Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

Khép lại một năm 2013, bạn sẽ nhớ những gì, những ai?

Song Chi
Cứ vào dịp cuối năm là báo chí, cả “lề phải” lẫn “lề trái”, lại có những bài viết mang tính chất tổng kết lại những nhân vật, sự kiện nổi bật trong từng lĩnh vực từ chính trị, xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa nghệ thuật, thể thao…. Chính vì vậy, người viết bài này không có ý định sẽ làm một việc tương tự. Mà sẽ là một bài viết tự trả lời cho câu hỏi “Khép lại một năm 2013, bạn sẽ nhớ những gì, những ai?”


Nhớ, không hẳn đã theo ý nghĩa tích cực mà nhiều lúc ngược lại. Buộc phải nhớ vì quá đau lòng, hay quá sốc, quá tức giận…chẳng hạn.

Với riêng tôi, những khuôn mặt nào, những hình ảnh nào khiến tôi phải nhớ khi nhìn lại năm 2013?
1. Đặng Ngọc Viết và tiếng súng “mạng đổi mạng”.

Vào đầu năm 2012 tiếng súng hoa cải của hai anh em ông Đoàn Văn Vươn chống lại lực lượng cưỡng chế đất làm 6 người phía công an và quân đội bị thương nhẹ, tại khu vực đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã làm dậy sóng dư luận xã hội.

Ông Vươn được ví với hình ảnh Jacquou người nông dân nổi dậy (Jacquou le Croquant) dưới triều Henri IV của Pháp, đồng thời vụ án chống lại hai anh em ông khiến dư luận nhớ đến vụ án Đồng Nọc Nạn tương tự dưới thời Pháp thuộc, nhưng khốn thay, kết thúc lại khác xa!

Tiếng súng ấy là những dấu hiệu báo động quá rõ ràng cho tình trạng “tức nước vỡ bờ” của người nông dân VN dưới “triều đại cộng sản”, nhưng nhà cầm quyền đã bỏ ngoài tai. Vì vậy không có gì lạ khi tiếng súng Đặng Ngọc Viết lại nổ ra, vào một ngày tháng 9.2013 tại trụ sở UBND tỉnh Thái Bình. Cũng lại do cưỡng chế mặt bằng, đền bù không thỏa đáng.

Lần này bi thảm hơn, 5 cán bộ của Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình trong đó 4 người bị thương, 1 người tử vong và chính bản thân anh Đặng Ngọc Viết sau đó cũng tự sát. Đã dấn tới thêm một bước nữa rồi, mạng đổi mạng.

Điều gì, ai đã khiến cho một con người được gia đình, bà con hàng xóm đánh giá là hiền lành ấy phải có một hành động tuyệt vọng như vậy, có lẽ ai cũng hiểu, chỉ trừ…nhà cầm quyền, dù có hiều cũng như điếc như mù.

Hành động của anh Đặng Ngọc Viết, mặt khác, là một trong số rất nhiều hành vi “tự xử” của người VN trong những năm gần đây, dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng đều nói lên sự mất lòng tin của người dân đối với nhà cầm quyền, sự phá sản của một nền luật pháp từ lâu đã trở thành luật rừng, “luật của đảng”.

2. Nguyễn Thanh Chấn và vụ án oan 10 năm.

Khi người tù Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do sau 10 năm ngồi tù oan ức và toàn bộ diễn biến của vụ án được phơi bày trên báo chí, dư luận bàng hoàng về những cách “đánh án” ẩu tả, cốt làm nhanh để lập công lấy thành tích của công an tỉnh Bắc Giang và có thể, của công an nhiều địa phương khác nữa chưa được khui ra; những cách dùng nhục hình để bức cung, ép người vô tội phải nhận tội, những cuộc đời bị đánh cắp, những mái ấm gia đình bị xé nát…bởi sự vô cảm, tàn bạo, coi thường con người, coi thường luật pháp của đám công an điều tra cho tới quan tòa, thẩm phán và những quan chức cấp cao hơn nữa…

Cũng từ vụ Nguyễn Thanh Chấn, báo chí khui lại hàng chục vụ án oan khác, cũng cùng một kiểu điều tra tắc trách và những thủ đoạn bức cung khác nhau, trong đó có những người đã không may mắn được như ông Chấn là còn sống để mà trở về…

Còn bao nhiêu số phận oan khuất nữa mà dư luận chưa biết đến? Và sẽ còn nữa…khi nào một thể chế tam quyền phân lập, cộng với tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng nhân quyền chưa được thiết lập trên đất nước này.

3. Các “ác mẫu” bạo hành trẻ mầm non.

Vào những tháng cuối năm, dư luận xã hội lại choáng váng với những câu chuyện về các bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non. Người thì quẳng trẻ xuống đất rồi đánh, đạp đến chết, hai người khác làm đủ trò hành hạ khi cho trẻ ăn, kinh khủng hơn là trường hợp hai bảo mẫu bị tố cáo xâm hại bé gái 3 tuổi và bày cho các trẻ trai khác cùng lớp xâm hại bé gái này…

Có ở đâu như ở VN, con người không được an toàn ngay từ những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, ở những nơi lẽ ra phải an toàn nhất như nhà trẻ, trường mầm non…

Những “ác mẫu” thản nhiên đối xử độc ác với những đứa trẻ ngây thơ ấy, có người do ít học thiếu hiểu biết, cũng có người có học hẳn hoi, nhưng vì sao họ lại hành xử như vậy?

Vì những bức xúc cơm áo gạo tiền cuộc sống khó khăn hàng ngày không biết trút vào đầu ngoài những đứa trẻ vô tội? Vì đã quen sống trong một môi trường xã hội mà cái ác cái xấu nhan nhản còn cái thiện cái tốt đẹp thì ngày càng quá hiếm hoi? Họ hành xử mà cũng không ý thức hết cái ác của mình do không được dạy từ bé, không thấm vào người như những ai may mắn sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội văn minh, nhân bản, tôn trọng con người.

Và những việc làm của họ, nếu không bị phanh phui, sẽ tiếp tục trong một thời gian dài, để lại những sang chấn tinh thần, những tổn thương về thể chất và tâm lý trong những đứa trẻ để rồi 10, 20, 30 năm sau, trong số những đứa trẻ bị bạo hành ấy sẽ nảy nòi ra những Lê Văn Luyện thảm sát cả một gia đình để cướp vàng, Nguyễn Đức Nghĩa giết bạn gái cũ rồi chặt đầu phi tang, Trần Trọng Phú chém và đổ xăng thiêu sống bạn gái, Nguyễn Thị Hạnh dùng dao giết chồng v.v và v.v…

4. Bác sĩ thẩm mỹ ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng.

Năm 2013 là năm mà ngành y xảy ra đủ vụ tai tiếng, tình trạng y đức ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có vụ bác sĩ của thẩm mỹ viện Cát Tường, Hà Nội làm chết người rồi ném xác xuống sông để phi tang. Người ta còn chưa rõ liệu viên bác sĩ này đã làm những thủ thuật gì với cái xác hay có thật đã ném xuống sông bởi vì cho đến nay thi thể của người phụ nữ bất hạnh vẫn chưa được tìm thấy.

Chân dung ông bác sĩ máu lạnh này rồi sẽ còn lưu lại khá lâu trong ký ức mọi người như một trong những “ca” kinh hoàng nhất của ngành y VN.

5. Dương Chí Dũng và án tử hình hiếm hoi dành cho tội tham nhũng ở VN cho đến nay.

Trong phiên sơ thẩm ngày 16 tháng 12, Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã bị tuyên án tử hình về tội tham ô, 28 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp là tử hình.

Tên tuổi của Dương Chí Dũng gắn liền với vụ Vinalines, một trong 10 đại án tham nhũng của VN, gây thua lỗ, thất thoát hàng tỷ đô la Mỹ.

Dòng dõi gia đình, con đường thăng quan tiến chức, quy trình bổ nhiệm Dương Chí Dũng…tất cả đều rất “điển hình” cho cái cơ chế con ông cháu cha, các mối quan hệ thân quen chằng chịt, kết bè kết cánh của các nhóm lợi ích, và một môi trường vô cùng thuận lợi cho nạn tham nhũng, hối lộ nảy nở sinh sôi biến tướng…

Đưa Dương Chí Dũng ra xử là mở màn hàng loạt vụ án kinh tế khác sẽ được đem ra xét xử trong năm tới, và việc xử tử hình Dương Chí Dũng được xem như một nỗ lực của nhà cầm quyền VN trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chỉ có điều, xử xong Dương Chí Dũng nhưng khi cơ chế chưa thay đổi thì cũng sẽ còn những Dương Chí Dũng khác lại xuất hiện mà thôi.

6. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến-yếu kém về năng lực, vô cảm.

Trong năm 2013, ngành Y bị báo chí, dư luận “cho lên thớt mổ xẻ” không biết bao nhiêu lần với những vụ như hàng loạt trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, hàng loạt sản phụ tử vong do sự thờ ơ tắc trách, vô lương tâm của đội ngũ y bác sĩ, những vụ chẩn đoán sai, chữa trị sai, phẫu thuật nhầm, vụ ăn bớt thuốc của bệnh nhân phong tại trung tâm da liễu Hà Đông, vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, “tráo thủy tinh thể” tại BV Mắt, Hà Nội, hàng loạt phòng khám chui có bác sĩ Trung Quốc và từng có những tai biến chết người, vụ bác sĩ thẩm mỹ làm chết người xong ném xác xuống sông phi tang…

Chưa kể, những vấn đề đã tồn tại từ lâu vẫn chưa thấy thay đổi, cải thiện, khiến người dân bức xúc như nạn quá tải tại các BV trong các thành phố lớn, viện phí tăng, thực phẩm không an toàn…

Cùng với “diện mạo” lem luốc của ngành Y, người đứng đầu ngành, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bị dư luận chĩa mũi dùi theo. Khốn nỗi, bà Bộ trưởng lại có lắm câu phát biểu thuộc loại nói mà không nghĩ khiến dư luận càng dậy sóng như “Ai thấy bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân thì chụp ảnh gửi cho tôi”(nói về nạn “phong bì” và đây là một trong giải pháp mà bà Bộ trưởng đưa ra để nâng cao y đức lương y), “Thiếu giường bệnh thì… phải hỏi Nhà nước”(trả lời về tình trạng quá tải ở những bệnh viện tuyến trên), “Lỗi của vắc-xin, thì xử vắc-xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật...” v.v..

Không chỉ phát ngôn vô cảm, bà Bộ trưởng còn có nhiều hành vi, việc làm khiến người dân cảm thấy khó mà thông cảm như khi xảy ra vụ ba cháu bé ở Quảng Trị bị tử vong sau khi tiêm vaccine, bà Bộ trưởng có việc đi công tác tại đây nhưng lại không ghé thăm và an ủi ba gia đình bất hạnh, thay vào đó bà đi dự lễ khởi công nghĩa trang liệt sĩ chẳng hạn…

Khi xảy ra một vụ việc gì đó, bà Bộ trưởng không đứng ra nhận trách nhiệm ngay cũng không xin lỗi người dân, mà loanh quanh né tránh, đổ trách nhiệm cho cấp dưới…cho đến khi bị dư luận ép quá mới phải lên tiếng thừa nhận một phần trách nhiệm (vụ thẩm mỹ viện Cát Tường chẳng hạn)…Sự bức xúc của dư luận dâng cao đến nỗi đã có rất nhiểu ý kiến, thư kiến nghị yêu cầu bà Bộ trưởng hãy từ chức.

Nhưng tất nhiên, trong một chế độ như chế độ cộng sản ở VN, từ chức là một khái niệm vô cùng xa lạ đối với các quan chức, và bà Bộ trưởng Y tế vẫn tiếp tục tại vị bởi vì, trong suy nghĩ của bà, các ngành khác thì cũng có khá gì hơn, vả lại, biết bao nhiêu người bât tài kém đức, làm sai, mà có từ chức đâu, vậy tại sao lại đòi hỏi bà phải từ chức?

7. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cái tầm quá thấp của người đứng đầu đảng cộng sản VN.

Nếu như những năm trước ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường hay “bị” dư luận săm soi nhiều vì vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ trước tình trạng yếu kém, khủng hoảng toàn diện của nền kinh tế, nạn tham nhũng ngày càng tăng, sự thua lỗ của hàng loạt tập đoàn kinh tế quốc doanh…cũng như những đồn đoán về sự đấu đá, tranh giành nội bộ, việc ông bị kỷ luật trong Hội nghị TƯ 6…thì năm nay đúng là năm của ông Tổng Trọng!

Ông Tổng Bí thư đã chứng tỏ mình là một con người cực kỳ bảo thủ, xơ cứng về tư duy, có tầm nhìn hết sức hẹp hòi qua vụ sửa đổi Hiến pháp 2013. Bỏ qua mọi lời góp ý, phản biện của hàng trăm nhân sĩ trí thức trong ngoài nước, đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ trước khát vọng muốn thay đổi của đa số người dân, mù lòa trước nhu cần cần kíp phải thay đổi của đất nước và xu hướng chung của thế giới, người đứng đầu đảng cộng sản VN đã chỉ đạo Bộ Chính trị, cả Quốc hội thông qua bản Hiến pháp 2013 vô cùng lạc hậu, phản động. Trong đó mọi nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ lạc hậu của đất nước, tạo ra những mâu thuẫn nặng nề trong xã hội từ luật sở hữu đất đai, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vai trò độc đảng của đảng cộng sản VN…tiếp tục được giữ nguyên.

So với ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, ông Nguyễn Phú Trọng rõ ràng thua xa lắc về bản lĩnh, tư duy, tầm nhìn chiến lược. Trong lúc đảng cộng sản TQ dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình đang có những bước thay đổi mạnh mẽ thì đảng cộng sản VN dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng càng bảo thủ, phản động, đi thụt lùi hơn bao giờ hết.

Trong năm 2013, người dân cũng được nghe được thấy nhiều câu phát biểu“để đời” của ông Tổng Trọng. Chẳn hạn, nói về vấn đề tham nhũng ở VN: “…Cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi, như ngứa ghẻ phải gãi rất khó chịu”. Hoặc ví von:“Đường Tăng khi xưa đi lấy kinh sang đất Phật cũng phải hối lộ mới lấy được kinh. Cho nên chúng ta phải xem xét bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt. Phải có cái nhìn khoa học, biện chứng về tham nhũng”. Nói về việc xây dựng CNXH thì: " Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa." v.v…

Thường xuyên nhai đi nhai lại những cụm từ CNXH, kiên trì đi theo con đường chủ nghĩa Mác Lênin, và tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng, kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo độc tôn của ĐCS, rồi nào cảnh giác trước các thế lực thù địch chống phá, đòi đa nguyên đa đảng…

Giáo sư Tương Lai, cựu viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, nói về ông Nguyễn Phú Trọng qua bài diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7:

“...có lẽ đã hết thuốc chữa. Cho tới bây giờ vẫn là giọng điệu từ giáo trình của Đảng cách nay mấy chục năm bây giờ vẫn nói như thế mà không thấy rằng cái điều đó nó đang kiềm hãm cả dân tộc này.”

8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời-nhìn lại bi kịch của một vị tướng, cũng là bi kịch của cả dân tộc.

Ngày 4 tháng Mười, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời. Cái chết của vị tướng già từ lâu đã rời khỏi sân khấu chính trị VN và cũng từ lâu bị phần lớn mọi người quên lãng do tuổi tác, bệnh tât, bỗng gây ra những hiệu ứng bất ngờ. Sự thương tiếc của đám đông trong đó có vai trò không nhỏ do truyền thông, tang lễ cấp nhà nước được tổ chức lớn không ngờ từ những con người trước đó đã bỏ ngoài tai mọi lời góp ý của vị tướng già và trước đó nữa, thế hệ lãnh đạo đàn anh thời ông Lê Duẩn cho tới những người kế vị còn thẳng tay trù dập, sỉ nhục ông.

Trong lúc nhà cầm quyền tổ chức tang lễ linh đình, sử dụng cái chết của đại tướng Võ Nguyên Giáp để níu kéo lại chút “hào quang” chiến thắng của thời chống Mỹ chống Pháp, để tiếp tục mỵ dân về tính chính danh của đảng cộng sản…thì cái chết của ông Giáp lại sới lại những quan điểm khác nhau về chính tài năng, nhân cách của ông, về cả cuộc chiến tranh, những “chiến thắng” và cái giá phải trả, khơi lại những vết thương, sự chia rẽ chưa bao giờ mất đi trong người VN do quá khứ, xuất thân, quan điểm khác nhau…

Tình cờ trong năm 2013 một vĩ nhân khác của thế giới cũng ra đi, Nelson Mandela, một biểu tượng cho cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc, vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. Nhưng nếu như Nelson Mandela đã chọn một con đường tha thứ, hòa giải sau khi nắm được chính quyền và ra đi để lại một di sản là đất nước Nam Phi không còn chìm đắm trong nạn phân biệt chủng tộc, tự do, dân chủ, thịnh vượng…thì các ông Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã chọn con đường khác hẳn và cái di sản họ để lại là một đất nước VN như thế nào chúng ta đã rõ.

Nên trong bi kịch cá nhân của Võ Nguyên Giáp-bị nghi ngờ, thất sủng, bị sỉ nhục bởi chính các đồng chí, đàn em của mình, là bi kịch của một con người đã chọn sai đường, phụng sự cho một lý tưởng sai lầm. Và đó cũng là bi kịch của dân tộc VN, dù có cái khác, là không phải người VN nào cũng tự chọn cho mình sự sai lầm ấy.

9. Luật gia Lê Hiếu Đằng và cuộc chiến vượt qua chính mình.

Trong năm 2013 có khá nhiều người lên tiếng, có những người tiếp tục bước vào nhà tù nhỏ vì bày tỏ ôn hòa chính kiến của mình…trong đó luật gia Lê Hiếu Đằng là một trường hợp nổi bật, đặc biệt.

Theo Wikipedia, “Lê Hiếu Đằng là luật gia, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM. 

Tính tới 2013, ông 45 năm là Đảng viên Đảng CSVN. Ông là một trong các “lãnh tụ” sinh viên trước đây đã có một thời kỳ lẫy lừng trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành viên Ban chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Trường Đại học Luật khoa Sài Gòn.” 

Trong năm 2013 ông Lê Hiếu Đàng đã có nhiều hoạt động, nhiều phát ngôn ảnh hưởng tích cực đến phong trào dân chủ trong nước. Đặc biệt trong những ngày nằm bịnh, luật gia Lê Hiều Đằng đã công khai nói lên những suy nghĩ của mình vể ĐCSVN, về tương lai của đất nước, về việc cần việc cần thiết phải dân chủ hóa, xây dựng thể chế đa đảng, kêu gọi thành lập chính đảng mang tên Đảng Dân chủ Xã hội tại Việt Nam…

Tiếp theo, ông tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam vì theo ông, "Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”.

Ngoài ông Đằng, còn có nhà báo, tiến sĩ Phạm Chí Dũng, bác sĩ Nguyễn Đắc Diên cũng tuyên bố từ bỏ ĐCS, tiếp nối những người công khai hoặc âm thầm rút lui khỏi đảng cộng sản lâu nay. Và điều đó hy vọng sẽ tạo ra một phong trào ly khai ĐCS trong thời gian sắp tới hay ít nhất cũng khiến cho những ai đang có ý định vào đảng, hoặc vẫn còn là đảng viên ĐCS, phải suy nghĩ.

Trên chặng đường đấu tranh vì một tương lai tự do, dân chủ, tốt đẹp hơn cho đất nước, cho dân tộc, cần rất nhiều người đồng hành, tiếp sức nhau. Mỗi người chỉ cần đặt một viên gạch lót đường cho người sau bước tiếp, mỗi người nhóm lên một đốm lửa góp phần xua tan màn đêm đen tối và cứ thế, cho đến ngày cả hàng triệu ngưởi thức tỉnh.

Và đó là những chân dung đọng lại trong năm 2013, theo nhiều nghĩa, tiêu cực và tích cực, gây ra những cảm xúc, những hiệu ứng khác nhau…

Tư bản xổng chuồng

tuban01228
Nguyễn đạt Thịnh
Chỉ vì dùng những chữ “tư bản xổng chuồng” (unfettered capitalism) mà Giáo Hoàng Francis bị chụp cho một cái nón cối. Dư luận tư bản gọi ông là Cộng Sản.
Ngày Chúa Nhật 12/15/2013, Giáo Hoàng Francis post lên mạng một bài viết trả lời những người chụp mũ ông; bài viết bắt đầu bằng câu, “Đừng mạ lị tôi là Cộng Sản chỉ vì tôi chỉ trích chế độ tư bản, xin gọi tôi là một nhà tu”, ý ngài muốn nói là nhà tu cũng cần chỉ trích tư bản.
Điều này đúng; đã có nhiều người chỉ trích chế độ tư bản, và chế độ này cũng có vô số nhược điểm đáng bị chỉ trích.
Ngay sau ngày được bầu lên chức vị Giáo Hoàng tháng Ba vừa rồi, Giáo Hoàng đã chỉ trích tư bản bằng những chữ khá độc đáo như “tư bản xổng chuồng”, và đánh giá tư bản là bọn người “sùng bái đồng bạc”, và “hành hình người nghèo”. Trên một góc nhìn, tư bản quả có phạm cả 3 “tội” này và nhiều tội khác nữa.
Giáo Hoàng còn viết, “Ngày nào những khó khăn của người nghèo còn chưa được giải quyết tận gốc bằng cách chối bỏ tính tuyệt đối độc lập của thị trường, đầu cơ tiền tệ, và bằng cách tấn công tận gốc những nguyên nhân tạo ra bất công xã hội, ngày đó vẫn còn chưa có giải pháp toàn cầu cho bất cứ vấn đề gì”.
Nhiều người lên tiếng phản đối lập luận này của Giáo Hoàng, trong số có anh hoạt náo viên truyền thanh Rush Limbaugh; anh này nói, “Những lập luận thuần túy Mác Xít đó lại càng khó nghe hơn, khi được một giáo hoàng nói lên. Ông chỉ trích nhóm “tư bản xổng chuồng” ư? Trên khắp thế giới, chỉ riêng Hoa Kỳ mới có những nhà tư bản đầy quyền lực như vậy; 4 chữ “tư bản xổng chuồng” là danh xưng Giáo Hoàng gán cho nước Mỹ”.
Qua tờ báo Ý La Stampa, Giáo Hoàng trả lời những người chỉ trích ông, “Tôi không buồn vì những lời chỉ trích đó; tôi biết tư tưởng Marxist là sai, nhưng tôi cũng biết nhiều người theo tư tưởng này rất đứng đắn, rất tốt. Hơn nữa triết lý xã hội của giáo đường cũng rất rộng rãi”.
Ý Giáo Hoàng muốn nói Ngài giúp đỡ người nghèo không phải vì Ngài là một người Cộng Sản, mà vì ngài là một tín đồ Thiên Chúa giáo.
Điều này lại càng đúng hơn nếu Giáo Hoàng đem cách làm giầu của dàn cán bộ lãnh đạo Việt Cộng và Trung Cộng ra để dẫn chứng là người Cộng Sản không quan tâm đến số phận người nghèo như Ngài hằng quan tâm.
Sự phồn thịnh của Cộng Sản Trung Quốc chính là hình thức “xổng chuồng” của cả tư bản lẫn cộng sản: người cộng sản Tầu làm giầu bằng cả 2 cách khai thác nền kinh tế tư bản và khai thác sức lao động của người vô sản; họ giầu không thua tư bản Mỹ, trong lúc tuyệt đại đa số người Hoa vẫn sống lầm than, cơ cực.
Chủ biên tôn giáo Paul Brandeis Raushenbush của mạng Huff Post viết, “Đã từng sống nhiều năm trong chế độ Cộng Sản, tôi đồng ý với Giáo Hoàng Francis trong việc Ngài chỉ trích giáo điều Marxism như một chế độ “xổng chuồng” không kiểm soát của Cộng Sản. Họ cũng hội đủ mọi yếu tố kinh tế để thành công, nhưng họ đã thất bại cũng chỉ vì bất bình đẳng kinh tế. Chúng ta có thể nói là chế độ tư bản của Hoa Kỳ cũng đang thất bại.
“Hãy thử lấy thành phố New York làm điển hình: một căn apartment tại Manhattan trị giá trên dưới $1 triệu, trong lúc 20,000 đứa trẻ vô gia cư, sống bên lề đường. Tính trên dân số toàn cầu, cứ mỗi 3 giây đồng hồ lại có một người chết vì quá thiếu thốn trong nghèo, đói. Mức chênh lệch giữa kẻ giầu-người nghèo đang đạt đến độ quá đáng; tôi cũng đồng ý với Giáo Hoàng về chế độ “xổng chuồng”, thiếu kềm chế của chế độ tư bản”.
Giáo Hoàng không chỉ chống tư bản bằng ngôn ngữ và tư tưởng, Ngài còn làm những việc biểu tượng; hôm thứ Ba 17 tháng Chạp 2013, Ngài ăn sinh nhật lần thứ 77 cùng với 4 người vô gia cư; những người này sống ngay ngoài bờ tường Tòa Thánh; ngoài 4 người khách này, Giáo Hoàng còn mời ông giúp việc cho Ngài lên phòng ăn, ngồi cùng bàn dự bữa cơm gia đình.
Ngài thường nói với Đức Tổng Giám mục Konrad Krajewski là Tòa Thánh quá xa con chiên, Ngài mong muốn có nhiều ngôi thánh đường “nhân dân”, để mọi người thoải mái ra vào Nhà Chúa.
Một người nữa, cũng bị chụp nón cối như Giáo Hoàng là Tổng thống Obama; trong 5 năm ngồi vào địa vị quyền lực nhất thế giới, ông cũng tìm cách làm giảm bớt cách biệt giữa kẻ giầu, người nghèo.
Cách biệt thường được thể hiện trong những cách ăn, ở, những tiện nghi học hành, làm việc, và cách đối xử khi đau yếu, bệnh hoạn. Trong 300 năm lịch sử, nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ đã nỗ lực làm giảm cách biệt bằng cách tạo dựng những Công Dân Quyền (entitlement) – những quyền lợi người công dân Mỹ chỉ cần xin là được, mà chính quyền không được từ chối hay cắt xén; thí dụ: quyền an sinh xã hội, quyền Medicare, quyền hưởng trợ cấp welfare.
Hiểu một cách khác, công dân quyền là một thứ quyền có giá trị pháp lý, phối hợp với những nguyên tắc xã hội, một trong những nguyên tắc này là công bằng và bình quyền giữa mọi công dân Hoa Kỳ.
Trên bình diện Liên Bang, công dân quyền gồm có: An Sinh Xã Hội, Medicare, Medicaid, Cựu Chiến Binh, Trợ Cấp Thất Nghiệp, Food Stamps, và Trợ Giá Nông Nghiệp.
Thứ công dân quyền thêm vào mà Obama đang đem lại cho người Mỹ nghèo là quyền có bảo hiểm y tế, để có bác sĩ ngừa bệnh, trị bệnh mà không phải dùng “thẻ vàng”, ngồi chờ nửa ngày để được thăm bệnh.
Công dân quyền này được gọi là ObamaCare, tốn kém bạc tỉ mỗi năm, số ngân sách mà ông Obama dự trù sẽ có bằng cách tăng thuế đánh vào giới tư bản. Bảo vệ tư bản, Trà Đảng (Tea Party) và những Nhóm Bảo Thủ (NBT) khác ra lệnh cho những nghị sĩ, dân biểu Cộng Hòa tấn công ObamaCare, không cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động nếu chính phủ không dẹp bỏ ObamaCare.
Cuối cùng chính phủ phải đóng cửa vì hết ngân sách, nhưng dư luận cử tri lại quy trách và chỉ trích những nghị sĩ, dân biểu tay sai của “tư bản xổng chuồng”.
Càng gần ngày bầu cử những NBT càng hung hãn hơn, họ đưa người ra ứng cử để thay thế những nghị sĩ, dân biểu mà họ đánh giá là mất lập trường.
Nghị sĩ Mitch McConnell trưởng khối thiểu số Cộng Hòa tại Thượng Viện, và nghị sĩ đứng ngay sau ông – John Cronyn – đang phải đối phó với những đối thủ Cộng Hòa bảo thủ trong vòng đảng tuyển.
Dân biểu John Boehner, không phải tái tranh cử năm 2014, cũng bị những NBT chỉ trích nặng nề. Tea Party và những nhóm này đang tạo phân biệt giữa những thành viên quốc hội Cộng Hòa tuyệt đối bảo thủ, và lưng chừng bảo thủ.
Sức mạnh chính trị của đảng Cộng Hòa xây dựng trên 2 cột trụ xi măng, cốt sắt lớn, là bảo thủ và Thiên Chúa giáo. Giáo Hoàng gọi bảo thủ là “tư bản xổng chuồng”, chủ tịch Hạ Viện chỉ trích bảo thủ là không bảo vệ những giá trị truyền thống, mà lại đi bảo vệ quyền lợi phe nhóm.
Diễn biến này là phản ứng “chó cắn đuôi” của khối “Tư Bản Xổng Chuồng”, chắc chắn sẽ tạo thay đổi lớn trong quốc hội, nhất là tại Hạ Viện, vào kỳ bầu cử 2014 này.

Nguyễn đạt Thịnh

Vài lời dặn dò khi du lịch Việt Nam…

vanquang011230
Hình 1- Các hàng rong vây kín khách du lịch ở Hà Nội
Văn Quang
Tôi không rõ bạn đọc bài này vào ngày nào, trước năm 2013 hay đầu năm 2014, nhưng dù vào thời gian nào trên đây, cũng chưa đến Tết Nguyên Đán, xin gọi nôm na là “Tết Ta”. Trong khoảng thời gian từ “Tết Tây” đến “Tết Ta” cách nhau đúng một tháng, rất có thể một số bạn đọc hoặc có người nhà, bạn bè về Việt Nam thăm nhà, ít có bạn về Việt Nam du lịch bởi bạn ở nước ngoài thiếu gì chỗ để đi du lịch. Cho nên hầu hết người nước ngoài gốc Việt về Việt Nam là những cuộc viếng thăm không thể không có. Ví như các con tôi, không thể không về thăm bố. Ví như có cha mẹ, anh em đau ốm hoặc “ra đi”, không thể không về. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, bạn vẫn có thì giờ đi thăm thú một vài nơi, đi tìm lại những kỷ niệm vàng son một thời xa xưa.
Những điều tôi sẽ tường thuật với bạn đọc trong bài này chỉ có ý nhắc nhở bạn về những điều đã và đang xảy ra mà các bạn cần đề phòng trong dịp “Tết Ta” này nếu có việc phải về Việt Nam.
Tôi không có ý nói xấu xã hội mà tôi đang sống. Tôi chỉ nhặt ra những “hạt sạn”, những “bụi bẩn” làm xấu mặt con người và làm hình ảnh xã hội Việt Nam trở nên bất an với toàn thể du khách. Hy vọng từ mỗi con người đến những cơ quan có trách nhiệm với văn hóa dân tộc nhìn rõ từng vấn đề kịp thời chấn chỉnh, đừng để mọi người dân Việt Nam cùng chịu cảnh “mất mặt” như thế nữa.
An toàn để lên hàng đầu 
Tôi dùng chữ “chặt chém” trên đây không có nghĩa đen là du khách bị mang ra chặt chém… thành từng mảnh mà chỉ là bị tính giá “cắt cổ” ở mọi nơi, mọi lúc với mọi mánh khóe mà bạn không ngờ tới. Từ chỗ mua vé du lịch đến chỗ mua bán ở vỉa hè và ngay cả trong các cửa hàng, nhất là hàng ăn uống, hàng bán đồ lưu niệm… Nhưng trước hết và trên hết vẫn là chuyện an toàn cho bản thân mình khi đi trên hè phố, ở khách sạn… Bởi ở những mơi đó bạn dễ bị lừa, bị cướp giật, bị hành hung và bị đủ thứ phiền toái nếu không đề phòng cẩn thận. Bài học những năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị, năm nay còn đáng sợ hơn bởi kinh tế suy thoái, thất nghiệp ngày càng nhiều, nên sự liều lĩnh gia tăng, sự “liều mạng cùi” của bọn lang thang đói rách kinh niên, còn ghê gớm hơn, đó là những con nghiện ma túy đến cơn vật vã thì bất cứ chuyện gì cũng dám làm, không sợ cảnh sát, không sợ đám đông, không sợ ai cả vì giản dị là chúng không sợ chết.
Bạn đã từng biết những cô gái đi xe gắn máy loại sang bị côn đồ chặt luôn cánh tay để cướp xe; người đứng đổ xăng giữa chốn đông người, tiền để trong cóp xe cũng bị giựt nhanh như điện.
Tôi có ông bà bạn từ nước ngoài về ghé thăm nhà. Bà xã ông đã cố gắng “cải trang” thành bà già nhà quê, xách túi quà cho bà con bằng cái bao ni lông đen ngòm để chứng tỏ đó chỉ là gói hàng tầm thường. Còn ông chồng thì mặc chiếc áo blouson rộng thùng thình trong khi trời nắng nóng. Lúc vào nhà rồi, cần gọi điện thoại, ông mới móc chiếc tablet từ túi áo trong ra dùng. Các thứ vật dụng lỉnh kỉnh như đồng hồ đắt tiền cũng được giấu trong đó. Nhìn có vẻ khôi hài, nhưng tôi hiểu đó là sự cẩn thận không bao giờ thừa. Tôi đề nghị các bạn cũng nên cẩn thận như thế mỗi khi đi trên hè phố từ Sài Gòn đến Hà Nội và ở tất cả những thành phố lớn cùng những địa danh du lịch ở Việt Nam.
Hãy cẩn thận khi bị “dàn cảnh” gây gổ giữa đường
Đây là một “chiêu” không mới nhưng vẫn thường xảy ra. Nếu bỗng dưng bạn bị một anh hay cô nào đó đi xe đụng vào người chút xíu hoặc cũng có thể là đang cùng đi trên hè phố, tức khắc bạn bị ngay “đối phương” la ó ầm ỹ, dùng những lời lẽ tục tĩu côn đồ gây sự. Trò đểu này bây giờ trở thành rất thông dụng. Bạn nóng máu cãi lại là có chuyện ngay. Đó là một kiểu ăn vạ, để rồi bọn đàn anh đàn em xông đến trấn lột “con mồi” đã bị theo dõi từ trước mà không hề hay biết. Bạn hãy bình tĩnh mỉm cười và cho họ biết: “Tôi biết mánh lới của các anh rồi, để tôi gọi cảnh sát đến phân xử”. Cho nên trong máy điện thoại của bạn luôn có số của cảnh sát kể cả cảnh sát cấp cứu. Đây là vài số bạn nên có:
113: Lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh – đây là số điện thoại gọi miễn phí. Có thể quay số 113 từ bất kỳ máy điện thoại nào.
114: Số khẩn chữa cháy hay khi cần cứu hộ cứu nạn.
Chỉ như thế may ra bạn mới có hy vọng thoát ra khỏi bàn tay những kẻ gây sự giả vờ để cướp đoạt tài sản, bạn giằng co sẽ nguy hiểm đến tính mạng là điều rất có thể sẽ xảy ra. Trường hợp bạn chưa kịp gọi cảnh sát thì cố tránh xung đột cãi cọ, hãy để chúng “hoành hành” rồi ngay sau đó vừa tri hô vừa gọi số 113 là tốt nhất.
Đề phòng trộm cắp
Ban Chiến trên VNExpress kể một câu chuyện hài thế này: Một nhà khoa học phái minh ra chiếc máy bắt trộm. Mọi người đều nghi ngờ về hiệu quả của chiếc máy, nhà khoa học bèn mang nó đi thử. Đầu tiên, ông mang nó qua Singapore, trong một ngày chiếc máy bắt được 5 tên trộm. Sau đó ông mang máy qua Trung Quốc, kết quả thật tuyệt vời, chiếc máy bắt được 100 tên trộm. Cuối cùng, nhà khoa học mang chiếc máy thần kỳ sang Việt Nam. Đến cuối ngày mọi người ra kiểm tra xem máy bắt được bao nhiêu tên trộm thì… chiếc máy thần kỳ đã bị trộm lấy mất từ lúc nào không hay!
Chỉ là chuyện khôi hài nhưng nhắc nhở bạn cần đề phòng, ngay cả khi để hành lý bên chỗ ngồi. Chỉ cần sơ sảy một chút thôi, hành lý của bạn sẽ “biến mất”. Bạn cần thực hiện đúng câu “vật bất ly thân”. Nhất là khi bạn vào mua hàng, móc bóp trả tiền là có thể đã bị theo dõi hoặc bị giật như cảnh người mua xăng, để tiền trong cóp xe, mở cóp ra lấy tiền là bị giật ngay và kẻ cướp phóng mất dạng. Mời bạn đọc vài thủ đoạn của kẻ cắp ngày nay giữa Hà Nội:
Những chiêu “độc” táo tợn 
Ở Hà Nội mới xuất hiện “chiêu cướp” rất táo tợn. Một phụ nữ đi xe máy dừng ở ngã tư lúc đèn giao thông bật đỏ vào lúc 8 giờ sáng thì bị một thanh niên nhảy phắt lên yên xe phía sau gí dao khống chế. Hắn yêu cầu nạn nhân đến khu vực ít người qua lại rồi cướp tài sản, sau đó chuồn mất dạng.
Ngoài thủ đoạn trên, một số tên cướp còn theo dõi những cô gái đi rút tiền ở máy ATM. Một tối tháng 9, chị Lan vừa rời máy ATM ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngồi sau xe máy của bạn trai đi về hướng cầu vượt Ngã Tư Sở thì bị một thanh niên áp sát. Bị hắn giật mất chiếc túi, chị Lan chỉ kịp ú ớ la “cướp, cướp”. Cậu bạn đuổi theo, nhưng tên cướp đã mất dạng giữa dòng xe cộ đông đúc…
Ngồi xe hơi cũng bị cướp
Một phụ nữ kể lại: Khi chị dừng xe ở ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc lúc đèn giao thông bật đỏ, một người đàn ông bước đến mở cửa trước của xe chị (vì chị sơ ý đã không chốt bên trong). Hắn mở cửa một cách thản nhiên như người chồng mở cửa xe của vợ để lấy đồ để quên. Chị kể: “Mình bất ngờ, chưa kịp định thần thì thấy túi xách để cạnh ghế lái đã nằm trong tay hắn. Theo phản xạ, mình kéo tay giật lại, nhưng không kịp. Thế là mất tiêu cả số tiền vừa lãnh ở ngân hàng trả lương cho nhân viên”.
Một điều tra viên CA cho biết tình trạng cướp giật tại Hà Nội vẫn là vấn nạn “nổi cộm” với thủ đoạn ngày càng tinh vi và táo tợn. Các tên cướp không chỉ gây án trên đoạn đường vắng mà ra tay ngay cả trên các phố đông người.
Cảnh sát mới có khuyến cáo, không nên đeo vàng, hay trang sức lộ liễu, khiến kẻ gian sinh lòng tham. Đặc biệt, không nên nghe điện thoại khi đang lái xe vì dễ mất tập trung, không quan sát được xung quanh.
Tất nhiên, bạn không bao giờ trưng diện những món trang sức “hàng hiệu”, cần đi ăn cưới, dự tiệc, bạn hãy cất kỹ, chỉ đeo nó khi đến nơi hẹn. Tuy nhiên có một điều khó xử là bạn đang lái xe trên đường thì nghe điện thoại reo.
Bọn cướp giật rất thích điện thoại của các ông bà “Việt kiều”, hầu hết là loại đắt tiền và là hàng thật chính hiệu chứ không phải hàng nhái của Trung Quốc, chúng đã nhiều phen cướp phải loại điện thoại nhái này, đó là lý do chúng theo khách nước ngoài khi nói chuyện trên đường phố. Hạn chế những cuộc gọi càng ít càng tốt. Nếu cần trả lời gấp, bạn nên đứng vào trong một cửa hàng, hoặc đứng trong một góc khuất và để ý những người quanh bạn. Phương tiện tốt nhất để di chuyển ở các Thành phố là đi taxi.
Đi taxi cũng coi chừng taxi “dù”
Ngay từ khi xuống đến phi trường, bạn sẽ phải “đối đầu” với nhiều chuyện phức tạp. Tôi bỏ qua không nói đến chuyện khách “Việt kiều” bỏ ra 10 USD hay hơn nữa để qua “cửa ải” trong và ngoài phi trường. Đó là thứ chuyện từ “muôn năm cũ” nhưng vẫn còn diễn ra… bình thường cho đến nay. Tôi chỉ nói đến về nạn bắt chẹt khách khi bạn gọi taxi.
Vừa ra đến nơi đón khách quốc tế hoặc nội địa của sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, du khách sẽ gặp rất nhiều “cò” taxi trà trộn giả vờ đón khách đi theo đoàn, khách của công ty để mời khách đi về nội thành. Nếu đi taxi có tên tuổi, niêm yết giá rõ ràng, mức giá đi từ sân bay Nội Bài đến nội thành khoảng từ 300-340 ngàn đồng/chuyến. Nhưng đám “cò” sẽ chào khách với giá rẻ hơn với lý do tiện một công đi đón đoàn nhưng thừa xe nên chỉ lấy từ 200-250 ngàn đồng/chuyến. Có khách đi về phố Thái Hà, bị xin thêm từ 100-150 ngàn đồng viện lý do phải vào ngõ sâu và đây không phải là nội thành?! Thường “con mồi” là khách nói giọng tỉnh khác, khách nước ngoài ham rẻ. Một khi khách đã vào xe, tài xế sẽ tùy tình hình để bắt chẹt.
Điển hình là vụ giữa tháng 8/2013, một nữ du khách người Mỹ đi taxi từ sân bay Nội Bài đến Hà Nội đã bị tài xế ép rút 4 triệu đồng tại cây ATM. Sau ít ngày, cũng một nữ du khách khác bị hai thanh niên cầm biển đón khách chờ sẵn đưa lên xe về nội thành, nhưng trên đường đi họ bắt cô phải rút 600 USD từ cây ATM để trả tiền xe. Đã lên tới cả trăm trường hợp môi giới, dẫn khách bị phát hiện, bàn giao cho CA nhưng một thời gian sau họ lại quay trở lại hoạt động như thường!
Vào đến nội thành, muốn di chuyển đi chỗ này chỗ kia, khách du lịch phải dùng taxi hoặc xích lô. Dư luận vẫn còn nóng chuyện 3 du khách người Pháp bị tài xế taxi, nhân viên khách sạn trên phố cổ Hà Nội lừa đảo, dọa giết, hay một du khách đi xích lô 1,5km phải trả 1,3 triệu đồng.
Taxi “dù” Sài Gòn còn “ác” hơn
Tình trạng taxi dù chặt chém khách, nhất là người nước ngoài, đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Taxi “dù” là loại xe có “nhãn mác” của một công ty lớn nhưng là nhãn hiệu giả. Thú thật với bạn, tôi là người địa phương đi taxi thường xuyên nhưng cũng khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đâu là taxi xịn, đâu là taxi “dù”, taxi nào là taxi “nhái”. Với khách du lịch nước ngoài và kể cả người ở các tỉnh khác không thể phân biệt được các logo nhái, số điện thoại nhái, kiểu đồng phục của tài xế taxi. Khi kéo được khách lên xe rồi, các lái xe taxi dù tha hồ chặt chém, móc túi trước sự bất lực của hành khách. Cãi nhau với chúng là có cả bọn kéo đến vây kín đe dọa.
Vào tối ngày 25/6/2012, hai du khách người Tây Ban Nha là Jose Angel Matas và Raquel Rvis đón một chiếc taxi ở khu vực chợ Bến Thành (Quận 1) để đi đến chợ Nguyễn Thái Bình (Quận 1). Khoảng cách giữa 2 địa điểm chỉ gần 1 km.
Khi đến nơi, người tài xế taxi đã yêu cầu 2 vị khách này phải trả số tiền là 394.500 đồng đúng theo số tiền đã hiện trên đồng hồ bên trong xe taxi. Khi nêu lên sự thắc mắc vì số tiền cước quá cao, mà khoảng cách lại quá gần, người tài xế đã không thể giải thích gì cho vị khách này.
Sau đó, để cho rõ ràng hơn, tài xế taxi còn lấy ra 1 biên lai của Mai Linh taxi để ghi ra số tiền, đưa cho 2 vị khách theo đúng số tiền đã nói lúc ban đầu. Hai vị khách đành ngậm ngùi đưa số tiền 400.000 đồng cho người tài xế bất lương nói trên. Vì du khách dọa sẽ báo công an với hành vi của người tài xế, nên đã được “thương tình” trả lại 200.000 đồng.
Trước đó, ông Jorenson (49 tuổi, quốc tịch Úc) đón một chiếc taxi mang nhãn hiệu giống như của hãng Sài Gòn tourist từ bến tàu cánh ngầm trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 (Sài Gòn) về sân bay Tân Sơn Nhất với quãng đường hơn 6 km.
Khi tới nơi, ông bị tài xế đòi lấy 6 triệu đồng. Biết bị chém nhưng nhìn vẻ mặt dữ tợn của gã tài xế và đến giờ phải lên máy bay, ông phải vét sạch túi lấy 2 triệu đồng và hơn 100 đô la Úc để trả.vanquang021230

Hình 2- Nhà hàng Hiệp Ký tại Vũng Tàu bị liệt kê vào “danh sách đen”
Vào bất kỳ hàng quán nào cũng nên hỏi giá trước khi ăn
Đến chuyện vào các hàng ăn càng dễ bị chặt chém hơn. Một khách du lịch từ Sài Gòn ra Hà Nội, đã phải trả hóa đơn cho 4 con ghẹ bé bằng bàn tay kèm hai chai bia tại một quán hải sản vỉa hè phố cổ với giá gần 2 triệu đồng mà chỉ biết ngậm ngùi rút ví vì… quên không hỏi giá trước khi ăn.
Du khách xa lạ, hỏi đường mấy anh xe ôm, bà bán hàng nước, chị bán rong là y như rằng phải mặc cả tiền nong mới chỉ đường. Vị khách này khi hỏi anh xe ôm xem quán bún đậu mắm tôm nào ngon ở gần nhất thì bị yêu cầu: “Chi hai chục ngàn sẽ chỉ rõ ràng bằng bản đồ”. Có nơi khách phải mua hàng mới được chỉ đường.
Ở nhiều nơi du khách nước ngoài chạy thục mạng vì bị “nữ quái” đeo bám xin xỏ, mời mọc, quyết không tha du khách nào ghé thăm.
Bi hài đến nỗi, một đoàn du khách người Đức đã phải tìm cách chạy thục mạng sang đường để tránh khỏi sự đeo bám của đội quân bán hàng rong.
Đấy là chuyện Hà Nội, còn Sài Gòn cũng không thiếu những trò bẫy khách.
Hàng rong “bẫy” du khách ở Sài Gòn
Nạn chặt chém, chèo kéo, đeo bám du khách hoạt động một cách ngang nhiên ở trung tâm Sài Gòn, Hòn ngọc của Viễn Đông. Tôi chỉ nêu vài chuyện điển hình. Chỉ cần dạo quanh các con đường gần Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống nhất… khách sẽ nhanh chóng sập bẫy.
Thậm chí mua một trái dừa bên vỉa hè cũng bị tính giá 200 ngàn đồng, trong khi bình thường một trái dừa tươi bán ở vỉa hè giá cao lắm là 25.000 đồng.
Hình ảnh đôi quang gánh con con vài nải chuối, miếng dứa… mang nét độc đáo rất Việt Nam được nhiều du khách yêu thích. Nhưng vì yêu thích, nhiều vị muốn được gánh thử, chụp ảnh lưu niệm, bị tính giá 10-20 USD, sau đó các “gánh” này thoải mái “chặt chém” với giá bán một nải chuối, một túi vài miếng dứa lên tới cả vài trăm ngàn đồng khiến du khách nhăn mặt ngỡ ngàng mà vẫn phải trả đủ.
Nạn “chặt chém” điên đảo ở các di tích Huế, Nha Trang Vũng Tàu, Bãi Cháy…
Thật ra những kiểu chặt chém du khách ở hầu hết mọi nơi đều có cùng một “phiên bản” giống nhau. Ở Huế, các khu di tích được coi là linh hồn của Văn hóa dân tộc, bãi biển Nha Trang – Vũng Tàu – Hạ Long là những nơi nổi tiếng về cảnh đẹp của đất nước cũng không thoát cảnh này.
Đi thăm Lăng Khải Định giữa cái nắng chang chang 39 – 40 độ C, nhiều du khách đã tấp vào quán giải khát đơn sơ, tranh tre mái lá ngay dưới chân lăng, trước khi leo hàng trăm bậc thang bỏng rát. Họ uống 4 chai nước ngọt, 7 chiếc kem socola ốc quế. Khi tính tiền, chị chủ hàng hét: 360.000 đồng.
Ngay gần đó, chị bán nón, mũ phục vụ du khách cũng hét giá cao ngất ngưởng và miễn mặc cả: nón Huế bằng lá dừa mỏng manh một lớp không quai 40.000 đồng/chiếc; mũ lá 20.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành 50.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, những dân bản địa mua nón Huế một lớp 18.000 đồng/chiếc; mũ lá 8.000 đồng/chiếc; mũ tắc kè hẹp vành là 20.000 đồng/chiếc.
Đến Nha Trang thuê khách sạn vào hàng ăn… cần coi chừng giá cả
Một thí dụ như giá phòng niêm yết chỉ từ 70.000-200.000 đồng nhưng khách sạn thu của khách 700.000 đồng/phòng. Phòng không đạt chất lượng, máy lạnh không lạnh, nước yếu, không bảo đảm vệ sinh… khách yêu cầu sửa chữa hoặc đổi phòng nhưng không được đáp ứng.
Khi khách trả phòng để đi thuê khách sạn khác thì bị ép trả tiền 2 ngày trong khi khách mới ở 1 đêm… Không chỉ vậy, khi khách báo cơ quan công an còn bị nhân viên khách sạn lớn tiếng đe dọa…, đó là sự việc xảy ra vào sáng ngày 7/8 tại khách sạn Thanh Thủy (số 96B Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa).
Các báo đã có nhiều thông tin rợn người, tại Bãi Cháy, Đà Lạt, Nha Trang đã có nơi du khách bị đánh đến ngất xỉu. Nạn chặt chém ở Vũng Tàu đã khá nổi tiếng ngay cả với những du khách trong nước. Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã phải cho niêm yết “sổ đen” tên 7 cửa hàng giá cả bất thường, giá trên trời giá dưới… địa ngục. Trong đó có cửa hàng Hiệp Ký.

vanquang031230
Hình 3- Nội tạng được chất thành đống trên nền gạch, vài người tay cầm vòi xịt, chân đi ủng bám đầy phân, nước thải, dùng hết sức giậm vào đống nội tạng
Món ăn ở Việt Nam nhiễm độc hàng loạt
Sau cùng, xin bàn đến các loại đồ ăn thức uống ở Việt Nam vào lúc này. Đây là “báo động của các cơ quan chức năng”. Tôi xin tóm tắt rất ngắn gọn, còn ăn hay không, tùy bạn.
- Nem chua, giò chả, patê không đạt chất lượng.
- Bên cạnh các loại gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm liên tiếp đưa vào Sài Gòn để tiêu thụ thì các loại thực phẩm khác phục vụ cho nhu cầu Tết như bánh kẹo, mứt, hạt dưa,… kém chất lượng cũng chen vào tràn lan và công khai tại các chợ.
- Các mẫu xét nghiệm sản phẩm rau quả, phát hiện hàn the, một loại hóa chất không được phép sử dụng trong thực phẩm. Riêng các sản phẩm thịt nguội có đến 5 mẫu không đạt, trong đó một mẫu patê không đạt về chỉ tiêu natri benzoat; hai mẫu giò chả, hai mẫu nem chua không đạt về chỉ tiêu natri benzoat và polyphosphate.
- Mứt dừa làm từ dừa phế thải, ô mai lẫn trong khói bụi.
- Thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu.
- Bún, phở chứa chất tẩy trắng huỳnh quang.
- Trà chanh, nước mía vỉa hè nhiễm khuẩn, độc tố kim loại.
- Phù phép thịt heo thối thành thịt bò khô…
Trên đây chỉ là những sự việc đáng buồn không chỉ cho ngành du lịch Việt Nam mà người Việt Nam nào cũng cảm thấy đau lòng. Dường như thời đại này “văn hóa xấu hổ” không còn chỗ đứng.
Văn Quang

Chuyện tình của Kim Dung

Kim Dung va nguoi vo dau tien



Kim Dung là cái tên không xa lạ gì với người mê truyện chưởng. Ngoài tiểu thuyết, Kim Dung còn là người sáng lập nên tờ Minh Báo nổi tiếng của Hồng Kông. Vốn là người kín tiếng về chuyện riêng tư, cuộc sống hôn nhân của tác gia kiếm hiệp này cho tới nay vẫn còn là nhiều bí mật mà ít người biết…
Kim Dung từng nói rằng: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.
Cái lý tưởng mà Kim Dung nói ở đây chính là nhất kiến chung tình, vừa gặp đã yêu, là bách niên giai lão và ông nói rằng, mình đã không làm được. Kim Dung nói rằng, ông có lỗi với người khác và người khác cũng có lỗi với ông.
Tình đầu lỡ dở
Cuộc hôn nhân đầu tiên của Kim Dung là kết quả của tình yêu sét đánh. Chuyện xảy ra vào khoảng mùa hè năm 1947, Kim Dung khi đó 23 tuổi, là một biên tập viên trẻ tuổi đảm nhiệm chuyên mục “Giải đáp thắc mắc” trên tờ Đông Nam nhật báo ở Hàng Châu.
Đây là chuyên mục giải đáp tất cả các thắc mắc về các tri thức khoa học thường thức của các độc giả, rất được ưa thích. Trong số các độc giả đặc biệt yêu thích chuyên mục này có một người tên là Đỗ Dã Thu, thường xuyên gửi các câu hỏi rất hay khiến Kim Dung chú ý.
Mỗi khi nhận được câu hỏi của độc giả này, Kim Dung thường ưu tiên trả lời trước. Nhờ vậy, hai người thư từ qua lại nhiều hơn. Một thời gian sau, Kim Dung thấy đây là một cậu bé thú vị, do vậy muốn được làm quen, kết bạn. Sau khi hẹn thời gian, Kim Dung tới thăm nhà Đỗ Dã Thu.
Tại nhà họ Đỗ, ngoài độc giả nhỏ tuổi Đỗ Dã Thu, Kim Dung còn gặp cha mẹ của cậu bé và cả cô chị tên là Đỗ Dã Phần, năm đó mới 17 tuổi. Ngay từ lần đầu gặp mặt, Kim Dung đã có ấn tượng rất tốt với Dã Phần, cảm giác như đây chính là cô gái mà mình tìm kiếm lâu nay. Vì vậy, ngày hôm sau, Kim Dung gửi tới nhà họ Đỗ bốn tấm vé mời nhà họ Đỗ đi xem kịch.
Ấn tượng của nhà họ Đỗ với Kim Dung cũng không tệ, đối xử với ông rất khách khí. Từ đó, Kim Dung thường xuyên lui tới nhà họ Đỗ. Không lâu sau đó, nhà họ Đỗ biết ra rằng, Kim Dung có ý với cô chị Đỗ Dã Phần. Nhà họ Đỗ là gia đình giàu có có tiếng, thấy mối quan hệ này không mấy môn đăng hộ đối, nhưng ấn tượng của nhà họ Đỗ với Kim Dung khá tốt nên cũng không ngăn cản tình cảm giữa hai người. Tháng 10 năm 1947, Kim Dung thi vào tờ Đại Công Báo tại Thượng Hải làm biên tập viên. Kể từ đó, Kim Dung rời khỏi Hàng Châu nhưng ông và Đỗ Dã Phần vẫn thường xuyên thư tín qua lại. Tình cảm giữa hai người vẫn tiến triển khá tốt. Tới tháng 3 năm 1948, Kim Dung được chuyển tới làm biên tập viên tiếng Anh của tờ Đại Công Báo tại Hong Kong.
Lúc đó, chuyện tình giữa Dã Phần và Kim Dung mới bước vào giai đoạn nồng cháy nhất, Kim Dung không muốn Hong Kong. Ông chủ của tờ Đại Công Báo phải hứa Kim Dung chỉ đi Hong Kong khoảng nửa năm là có thể trở về. Nửa năm sau, vẫn chưa có ai tới thay cho Kim Dung. Vì thế, Kim Dung từ Hong Kong bay về Hàng Châu cầu hôn Dã Phần. Sau khi nhà họ Đỗ đồng ý, vào mùa thu năm đó, hôn lễ của hai người được tổ chức tại Thượng Hải. Chuyện tình yêu sét đánh kết thúc trong viên mãn.
Không lâu sau đó, Dã Phần theo Kim Dung tới Hong Kong. Do sống ở Hàng Châu đã lâu, Đỗ Dã Phần không biết tiếng Quảng Đông mà lúc bấy giờ, người Hong Kong cũng không nói tiếng Quan thoại. Chính vì vậy, Dã Phần gần như không thể giao tiếp với bên ngoài, cuộc sống gặp nhiều điều bất tiện.
Trong khi đó, Kim Dung một mình biên dịch tin tức tiếng Anh khá bận rộn, thường xuyên về muộn. Ở nhà một mình lại không có con nên Dã Phần cảm thấy rất cô đơn.
Thêm vào đó, vốn xuất thân “cành vàng lá ngọc”, từ nhỏ đã quen với cuộc sống cơm bưng nước rót, nay lại một mình sống nơi đất khách quê người… Đỗ Dã Phần cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống ở Hong Kong được nữa. Sau nhiều lần căng thẳng, Đỗ Dã Phần quyết định một mình về Hàng Châu, hai vợ chồng trẻ chưa cưới nhau được bao lâu đã sống ly thân. Tới năm 1953, Kim Dung và Đỗ Dã Phần ly dị.
Lại một cuộc hôn nhân thất bại
Nếu như người vợ đầu tiên bỏ Kim Dung mà đi vì không thể cùng ông chung vai sát cánh vượt qua những ngày tháng khó khăn thì chính Kim Dung lại là người đã bỏ rơi người vợ thứ hai của mình.
Người vợ thứ hai của Kim Dung tên là Chu Mai, còn gọi là Chu Lộ Tây hay Rosy. Chu Mai sinh năm 1933 tại Hong Kong, tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, là một nữ phóng viên tài hoa và đầy nhiệt tâm với nghề. Chu Mai và Kim Dung kết hôn vào tháng 5 năm 1956, ba năm sau khi Kim Dung ly dị với người vợ đầu tiên.
Lúc bấy giờ, ngoài công việc biên tập, Kim Dung bắt đầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp và trở nên nổi tiếng. Thu nhập từ việc xuất bản sách của Kim Dung không tệ, bản thân Chu Mai là phóng viên lâu năm, tích lũy cũng khá. Chính vì vậy, họ chung tay sáng lập nên tờ Minh Báo.
Kim Dung làm nắm việc kinh doanh tổng thể, còn Chu Mai phụ trách phần tin tức. Ban đầu, lượng tiêu thụ của Minh Báo không tốt, áp lực của vợ chồng Kim Dung rất lớn. Nhất là kể từ khi con trai của hai người chào đời, gánh nặng kinh tế càng lớn hơn.
Thời gian đó, hai người gần như làm việc thâu đêm suốt sáng nhưng rất gần gũi. Một tách cà phê cũng uống chung. Cứ như vậy, với nỗ lực phi thường, hai vợ chồng Kim Dung và Chu Mai duy trì được tờ Minh Báo.
Đặc biệt là khi tờ Minh Báo trở thành nơi đăng tải độc quyền các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, lượng tiêu thụ của tờ Minh Báo tăng lên đáng kể. Cho tới năm 1966, tờ Minh Báo đã phát triển thành một trong những tờ báo lớn nhất ở Hồng Kông.
Chu Mai sinh cho Kim Dung hai con trai và hai con gái. Với sự phát triển của Minh Báo, Chu Mai có thể yên tâm ở nhà chăm sóc gia đình con cái nhưng bà lại là một người phụ nữ thích theo đuổi sự nghiệp.
Sau tờ Minh Báo, Chu Mai một mình sáng lập nên các tờ Hoa Nhân Dạ Báo và Minh Báo Vãn Báo, dồn toàn bộ tâm sức của mình vào sự nghiệp mà không tính được rằng, Kim Dung vì sự thiếu hụt trong tình cảm vợ chồng mà tìm đến người phụ nữ khác. Sau đó không bao lâu, Kim Dung và Chu Mai quyết định chia tay.
Lúc đó con trai cả của Kim Dung và Chu Mai là Tra Truyền Hiệp đang học tại Đại học Columbia ở Mỹ từng nhiều lần gọi điện, viết thư khuyên cha mình không nên ly dị với mẹ. Tuy nhiên, tình cảm giữa Kim Dung và Chu Mai đã rạn nứt tới mức không thể hàn gắn được.
Để bảo vệ quyền lợi của các con mình, Chu Mai đã đưa ra hai điều kiện: một là, Kim Dung phải đưa ra một khoản tiền bồi thường cho mình. Hai là, người phụ nữ mà Kim Dung kết hôn sau này phải “làm kế hoạch” để đảm bảo Kim Dung không có thêm người con nào khác. Kim Dung đồng ý cả hai điều kiện này. Sau khi ly dị, các con đều sống với ông, bà Chu Mai sống độc thân. Cho tới mùa đông năm 1998, bà mắc bệnh qua đời ở tuổi 63.
Có lẽ, đây chính là điều mà Kim Dung nói rằng ông “từng có lỗi với người khác”.
Tình yêu tuổi xế chiều
Lâm Di Lạc kém Kim Dung tới 29 tuổi, thuộc vào hai thế hệ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, cặp uyên ương vong niên này 20 năm qua vẫn thắm thiết như thuở ban đầu.
Kim Dung gặp Lâm Di Lạc trong một lần rất tình cờ. Những năm 1970, Chu Mai và chủ bút của tờ Hoa Nhân Dạ Báo là Vương Thế Du bất đồng ý kiến. Mâu thuẫn càng ngày càng thêm trầm trọng.
Vương Thế Du cho rằng mình bị chèn ép, nổi giận từ chức, mang theo toàn bộ đội ngũ phóng viên do Vương xây dựng. Điều này khiến Hoa Nhân Dạ Báo rơi vào tình trạng ngưng trệ. Chuyện của Vương Thế Du khiến Chu Mai cảm thấy mất mặt và bao nhiêu nỗi tức giận đối với Vương Thế Du, Chu Mai đều đem trút vào Kim Dung.
Có lần hai người cãi nhau một trận lớn. Kim Dung buồn bực, tới một quán rượu ở gần nơi làm việc giải khuây. Tại đây, Kim Dung đã gặp cô hầu bàn 16 tuổi Lâm Di Lạc. Lâm Di Lạc rất thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, thấy Kim Dung bước vào quán thì cô nhận ra ngay, rất đon đả. Kim Dung thấy cô gái trẻ tuổi, xinh đẹp và đầy sức sống thì cũng có cảm tình. Nhân lúc quán vắng người nên hai người ngồi nói chuyện rất vui vẻ. Khi trả tiền, Kim Dung đã tip cho Lâm Di Lạc rất hậu, bằng cả nửa tháng lương của cô.
Lâm Di Lạc thấy rằng số tiền quá lớn, không thể nhận được nên trả lại cho Kim Dung và nói: “Chú viết sách để kiếm tiền, cũng chẳng dễ dàng gì. Cháu thích sách của chú, có cơ hội quen biết chú là cháu đã vui lắm rồi. Cháu không thể nhận tiền của chú”.
Sau cuộc gặp đó, trong đầu Kim Dung lúc nào cũng luẩn quẩn hình ảnh của Lâm Di Lạc. Sau đó, bất cứ khi nào có thời gian rỗi, Kim Dung lại tới quán của Lâm Di Lạc. Lâu dần, Kim Dung và Lâm Di Lạc bắt đầu qua lại mật thiết hơn. Một lần, Kim Dung cao hứng uống khá nhiều rượu, bị say và gục xuống bàn ngủ luôn tại quán.
Lâm Di Lạc cùng một nhân viên trong quán dìu Kim Dung vào ghế sofa bên trong nằm nghỉ. Lâm Di Lạc lúc bớt việc chạy vào thăm ông. Đúng lúc Lâm Di Lạc bước vào thì Kim Dung cũng vừa tỉnh dậy. Lâm Di Lạc nói: “Chú Kim, chú thấy khỏe hơn chưa? Vừa nãy chú uống nhiều quá”. Nói xong, Lâm Di Lạc rót cho Kim Dung tách trà nóng ]để giải rượu. Kim Dung cầm tách trà nóng từ tay Lâm Di Lạc rồi đột ngột nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn của cô gái trẻ, nói: “Em có muốn lấy anh không? Em có sợ anh quá già không?” Lâm Di Lạc lúng túng không biết trả lời ra sao.
Một hôm sau, Kim Dung lại tới quán rượu, lặng lẽ quan sát Lâm Di Lạc với hy vọng rằng, cô sẽ trả lời câu hỏi của mình. Lâm Di Lạc lúc này mới bước lại gần, nói nhỏ với Kim Dung: “Em rất thương anh và em sẽ chăm sóc anh thật tốt”. Kể từ đó, đôi tình nhân một già một trẻ bắt đầu đến với nhau. Không lâu sau đó, Kim Dung mua một căn nhà để hai người dọn tới sống cùng nhau.
Ban đầu, vợ của Kim Dung không hề biết chuyện này. Lúc đó, Kim Dung vì bận viết các bài xã luận cho Minh Báo rất muộn mới về nhà, có hôm không về nên Chu Mai không nghi ngờ gì. Sau đó, Chu Mai mới biết Kim Dung mặc dù không về nhà nhưng lại vẫn sai người đi ra bên ngoài lấy bài viết của mình để mang về in. Cảm thấy nghi ngờ, Chu Mai đã vặn hỏi người này mới hay Kim Dung có người phụ nữ khác.
Khi mọi chuyện vỡ lở, Kim Dung là người đề nghị ly dị. Sau khi chấp nhận các điều kiện do Chu Mai đưa ra, Kim Dung và Lâm Di Lạc tổ chức một hôn lễ đơn giản rồi chính thức về ở với nhau. Sau đó, Kim Dung đưa Lâm Di Lạc sang Úc du học. Bốn năm sau, Lâm Di Lạc lại quay trở về bên cạnh Kim Dung, trở thành một trợ thủ đắc lực của ông.
Khác với Chu Mai, Lâm Di Lạc là một người vợ hiền lành và an phận. Không được phép sinh con với Kim Dung, song Lâm Di Lạc vẫn chăm sóc các con của Chu Mai và Kim Dung một cách rất ân cần và không một lời oán thán. Cách xử sự của Lâm Di Lạc khiến ngay cả Chu Mai cũng không thể chê trách.
(Trích từ kienthuc.net)

CHỢ HOA NGÀY TẾT

tre em ngheo vn 1

bác sĩ Nguyễn Văn Bảo (Con Cò)

(Truyện thứ 4 trong tập Cách Mạng Thành Công)
Tặng những cán bộ “nghèo mà ham” của Xã Hội Chủ Nghĩa VN.

Truyện gồm 3 đoạn nối vần với nhau thành một bài thơ lục bát dài 50 câu. Những câu in thẳng là nguyên văn ca dao. Cả hai thể (chữ cuối của câu lục vần với chữ thứ 4 hoặc chữ thứ 6 của câu bát) của lục bát ca dao đều được xử dụng.

Cách Mạng Thưởng Hoa
Chơi hoa cho biết màu hoa,
Hoa lê thì trắng hoa cà thì nâu.
Khi xưa sống ở rừng sâu,
Hoa tàn hoa dại cũng đâu tới mình.
Bây giờ tràn ngập hoa xinh,
Vuờn hoa xứ Ngụy mới tình làm sao!
Hoa mơ hoa mận hoa đào,
Lớp hoa trinh nữ hoa nào cũng ngon.
Những hoa có chủ càng dòn,
Mấy bông xồn xồn ngó thấy mà mê.
Chiều thu xem đoá xồ xề,
Mọng như trái nhót khỏi chê khỏi bàn.
Ngày xuân ngắm đóa cao sang,
Cánh hồng giỡn nắng nhụy vàng tỏa hương.
Hoa kia nhí nhảnh bên đuờng,
Hoa này ngả nón ánh dương tràn vào.
Nắng ơi nắng thích hoa nào?
Hoa mà nhốt nắng làm sao nắng về.
Xuất thân từ chiến khu Đ(Đê),
Thấy hoa đô thị say mê nhủ thầm:
Uớc gì đuợc ngửi đuợc cầm,
Dẫu chết ngàn lần cũng hả lòng tôi
Uớc gì được hái được chơi,
Được tiếng chào mời mua đóa hoa non.
Hoa Ngụy Phản Kháng
Nồi tròn thì úp vung tròn,
Nồi méo vung méo nồi thon vung gầy.
Này anh cách mạng lại đây!
Đeo mo cho dầy mà giấu mặt mo.
Nách hôi sao dám giỏ trò,
Chọc cô gái Ngụy thơm tho cho đành.
Tuồng chi cái thói lưu manh,
Bé chẳng học hành lớn vẫn đần ngu.
Khi xưa ở chốn ao tù,
Như chú lươn mù có mắt như không.
Bây giờ thấy đóa hoa hồng,
Ngứa tay nắm phải máu nồng dính gai.
Mẹ Ngụy Dạy Đời
Con ơi chớ nói dông dài,
Chọc giận amh này là khổ thân cha.
Khôn ngoan cũng thể đàn bà,
Đẹp xinh thì cũng con nhà Ngụy quân.
Hoa thơm không để ai cầm,
Cũng không ngăn kẻ âm thầm ngắm chơi.
Hỡi anh cách mạng kia ơi!
Lắng nghe tôi đọc mấy nhời ca dao:
Trăng mờ còn tỏ hơn sao,
Núi tuy rằng lở còn cao hơn gò.
Hoa trinh đa có buớm tơ,
Lẽ nào khờ khạo đi mơ ong rừng.
Ong ơi ong hãy coi chừng,
Hoa vừa chớm nở ong đừng lượn quanh.
- See more at: http://thoibao.com/2013/12/30/cho-hoa-ngay-tet/#sthash.kVkWfnX3.dpuf

Điệp Viên “00 THẤY”

congancongsan011228
Điệp Viên “00 THẤY” thuộc Tổ Công An chuyên trách về tình báo phản gián tại Saigon nhận lệnh công tác:
“Phải tìm cho được một điệp viên người nước ngoài của địch mới gửi vào đang âm thầm hoạt động trong thành phố của chúng ta. Nhận dạng tên điệp viên lạ – Người thuộc một trong các sắc tộc Á châu, nhìn bề ngoài y như VN, nói tiếng Việt như người Việt vậy… Chấm hết…”
Điệp Viên “00 THẤY” nhận chỉ thị than trời. Mẹ nó, thằng dog này nó nhìn y như VN nói tiếng Việt như người Việt đang hòa lẫn trong 8 triệu dân Saigon thi làm sao mà phân biệt để bắt nó đây? Tuy vậy với khả năng “nghiệp vụ cao” điệp Viên “00 THẤY” cũng cố gắng theo dõi và sàng lọc. Một bữa điệp Viên “00 THẤY” tất tả, hộc tốc chạy vào xin lệnh sếp:
“Thủ trưởng, cho lệnh bắt nó ngay, em tìm được rồi”
Thủ trưởng hỏi “Làm sao cậu biết là nó?”
Điệp Viên “00 THẤY” trả lời: “Thưa thủ trưởng, mấy hôm nay em theo dõi thấy thằng này lạ lắm. Nó đi Honda trên phố mà cứ hễ thấy đèn đỏ, dù là chỗ đó chẳng có công an mẹ gì hết, nó cũng cứ dừng lại đợi cho đến đèn xanh mới chạy… Mẹ nó, dân thành phố mình có thằng nào “hăm” thế đâu? Không công an thì cứ “bùng” chứ mắc gì mà đỗ xe lại với đèn đỏ…”
Thủ trưởng vẫn chưa tin lắm, nói: “Thì cũng có người này người kia, biết đâu anh đấy chỉ vì muốn lưu thông nghiêm luật mà thôi…”
Điệp Viên “00 THẤY” nói tiếp “Chưa hết thủ trưởng, khi vào quán nó gọi thức ăn người ta đem ra cho no là nó cứ luôn mồm cám ơn… Ơn với iếc cái con mẹ gì. Mua thì bán chứ gì mà cám ơn. Đã vậy khi bước ra khỏi quán có đứa bé chạy đâm sầm vào nó, nó chẳng những không kiểm tra xem có bị thằng bé móc túi hay không mà còn đỡ đứa bé lên rồi mồm xin lỗi… hỏi thăm thằng bé có sao hay không? Vậy mà không lạ sao được, cánh VN mình thời bây giờ thì mấy tiếng cám ơn hay xin lỗi nó đã thuộc từ “đồ cổ” đâu còn ai xài nữa đâu”.
Thủ trưởng vẫn chưa bị thuyết phục lắm… “Thì đời sống văn minh, cũng phải có người thực hiện nếp sống văn hóa cao chứ…”
Điệp Viên “00 THẤY” nói tiếp… “Còn chuyện này em kể nốt sếp nghe… Em theo nó mấy hôm nay, em thấy nó muốn làm cái gì thì làm, chuyện lớn chuyện nhỏ gì nó cũng tự quyết định và chịu trách nhiệm chứ chẳng chờ… ý kiến lãnh đạo như… chúng ta…”
Thủ trưởng chưa nghe dứt đã quát lên… “Thôi thôi! đúng nó rồi… nó không trốn trách nhiệm, chẳng chờ ý kiến lãnh đạo… thì thằng này không thể nào là…. phe mình được…”

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

“Triệu tập” hay “mời”?

VRNs (13.05.2013) – Sài Gòn – Lâu nay, Công An thường lạm dụng quyền hạn để “triệu tập” người dân lên làm việc, thậm chí sử dụng điện thoại để “triệu tập”. Cá biệt có trường hợp “triệu tập” nhiều lần để thị uy, để gây khó khăn, gây bức xúc cho người dân… Nhưng phần lớn người dân đều không để ý đến “Giấy triệu tập” của CA hay “Thư mời”?
Chúng tôi giới thiệu một vài nội dung chính của Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để người dân tham khảo, thực hiện quyền công dân khi nhận “Giấy triệu tập” của CA.
Trước hết, khoản 1.1 Mục 1 hướng dẫn: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt. Việc triệu tập bị can, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thực hiện theo quy định tại các điều 129, 133, 135, 136, 137 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.” Như vậy, nếu không phải là những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự thì không thể bị CA “triệu tập”.
Thứ hai là, ngay cả là người tham gia tố tụng thì CA cũng phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể để “triệu tập’’ hay “mời” hay là đến tại nơi ở, nơi làm việc để lấy lời khai đối với các đối tượng dưới đây theo hướng dẫn tại khoản 1.3 Mục 1:
- Những người có chức sắc trong các tôn giáo như: Giám mục, Linh mục trong đạo Thiên chúa; Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức trong Phật giáo; Mục sư, Giáo sư trong đạo Cao đài và người đứng đầu các tôn giáo khác;
- Người có danh tiếng trong xã hội hoặc trong các dân tộc ít người;
- Người là nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ có uy tín lớn trong nước và trên thế giới;
- Đối với người nước ngoài, việc triệu tập phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan đến quan hệ ngoại giao và người nước ngoài; …
Thông tư này còn hướng dẫn: “Khi gặp và tiến hành lấy lời khai của những người tham gia tố tụng hình sự theo giấy triệu tập hoặc giấy mời, Điều tra viên phải có thái độ đúng mực, lịch sự, ứng xử có văn hóa trong hoạt động điều tra. Nghiêm cấm mọi hành vi hống hách, quan liêu, cửa quyền, lăng mạ, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người được triệu tập đến Cơ quan điều tra để tiến hành lấy lời khai;…
Cuối cùng, Bộ CA còn hướng dẫn cụ thể tại khoản 1.4 Mục 1:
Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định. Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến Cơ quan điều tra để làm việc chỉ có giá trị làm việc trong một lần.
Nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.”.
Vấn đề cuối cùng là Bộ CA đã có quán triệt và kiểm tra Cán bộ, chiến sĩ của mình thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư hay chưa?