Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Số 0 đến vô tận

01-04-2015
Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội cộng sản hôm nay.
Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. “Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo?”, ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.
Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.
Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.
Mới đây, một “đại gia” đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là “vị đại gia”. Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.
Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.
Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.
Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.
Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền BHXH cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Quỷ bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời: 3.718 tỉ đồng.
Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.
Tiền thật thú vị, nhất là trong một quốc gia tuyên bố mình là ngọn cờ của giai cấp vô sản. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.
————————-
(Tựa đề, lấy từ tên sách của Arthur Koestler)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét