Có thể không phải một mà một số giàn khoan sẽ đồng loạt quay lại biển Đông trong thời gian nào đó?
Cũng có thể biểu tượng "bá chủ" châu Á không chỉ là giàn khoan mà thay vào đó, những "vật thể" khác trong các động thái khác, với những biểu hiện ngang ngược không hề thua kém, hoặc "êm đềm" và "trầm tĩnh" hơn?
Dù sao, đưa "biểu tượng" giàn khoan quay lại, tạm coi là... "điển hình bành trướng" trong cục diện, biển ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia, để nói về mưu đồ thôn tính của nhà cầm quyền Bắc Kinh, không tính riêng Việt Nam, mà còn cả Asean với một tương lai trăm năm, toàn cầu cũng đều biết [1]: "...chẳng có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc cũng đòi chủ quyền trên Mặt trăng và các hành tinh này" như Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile nhận định hóm hỉnh lại không kém mỉa mai về lòng dạ tham lam vô bờ bến của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Phải chăng có TPP dính líu?
Nhiều lý do được đưa ra, khi giàn khoan 981 được Bắc Kinh kéo ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam: thời tiết, kinh tế, áp lực ngoại giao thế giới v.v...
Đài RFA cho biết, một trong những hồ nghi có thể xem là tác nhân trực tiếp [2]: "...Vậy thì Trung Quốc kéo giàn khoan đi có phải là theo thỏa thuận với Việt Nam? Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Hay là Việt Nam đã hứa hẹn không liên minh với nước khác để chống Trung Quốc?..."
Dù sao, nhà báo Việt Long vẫn đề nghị độc giả nên xem tất cả lý giải đều là suy luận và nên cảnh giác trước việc "rút giàn khoan", dù tất cả có thể tạm "thở phào... nửa hơi".
Trong 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, chỉ riêng có nước CHXHCNVN theo chế độ độc tài toàn trị và là "đàn em", dù không phải đáng tin cậy lắm, nhưng có thể điều khiển được theo ý Bắc Kinh muốn.
"Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" của nhà cầm quyền Việt Nam gần như bị Trung Cộng chi phối và phá hoại hầu hết trên nhiều loại thị trường, cùng với hàng trăm ngàn người Hoa và các "biệt khu" trải dài khắp Trung - Nam - Bắc và luôn nhận được nhiều ưu ái, thiên vị từ trung ương cho chí các địa phương Việt Nam.
Trang Dân Luận có bài [3]: "Book Hunter Club - TPP là mối đe dọa lớn với tự do thông tin trên Internet", trong có đoạn: "...Cuối năm 2013, Foreign Policy, một tờ báo đại diện cho một nhóm có mong muốn thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ, đã treo giải thưởng 70 nghìn $ cho Wikileaks nếu website này có thể lấy được bản thảo đang được thảo luận của Hiệp định TPP và công bố cho công chúng...".
Bài viết nêu trên nhằm chỉ ra mối nguy hại về việc thông tin bị bưng bít. Dù ban đầu TPP khuyến khích tất cả các tổ chức NGO tham gia góp ý và xây dựng cũng như việc đàm phán dựa trên tinh thần tự do và đa phương, tuy nhiên [3] "...sau khi dự thảo SOPA bị công luận chỉ trích dữ dội và không được thông qua, các dự thảo luật quốc tế như TPP đã thay đổi phương thức đàm phán: đàm phán song phương và bí mật".
Dù Hoa Kỳ "bật đèn xanh" [4] vào tháng năm 2013, dường như nước CHNDTH chưa mặn mà tham gia vào TPP.
Nhận định về "đèn xanh" đã bật lên, giáo sư nổi tiếng (tại Trung Quốc) - Zhang Yunling của Viện Khoa học Xã hội nói [4]: “Mỹ có thể không thực sự hoan nghênh việc Trung Quốc tham gia vào TPP bởi quy mô khổng lồ của thị trường nước này sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ trong việc định hình các quy tắc thương mại mới trong TPP” - Một nhận định khá kiêu căng.
Không có gì ngạc nhiên với những lời của Shang Yunling, nếu như chúng ta biết ngạn ngữ "dò đá qua sông". Ngạn ngữ này thường chỉ ra những người, dù cẩn trọng nhưng kém tự tin vào bản lĩnh và tri thức, dù có thể họ rất giàu có nhưng không có đủ tính can trường, hào sảng. Thường những người như thế, họ ít khi chịu và dám trả giá, nếu như họ không thấy "chắc ăn", bởi một khi trượt chân là nước lũ cuốn họ mất tăm, vì thế, đẩy người khác "dò đá" giữa "lòng sông" mà ngay cả họ cũng không rõ "nông sâu" thế nào là điều họ tự cho phép được làm, đặc biệt đối với những kẻ đã lỡ nhận"ân huệ" - từ họ - đó trở thành trách nhiệm buộc phải chu tất? Đây là "đặc tính" của những người sẵn sàng hưởng thành quả, trong khi bất chấp "sinh mạng" kẻ nhận "ân huệ" đang phải trả giá thay.
Cho đến khi câu chuyện "mua thông tin" với giá 70.000 USD được công bố, nhiều người mới hiểu ra TPP không nhất thiết phải là sân chơi bình đẳng và công khai, thuần túy trên lĩnh vực kinh tế.
Chẳng lẽ thông tin được "treo giá bèo" như thế, Bắc Kinh không quan tâm (?).
Phải chăng còn có lý do nào khác, ngoài nội dung thượng dẫn, làm cho quá trình đàm phán TPP buộc phải "rút vào hoạt động bí mật" mà trang Foreign Policy đòi mua nội dung bản thảo đang được bàn luận?
Như vậy, nối tiếp những ý kiến của nhà báo Việt Long, câu hỏi có thể kéo dài thêm ra: "Theo thỏa thuận như vậy nghĩa là Việt Nam đã chịu nhượng bộ một điều nào đó chăng? Nhượng bộ đó, có phải liên quan đến quá trình đàm phán gia nhập TPP của Việt Nam? Nhượng bộ đó như là Việt Nam trở thành hình thức gần giống như một dạng "nội ứng" cho Trung cộng?"
Những động thái khả nghi?
Thế giới đã thay đổi quá nhiều, bởi kinh tế không những gắn liền với chính trị mà không thể không đề cập đến các thủ đoạn cần thiết, trong việc hợp tác làm ăn sao cho có thể cắt được "cái đuôi" dài loằng ngoằng, vô nghĩa, đầy vướng víu mà nền "kinh tế thị trường" vốn dĩ không tài nào dung chứa được.
Vài tháng qua, lần lượt một số tù nhân lương tâm được thả: Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hữu Cầu cho đến Đinh Đăng Định (chết vì ung thư với nghi vấn bị CS đầu độc trong tù), nếu không tính ông Huỳnh Anh Trí được thả vào cuối năm ngoái (vừa qua đời vị bệnh AIDS, nhiễm virus HIV trong tù).
Điều này làm một số người hồ hởi gọi là "đợt thả tù nhân lương tâm lớn nhất" tính từ 1975 và động thái đó coi như "một chân đã đặt vào TPP". Những nhận định có vẻ trên mức lạc quan.
Song song đó, một vài tổ chức xã hội dân sự vừa được xem như hoạt động công khai với sự "làm ngơ" từ phía cầm quyền, cùng một số nhà hoạt động xã hội như: nghệ sĩ Kim Chi, Tô Oanh, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Đình Hà v.v... mới đây từ Mỹ trở về, có vẻ như "an toàn" cho đến nay, sau khi một số người khác bị ngăn cấm xuất ngoại theo lời mời của quốc tế.
Có vẻ những dẫn giải nói trên được xem như "thành tâm chính trị" của nhà cầm quyền Việt Nam đối với quyền lập hội và tự do ngôn luận, tự do báo chí - một số đòi hỏi từ quốc tế khi Việt Nam muốn gia nhập TPP?
TPP, theo những sơ khởi chính đòi hỏi mà nhiều người biết: quyền lập hội độc lập không chịu sự chi phối từ ĐCSVN, các doanh nghiệp bình đẳng hoạt động, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, các nguyên vật liệu phục vụ xuất nhập khẩu phải xuất phát trong nội khối TPP v.v... những yếu tố như thế có đến mức cần giấu kỹ trong bàn thảo?
Sau khi giàn khoan được kéo đi, trong những lời từ phía cầm quyền Việt Nam, nhiều người chú ý đến phát ngôn của ông Lê Hoài Trung - Đại sứ, trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc [5]: "Việt Nam sẵn sàng xem xét những khả năng hợp tác với Trung Quốc trong hoạt động thăm dò dầu mỏ trên Biển Đông, nhưng với điều kiện những hoạt động này không vi phạm chủ quyền các quốc gia trong khu vực". Lời phát ngôn từ một viên chức ngoại giao cấp cao chứng tỏ hai chế độ độc tài toàn trị vẫn "thắm tình hữu nghị" với "vận mệnh tương quan" (?).
Chiếu theo phát biểu [6] của ông Trần Duy Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khi nói về công hàm 1958: "...không thể cho ai thứ mà bạn chưa có quyền sở hữu, quản lý được...", nhà cầm quyền Trung Quốc có thể "đáp từ" Lê Hoài Trung: "Nước CHNDTH chúng tôi không quan tâm đến "thiện chí" của Việt Nam, bởi quý vị không có khả năng hợp tác cái mà quý vị không sở hữu và không quản lý" (?).
Do đó phát biểu của viên đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc hoặc lời của ông thủ tướng: "Yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại vùng biển Việt Nam", những tưởng không có "giá trị" đáng kể đối với những người đã gọi mình là "đứa con hoang" và kêu gọi hãy mau mau quay về "đoàn tụ gia đình" (?!).
"Giả mù sa mưa" là điều có thể lý giải cho những phát ngôn đôi bên như thế (?).
Nếu thành công và nếu thất bại?
Nước CHXHCNVN rất thèm muốn tham gia vào TPP là điều khó chối cãi. Vậy, giới cầm quyền Việt Nam xem như có 2 trường hợp: thành công hoặc thất bại.
Trường hợp thất bại, có lẽ đó là điều mà không mấy người cộng sản muốn nhìn thấy. Người ta bảo, một khi thất bại trong việc tham gia TPP, xu hướng CSVN càng nghiêng dốc thẳng về Trung Cộng. Việt Nam lúc đó, có thể nhanh chóng trở thành một khu tự trị thuộc Tàu với thời gian không xa lắm.
Trường hợp thành công, cũng theo dư luận, giới cầm quyền Việt Nam sẽ nhích lại gần Mỹ và phương Tây hơn. Tình trạng tự do - dân chủ - nhân quyền sẽ dần cởi mở, bớt ngột ngạt hơn. Điều này cũng có nghĩa Việt Nam sẽ dần thoát khỏi sự "chỉ đạo" của Trung cộng để trở thành một quốc gia độc lập về mọi mặt. Lúc bấy giờ, có thể nghĩ đến viễn cảnh tươi sáng trong một ngày không xa. Không biết số người mà tin tưởng mãnh liệt vào điều này, có khi nào nghĩ về một "con chip" đã được cấy vào"hệ thống TPP", một khi nước CHXHCNVN được chấp nhận kết nạp vào đấy?
Khi người cộng sản thành công với TPP, giá mua thông tin 70.000 USD, trở nên vô nghĩa và tỏ ra không cần thiết?
Một khi nước CHXHCNVN thành công khi gia nhập TPP, ngoài việc cải thiện bộ máy quản lý cũng như thay đổi các chính sách, các bộ luật dân sự và kinh tế khác, điều quan trọng nhất, chắc rằng họ cần số vốn lớn, nhằm đáp ứng các yêu cầu và các chuẩn mực theo quy định TPP?
Trong số báo Tuổi Trẻ ra ngày 26/6/2014, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - ủy viên Ủy ban MTTQVNTP đặt câu hỏi với chủ tịch nước Trương Tấn Sang [7]: "...Trung Quốc đưa ra “miếng mồi” 20 tỉ USD ODA và 100 tỉ USD tín dụng. Bên cạnh đó họ nói không ràng buộc về chính trị nhưng thực chất như thế nào?". Câu hỏi không thấy nhận được hồi đáp từ ông Sang.
Chẳng ai cho không ai mà không kèm điều kiện gì. Ngay cả dù đó là "người anh em chí cốt" nhưng hành động trên thực tế gần bảy mươi năm qua, chưa bao giờ người Việt Nam thấy một kiểu gì đó như là "tình cho không biếu không".
Kết
Công hàm 1958, hội nghị Thành Đô và những cam kết quan trọng (giữa hai nhà nước không phải do dân bầu lên) ảnh hưởng đến tồn vong dân tộc, gây hiểm họa rất lớn cho Tổ quốc Việt Nam, người CSVN còn dám qua mặt cả dân tộc, giấu đút riêng để tự tung tự tác ký. Những nội dung dù quan trọng trong TPP, so ra không thể nào sánh nổi về sự suy vong Tổ quốc, lệ thuộc ngoại bang.
Người ta cũng tin một chân lý: không có gì mà người cộng sản không dám làm.
Có lẽ, "thao quang dưỡng hối" vẫn còn đắc dụng, cho đến khi kết quả TPP được chính thức hoàn thành với kết quả Việt Nam vào được hay không?
Nguyễn Phú Trọng bị Tập Cận Bình từ chối tiếp đón như chỉ dấu một "phế nhân" không còn sử dụng được? Phải chăng từ đó, Nguyễn Tấn Dũng bỗng trở nên đắc dụng hơn với tư cách điều khiển toàn bộ nền kinh tế Việt Nam? Học thuyết "mèo trắng mèo đen" của Đặng Tiểu Bình vẫn còn đó.
Ông Phạm Chí Dũng trả lời [8] phỏng vấn đài SBTN hôm 14/6/2014: "...có thể là ngay trong năm nay, vào khoảng tháng 9, tháng 10 sẽ có những tín hiệu mới về vấn đề TPP, tức nhà nước Việt Nam có thể được tham gia vào TPP một cách đặc cách chứ không phải theo cách bình thường...". Đó là một nhận xét đáng lưu tâm.
Gọi tên cho đúng bản chất của mọi hiện tượng, sự vật chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ duy, nếu "nhà nước" Việt Nam được gia nhập chính thức vào TPP, chưa chắc người Việt Nam hưởng lợi ích nào đó mà các quốc gia: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ có vẻ đều nằm trong bàn tay của... nhà cầm quyền Trung Quốc với "con chip" đã được cấy thành công?
Ngoài Việt Nam, không rõ các quốc gia khác (tham gia trong TPP) có biết thành ngữ: "Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà"?
Nói cách khác, thành công hay thất bại khi nước CHXHCNVN gia nhập TPP sẽ trở thành tác nhân quan trọng nhất đối với việc kéo giàn khoan rầm rộ quay lại biển Đông, hoặc giả, được thể hiện bằng hình thức "êm đềm" và "bền bỉ" nào đó, nó vẫn biểu lộ Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ cuồng vọng thôn tính cả vùng Asean mà các nhà quan sát đều đồng thuận gọi bằng tên "tằm ăn dâu" - một ý nghĩa không thể phù hợp hơn, khi xét về "chiến tranh kinh tế"?
Dù thành công hay thất bại khi gia nhập TPP, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ còn không đầy hai năm để "làm nên lịch sử". Vấn đề đặt ra, đó có phải là "lịch sử" như "cái thùng rác" để phi tang quá khứ, như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc mô tả?
Chỉ e ngại, quyết định thành bại không phải đến từ nỗ lực của giới cầm quyền Việt Nam, nếu như học thuyết "mèo trắng mèo đen" và thành ngữ "nuôi ong tay áo" bị phát hiện sớm?
Nguyễn Ngọc Già
Nguyễn Ngọc Già
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét