Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Hiện trạng văn học miền Nam sau 1975 (III)

Nguyễn Văn Lục

bookChính trong cái khung cảnh sinh hoạt sách báo miền Nam bị vây khốn khó khăn như thế đã làm nảy ra một nghề mới: Nghề bán sách dạo, sách bán ở vỉa hè. Nghề này từ nay thay thế công việc của ông Khai Trí cũng như cho khoảng 2500 nhà sách trên toàn miền Nam đã phải tự động đóng cửa sau 1975.
Nó tiêu biểu cho nghề buôn bán chui dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Xã hội tạo ra một lớp người làm ăn bất hợp pháp. Cái gì cũng thành chui cả. Sách chui, gạo chui, thuốc tây chui, đi chui và ngay cả việc đi tu cũng trở thành tu chui.
Sách càng bị cấm, càng nhiều người tìm đọc.
Đường đến với sách vở văn học miền Nam thật đầy gian nan, nhưng cũng có những người may mắn tìm được những kẽ hở của chế độ để trở thành đại gia.
Tôi xin nêu ra trường hợp tiêu biểu là ông Võ Thành Tân, hiện nay là Tổng Giám Đốc nhà sách Thành Nghĩa. Ông vốn chỉ là một sinh viên văn khoa Sài gòn trước 1975. Sau 1975, không có việc gì làm, ông xoay ra mở một kiosque bán sách cũ ở đường An Dương Vương. Thời thế đã tạo cho ông từ  một người bán sách cũ, với sự hiểu biết về giá trị của mỗi cuốn sách. Ông hẳn biết mua rẻ bán đắt và sau này, ông trở thành một đại gia với doanh nghiệp in sách và bán sách.
Nhá sách Thành Nghĩa. Nguồn: http://sachthanhnghia.com/
Nhá sách Thành Nghĩa. Nguồn: http://sachthanhnghia.com/
Thoạt đầu, ông kể cho tôi, ông chỉ xuất bản vài đầu sách, in 1000 cuốn một năm. Bán hết, thu đủ vốn lại in cuốn khác. Ông biết được thị hiếu người đọc, ông nắm được thị trường sách vở và cứ thế ông làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt.
Cho đến năm 2005 thì cơ sở của ông đã có thể cho in 3500 đầu sách một năm… một điều không thể xảy ra ngay cả dưới thời thịnh hành của ông Khai Trí.
Thị trường sách vở nay không chỉ dành cho 20 triệu người mà là 85 triệu người.
Tôi đã có dịp trò chuyện với ông và người phụ tá của ông là Vũ Quang Việt, hầu hết lớp người như hai ông nắm các vị trí các tờ báo đều gốc gác dân Quảng Nam. Ông cho biết hiện nay các ông có 18 cửa hàng bán sách với khoảng 2000 nhân viên. Có những tiệm sách lớn, số lượng sách trong cửa hàng lên đến 40 chục ngàn đầu sách đủ loại được bầy bán.
Dĩ nhiên, để có thể yên thân làm ăn và thành công thì mỗi khi các cơ quan nhà nước tổ chức các buổi Hội Thảo hay phát giải thưởng, ông là người đứng ra ‘bao’ hết trọn gói. Tiền vé máy bay, tiền Hotel cho các quan chức từ Hà Nội vào Sài Gòn dự, tiền túi cho mỗi vị. Một buổi tổ chức như thế, ông mang khoảng 30 các cô gái bán hàng, ăn mặc đồng phục, tiếp đón các quan khách xếp hàng từ ngoài cửa trên dưới khoảng 100 quan khách.
Ban tổ chức sau đó sẽ đãi một bữa ăn trưa, rồi có văn nghệ giúp vui. Khi ra về mỗi vị khách mời nhận được một túi quà, trong đó có sách biếu. Tôi cũng là một khách mời, ngạc nhiên khi về nhà, mở túi sách ra thì có một phong bì với 50 chục ngàn đồng. Hỏi ra các buổi chiêu đãi đều có trả tiền như thế cả.
Một buổi tổ chức như thế, có khi ông phải chỉ cả trăm triệu đồng. Chưa kể, ông còn phải gánh trả các chi phí cho văn phòng đại diện một tờ báo mà địa chỉ nằm ở Hà Nội.
Thay vì trả thuế, chính quyền và người dân được lợi. Chi trả như trên thì quan chức được lợi hết. Đó là một cách hối lộ đẹp nhất mà tôi nhận thấy ở Việt Nam.
Trong dịp này, 2006, tôi đã mua được một cuốn sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của cụ Cao Xuân Dục với giá 30 đô la. Tưởng đã là đắt lắm.
Nhưng hiện nay, sách cũ miền Nam nhiều cuốn trở thành ‘vô giá’. Có trường hợp ông Trần Văn Thiện, nguyên là một giáo viên thời VNCH nay trở thành người bán sách cũ. Ông có sự hiểu biết về giá trị từng cuốn sách và sự định giá một cuốn sách. Ông là một nhà thẩm định giá trị các tác phẩm văn học miền Nam dựa trên giá cả giữa nhu cầu người đọc và giá trị cuốn sách.. Tôi xin đưa ra giá một vài nguyệt san và sách được ông Trần Văn Thiện đề bán như sau:
Cuốn Hình sự tố tụng, đề giá 200 Mỹ kim
– Việt Nam Văn học của cụ Dương Quảng Hàm, 150 mỹ kim
– Tập san Quê Hương, chủ bút giáo sư Nguyễn Cao Hách, 200 mỹ kim mỗi số
– Lược khảo văn học, Nguyễn Văn Trung, 100 mỹ kim
– Một số báo Văn, 100 Mỹ Kim
– Các số báo Đứng Dậy, 70 mỹ kim mỗi số.
Các sách cũ trước 1975 thường có giá từ 70 Mỹ Kim đến 300-400 mỹ kim… Sách của miền Bắc trung bình từ 20-50 mỹ kim.
Theo Viên Linh, trong bài viết Một nền văn học của những kẻ vắng mặt thì vào năm 1998, trong 10 cuốn sách bán chạy ở miền Nam, có 9 cuốn là sách cũ miền Nam trước 1975 (Số liệu do công ty phát hành sách báo Fahasa của Việt Nam, đăng trên tờ Thể Thao Văn Hóa số tháng 12-1997, trang 26-28).
Đó là hiện tượng đi tìm sách cũ để tìm đọc mà chính tác giả của chúng lại là những người vắng mặt.
* Thứ tư, công việc khôi phục lại Văn Học miền Nam còn là một đoạn đường dài, phải mất nhiều năm tháng và khổ công
Cứ theo Trần Trọng Đăng Đàn thì có vào khoảng 2721 tác giả nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà biên khảo, giáo sư, trí thức ở miền Nam Việt Nam có các tác phẩm để lại. Mặc dầu đã có chỉ thị phân loại các sách, nhưng trên thực tế chẳng ai có trách nhiệm thi hành. Họ đã dùng trẻ con đi đến các nhà, dùng xe ba gác, đánh trống để tịch thu.
Trong số 2721 tác giả này thì họ đều có sách xuất bản. Có sách xuất bản trước 1975 trở thành mục tiêu truy lùng sách báo cũ. Tiêu chuẩn này vô tình đã để lọt một sổ khoảng 600 các nhà thơ nhà văn trẻ, thường là gốc lính, chỉ có thơ văn đăng trên các tạp chí như Văn, Bách Khoa hoặc trên các tờ Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày, Thái Độ và nhất là trên tờ Khởi Hành.
Thôi thì họ bỏ quên như thế thì cũng tốt thôi. Có thể nhờ đó tránh khỏi đi học tập về cái tội là nhà văn. Nhưng người ta sẽ không hiểu được tại sao nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học, xuất bản ở Hải Ngoại đã cố tình bỏ quên bọn họ. Chắc là chúng ta sẽ có dịp làm rõ điều này trong một bài viết khác để trả lại công đạo cho các nhà văn , nhà thơ gốc lính mà nay có người đã không còn nữa.
Tôi đã có dịp đọc tập Thơ miền Nam trong thời chiến, quy tụ những nhà thơ gốc lính miền Nam đã bị bỏ quên do Trần Hoài Thư sưu tập. Xin hãy đọc một hai trích đoạn:
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo.
Hồ Minh Dũng
Một trích đoạn khác:
Rừng Dậy men Mùa. Nguồn: Đói Diện.
Rừng Dậy men Mùa. Nguồn: Đói Diện.
Xin đặt đồng tiền lên bài vị mới
Cùng với lòng anh vừa chớm trong xuân
Địa ngục thiên đàng cho anh gửi tới
Mừng tuổi các em chết được một năm
Xin đặt áo quần vào vali giấy
cùng với sách vở thơm tuổi học trò
Các em ở đâu hãy về nhận lấy
Nhìn mẹ bây giờ như chim ngọn khô
Trích Đông Trình, Mừng tuổi em gái (Cho linh hồn Loan và Quế)
Phần người cộng sản, nói chung hễ cứ sách là tiêu hủy tất cả.
Cứ giả dụ trung bình mỗi tác giả có năm đầu sách suất bản. Như vậy có trên 10 ngàn đầu sách xuất bản trong một năm. Và trung bình mỗi sách ở miền Nam thời đó in tối thiểu 3000 đến 10.000 cuốn, và tái bản nhiều lần. Nếu kể thêm các đầu sách giáo khoa kỹ thuật khoảng chừng 2000 tác giả. Mỗi tác giả có năm đầu sách sẽ có thêm 10 ngàn đầu sách, cũng in 3000 nghìn cuốn. Phần tái bản sách giáo khoa là thường xuyên.(22) Nếu kể thêm các đầu sách dịch mà có cuốn được in đi in lại đến 10 lần. Và cuối cùng là sách ngoại quốc nhập cảng vào miền Nam.
Trong bài “phỏng vấn 6 nhà văn nữ” của Lê Phương Chi đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1968, nhà văn Nhã Ca nói về những số tiền tác quyền nhuận bút của bà như sau:
“- Cơ sở xuất bản Thư Tư đặt ba trăm ngàn để lấy 6 cuốn sách, trong số ấy có một cuốn tái bản, đó là năm 1967. Nhà sách Khai Trí đặt hai trăm ngàn mua năm cuốn, có ba cuốn tái bản, năm 1968. Còn năm 1969, chúng tôi không bán nữa. Nếu dự định của chúng tôi được thực hiện, thì chúng tôi sẽ có một nhà xuất bản lấy tên là Thương Yêu, để in sách của chúng tôi Và các bạn thân”(23)
Và nếu cộng thêm các tập san đủ loại. Đã có khoảng hơn 300 tập san như thế. Các tập san này có thể ra hàng tuần và thường là hàng tháng, kéo dài trong nhiều năm như Tập san Văn Hóa Á Châu và tạp chí Bách Khoa.
Theo tờ Tin Sáng(24), thì từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa trung học xuất bản cùng thời gian.
Tôi chỉ kể một vài tập san tiêu biểu như tập san Đại Học Huế mà tôi vừa thực hiện việc điện toán toàn bộ gồm khoảng hơn 10.000 trang tài liệu.
10.000 trang tài liệu của trên dưới hơn 100 nhà biên khảo, trí thức, giáo sư đại học – những thành phần ưu tú nhất của miền Nam – về các lãnh vực triết học, sử học, ngôn ngữ học, văn học bỗng chốc tan biến hết.
Còn có nỗi mất mát nào lớn hơn nữa không?
Sau đây xin đưa ra một chứng từ của một người trẻ tuổi, lúc đó còn đang ở tuổi đi học nói về việc đốt sách trong gia đình của mình.
Thưở nhỏ ở Việt nam tôi lớn lên trong một gia đình yêu văn chương,nghệ thuật. Từ ba má đến anh chị em trong nhà người nào cũng mê đọc sách.
Theo năm tháng tủ sách gia đình ngày càng được tích đầy 306 đến mức phải dành cả gian nhà rộng để chứa sách.
Sách được đóng bìa, đánh số cẩn thận và phân chia thành nhiều loại: khoa học, văn học, thơ, tạp chí v.v… có trên 5000 quyển.
Do người lớn trong nhà kiểm soát nghiêm nhặt việc đọc sách nên ở khoảng tuổi thiếu nhi tôi chỉ được phép đọc những sách dành cho thiếu nhi. Thưở ấy có những buổi trưa khi người lớn bận việc tôi dạo lướt qua những kệ sách, lục tung từ những quyển sách to lớn cho đến những quyển sách nhỏ.Và mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ đọc hết tất cả những gì chứa trong đó. Bởi thế tôi thật sự kinh hoàng khi sau năm 1975 nhìn cảnh cả nhà phải đem sách ra đốt.
Đốt dấu diếm âm thầm trong nhà bếp vì không muốn bị kết tội phản động, tàng trử “văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy”.
Cả kho sách phải đốt ròng rã hàng tháng trời mới tiêu hủy hết. Sau khoảng thời gian đó tôi ngẩn ngơ khá lâu như kẻ đang phải thấy một phần đời trongtương lai của mình bị thiêu hủy.
Tôi trưởng thành với một khoảng đen tăm tối trong tâm hồn, một khoảng trống với cảm giác như không có gì lấp được.
Những năm sau đó khi vào Thư viện quốc gia lục bao nhiêu thư mục tôi vẫn chỉ thấy một số sách vở văn chương ít oi còn sót lại sau khi bị kiểm duyệt. Hầu hết sách văn học chỉ là những quyển truyện của các nhà văn được gọi là có “ý thức cách mạng”.
Qua sách báo và các buổi học trong nhà trường giảng dạy Lục Vân Tiên cũng có ý thức cách mạng và Thúy Kiều là nạn nhân bị áp bức của chế độ phong kiến. Tất cả văn chương nghệ thuật đều dẫn đến con đường văn học nghệ thuật “Chống Mỹ cứu nước”.
Văn học nghệ thuật nước ngoài của cả thế giới như chỉ là những quyển sách dịch từ tiếng Nga.
Tôi bắt đầu yêu mến Puskin, Sekhov, Tourghenhev, tưởng như thế giới bên ngoài chỉ là những miền thảo nguyên bao la, xa vắng. Thưở ấy như con ngựa chạy quanh quẩn trong thảo nguyên bát ngát, hoang vắng tôi có cảm giác mình đang bị bó buộc.
Có lẽ cảm giác này đến từ những hồn ma của những quyển sách đã bị đốt luôn ám ảnh tôi. Những trang sách chứa chất nhiều điều bí ẩn đã bị thành tro bụi biến mất từ lâu nhưng oan hồn chúng như còn bảng lảng xa vời trong tâm thức mù mờ.
Chúng như tiếng nói từ tiềm thức sâu thẩm cho biết “Thế giới văn chương trước 1975 vẫn còn,chưa chết”.
Với “Tủ sách Tiếng Quê Hương” tôi như đã thấy những gì bị thiêu hủy, chôn vùi, dấu kín tại quê hương từ lâu nay đang từ từ bước ra ánh sáng.
Một vầng sáng dịu dàng nhưng sâu thẩm được thắp lên bởi những nhân chứng sống trong lịch sử.
Đấy là những tiếng nói của bao người đã bị chôn kín hàng năm dài đằng đẳng trong ngục tù cộng sản và may mắn sống sót ra được xứ người. Những tiếng nói của những người con xứ Việt đang lưu lạc bốn phương trời: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Canada. Những tiếng nói đang bị cấm đoán đè nén ở Việt nam cũng được lên tiếng trong những trang sách của “Tủ sách Tiếng Quê Hương”.
Cùng sống lại với những trang sách là tiếng nói của “Chính thể Việt Nam cộng hòa” một chính thể đã bị bóp chết tức tưởi, oan khiên như số phận dân tộc Việt sau 1954, đang được lấy lại danh dự và được trả lại sự thật.
“Tiếng Quê hương” đặc biệt được in thật trân trọng trên những trang sách trình bày tao nhã do nhà văn Uyên Thao cẩn thận chăm sóc từ nội dung đến hình thức .Thật cảm động biết bao khi cầm những quyển sách như thế trên tay, cứ như được nhận tâm tình người nghệ sĩ chắt chiu đốt lửa cho đời một ánh sáng,giúp dân tộc Việt thoát ra chốn tối tăm,tù ngục.
“Ở đâu người ta đốt sách ở đó cuối cùng người ta đốt cả con người”
Copyright Unibersity of South Floria
Copyright University of South Florida
Dort wo man Bücher verbrennt, verbrennt man am Ende auch Menschen.“ Heinrich Heine
Hiện nay rất nhiều người anh dũng, kiên cường đấu tranh cho dân chủ, công bình, lẽ phải đang chịu chết dần mòn trong chốn lao tù ở Việt nam,giống như những trang sách thật đẹp đã bị đốt cháy âm thầm trong xó bếp thưở xưa.
Nhưng với Tủ sách Tiếng Quê Hương tất cả như được khôi phục lại từ những bàn tay các văn nghệ sĩ không phân biệt Bắc, Nam, hải ngoại hay trong nước, chúa hay phật hay màu cờ.
Một buổi chiều cùng nhà văn Vũ Thư Hiên đi ngắm cảnh thành phố Munich, giữa cảnh những chiếc xe tàu điện ngầm, xe điện, xe bus chạy không ngừng, giữa dòng người ngược xuôi trong một thành phố Âu châu, tôi nhìn ông và như được thấy điều kỳ diệu.
Những ai đã đọc tác phẩm “Đêm giữa ban ngày” biết được cảnh sống khắc nghiệt của những nơi lao tù ông đã trải qua sẽ thấy việc ông còn sống sót và đang đi dạo phố nơi chân trời Âu châu là một sự diệu kỳ.
Tất cả những gì gọi là “Sức sống mảnh liệt” đều có thể đưa đến những điều kỳ diệu. Tủ sách Tiếng quê Hương biểu tượng “Sức sống mảnh liệt” của một dân tộc bị đày đọa, chịu nhiều nỗi oan khiên đã mang tính diệu kỳ ấy: Tính diệu kỳ của những ánh lửa không bao giờ bị dập tắt. Tính diệu kỳ của những trang sách đã bị hóa thành tro bụi vẫn có thể tái tạo lại được.(25)
Tính chung, một cách dè dặt nhất thì cũng có khoảng 180 triệu cuốn sách, tập san bị tịch thu và phá hủy. Chỉ trong một gia đình của người Miền Nam có ăn học phải tự tiêu hủy 5000 đầu sách thì đó chẳng khác gì một cuộc tự sát tập thể của sách vở.
Nhưng theo con số của ông Vũ Hạnh đưa ra trong bài Mấy ý nghĩa về Văn Nghệ thực dân mớithì từ: 1954-1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam với số bán là 800 triệu bản.(26)
Nhưng chỉ nghĩ đến điều đo thôi đã thấy rùng mình.
Nhưng nếu chúng ta căn cứ số liệu của bộ Thông Tin VNCH tính cho đến tháng 9-1972 thì trung bình họ đã cấp cho 3000 đầu sách được phép xuất bản trong một năm. Cộng chung từ năm 1954-1975, có từ 50.000-60.000 đầu sách được xuất bản. Thêm vào đó có 20.000 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng. Con số mà tôi ước lượng là trên dưới từ 180-200 triệu cuốn sách được in ra là tương đối dễ được chấp nhận.(27)
Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, ở Pháp hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán được để dành chỗ cho sách mói ra đời.
Có một điều sách càng bị cấm thì càng nhiều người tìm đọc. Có người liên tưởng việc đốt sách này đến việc Phần Thư Khanh Nho (焚書坑儒, đốt sách chôn nho) của bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Lấy việc xưa mà nói việc ngày nay thì cũng có nhiều điều khiên cưỡng. Việc đốt sách đời Tần là đốt sách của ngoại lai. Người đề xướng ra việc đốt sách thật ra là Lý Tư chứ không phải Tần Thủy Hoàng.
Còn việc tịch thu, đốt sách thời Lê Duẩn là do ai chủ xướng, ai đề ra? Chắc chắn là không có câu trả lời. Đó cũng là một nhận xét lý thú trong thời đại chúng ta. Vì hạch tội một cá nhân nào đó thường không tìm ra thủ phạm.
10 tháng 5, 1933, Bá Linh | Trong số 20.000 cuốn xách bị ném vào ngọn lửa là các tác phẩm của Henri Barbusse, Franz Boas, John Dos Passos, Albert Einstein, Lion Feuchtwanger, Friedrich Förster, Sigmund Freud, John Galsworthy, André Gide, Ernst Glaeser, Maxim Gorki, Werner Hegemann, Ernest Hemingway, Erich Kästner, Helen Keller, Alfred Kerr, Jack London, Emil Ludwig, Heinrich Mann, Thomas Mann, Karl Marx, Hugo Preuss, Marcel Proust, Erich Maria Remarque, Walther Rathenau, Margaret Sanger, Arthur Schnitzler, Upton Sinclair, Kurt Tucholsky , Jakob Wassermann, HG Wells, Theodor Wolff, Emile Zola, Arnold Zweig, và Stefan Zweig. Nguồn:  historyplace.com
10 tháng 5, 1933, Bá Linh | Trong số 20.000 cuốn xách bị ném vào ngọn lửa là các tác phẩm của Henri Barbusse, Franz Boas, John Dos Passos, Albert Einstein, Lion Feuchtwanger, Friedrich Förster, Sigmund Freud, John Galsworthy, André Gide, Ernst Glaeser, Maxim Gorki, Werner Hegemann, Ernest Hemingway, Erich Kästner, Helen Keller, Alfred Kerr, Jack London, Emil Ludwig, Heinrich Mann, Thomas Mann, Karl Marx, Hugo Preuss, Marcel Proust, Erich Maria Remarque, Walther Rathenau, Margaret Sanger, Arthur Schnitzler, Upton Sinclair, Kurt Tucholsky , Jakob Wassermann, HG Wells, Theodor Wolff, Emile Zola, Arnold Zweig, và Stefan Zweig. Nguồn: historyplace.com
Để kết thúc về phần này, tôi chỉ có thể nói cho dù sau này có chính sách cởi mở hơn đối với sách vở miền Nam. Cùng lắm chỉ khoảng 20% có cơ may được tái xuất hiện. Còn lại 80% chịu số phận chôn vùi tập thể như những nấm mồ hoang của hàng triệu người đã chết trong chiến tranh.
Chỉ còn cần hai nén hương cho hai cái chết đó. Một cái chết của người vắng mặt và một cái chết của sách đi theo chủ nó.
 (Còn tiếp)
Nguồn: Bài do tác giả gởi và đã đăng trong Thư Quán Bản Thảo, số 63 Tháng 2-2015. Trang 283-356. DCVOnline minh họa.
Tài Liệu Tham Khảo:
(22) Chính người viết có ba cuốn sách giáo khoa, mỗi cuốn in 2000 cho vừa đủ dùng trong một năm và thường tái bản mỗi năm.
(23) Trích Trần Hoài Thư, Vài suy nghĩ về hiện tượng văn chương nữ giới thời chiến, trong Thư Quán Bản Thảo, trang 9, số 61, tháng 10-2004.
(24) Tin Sang, số ra ngày i-8-1976
(25) Duong Hoang Dung, Munich, 20.02.2012, trong Tu sach Tieng Que Huong.
(26) Vũ Hạnh, Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới, tuần báo Đại Đoàn Kết
(27) Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán đượcm để dành chỗ cho sách mói ra đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét