Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Bitcoin là gì?

Nguyễn Vạn Phú


Trước khi tìm hiểu đồng tiền ảo Bitcoin mà giá trị có lúc gần bằng 1 ounce vàng là gì, có lẽ cần nhớ lại bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2008, năm Bitcoin chuẩn bị ra đời. Năm 2008, khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra ở Mỹ bắt nguồn từ lòng tham của giới ngân hàng cho vay bừa bãi lại đẻ ra các sản phẩm tài chính đầy rủi ro. Ngay sau đó chính phủ các nước, nhất là nước Mỹ đã đổ ra hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô-la để cứu hệ thống tài chính mà thực chất là cứu các ngân hàng khỏi sụp đổ. Dù bằng phương tiện nào, đồng tiền in ra để cứu hệ thống ngân hàng cũng là đồng tiền đóng thuế của người dân.
Nhu cầu cho một đồng tiền ảo
Cộng đồng tin học, nhất là cộng đồng những người làm trong ngành mã hóa, thường là những người theo chủ thuyết tự do, họ phản đối bất kỳ hình thức kiểm soát nào của chính quyền. Bối cảnh khủng hoảng tài chính nói trên càng làm họ chống đối vai trò của chính phủ và một trong những ước mơ của họ là sáng chế ra một đồng tiền ảo, tránh được mọi sự kiểm soát của nhà nước, trở thành một phương tiện giao dịch trong cộng đồng với nhau, không chịu chia sẻ lệ phí cho nhà băng nào, không phải trừ phần trăm hoa hồng cho bên phát hành thẻ tín dụng nào.
Ngày 1-11-2008, một nhân vật trước đó chưa ai nghe tên là Satoshi Nakamoto đã đưa lên mạng cộng đồng mã hóa một bài nghiên cứu, miêu tả cách thức tổ chức, vận hành của một đồng tiền ảo như thế dưới cái tên Bitcoin.
Trước đó mọi nỗ lực tung ra đồng tiền ảo đều thất bại và một trong những lý do là tình trạng một đồng bị người chủ sử dụng nhiều lần. Tiền ảo là thông tin, chạy tự do trên Internet thì lấy gì để ngăn chận một người tiêu đi tiêu lại cùng một đồng anh ta có được. Cách duy nhất là mọi giao dịch phải thông qua một tổ chức trung gian có nhiệm vụ xác nhận giao dịch và ghi nhận đồng tiền đó đã tiêu vào việc đó. Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận một dạng ngân hàng trung ương kiểm soát mọi giao dịch và ý nghĩa của đồng tiền ảo xem như bị triệt tiêu.
Sáng kiến của Satoshi Nakamoto là thay vì một tổ chức thứ ba, anh đề nghị mọi giao dịch đều ghi vào một cuốn sổ cái, sổ này ai tham gia cũng giữ một bản chứ không giao cho tổ chức riêng lẻ nào. Cuốn sổ cái này gọi là “block chain” (nay dung lượng đã lên đến trên 11GB mà người nào tham gia mua bán Bitcoin đều phải tải về máy) sẽ được cập nhật 10 phút một lần. Cộng đồng những người làm mã hóa sẽ tự nguyện tham gia cập nhật các giao dịch bằng cách chạy một phần mềm chuyên dụng, đổi lại họ sẽ được thưởng bitcoin, nhờ thế đồng bitcoin sẽ sinh sôi nảy nở (quy trình này gọi là khai mỏ - mining).
Để đồng tiền không sinh ra quá nhanh, đã có những quy định được đặt ra. Ghi nhận các giao dịch vào sổ cái là chuyện đơn giản, để tương xứng với việc thưởng bitcoin cho người tham gia ghi lại các giao dịch, máy tính của họ phải đồng thời giải các bài toán phức tạp gắn với các giao dịch này, ai giải được và ghi nhận thành công sau mỗi 10 phút sẽ được thưởng 50 bitcoin. Càng nhiều người tham gia thì mức độ phức tạp của các bài toán sẽ tự động tăng lên. Ngoài ra, phần thưởng sẽ bị cắt còn một nửa cứ sau mỗi 210.000 lần thưởng, cho nên lúc đầu cứ 10 phút có 50 bitcoin được tạo ra nhưng từ cuối năm trước chỉ còn 25 bitcoin. Dự tính đến năm 2017 chỉ còn 12,5 bitcoin và cuối cùng đến năm 2140, đồng tiền ảo này sẽ đạt giới hạn đỉnh của nó, ở mức 21 triệu bitcoin, sau đó coi như không có thêm bitcoin nào nữa. Cho đến nay đã có 11 triệu bitcoin được lưu hành, trị giá trên 13 tỷ đô-la Mỹ!
Thiên thời địa lợi
Satoshi Nakamoto tự đẻ ra 50 bitcoin đầu tiên vào ngày 3-1-2009. Trong năm đầu tiên, hầu như không ai chú ý đến nó nhưng dần dần người ta nhận ra tầm quan trọng của nó. Bitcoin không phụ thuộc vào giới tài phiệt, cuốn sổ cái sẽ giúp loại trừ gian lận, việc tăng cung tiền đã được định trước chứ không như đồng tiền thật, chính phủ nào muốn in bao nhiêu đưa vào lưu thông cũng được, không ai một mình mà kiểm soát được nó, mọi giao dịch đều phải công khai nhưng lại dưới dạng thông tin mã hóa nên hầu như không tiết lộ danh tính của người sở hữu. Ngày 22-5-2010, Laszlo Hanyecz trở thành người đầu tiên dùng 10.000 bitcoin để mua hai chiếc bánh pizza trị giá 25 đô-la (nay tương đương với 12 triệu đô-la!).
Đến tháng 2-2011, khi đã có trên 5 triệu bitcoin được tạo ra, trị giá của nó lần đầu tiên lên bằng 1 đô-la Mỹ. Giá bitcoin từ đó dần dần tăng lên, đầu năm 2013 là 15 đô-la và đến tháng 11-2013 thì tăng vọt, đầu tháng chỉ mới chừng 200 đô-la/1 bitcoin thì đến cuối tháng đã lên đến 1.242 đô-la/ 1 bitcoin. Nay nó lại giảm còn một nửa.
Sự bùng nổ giá trị đồng bitcoin được cho là do nhiều yếu tố. Đầu tiên là do báo chí – các bài báo liên tục đưa tin về bitcoin làm mọi người tò mò, ai cũng muốn sở hữu thử vài đồng bitcoin cho biết. Thứ hai là giao dịch bitcoin giai đoạn đầu bùng nổ nhờ mạng lưới mua bán tân dược trái phép và ma túy qua mạng – mua bằng bitcoin thì yên tâm không ai biết, chẳng ai hay. Thứ ba là sự thừa nhận của một số giới chức có thẩm quyền như Bộ Tài chính Đức công nhận Bitcoin là một đơn vị kế toán (1 trong 3 chức năng của tiền tệ). Gần đây nhất là việc Thượng viện Mỹ nghe điều trần về nó và nhiều giới chức tài chính kể cả Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho rằng nó có tiềm năng là đồng tiền ảo của tương lai.
Nhưng chính giới đầu cơ, kể cả dân Trung Quốc đang tìm cách chuyển tiền bí mật ra nước ngoài, mới là yếu tố đẩy giá Bitcoin lên nhanh như hiện nay. Đầu cơ Bitcoin đến từ hai phía. Thứ nhất là mua Bitcoin để trông chờ nó lên giá và bán lại để hưởng lợi. Hiện nay dân Trung Quốc chiếm 62% khối lượng giao dịch bitcoin toàn cầu (chính quyền Trung Quốc một mặt cho rằng khó lòng thừa nhận bitcoin như một loại công cụ tài chính hợp pháp trong tương lai gần, mặt khác lại cho phép người dân mua bán bitcoin thoải mái). Có thể thoạt tiên cộng đồng tin học khi sinh ra Bitcoin không nghĩ đến ngày chính giới tài phiệt lại nhảy vào sử dụng Bitcoin để làm công cụ kiếm ăn. Anh em nhà Winklevoss, nổi tiếng nhờ vụ tranh chấp với Mark Zuckerberg về chuyện ai đẻ ra ý tưởng làm Facebook, nay là dân đầu cơ bitcoin chuyên nghiệp. Họ cho rằng giá bitcoin còn tăng cả trăm lần nữa và đã nộp đơn xin phép thành lập quỹ tín thác bitcoin đầu tiên của thế giới. Họ đã bỏ ra 11 triệu đô-la mua bitcoin khi giá còn ở dưới mức 200 đô-la.
Giới thứ hai là dân “khai mỏ”bitcoin chuyên nghiệp. Trước đây cộng đồng tin học chỉ dùng máy tính bình thường để làm việc ghi nhận giao dịch vào sổ cái. Nay đã có cuộc chạy đua trang bị máy ngày càng mạnh để khai thác bitcoin, trong đó dân chơi trang bị cả dàn máy chuyên dụng, đắt tiền, chạy suốt 24/24. Năng lực tính toán của tất cả các máy tham gia chuyện này nay đã gấp 100 lần 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới. Dân “khai mỏ” cho biết đầu tư kiểu này giờ đây không còn có lãi nữa trừ phi tìm được nguồn điện miễn phí hay giá cực rẻ.
Ngoài ra ăn theo bitcoin còn có hàng ngàn trang web lập ra để chuyên mua bán bitcoin qua mạng, loại này ở Việt Nam cũng đã có khá nhiều. Cũng có những trang web bán công cụ phái sinh dựa vào sự lên xuống của giá bitcoin. Nói chung làn sóng đầu cơ đang sôi nổi và chưa có dấu hiệu sụp đổ, bất kể giá cả của nó lên xuống bất thường với độ giao động cực lớn, bất kể những cảnh báo của các nhà kinh tế và những tờ báo lớn. Tương lai của Bitcoin như thế nào, chưa ai biết. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn phải nghe đến nó nhiều trong năm nay và năm tới.
Bí ẩn chung quanh cha đẻ Bitcoin
Nhiều người nay đồng ý nhân vật được xem là cha đẻ bitcoin - Satoshi Nakamoto không phải là một con người thật (Satoshi tiếng Nhật có nghĩa là khôn ngoan). Có người cho rằng đây là một cách viết tắt tên bốn tập đoàn công nghệ (SAmsung, TOSHIba, NAKAmichi, and MOTOrola); có người cho rằng đây là một nhóm người, có thể là của Google hay của Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ. Các phỏng đoán này dựa trên sự tinh vi của cơ chế Bitcoin mà một người khó lòng nghĩ ra; những ai liên lạc với Satoshi qua email đều được hồi đáp nhưng cứ hai tuần mới trả lời một lần bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo. Ngày 5-12-2010 khi cộng đồng bitcoin kêu gọi Wikileaks chấp nhận tiền quyên góp bằng bitcoin, Satoshi can ngăn, với lập luận rằng dự án phải được phát triển dần dần để hoàn thiện phần mềm chứ làm người ta chú ý quá thì sẽ sớm giết chết nó. Bảy ngày sau anh ta biến mất, không để lại một dấu vết nào nữa. Thế nhưng bitcoin đã bắt đầu cuộc sống riêng của nó bất kể Satoshi.
--------------------
Giới thiệu sách: Đường link đến các sách ebook vừa tái bản:
Tám chuyện tiếng Anh (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Tiếng Anh lý thú (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)
Chuyện chữ & nghĩa (Smashwords), (Amazon), (Alezaa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét