Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Tại sao công nhân Pou Yuen đình công - Đình công ở Tp HCM: chính quyền ‘xoa dịu’?

Đình công ở Tp HCM: chính quyền ‘xoa dịu’?

01-04-2015
Cuộc đình công kéo dài liên tục từ ngày 26/3
Cuộc đình công kéo dài liên tục từ ngày 26/3
Đại diện của chính quyền hứa sẽ xem xét nguyện vọng của công nhân sau một đợt đình công lớn tại công ty Pou Yuen Việt Nam phản đối một điều luật mới của Luật Bảo hiểm Xã hội, truyền thông trong nước đưa tin.
Trước đó, hàng ngàn công nhân của Pou Yuen, một công ty thuộc sở hữu hoàn toàn của Đài Loan chuyên sản xuất giày thể thao và may mặc xuất khẩu, đã đình công liên tục từ ngày 26/3 để phản đối Luật Bảo hiểm xã hội sắp có hiệu lực vốn không cho phép người lao động lãnh tiền bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc mà phải đến sau khi nghỉ hưu mới được lãnh.
Trước tình hình đó, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã có buổi đối thoại trực tiếp với công nhân vào trưa thứ Ba ngày 31/3, báo chí trong nước đưa tin.
Ông Diệp được tờ Lao Động dẫn lời nói với các công nhân rằng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội sẽ trình chính phủ phương án cho phép công nhân lựa chọn cách làm nào phù hợp cho họ: hoặc là thanh toán một lần sau khi công nhân nghỉ việc rồi chốt sổ hoặc là bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội để công nhân có thể tiếp tục tích lũy cho đủ điều kiện đến khi về hưu được nhận lương hưu.
Các công nhân có mặt tại buổi đối thoại được cho là đã ‘vỗ tay đồng tình’ với đề xuất của ông Diệp, báo mạng VnExpress cho biết.
‘Hồi chuông cảnh tỉnh’
Trong một diễn biến khác, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã ra lời kêu gọi các công nhân Pou Yuen quay trở lại làm việc và ‘không để cho kẻ xấu lợi dụng, kích động, xúi giục’.
BBC Việt ngữ đã liên lạc các vị có chức trách ở Quận Bình Tân cũng như phường Tân Tạo A để hỏi thêm về vụ việc nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
Hiện tại chưa rõ các công nhân đình công đã tở lại làm việc hay chưa nhưng trang mạng của tờ Pháp Luật dẫn lời ông Củ Phát Nghiệp, chủ tịch Công đoàn Pou Yuen, cho biết ‘tình hình đã ổn định’ và ‘một bộ phận công nhân đã trở lại làm việc’.
BBC không có mặt tại chỗ nên không có điều kiện kiểm chứng thông tin này.
Trả lời BBC ngày 31/3, Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, cho rằng cuộc đình công là “hồi chuông cảnh tỉnh”, nhắc nhở các nhà làm luật cần đạt được “sự đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo” khi điều chỉnh luật.
“Trước đây thì họ thanh toán luôn, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng, nhưng giờ sửa lại là phải đợi sau một thời gian nữa. Mục đích nhà làm luật là muốn cộng dồn lại thời gian đóng bảo hiểm để mục đích cuối cùng là đảm bảo an sinh xã hội, tức là vấn đề hưu trí.”
“Họ cho rằng nếu như đã thanh toán một lần ở doanh nghiệp này, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu lại không có lương hưu thì đó là thiệt hại cho người lao động. Tôi nghĩ rằng nên chăng giữa các nhà quản lý về lao động, kể cả Liên đoàn Lao động ở TP.HCM cầncó đối thoại để giải thích cặn kẽ”.
“Nếu đối thoại tận cùng vấn đề mà thấy cần sửa luật thì cũng nên chỉnh sửa luật chứ cũng không cần phải cứng nhắc. Các cuộc đình công làm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm luật là khi ban hành chính sách thì phải đảm bảo tính đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo”.
Trong khi đó Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng cuộc đình công là một “biểu hiện tốt”.
“Người lao động đã có ý thức về quyền lợi của mình nên chuyện đình công đó rất tốt cho xã hội. Phía nhà nước cần thay đổi tư duy, nhất là đối với luật bảo hiểm xã hội để người ta có quyền lựa chọn chứ không thể áp đặt như vậy.

Tại sao công nhân Pou Yuen đình công

Lê Diễn Đức
01-04-2015
Ngày 26 tháng 3 năm 2015, khoảng 90 ngàn công nhân của Công ty giày Pou Yuen vốn 100% của Đài Loan, trong khu công nghiệp Tân Tạ, quận Bình Tân, đồng loạt đình công.
H1
Cuộc đình công nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình và kéo dài tới ngày 31 tháng 3. Cho tới hết ngày 01 tháng Tư vẫn chưa thấy dấu hiệu ổn định mà theo vài nguồn tin không chính thức, cuộc biểu tình đã lan toả ra các khu công nghiệp ở Bình Dương, Long An, Tiền Giang.
Đây là lần đầu tiên, công nhân đình công với quy mô đông đảo nhất phản đối chính sách của nhà cầm quyền về bảo hiểm xã hội, chứ không phải đòi cải thiện tiền lương hay điều kiện làm việc với chủ doanh nghiệp, như từ trước đến nay.
Công nhân không đồng ý với các quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực vào 01/01/2016) không cho người tham gia bảo hiểm được hưởng tiền một lần sau khi nghỉ việc, mà phải đợi đến tuổi về hưu, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Thực tế đây là 26% số tiền lương họ bắt buộc phải đóng cho quỹ bảo hiểm trong thời gian làm việc.
Trong tình huống nóng bỏng như vậy, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã phải đối thoại trực tiếp với công nhân vào trưa thứ Ba ngày 31/03.
Ông Diệp hứa hẹn sẽ trình Chính phủ phương án cho phép công nhân lựa chọn cách làm nào phù hợp cho họ: hoặc là thanh toán một lần sau khi công nhân nghỉ việc rồi chốt sổ hoặc là bảo lưu sổ bảo hiểm xã hội để công nhân có thể tiếp tục tích lũy cho đủ điều kiện đến khi về hưu được nhận lương hưu.
Ngày 01 tháng 04 năm 2015, Chính phủ đã họp và đề nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Thái độ nhanh chóng này của chính phủ cho thấy nhà cầm quyền rất sợ lực lượng công nhân biểu tình và sẽ lan rộng.
Thực ra, điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam không có gì bất hợp lý, nó vẫn được áp dụng ở nhiều quốc gia dân chủ khác. Khi công nhân nghỉ việc được thanh toán một lần ở doanh nghiệp, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu không có lương hưu, thì sẽ bị thiệt hại nhiều hơn.
Ở Mỹ, để có luơng hưu, trong cuộc đời người lao động thay đổi công việc nhiều lần, nhiều nơi, nhưng phải gộp đuợc thời gian làm việc 40 tín chỉ an sinh xã hội (hay là 40 quater).
Ở Ba Lan, để có tiêu chuẩn hưu trí, người lao động phải có thời gian làm việc ít nhất 20 năm có đóng bảo hiểm xã hội. Nếu nghỉ hưu sớm vì không thể làm việc mà không đủ thời gian thì đến tuổi hưu được nhận một khoản tiền trợ cấp hàng tháng trong khuôn khổ bảo hiểm.
Vậy tại sao công nhân Việt Nam không đồng tình?
Trước hết là do những tác động về mặt tâm lý. Hơn 10 triệu công nhân hiện nay trong các khu công nghiệp, nhà máy đa phần xuất phát từ nông thôn. Họ kiếm việc làm thường mang tính thời vụ, chữa cháy cho hoàn cảnh. Với điều kiện làm việc khắc khổ và bị bóc lột nặng nề, bị chủ doanh nghiệp đối xử thậm tệ, ít ai nghĩ đến việc sẽ cắm mặt trên chiếc máy khâu đến trọn đời. Là giới nghèo, dường như ở đáy của xã hội, không vốn liếng, khi nghỉ việc họ cần ngay một số tiền để xoay xở mưu sinh hơn là chờ đến già để hưởng lương hưu.
Rõ ràng khi ban hành luật, nhà cầm quyền đã không thông qua các tổ chức hữu quan giải thích cho công nhân biết ngọn ngành. Ví dụ như tâm lý sợ đồng tiền mất giá là không hoàn toàn đúng vì quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm tiền hưu ít nhất cũng không dưới mức lương bình quân thấp nhất vào thời điểm đó.
Một tâm lý khác, trong những năm gần đây, là công nhân lo sợ quỹ bảo hiểm vỡ nợ, không có khả năng thanh toán.
Chỉ trong hơn một năm (tháng 4/2008 đến tháng 8/2009), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỉ đồng. Số tiền hàng trăm tỉ đồng nợ sẽ giải quyết như thế nào? Bảo hiểm xã hội VN nhìn nhận “khả năng trả nợ của ALC II là rất thấp” – (Tuổi trẻ ngày 16/06/2014).
Từ năm 2010 – 2013, các cơ quan Bảo hiểm Xả hội đã khởi kiện gần 4.000 vụ doanh nghiệp nợ Bảo hiểm Xã hội ra tòa án với số nợ 1.790 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng số tiền thu được chỉ trên 733 tỷ đồng, chưa đạt 50%. Trong đó số tiền thu được qua hòa giải là 270 tỷ đồng và qua xét xử hơn 463 tỷ đồng – (Pháp Luật ngày 15/09/2014).
Việc nhà nước sử dụng tiền của người đóng góp “cho vay thương mại, làm dự án thủy điện” ồ ạt với những lợi ích lại quả từ hợp đồng cho vay, nay không thu hồi được, trách nhiệm thuộc về ai nếu không phải là người cầm tiền cho vay? Rũ bỏ trách nhiệm cho vay và làm thất thoát là hành vi vô cùng cẩu thả, đầy tính lưu manh “qua cầu rút ván”, của nhũng kẻ có quyền lực trong guồng máy công quyền.
Chẳng có kẻ xấu nào lợi dụng, kích động, xúi giục công nhân cả, như trong lời kêu gọi ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Lo ngại của người công nhân là hợp tình, hợp lý, liên quan sống còn tới đời sống của họ.
Rất tiếc, công nhân chưa có công đoàn độc lập của mình để cuộc bãi công, biểu tình diễn ra có tổ chức, bài bản, các yêu sách và cam kết thực hiện của nhà cầm quyền phải thể hiện bằng giấy trắng mực đen. Điều này cũng cho thấy rằng, lợi ích của bản thân phải đòi hỏi bằng hành động tranh đấu chứ không chờ ai ban phát. Ý thức phản kháng này nếu được nuôi dưỡng sẽ trở nên sức mạnh khó lường.
Trong đàm phán gia nhập Hiệp ước Thương mại xuyên Thái Binh Dương TPP, có điều khoản bảo vệ quyền lợi người lao động, trong đó có vấn đề được tự do thành lập công đoàn độc lập, điều mà không một nhà nước độc tài nào ưa thích. Liệu Mỹ có vì lợi ích kỷ của mình ân huệ cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam khất lần thực hiện điều này?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét