Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Bài 5: Trung Quốc phái MiG oanh tạc dữ dội, Hoàng Sa thất thủ

Hồng Thủy


Tiếp theo bài 4 "Hải chiến Hoàng Sa 1974 khai hỏa, 2 bên cùng đổ bộ đảo Quang Hòa" trong loạt bài "Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ của Việt Nam" do Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến độc giả báo Điện tử Giáo dục Việt Nam dịp 40 năm Trung Quốc thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.



Chiều ngày 19.1, các lực lượng hải quân VNCH đang neo tại phía tây tây nam Quang Ảnh nhận được lệnh của Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tiến đến đảo Hoàng Sa với vận tốc nhanh nhất.



Theo mệnh lệnh này, HQ11 sẽ đổ bộ lên đảo Quang Ảnh 1 tiểu đội quân địa phương, lên đảo Hữu Nhật 1 trung đội và rút hết nhân viên hải quân về chiến hạm; số quân địa phương còn lại sẽ tăng cường phòng thủ đảo Hoàng Sa (Pattle); sau đó Hạm trưởng HQ11 sẽ điều động lực lượng tìm kiếm HQ10; trong công tác này Hạm trưởng HQ11 được toàn quyền áp dụng đội hình thích hợp để phòng không hoặc tránh né phi tiễn đĩnh Komar của TQ.

Tuy nhiên vì e dè phản ứng của TQ, đồng thời không liên lạc được với các toán quân trên đảo nên không rõ tình thế và lại gần có nhiều đá ngầm và nước cạn nên suốt đêm 19.1, tàu của VNCH chỉ tuần tiễu bên ngoài, trong khu tứ giác phía tây cách đảo Quang Ảnh từ 20 đến 40 hải lý.

Ngay trong đêm 19 rạng ngày 20.1 nhiều chiến hạm TQ tuần tiễu trong vùng biển giữa đảo Quang Ảnh và Duy Mộng. Sáng sớm ngày 20.1, các chiến hạm này đã đến gần và bao vây các đảo do VNCH chốt giữ. Lực lượng VNCH trên đảo đã thiết lập hệ thống phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu nếu quân TQ đổ bộ.

Chiến đấu cơ Trung Quốc xâm phạm không phận Hoàng Sa sau khi đã thôn tính toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 20/01, 4 phi cơ MiG-21 và MiG-23 TQ oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa ... Tiếp đó, binh lính TQ đổ bộ tấn công các đơn vị VNCH đồn trú trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Trưa ngày 20/1, các chiến hạm TQ chạy quanh các đảo Hữu Nhật (Robert) và đảo Hoàng Sa (Pattle), bắn súng dữ dội làm gãy cờ VNCH cắm trên nóc nhà trung đội quân địa phương. Sau 30 phút bắn phá, quân TQ hạ xuồng đổ bộ với lực lượng rất đông, ước chừng một tiểu đoàn một đảo.

Ngay từ đầu, quân phòng thủ VNCH trên 2 đảo chống trả mãnh liệt bằng súng M16 và M17 nhưng sau đó đành thúc thủ trước lực lượng đông đảo và hoả lực mạnh của quân TQ. Phía TQ bắt giữ tất cả quân trú phòng, tịch thu vũ khí.

Trên đảo Quang Ảnh  toán đổ bộ thuộc HQ16 do Trung uý Liêm chỉ huy gồm 15 người đã dùng thuyền cao su đào thoát bảo toàn lực lượng. Họ được ngư dân Bình Định cứu sống cách phía đông Quy Nhơn 40 hải lý, sau 10 ngày lênh đênh trên biển. Một quân nhân đã chết vì kiệt sức lúc đưa lên ghe, 14 người còn lại được chuyển đến điều trị tại Quân y viện Nguyễn Huệ (Quy Nhơn).

Trong buổi sáng ngày 20, HQ4, HQ5 và HQ16 về đến Đà Nẵng. Tất cả các quân nhân tử trận và bị thương được di chuyển ngay về Quân y viện Duy Tân.

Đài Duyên hải Sài Gòn báo cáo tin từ đài khí tượng Hoàng Sa cho biết có nhiều máy bay phản lực MiG đang ném bom, bắn phá các đảo Hoàng Sa (Pattle), Hữu Nhật ( Robert) . Một số nhân viên bị thương, sau đó mất liên lạc ngay với đài khí tượng Hoàng Sa.
Những người con Đất Việt anh dũng ngã xuống trước họng súng TQ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa của dân tộc Việt Nam.
BTL Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh cho HQ11 và 3VPB di chuyển về hướng tây nam với vận tốc tối đa, sẵn sàng phòng không và phòng phi tiễn đĩnh Komar cùng các chiến hạm TQ truy kích.

Ngay sau khi ra lệnh, tàu VNCH rời khỏi Hoàng Sa để tránh máy bay TQ tấn công. BTL Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã tổ chức hành quân tiếp cứu với sự tham dự của HQ6 cùng 2 VPB do Hạm trưởng HQ6 chỉ huy, đồng thời phối hợp với không quân (máy bay C47, C119) .

Công tác tìm kiếm được thi hành trong khu tứ giác: A, 15độ 30’ 28’’B - 110 độ 00’18’’Đ;  B, 14độ 50’30” B - 110 độ 40’ 27’’ Đ; C,  15 độ 30’ 36’’B -  111 độ, 10’ 00 Đ; D, 16 độ 00’ 00’’B - 110 độ 40’ 48’’ Đ.

Vào 4 giờ sáng ngày 22.1, một thương thuyền của Hà Lan vớt được 22 nhân viên của HQ10 trên 4 bè cấp cứu tại toạ độ 16 độ 10’ B - 110 độ46’ Đ (trên khu vực tìm kiếm khoảng 5 hải lý). Được tin, HQ6 và 2 VPB được điều động đến tiếp nhận và đưa về Đà Nẵng vào sáng  ngày 23.1, được chuyển ngay đến Quân y viện Duy Tân để điều trị.

Được biết khi rút lui bảo toàn lực lượng có tất cả 28 quân nhân trên 4 xuồng nhưng khi trôi dạt có 6 người đã chết vì vết thương quá nặng trong đó có Hạm phó HQ10; 22 người còn lại được cứu thoát nhưng có 1 sĩ quan chết vì kiệt sức khi được đưa sang HQ6.

Công tác tìm kiếm còn được tiếp tục trong vùng gần khu tứ giác trên do HQ4 và HQ5 thay thế HQ6. Đến ngày 25.1, công tác tìm kiếm tạm ngừng.

Sau khi ngư dân tỉnh Bình Định cứu được 14 quân nhân vượt thoát từ đảo Quang Ảnh, phán đoán còn một số nhân viên khác vượt thoát trên một vài xuồng, các xuồng này trôi theo hướng tây nam theo gió Đông Bắc, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển tiếp tục tổ chức hành quân tìm kiếm tại 2 khu vực tứ giác (duyên hải từ Nha Trang đến Quy Nhơn và từ bờ ra khơi 70 hải lý vào ngày 30.1.1974). BTL Không quân cũng tổ chức 20 lần máy bay, dọc bờ biển duyên hải từ Nha Trang đến Đà Nẵng. Công tác tìm cứu chấm dứt vào ngày 5.2.1974.

Kết thúc trận hải chiến, phía VNCH có 19 quân nhân hy sinh hoặc mất tích, 35 quân nhân bị thương, 44 quân nhân bị TQ bắt trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và đảo Hữu Nhật (Robert).

Ngay trong ngày 20.1, BTL Hải quân đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu hội Chữ Thập Đỏ quốc tế can thiệp với TQ trao trả các tù binh do TQ bắt giữ. Kết quả, phía TQ đã trao trả 48 quân nhân vào 2 đợt.
Đợt 1 gồm 5 quân nhân bị thương vào 31.1.1974 và đợt 2 gồm 43 quân nhân vào ngày 17.2.1974). Một chiến hạm (HQ10) bị chìm tại vùng giao tranh, 3 chiến hạm hư hại (đã trở về an toàn, trong đó HQ16 hỏng nặng, HQ4, HQ5 hư hại nhẹ). Thiệt hại về người của phía TQ không xác định được, 2 chiến hạm bị cháy và chìm (Kronstadt 274 và T.43 cải biến 396). 2 chiến hạm hư hại nặng (Kronstadt số 271 và T. 43 cải biến 389), 1 tầu đánh cá vũ trang hư hại nhẹ (Nam Ngư 402).

Sau trận chiến này, toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VNCH chốt giữ, quản lý đã bị TQ thôn tính và chiếm đóng bất hợp pháp. Ngay sau khi chiếm đóng, TQ đã cho đập phá các bia chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đó, xoá các di tích lịch sử của người Việt để áp đặt “chủ quyền” của họ trên quần đảo này.

Ngay lập tức, chính quyền VNCH đã tuyên cáo về việc TQ dùng vũ lực xâm lược trắng trợn quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/01/1974, Ngoại trưởng chính quyền VNCH cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo An cùng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc TQ dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.

Đón đọc Bài 6: Thừa cơ thôn tính Hoàng Sa không có giá trị pháp lý cho yêu sách của TQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét