còn bị bưng bít, nếu một trong hai bên hoặc cả hai đều từ chối nhìn vào và phân tích những sai lầm của phía mình và chân thành nhận lỗi - cả bên thắng lẫn bên thua, nhưng nhất là bên thắng - và nếu bên thắng vẫn cứ tiếp tục tự ngợi ca chính nghĩa của mình và mạt sát bên thua với những thông tin bị cắt xén cho đúng quan điểm, nếu hai bên chỉ chăm chăm moi móc cái xấu của nhau ra để so đọ xem ai thắng ai thua, thì chắc chắn cuộc trùng phùng của năm 1975 không thể nào là cuộc hội ngộ vẹn toàn. Có lẽ đó là bài học lớn nhất mà mọi người VN đều cần phải học.
Tự nhiên tôi nhớ đến lời hát da diết ấy của TCS: Việt Nam ơi, còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau? Chẳng lẽ 60 năm rồi sau ngày chia ly vĩ đại năm ấy, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời hay sao?
Và cũng nhớ đến Phạm Duy với bài hát VN, VN mà nhạc sĩ đã từng giải thích: Tôi đặt bài hát là VN, VN vì chúng ta có 2 đến nước VN. Phải chăng bài hát ấy chứa trong nó câu trả lời mà PD đã từng mong muốn suốt bao năm: VN không đòi xương máu, VN kêu gọi thương nhau .... Phải thế không, người VN ơi?
Vũ Thị Phương Anh
Theo Just for mysell
---------
Một vài tư liệu cho bài viết:
1. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN.http://www.hepza.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/thong-tin-tuyen-truyen;jsessionid=C420E12FE24E67971EA1F1E94834BC5F?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=column-right&p_p_col_pos=3&p_p_col_count=7&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=13025&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=242291&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Fhome
Trích:
Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, trên cơ sở nhận định bối cảnh quốc tế, phân tích tình hình trong nước đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng: khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới ánh sáng đường lối đúng đắn của Đảng đề ra, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra toàn miền Nam thành cao trào“Đồng khởi” (1959 – 1960), thực chất là những cuộc khởi nghĩa từng phần của nhân dân để giành quyền làm chủ ở từng địa phương thuộc vùng nông thôn miền núi và đồng bằng.
Nhân dân ta đã giành quyền làm chủ với các mức độ khác nhau: ở Nam Bộ 1.100/1.296 xã với 4,5 triệu dân; ở Khu 5 có 4.440/4.700 thôn với 2 triệu dân. Cuộc “Đồng khởi” của nhân dân ta đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, tác động mạnh mẽ và làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thế đó, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân ta, là sự kiện ghi nhận, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.
2. Bài học từ Hiệp định Geneva 1954.http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/geneva-accords-1954-essence-n-lessons-gm-07192014103843.html
---------
Một vài tư liệu cho bài viết:
1. Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam VN.http://www.hepza.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/thong-tin-tuyen-truyen;jsessionid=C420E12FE24E67971EA1F1E94834BC5F?p_p_id=EXT_ARTICLEVIEW&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=column-right&p_p_col_pos=3&p_p_col_count=7&_EXT_ARTICLEVIEW_groupId=13025&_EXT_ARTICLEVIEW_articleId=242291&_EXT_ARTICLEVIEW_version=1.0&_EXT_ARTICLEVIEW_redirect=%2Fweb%2Fguest%2Fhome
Trích:
Tháng 1/1959, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15, trên cơ sở nhận định bối cảnh quốc tế, phân tích tình hình trong nước đã xác định con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng: khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, bằng lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới ánh sáng đường lối đúng đắn của Đảng đề ra, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng bùng lên mạnh mẽ và lan rộng ra toàn miền Nam thành cao trào“Đồng khởi” (1959 – 1960), thực chất là những cuộc khởi nghĩa từng phần của nhân dân để giành quyền làm chủ ở từng địa phương thuộc vùng nông thôn miền núi và đồng bằng.
Nhân dân ta đã giành quyền làm chủ với các mức độ khác nhau: ở Nam Bộ 1.100/1.296 xã với 4,5 triệu dân; ở Khu 5 có 4.440/4.700 thôn với 2 triệu dân. Cuộc “Đồng khởi” của nhân dân ta đã giáng một đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mỹ ở miền Nam, tác động mạnh mẽ và làm lung lay tận gốc chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Từ trong khí thế đó, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được chính thức thành lập. Đó là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân ta, là sự kiện ghi nhận, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của cách mạng miền Nam.
2. Bài học từ Hiệp định Geneva 1954.http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/geneva-accords-1954-essence-n-lessons-gm-07192014103843.html
Trích:Gia Minh: Việc tuyển cử như ông nói được thống nhất vào năm 1956, sau đó Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa có đề nghị với phía miền Nam, nhưng miền Nam từ chối. Lý do vì sao thưa ông?
Phạm Cao Dương: Thực ra phía miền Nam mà buổi đầu là Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau này là Việt Nam Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm, không chấp nhận bản Tuyên bố Cuối cùng.
Chúng ta nên nhớ sự thỏa thuận ở Geneva gồm hai phần: phần thứ nhất là đình chiến và phần thứ hai là chính trị. Phần đình chiến được ký kết hẳn hoi, có nhiều bản thỏa ước; còn phần chính trị không có bản thỏa ước được ký kết mà chỉ là Bản Tuyên bố Cuối cùng được các bên chấp nhận bằng miệng mà thôi.
Phía Quốc gia Việt Nam lúc đó và sau này là Việt Nam Cộng Hòa thì không chấp nhận Bản Tuyên bố Cuối cùng đó. Phía Mỹ cũng không chấp nhận. Nên nếu không chấp nhận thi hành cuộc bầu cử đó chẳng qua vì họ không bị ràng buộc về phương diện pháp lý.
Thứ hai nữa, nếu có bầu cử phải cần những điều kiện tối thiểu để có sự công bằng. Đằng này chưa chắc có sự công bằng đó, thành ra miền Nam không chấp nhận cũng có lý của họ.
Gia Minh: Sau 60 năm rồi, ông thấy có những bài học gì?
Phạm Cao Dương: Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng. Nếu bên Trung Quốc vì quyền lợi riêng mà hy sinh đồng minh là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thì đó cũng là điều tự nhiên mà thôi. Nhưng Hà Nội không thấy điều đó!
Thứ hai nếu nhìn vào thế giới trong thời gian đó và những năm tiếp theo, không phải chỉ có Việt Nam bị chia đôi. Còn nhiều nước khác bị chia đôi nữa nhưng không có nước nào dùng võ lực để tiến chiếm nước kia. Còn Việt Nam thì chuyện đó đã xảy ra.
Nhưng hậu quả là Hà Nội không có đủ thực lực để tự mình đánh xuống miền Nam nên phải dựa vào thế của Trung Quốc; Hà Nội và cả miền Nam đều không nhận ra điều, không biết đánh lá bài của Trung Quốc. Vì hồi đó Trung Quốc không muốn người Mỹ vào miền Nam và hiện diện tại miền Nam, họ muốn dùng người Pháp để giữ không cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Phạm Cao Dương: Thực ra phía miền Nam mà buổi đầu là Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và sau này là Việt Nam Cộng Hòa của ông Ngô Đình Diệm, không chấp nhận bản Tuyên bố Cuối cùng.
Chúng ta nên nhớ sự thỏa thuận ở Geneva gồm hai phần: phần thứ nhất là đình chiến và phần thứ hai là chính trị. Phần đình chiến được ký kết hẳn hoi, có nhiều bản thỏa ước; còn phần chính trị không có bản thỏa ước được ký kết mà chỉ là Bản Tuyên bố Cuối cùng được các bên chấp nhận bằng miệng mà thôi.
Phía Quốc gia Việt Nam lúc đó và sau này là Việt Nam Cộng Hòa thì không chấp nhận Bản Tuyên bố Cuối cùng đó. Phía Mỹ cũng không chấp nhận. Nên nếu không chấp nhận thi hành cuộc bầu cử đó chẳng qua vì họ không bị ràng buộc về phương diện pháp lý.
Thứ hai nữa, nếu có bầu cử phải cần những điều kiện tối thiểu để có sự công bằng. Đằng này chưa chắc có sự công bằng đó, thành ra miền Nam không chấp nhận cũng có lý của họ.
Gia Minh: Sau 60 năm rồi, ông thấy có những bài học gì?
Phạm Cao Dương: Trong những hoạt động bang giao quốc tế, các quốc gia luôn đặt quyền lợi của mình lên trên, kể cả đồng minh cũng đứng hàng thứ không quan trọng. Nếu bên Trung Quốc vì quyền lợi riêng mà hy sinh đồng minh là Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa thì đó cũng là điều tự nhiên mà thôi. Nhưng Hà Nội không thấy điều đó!
Thứ hai nếu nhìn vào thế giới trong thời gian đó và những năm tiếp theo, không phải chỉ có Việt Nam bị chia đôi. Còn nhiều nước khác bị chia đôi nữa nhưng không có nước nào dùng võ lực để tiến chiếm nước kia. Còn Việt Nam thì chuyện đó đã xảy ra.
Nhưng hậu quả là Hà Nội không có đủ thực lực để tự mình đánh xuống miền Nam nên phải dựa vào thế của Trung Quốc; Hà Nội và cả miền Nam đều không nhận ra điều, không biết đánh lá bài của Trung Quốc. Vì hồi đó Trung Quốc không muốn người Mỹ vào miền Nam và hiện diện tại miền Nam, họ muốn dùng người Pháp để giữ không cho Mỹ can thiệp vào Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét