11/6/2010
Chính phủ ban hành Nghị định 64/2010/NĐ-CP “Về quản lý cây xanh đô thị”. Điều 14 Nghị định này nêu rõ các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép là: Cây xanh thuộc danh mục bảo tồn; cây bóng mát trên đường phố; cây bóng mát; cây bảo tồn; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; cây bóng mát có chiều cao 10 mét trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.
Điều 14 cũng quy định chỉ các trường hợp sau đây mới được miễn giấy phép: chặt hạ ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc do cây đã chết, đã đổ gãy. Trước khi chặt hạ, dịch chuyển, phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng.
01/11/2013
Sở Xây dựng Hà Nội có Tờ trình 8542/TTr-SXD gửi UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội giai đoạn 2014-2015” (về sau có người gọi tắt là “Đề án 6700 cây xanh”).
Theo Đề án, tiến độ thực hiện “cải tạo, thay thế” cây sẽ là:
- Năm 2014: 46 tuyến phố quận Ba Đình, 60 tuyến phố quận Hoàn Kiếm, 25 tuyến phố quận Hai Bà Trưng, 16 tuyến phố quận Đống Đa.
- Năm 2015: 07 tuyến phố quận Tây Hồ, 05 tuyến phố quận Thanh Xuân, 16 tuyến phố quận Cầu Giấy, 09 tuyến phố quận Long Biên, 06 tuyến phố quận Hoàng Mai, 06 tuyến phố quận Hà Đông.
Kinh phí dự kiến cho dự án là 73,38 tỷ đồng. Tổng số cây bị chặt hạ, thay thế trên 190 tuyến phố là 6.708 cây.
11/11/2013
UBND TP Hà Nội ra Quyết định 6816/QĐ-UBND, phê duyệt Tờ trình và thông qua Đề án nêu trên của Sở Xây dựng.
25/01/2014
Sở Xây dựng Hà Nội có Tờ trình 718/TTr-SXD gửi UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
18/3/2014
UBND TP Hà Nội ra Quyết định 1495/QĐ-UBND thông qua Tờ trình nêu trên của Sở Xây dựng và Quy hoạch đi kèm.
20/8/2013
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có Tờ trình số 4585/Ttr-STNMT-CCMT gửi UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học TP Hà Nội đến năm 2030.
24/9/2014
UBND TP Hà Nội có Quyết định 4924/QĐ-UBND phê duyệt Tờ trình và Quy hoạch nói trên của Sở Tài nguyên và Môi trường.
04-05/11/2014
Hơn 500 cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi bị chặt hạ nhằm phục vụ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Nhiều cây lớn, có đường kính từ 50 đến 80cm.
2015
14/01/2015
Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị “thay thế cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị, không đảm bảo mỹ quan đô thị, các cây cong, nghiêng, xấu, sâu mục trên 5 tuyến phố: Tràng Thi, Lý Thường Kiệt, đường Thanh Niên, Phan Chu Trinh, Hai Bà Trưng, theo phương thức xã hội hóa”.
29/01/2015
150 cây xà cừ trên tuyến đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) nối với Trần Phú (Hà Đông), có cây cao tới 30 mét, đường kính trên 50cm, bị chặt hạ cấp tập. Đơn vị trực tiếp triển khai là Công ty Cây xanh Hà Nội, theo đề nghị của Sở Xây dựng Hà Nội và được sự cho phép của thành phố. Lý do chặt là để lấy không gian an toàn cho tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Nguồn ảnh: VnExpress
30/01/2015
UBND TP Hà Nội ra văn bản số 695/UBND-XDGT chấp thuận đề nghị nêu trên (ngày 14/01) của Sở Xây dựng Hà Nội.
10/02/2015
Sở Xây dựng, trên tinh thần “thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại văn bản số 695/UBND-XDGT”, bắt đầu gửi văn bản đề nghị các cơ quan liên quan tiến hành “xã hội hóa thay thế cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị, không đảm bảo tiêu chuẩn”, trên 5 tuyến phố nêu trên. Sở đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện, đảm bảo tiến độ “Xong trong tháng 3/2015”.
Chiến dịch chặt hạ cây xanh chính thức được lệnh bắt đầu. Việc chặt cây được tiến hành rải rác từ đầu tháng 3.
14/3/2015
Cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh – nơi từng được bình chọn là “Con đường đẹp nhất Việt Nam” – bị chặt hạ.
16/3/2015
Nhà báo Trần Đăng Tuấn có thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, kiến nghị tạm dừng chặt cây một thời gian để người dân kiểm tra.
17/3/2015
Ông Phan Đăng Long
Trao đổi bên lề cuộc họp giao ban báo chí (cuộc họp vào thứ ba hàng tuần của ban Tuyên giáo với báo chí, nhằm “định hướng thông tin tuyên truyền”), Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long được hỏi về bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Ông Long đáp: “Ông Trần Đăng Tuấn cũng là một người dân, thành phố có cả kế hoạch tổng thể và rất nhiều ban ngành tham gia… Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi. Còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao”.
Phóng viên: “Tức là người dân chưa được hỏi ý kiến?”.
Phó Ban Tuyên giáo Phan Đăng Long: “Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi, thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì”. (VietNamNet, 17/3/2015. Nguồn ảnh: Khampha.vn)
18/3/2015
Liên quan tới bức thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng “chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai…”.
19/3/2015
Một số bạn trẻ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội đi dán slogan vận động bảo vệ cây và thắt ruy-băng xanh trên thân các cây xà cừ dọc đường Giảng Võ.
Ba luật sư Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân và Lê Văn Luân đồng ký tên trong một bức thư khẩn cấp gửi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị dừng ngay việc chặt hạ cây xanh, xử lý nghiêm người tham mưu và làm trái pháp luật.
20/3/2015
Buổi sáng, một số người dân Hà Nội bắt đầu xuống đường phản đối việc chặt hạ cây xanh.
2h chiều, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo về Đề án 6700 cây xanh. Phóng viên đến dự và đưa ra hàng chục câu hỏi, thể hiện sự bức xúc và lo lắng của công luận về nạn chặt hạ cây xanh ồ ạt trong vài ngày. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng không trả lời câu hỏi nào.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nói Đề án 6700 cây xanh là chủ trương đúng, chỉ có điều, “sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình”.
Tất cả các phóng viên đều phải có thẻ nhà báo chính thức và giấy mời mới được vào họp, song lại có một cá nhân tự xưng là “người dân” cũng vào họp báo và đứng lên phát biểu ca ngợi chủ trương thay thế cây xanh của thành phố. Người này cũng nói rằng không nên đặt ra những vấn đề như các câu hỏi báo chí đã nêu.
21/3/2015
Đại diện Ngân hàng VPBank khẳng định VPBank chỉ tham gia tài trợ cho trồng cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh chứ không tài trợ cho việc chặt cây. Đại diện của Vingroup cũng nói họ ủng hộ dự án này là do có sự kêu gọi của Hà Nội.
Nhiều bạn trẻ ở thủ đô bắt đầu tham gia dự án “Phủ vàng 6700 cây xanh”, bằng cách “thắt một dải ruy-băng vàng quanh mỗi thân cây”. Các ruy-băng được thắt đến đâu, dân phòng và công an đi theo gỡ và “tịch thu” đến đấy.
22/3/2015
Buổi sáng, nhiều người dân và một số tổ chức xã hội dân sự ở Hà Nội tổ chức sự kiện Tree Hugs tại hồ Thiền Quang. Mọi người tham dự chụp hình với cây, ca hát, giơ cao biểu ngữ và mặc áo T-shirt vận động ngừng chặt phá cây xanh, bảo vệ môi trường.
Chiều tối, một nhóm người dân đã đến đường Nguyễn Chí Thanh, nơi có những cây vừa bị chặt bỏ chỉ còn trơ hố đất, để làm lễ tế cây, với quan niệm rằng “cây cỏ cũng có hồn”, cần làm lễ tế để những vong hồn cây bị chặt sẽ được bình an và siêu thoát.
23/03/2015
Buổi tọa đàm chủ đề “Từ đề án 6700 cây xanh nhìn lại vấn đề quy hoạch Hà Nội” do MEC và PanNature tổ chức tại khách sạn Cầu Giấy đã bất ngờ bị cúp điện đúng giờ khai mạc. Tuy nhiên, buổi tọa đàm vẫn diễn ra sau đó, rất nhiều ý kiến được đưa ra. Một số ý kiến của các nhà khoa học khẳng định những cây mới được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ, chứ không phải vàng tâm như phía chính quyền Hà Nội nói.
Thêm nữa, GS-TS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khằng định: “Trong đề án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không nói tới việc phải chặt hạ hàng cây xà cừ dọc hai bên đường Nguyễn Trãi”.
Ngoài ra, theo luật sư Trần Vũ Hải, việc chặt hạ 6700 cây xanh và chặt 500 cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi vi phạm Luật Thủ đô (ban hành năm 2012) và Nghị định 64/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
29/03/2015
Một cuộc tuần hành mang tên Green Walk (Hành trình xanh) diễn ra tại khu vực Hồ Gươm. Hàng trăm người đã đi bộ xung quanh bờ hồ, giương cao biểu ngữ phản đối chặt cây và yêu cầu minh bạch, công khai trong đề án “6700 cây xanh”.
02/04/2015
Nhóm các luật sư Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Trần Thu Nam và Lê Văn Luân gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng TP yêu cầu giải trình về việc chặt hạ hàng xà cừ ở đường Nguyễn Trãi và việc chặt hạ cây trên đường Nguyễn Chí Thanh, thay bằng cây vàng tâm (hay cây mỡ?).
05/04/2015
Giữa vòng vây an ninh, cảnh sát, dân phòng, khoảng 50 người dân đã tổ chức một buổi đạp xe xung quanh Hồ Tây về Hồ Gươm để vận động bảo vệ môi trường, phản đối việc chặt hạ cây xanh ở thủ đô. Đoàn xe bị cản phá nhiều và buộc phải chia thành các nhóm nhỏ tập trung về điểm cuối ở Hồ Gươm, tại đây họ cũng bị dân phòng và an ninh thành phố gây sự, phá rối.
09/4/2015
Một nhóm gần 20 bạn trẻ - sinh viên một số trường đại học ở Hà Nội - đã đạp xe khoảng 10km vòng Hồ Gươm - Hồ Tây trong màu áo "Tôi yêu cây", dưới trời Hà Nội mưa lạnh.
Đây là một phần trong các hoạt động thuộc phong trào "Hành trình vì màu xanh" của bạn trẻ ở thủ đô nhằm vận động cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cây xanh, yêu cầu chính quyền phải minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Đoan Trang
Nguồn: phamdoantrang.com
Nguồn: phamdoantrang.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét