Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Tại sao họ chưa tham gia? Tại sao họ tham gia?


...Ở đỉnh núi ấy, như một phép lạ, không còn ai có thể mở miệng nói rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc hèn nhát, thờ ơ và nhiều sợ hãi. Và cũng ở giây phút đó, quay đầu nhìn lại, nhìn xuyên suốt con đường ngoằn nghèo, nhiều gian truân, từ chân núi lên đến đỉnh, người ta mới nghiệm ra rằng: không có một chiến dịch nào, phương thức, chiến thuật nào trải dài suốt con đường tranh đấu trong những năm tháng quá khứ đã từng được xem là phương cách tốt nhất, thành công nhất. Tất cả cũng chỉ làm được một sứ mạng duy nhất trong thời hạn ngắn ngủi của một chiến dịch - là một bậc tam cấp lót đường để đoàn người tiến bước, ngày một thêm đông và sau cùng trở thành một thế lực mà thế giới gọi là: People Power - quyền lực quần chúng...


*

Câu hỏi tại sao "tôi", "anh", "chúng ta", "họ" chưa tham gia vào công cuộc tranh đấu cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ vẫn cứ mãi được đặt ra và chỉ chấm dứt vào thời điểm hàng trăm ngàn người cùng nhau đứng lên ở một quãng trường, giơ cao tay, vang vọng tiếng và bước chân như sóng tràn của họ dẫm nát thành lũy sau cùng của guồng máy độc tài.

Tại sao họ chưa tham gia?

Trong những lần biểu tình chống Tàu xâm lược, xuống đường bảo vệ chủ quyền, từ Sài Gòn đến Hà Nội chỉ có trung bình vài trăm người có mặt. Trong 2 thành phố lớn có hàng triệu dân cư, tại sao đại đa số người dân không tham gia?

Khi vấn nạn dân oan mất đất trở thành bi kịch dân sinh, người người phẫn uất, lên án tập đoàn cán bộ, quan tham, tư bản đỏ. Nhưng tại sao vẫn thế - vẫn hình ảnh những cụ già, người mẹ, em bé cô đơn cầm bảng kêu oan - rất lẻ loi, đơn độc, tuyệt vọng trên đường phố đông người qua, trên những mảnh đất hoang tàn của họ đã bị cướp? Tại sao chỉ có một số người như anh Mai Dũng, chị Sông Quê, chị Thúy Hạnh, chị Phương Bích, chị Trần Thị Nga, anh Peter Lâm Bùi, anh Trương Văn Dũng... và vài chục người không-phải-là-dân-oan đồng hành, có mặt cùng họ?

Với tình trạng công nhân Việt Nam bị chèn ép, đối xử tệ bạc và bóc lột sức lao động, cả nước nhiều người biết, nhưng chỉ có một số người như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh... đã đánh đổi cuộc đời thanh xuân bằng lao tù để mong tìm được một nụ cười trên khuôn mặt của công nhân Việt Nam?

Và trước cửa những phiên tòa xử Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Bùi Minh Hằng, Nguyễn Thị Thuý Quỳnh, Nguyễn Văn Minh... chỉ được vài chục hay vài trăm người có mặt, lên tiếng khẳng định tấm lòng yêu nước và tranh đấu đòi tự do cho những người sắp bị kết án; trong khi con số những người đồng tình, yêu thương, cảm phục họ thì rất nhiều những vẫn ở nơi nao?

Và trong những ngày qua, khi những hàng cây xanh dài bóng mát bị đốn ngả, mấy trăm người Hà Nội xuống đường phản đối. Còn lại cả triệu người đã làm gì khi những bóng cây che mát đời mình bao năm qua đã bị lấy mất đi?

Từ chuyện lớn chủ quyền quốc gia đến quyền sở hữu một mái ấm gia đình, một mảnh vườn, thửa ruộng; từ quyền bảo vệ một bóng mát, một dòng sông không bị phủ lấp đến quyền được sống đúng nghĩa của một con người... chỉ hiện hữu vài trăm người bằng da bằng thịt dấn thân, có mặt để tranh đấu. Tại sao?

Tại hải ngoại, cộng đồng của những người Việt tị nạn chính trị, mọi cuộc biểu tình, lễ tưởng niệm và những hình thức tranh đấu khác nhau, lấy trung bình của tất cả các lần tổ chức trong suốt 40 năm qua, cộng lại chia đều, con số không qua khỏi số hàng trăm, trong khi những cộng đồng lớn có hàng trăm ngàn người Việt sinh sống. Tại sao?

Đó là thực tế Việt Nam. Đó cũng là thực tế của Philippines, Serbia, Ai Cập, Tunisia và nhiều nước khác dưới ách độc tài. Thực tế đó chỉ biến mất trước ngày những tên gọi như Cách Mạng Hoa Lài, Cách màu của những màu sắc vang dội khắp thế giới. Lúc đó mọi câu hỏi đều không còn cần đến câu trả lời. Lúc đó ai cũng tự biết rằng tại sao mình đã từng không tham gia và bây giờ lại có mặt.

Nhưng bây giờ, câu hỏi tại sao không tham gia sẽ vẫn là một dấu chấm hỏi ngoan cố, lì lợm. Một câu hỏi rất chung nhưng những trả lời sẽ rất riêng. Có những câu trả lời rất thật. Và những câu trả lời bóp méo lương tâm.
Tại sao họ tham gia?

Vì họ biết hình ảnh của riêng họ, sẽ cùng với người bạn, người chị, người anh đứng bên cạnh làm nên hình ảnh những con người Việt Nam cương quyết khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Họ phải có mặt để làm nhân chứng sống. Không có họ, 90 triệu người Việt Nam và cả thế giới không THẤY có những người Việt Nam đang xác nhận những gì thuộc về Việt Nam.

Vì họ biết sự có mặt của họ trước phiên tòa, dù bị an ninh đàn áp đánh đập, bắt về đồn, nhưng Phương Uyên, Minh Hằng hay bất kỳ người bạn nào của họ sắp bị đi vào chốn lao tù, ở bên sau cách cửa tòa rừng rú sẽ ấm lòng, và những người tranh đấu đang ở trong ngôi nhà tù lớn biết chắc rằng anh em sẽ luôn luôn có mặt với mình nếu một ngày nào đó mình bị vào nhà tù nhỏ. Không có họ, những người tù và cũng là những người bạn, những chí hữu của họ xem như là bị bỏ rơi.

Vì họ biết rằng một chữ ký của họ là một tiếng vọng dù nhỏ nhưng khi kết hợp với chữ ký của người anh ở hàng trên, của người chị ở hàng dưới, của người em ở đầu danh sách... sẽ hơn hẳn một im lặng thê lương khi những đọa đày của chế độ đang đổ xuống Đinh Nguyên Kha, Trần Vũ Anh Bình, Đặng Xuân Diệu... trong trại tù Xuyên Mộc. Không có những tổng hợp chữ ký này, thế giới không bao giờ có được một bằng chứng khả dĩ nào để nói rằng nhiều người Việt Nam thực sự quan tâm đến công dân Việt Nam đã bị tù đày vì tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền.

Vì họ biết rằng một cây xanh là biểu tượng của môi trường sống, một dân oan mất đất là một thảm họa dân sinh, một công nhân bị đàn áp là một phần của tai họa nhân quyền bị tước đoạt, một hòn đảo bị cướp cho dù chỉ là một bãi chim ỉa đi nữa nhưng đó sự xâm phạm đến nền độc lập của quốc gia.

Vì họ trân trọng nỗ lực tranh đấu để một bát cơm đầy hơn cho người tù như trân trọng ngôi nhà hương hỏa phải được trả lại cho dân oan. Trân trọng việc bảo vệ một bóng mát bên đường như trân trọng một hòn đảo của quốc gia bị chiếm cứ. Trân trọng quyền được tưởng niệm những người lính hy sinh như trân trọng quyền của cả dân tộc được đứng lên bảo vệ Tổ quốc.

Và họ tham gia bằng cách bày tỏ quan điểm, tiếng nói trên mạng và tranh đấu cho quyền được cất lên tiếng nói, cho dù nhiều người đã phải vào tù, phải sống những tháng ngày câm để cả dân tộc có cơ may một ngày tự do cất lên tiếng nói.

Họ tham gia để góp phần vào việc tạo nên một tiếng nói to lớn và vang rộng của người Việt trên mạng như là một điều Cần nhưng chưa Đủ. Sự phẫn nộ trên mạng sẽ làm cho đám rơm bị trị ngày càng khô khốc để một ngày biến thành cuồng phong, nhưng phải có những mồi lửa để tạo thành bão lửa trên đường phố. Không một cuộc đổi đời nào xảy ra bằng tiếng nói, bằng một cuộc biểu tình triệu người trên không gian mạng.

Và họ tham gia, có mặt tại nơi thấp nhất của một hành trình leo núi: chân núi. Đỉnh núi nhắm đến là nơi hàng trăm ngàn người, cả triệu người đứng lên cùng nhau xóa bỏ độc tài. Ước muốn của họ không phải là một mình tự leo lên đỉnh mà làm sao nắm tay thêm một người, thêm một người, người cũ nắm tay người mới, người mới nắm tay người đang lưỡng lự để leo cùng với họ. Không gian mạng chỉ đủ để họ vạch trần tội ác của chế độ độc tài, để chuyên chở tiếng nói, quan điểm và những khát vọng của họ. Nhưng phải có mặt ở chân núi và bắt đầu leo thì mới thật sự biến ước mơ thành sự thật.

Họ sẽ ký một chữ ký, cầm một tấm bảng Chúng tôi muốn biết, HS-TS-VN, Tôi ghét đảng cộng sản... Họ sẽ kêu gọi cùng nhau bảo vệ sông ngòi đang sống, biển đảo ngoài khơi, tranh đấu cho người tù, đòi hỏi quyền lợi công nhân, thực thi công lý cho những kẻ bị oan sai... và nếu thêm được một người hưởng ứng thì họ đã bước được thêm một bước tiến về đỉnh núi. Thay vì tự họ - và họ có khả năng và lòng can đảm để tự một mình làm những chuyện táo bạo, nhiều rủi ro, hay tạo ấn tượng - họ buộc phải tìm những việc làm, hành động đơn giản nhất, ít bị đe doạ nhất để kêu gọi người khác tham gia, để có thêm bạn đồng hành, để gầy dựng đoàn người ngày một thêm đông. 

Sau mỗi bước chân nhỏ nhoi của họ là một bậc tam cấp được thành hình để những người đi sau bước lên dễ dàng hơn. Trong số họ, nhiều người vừa xây được vài bậc tam cấp thì đã bị loài sản xô xuống vực thẳm ngục tù. Những người tù Tạ Phong Tần, Việt Khang, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Vũ Anh Bình, Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Văn Minh, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Văn Lía, Nguyễn Minh Thuý, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, Nguyễn Văn Lý, Hồ Thị Bích Khương, Cấn Thị Thêu, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Đặng Xuân Diệu, Lê Quốc Quân, Nguyễn Hữu Vinh, Ngô Hào, Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ, Đỗ Nam Trung, Mai Thị Dung, Nguyễn Thị Bé Hai, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Đình Ngọc... là những người chúng ta tranh đấu cho Tự Do của họ, nhưng thực ra con đường tranh đấu của chúng ta lại được chính họ dọn đường, khai quang để chúng ta tiếp tục tiến bước.

40 năm trôi qua kể từ này toàn cõi Việt Nam bị nhuộm đỏ bởi màu cờ từ Phúc Kiến, đỉnh núi vẫn còn xa. Nhưng quay lại sau lưng đã có một con đường rõ rệt. 40 năm. Khi những thanh niên thiếu nữ ngày hôm nay cất lên lời kêu gọi đứng lên đáp lời sông núi thì ngày xưa, lúc họ chưa ra đời, đã có những người như anh Trần Văn Bá đem đời mình làm viên gạch lót con đường mang tên Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền.

Ngày hôm nay, chúng ta vẫn tiếp tục con đường ấy. Trên con đường này, chúng ta không chỉ nhìn tổng hợp những tấm khẩu hiệu cầm tay, một hàng chữ trên gốc cây xanh, một chữ ký trên một danh sách vô tri để xem đó là thành quả duy nhất.Thành quả đạt được, có giá trị hơn, chính là những con người tham gia. Mọi thứ khác đều là phương tiện, là lý cớ để đạt được mục tiêu: có được hàng trăm ngàn người đứng ở đỉnh núi.

Tham gia hay không tham gia?

Trong con số hàng trăm ngàn, hay cả triệu con người đứng ở đỉnh núi ngày đó, hầu hết sẽ là những người chưa tham gia ngày hôm nay. Lúc đó, sẽ chẳng có ai thắc mắc người đứng bên cạnh mình tham gia lúc nào, chị là người tham gia lúc đầu hay anh là người tham gia lúc cuối. Cũng chẳng ai phân biệt người này hoạt động công nhân, người kia tranh đấu dân oan, người nọ bảo vệ môi trường... Tất cả sẽ là một. Tất cả, ở đỉnh núi đó, vào thời khắc đó, chỉ có một khát vọng duy nhất: lấy lại quyền quyết định vận mạng đất nước cho toàn thể dân tộc Việt Nam.

Ở đỉnh núi ấy, như một phép lạ, không còn ai có thể mở miệng nói rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc hèn nhát, thờ ơ và nhiều sợ hãi. Và cũng ở giây phút đó, quay đầu nhìn lại, nhìn xuyên suốt con đường ngoằn nghèo, nhiều gian truân, từ chân núi lên đến đỉnh, người ta mới nghiệm ra rằng: không có một chiến dịch nào, phương thức, chiến thuật nào trải dài suốt con đường tranh đấu trong những năm tháng quá khứ đã từng được xem là phương cách tốt nhất, thành công nhất. Tất cả cũng chỉ làm được một sứ mạng duy nhất trong thời hạn ngắn ngủi của một chiến dịch - là một bậc tam cấp lót đường để đoàn người tiến bước, ngày một thêm đông và sau cùng trở thành một thế lực mà thế giới gọi là: People Power - quyền lực quần chúng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét