Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

'TQ lo sợ chuyến thăm Mỹ của ông Trọng'

Ông Nguyễn Phú Trọng



Chuyến thăm Mỹ dự kiến của ông Nguyễn Phú Trọng được thông báo công khai trước chuyến thăm tới Trung Quốc, theo nhà quan sát.

Lãnh đạo Trung Quốc 'vội vã' mời Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc ngay trước chuyến đi được dự kiến của ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vì 'lo sợ' chuyến đi này gây bất lợi cho quan hệ Trung - Việt và lợi ích của Trung Quốc, theo nhà quan sát từ Hà Nội.
Cũng ý kiến quan sát này hôm 04/4/2015 nói với BBC giới phân tích đã nhận thấy ngay sau khi dự kiến đi thăm Hoa Kỳ của lãnh đạo Đảng Việt Nam được công bố, mà theo đó, ông Trọng sẽ ghé thăm Hoa Kỳ và tiếp kiến với Tông thống Barack Obama vào tháng 5/2015, đồng loạt các đài báo, truyền thông nhà nước của Trung Quốc đã 'hạ giọng' và 'thôi chỉ trích', 'nói xấu' Việt Nam.
Trao đổi với BBC hôm thứ Bảy từ Hà Nội, nhà nghiên cứu quan hệ Việt - Trung, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc, ôngDương Danh Dy nói:
"Cách đây khoảng độ nửa tháng, tức trước khi người ta tuyên bố chuyến đi của ông Trọng quảng mươi, mười lăm ngày, báo chí, các đài chính thống của Trung Quốc, không viết những bài xấu về Việt Nam nữa.




"Và tôi bắt đầu thắc mắc không biết có chuyện gì đây? Hóa ra cuối cùng là chuyện ông Trọng đi, chuyện đó chứng minh điều gì? Chuyện đó chứng minh rằng ông Trọng đi Trung Quốc không phải là chuyện bàn bạc kế hoạch từ trước, như là chuyến ông đi Mỹ, mà chuyện đó là bất lợi.
"Hai bên gặp gỡ với nhau thế nào không biết, nhưng mà mới quyết định gần đây thôi, thì đấy là điểm mà chúng ta phải thấy."

'Chuyến đi bất ngờ'

Và nhà quan sát này tiếp tục phân tích vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lại 'vội vàng' mới ông Trọng như vậy.
Ông Dương Danh Dy nói tiếp:
"Từ cái đó đặt ra vấn đề là gì? Thế thì tại sao Trung Quốc lại cần mời ông Trọng đi bằng được, mà ông Trọng cũng phải đi?
"Theo tôi, phía Trung Quốc thấy rằng rất ngại chuyến đi của ông Trọng sang Mỹ và họ muốn rằng trước khi ông Trọng đi Mỹ thì phải sang Trung Quốc đã."
Và cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc phân tích tiếp về 'mục đích', 'động cơ' của việc mời 'gấp' này, ông Dy nói thêm:
"Cái thứ nhất, nó làm cho chuyến đi của ông Trọng không quan trọng, không ý nghĩa với thế giới nữa, theo tôi nghĩ như vậy.
"Cái thứ hai là qua chuyến thăm này, chưa biết hai bên sẽ bàn bạc ép nhau những gì, thế và những cái gì nên, những cái gì không được làm với Mỹ chẳng hạn...
"Trung Quốc họ luôn sẵn sàng, họ không từ một thủ đoạn nào để mà ép mình (Việt Nam) đâu, cho nên tôi nghĩ rằng chuyến đi của ông Trọng, từ cái đó tôi thấy rằng, nó không phải là một chuyến đi dự định từ trước, mà là chuyến đi bất ngờ."

'Một thói quen?'





Cũng hôm thứ Bảy, một nhà quan sát khác về tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nêu quan điểm về lý do tại sao ông Trọng theo dự kiến đã nhận lời tới thăm Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình trước khi tới Mỹ gặp Tổng thống Barack Obama.
Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam, nói với BBC:
"Tôi nghĩ rằng đấy là một thói quen của Đảng Cộng sản đi thăm những anh nào mà họ cho là quan trọng trước. Giống như trước đây phải đi Liên Xô, sau rồi mới đi Trung Quốc, thì cũng là lập lại cái kiểu như vậy để tỏ ra rằng mình có lập trường kiên định.
"Nhưng tôi không quan tâm việc đi anh nào trước, anh nào sau, vấn đề là lập trường chính trị của anh có đàng hoàng không. Anh đến đâu anh cũng nói rõ dân tộc tôi là thế này, anh đã vi phạm những này, và chúng ta phải sòng phẳng trong chuyện này, và ông ta (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) phải nói rõ ràng những vấn đề như vậy.



Quan hệ Việt - Mỹ
Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã từng mời Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang thăm Mỹ hồi cuối tháng 7/2013.

"Thế còn có thể sang Mỹ sau cũng được, nhưng mà ông phải nói 'chúng tôi cần sự liên minh' với Mỹ để đối trọng lại với thái độ lấn lướt, ăn hiếp. Mà từ 'ăn hiếp' là quốc tế nói, chứ không phải ta (Việt Nam) nói.
"Tàu (TQ) đang ăn hiếp các nước nhỏ, thế thì để tránh sự ăn hiếp, tôi sẵn sàng tìm lấy những lực lượng để ủng hộ chúng tôi, chống lại sự ăn hiếp. Liệu anh có dám nói như thế với nhân dân Mỹ, với chính phủ Mỹ không?
"Và nếu anh nói được như vậy, chúng tôi cho rằng như thế mới xứng đáng là người lãnh đạo quốc gia," nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nói với BBC.

'Xu thế khó đảo ngược'





Hôm 04/4, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho rằng 'chắc chắn' Trung Quốc sẽ gây sức ép với Việt Nam, tuy nhiên theo ông áp lực này vẫn khó thay đổi được 'xu hướng' Việt Nam có thể xích lại gần hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Ông Dy nói: "Sang Trung Quốc, thì dù Trung Quốc có ép, có dụ dỗ, ép thế này thế kia.
"Nhưng tôi chắc rằng là lập trường của Việt Nam trong việc muốn chơi, muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ,
"Và muốn tiến sâu trong quan hệ trên một số mặt trong quan hệ với Mỹ, thì tôi chắc là không thể nào Trung Quốc ép được," cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc nói với BBC.
Tin cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo dự kiến sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 7/4-10/4/2015 theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư đảng cộng sản, Chủ tịch Trung Quốc.
Chuyến đi này được thực hiện trước chuyến đi của ông Trọng tới Hoa Kỳ, dự kiến diễn ra vào tháng Năm, theo lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.
Cuối tháng 7/2013, trong một diễn biến liên quan quan hệ Mỹ - Việt, Tổng thống Obama đã từng mời Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trương Tấn Sang có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Mỹ.

Mục đích chuyến đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét