Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Một góc nhìn về Chiến dịch Tranh Đấu cho Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền 2015


Nếu có 100.000 chữ ký, nếu có 100 người tuyệt thực và hàng ngàn người tọa kháng, thắp nến... từ nhiều thành phố tại Việt Nam và trên thế giới... liệu chế độ độc tài có sụp đổ? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng tại sao đây là những việc phải làm?

1. Chúng ta thường chủ quan nghĩ rằng cả thế giới đương nhiên BIẾT rằng Việt Nam không có tự do, dân chủ, nhân quyền và 90 triệu người dân Việt đang bất mãn, không chấp nhận và chống lại tình trạng đó. Nhưng nếu bạn hỏi một người ngoại quốc, một nhân viên Liên Hiệp Quốc, một thành viên của tổ chức Nhân Quyền quốc tế là họ đã từng chứng kiến bao nhiêu người Việt Nam bày tỏ thái độ, thì câu trả lời là thực sự họ chứng kiến không nhiều người. Nếu muốn biết thì họ phải sinh hoạt và theo dõi lâu dài những trang blog, FB và những lời comments để có thể có được một cảm nhận nào đó về thái độ của người Việt Nam đối với nhà cầm quyền.

Một thư ngỏ qua đó nói lên những vấn nạn Việt Nam, những đòi hỏi tranh đấu với 100.000 chữ ký của người Việt là một bằng chứng về thái độ chính trị của chúng ta muốn trao cho thế giới.

2. Nhưng 100.000 chữ ký không dừng lại ở mục tiêu chỉ để chứng minh cho thế giới. Nó còn là cơ hội để tạo sự tham gia của người Việt ở mức độ thấp nhất trong công cuộc đấu tranh. Đó là chính danh bày tỏ lập trường và quan điểm. Nó cũng là tiến trình tạo nên số đông, đồng hành với nhau để làm nền tảng cho sự tham dự đông đảo ở mức độ đấu tranh cao hơn và khó khăn hơn. Nó cũng phương thức để các tổ chức, cá nhân hoạt động đo lường mức độ tham gia của quần chúng. Nếu huy động 100.000 chữ ký mà không thành công thì viễn ảnh có được 100.000 người xuống đường tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ còn rất xa, còn đòi hỏi nhiều công sức để thay đổi hiện trạng của khối đông quần chúng.

3. Nếu bước vận động chữ ký là bước duy nhất của một chiến dịch thì những tác động của kết quả sẽ bị giới hạn. Cùng lắm là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQLHQ) và các tổ chức quốc tế nhận được một thông báo rồi họ cũng lờ đi. Nhưng nếu chúng ta nhìn 100.000 chữ ký, cộng thêm các hoạt động về thắp nến, tọa kháng, tuyệt thực... đồng khắp từ trong ra ngoài nước là thành quả của một phong trào mang tính "grass-root" và xem đó là "vốn liếng chính trị" để thành lập các phái đoàn đến tiếp xúc với HĐNQLHQ, các ĐSQ của các quốc gia thành viên đã cảnh báo VN trong các báo cáo UPR... thì nỗ lực tranh đấu của người Việt sẽ gia tăng trọng lượng và nâng cao áp suất.

4. Trong lời kêu gọi tham gia Chiến dịch Tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền 2015 của thành phần chủ xướng có viết rằng: "Chúng ta biết rõ những giới hạn của Liên Hiệp Quốc trong khả năng kiểm soát và chế tài các thành viên về những vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, bước đầu tiên của chiến dịch này là nhằm mở rộng lãnh vực hoạt động đến với quốc tế, buộc họ trở thành một thành phần trong tiến trình tranh đấu của người Việt Nam..." cho thấy những người khởi xướng chiến dịch đã "dùng" HĐNQLHQ như là một thành phần có liên quan, có một vị trí nằm trong bàn cờ tranh đấu của người Việt ngay từ đầu, buộc HĐNQLHQ phải quan tâm, thay vì như trong quá khứ là chỉ khi kết thúc một chiến dịch thì HĐNQLHQ mới nhận 1 thông tin về sự đàn áp (nếu có) và HĐNQLHQ nhận nó như là một thành phần bàng quan.

5. Việc thông báo trước mọi hoạt động tranh đấu đến với HĐNQLHQ ngay khi hội đồng này nhóm họp với sự tham dự của thành viên VN, và xác định trước hệ quả nhà nước VN đàn áp hay không đàn áp là một chiến thuật đặt nhà nước Việt Nam vào thế tiến thoái lưỡng nan và HĐNQLHQ phải quan sát xem thành viên VN của hội đồng phản ứng như thế nào. Trích lời kêu gọi:

"Nếu chúng tôi phải chịu bất kỳ sự ngược đãi, tấn công, đàn áp, tù đày, bắt đi mất tích v.v... nào do Nhà nước Việt Nam gây ra, thì đó là chỉ vì chúng tôi thực hiện các quyền tự do phát biểu và hội họp ôn hòa, và chúng tôi tha thiết yêu cầu quý vị xem sự việc này như là một minh chứng sống khác cho hành động tiếp tục vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam. Đây là hành động không xứng đáng với tư cách của một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc... Và vào thời điểm tái bầu cử nhiệm kỳ mới cho các thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam phải nhận được một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng bằng lá phiếu bất tín nhiệm của quý vị, rằng Nhà nước Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những vi phạm trắng trợn đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và các công ước mà Việt Nam đã ký kết."

Nếu vì lá thư ngỏ cảnh báo trước của chúng tôi với thế giới tự do và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về chiến dịch nhân quyền 2015 mà Chính phủ Việt Nam biết kềm chế hành động trấn áp những cuộc tụ tập, những hành động tuyệt thực, thắp nến, phê bình chính phủ về những vấn đề mà xã hội quan tâm..., xin quý vị hãy xem hành động không đàn áp của Nhà nước Việt Nam là một minh xác mạnh mẽ về vai trò quan trọng và hiệu quả của các tổ chức nhân quyền quốc tế, các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trong việc bảo vệ quyền con người tại các quốc gia độc tài..."

6. Toàn bộ những chiến thuật tạo số đông, đặt HĐNQLHQ trở thành đối tác của chiến dịch ngay từ đầu, các tổ chức Nhân Quyền, các quốc gia thành viên đã theo dõi, quan sát chiến dịch ngay từ lúc chiến dịch khởi động sẽ hỗ trợ cho những người hoạt động tại Việt Nam có thể hoạt động hữu hiệu hơn, an toàn hơn và nếu bị đàn áp thì nhà nước Việt Nam phải trả giá đắt với những tổn thất về hình ảnh cũng như quan hệ ngoại giao cho sự đàn áp đó.

7. Sau cùng, như kết luận của Lời Kêu Gọi: "Hãy cùng nhau chấm dứt tình trạng mong chờ người khác, tình trạng mỗi người tự giam cầm những khát vọng, ước mơ của mình bằng thái độ mong chờ người khác làm thay mình..." thì chiến dịch này sẽ giúp cho chúng ta thấy liệu có thể chấm dứt tình trạng tất cả đều ước mơ nhưng đa số đều "nhường" việc thực hiện ước mơ đó cho một thiểu số người khác hay không? Và nếu không, thì những lý do gì mà nhiều người dùng nó (những lý do) để không tham gia vào việc biến giấc mơ chung thành hiện thực? Có còn những cách nào khác để họ thay đổi thái độ, vị trí của một người đứng ngoài quan sát, xem người khác tranh đấu cho ước mơ của mình ra sao?

Nếu có 100.000 chữ ký, nếu có 100 người tuyệt thực và hàng ngàn người tọa kháng, thắp nến... từ nhiều thành phố tại Việt Nam và trên thế giới... liệu chế độ độc tài có sụp đổ? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng nó sẽ giúp ta đặt được một viên gạch làm nền tảng cho bước đi kế tiếp để mỗi lúc mỗi tiến gần đến mục tiêu sau cùng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét