Luật sư Đài, sinh viên Phương Uyên (thứ hai và ba từ trái) tiếp xúc giới ngoại giao ở Hà Nội
LS Nguyễn Văn Đài
Gửi tới BBC từ Hà Nội
Cánh cửa của năm 2013 đang dần khép lại và cánh cửa của năm 2014 đang mở ra với biết bao hy vọng cho mọi người Việt Nam. Trong những khoảnh khắc đáng nhớ này, ai cũng sẽ dành một chút riêng tư để suy ngẫm lại những gì đã qua và vạch ra những kế hoạch, mục tiêu cho một Năm mới.
Những người hoạt động dân chủ và nhân quyền ở trong nước cũng đã trải qua một năm đáng nhớ. Ngay trong tháng đầu năm, hơn 40 người hoạt động dân chủ bị bắt trong năm 2012 đã bị đưa ra xét xử với mức án cao nhất tới tù trung thân. Đến giữa năm, hai nhà viết blog nổi tiếng là Trương Duy Nhất và Phạm Viết Đào bị bắt và bị khởi tố với tội danh điều 258, nhưng nhẹ hơn nhiều so với những người bị bắt trước đây theo điều 88. Cơ quan an ninh đã tiến hành hàng loạt các vụ sách nhiễu, trấn áp, cưỡng đoạt tài sản, cướp, sử dụng bạo lực với những người hoạt động dân chủ, nhân quyền xảy ra trên khắp cả nước.
Bất chấp trấn áp, bạo lực của các cơ quan bảo vệ đảng Cộng sản cầm quyền, những người hoạt động dân chủ và nhân quyền vẫn vững vàng trên con đường đấu tranh bảo vệ nhân quyền và thực thi các quyền tự do dân chủ của mình. Những điều tích cực đã diễn ra trong năm 2013 như BấmHội Anh Em Dân Chủ (Hội AEDC) được thành lập vào đầu tháng Năm, trải qua những sự sách nhiễu, trấn áp. Nhưng Hội AEDC từ 40 thành viên ban đầu nay đã lên 90 thành viên chính thức, gần 200 cảm tình viên và có trên 10 ngàn người yêu thích qua trang BấmFacebook.
Trong phiên tòa phúc thẩm, sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã được thả tự do, Đinh Nguyên Kha giảm một nửa so với án sơ thẩm, tội danh khủng bố đã được xóa bỏ. Đinh Nhật Uy cũng đã được thả tự do.
Cuối năm, một loạt các tổ chức xã hội dân sự được ra đời như BấmDiễn đàn Xã hội Dân sự, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, BấmMạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Bầu Bí tương thân v.v...
Những điều tích cực trên sẽ là tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo trong năm 2014.
Qua kinh nghiệm đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền của các nước trên thế giới, chúng ta đều thấy rằng những lực lượng đấu tranh ở trong nước luôn đóng vai trò quyết định. Nếu như lực lượng đấu tranh ở trong nước mà yếu, không đủ số lượng và chất lượng cần thiết thì cuộc đấu tranh đó sẽ kéo dài và rất khó thành công.
Cộng đồng quốc tế và người Việt ở hải ngoại đã và đang đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc cổ vũ, vận động chính phủ các nước, ủng hộ về tinh thần và vật chất. Nhưng họ không thể làm thay công việc đấu tranh trực tiếp của phong trào dân chủ ở trong nước. Những người ở trong nước sẽ quyết định việc nhanh hay chậm, thất bại hay thành công của công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Trong năm 2013, nhiều sáng kiến vì dân chủ
cho VN đã được các nhóm vận động tiến hành
'Năm của những cơ hội'
Từ những kinh nghiệm đó, tôi đưa ra quan điểm của mình là: để cho cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sớm thành công, thì ở trong nước cần từ 15-20 tổ chức xã hội dân sự và đảng chính trị hoạt động trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mỗi tổ chức cần có tối thiểu từ 200 -1.000 thành viên hoạt động tích cực.
Đây là bài toán mà mỗi tổ chức, cá nhân đang đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước, cùng với cộng đồng người Việt ở hải ngoại cần phải thực hiện trong năm 2014 và năm tiếp theo.
Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet và các trang mạng xã hội, những tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước cần tận dụng triệt để những tiện ích mà chúng đem lại để quảng bá các quyền con người tới hơn 30 triệu người sử dụng internet ở trong nước, tạo ra sự kết nối trên không gian ảo, thành lập các tổ chức trên không gian ảo, và từng bước chuyển thành các hoạt động thực tế.
Từ sự kết nối, giao lưu trên các trang mạng xã hội, phải cụ thể hóa bằng sự kết nối, giao lưu trực tiếp, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, giúp đỡ và ủng hỗ lẫn nhau.
Mỗi một tổ chức được hình thành ở trong nước, cần có kết nối, tham gia của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
Người Việt hải ngoại đóng vai trò vận động chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, truyền thông quốc tế để ủng hộ cho tổ chức trong nước. Đồng thời người Việt hải ngoại cũng vận động và cùng nhau đóng góp tài chính cho hoạt động của tổ chức ở trong nước.
Cộng đồng người Việt hải ngoại phải trở thành hậu phương vững chắc cho các tổ chức xã hội dân sự, đảng chính trị ở trong nước. Đến thời điểm thích hợp, các tổ chức, cá nhân sẽ liên kết với nhau để thành lập một Liên minh chính trị.
Trong năm 2014, Việt Nam sẽ là thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc, Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán và gia nhập Hiệp định TPP. Việt Nam đã có nhiều cam kết song phương cũng như đa phương về việc tôn trọng và cải thiện quyền con người. Đồng thời bản Hiến pháp mới, trong chương về quyền con người, quyền công dân đã có nhiều điểm tiến bộ hơn so với bản Hiến pháp cũ.
Tất cả những điều đó là công cụ, phương tiện hữu ích để cho các tổ chức, cá nhân đang và sẽ hoạt động dân chủ và nhân quyền ở trong và ngoài nước sử dụng với mục đích đem lại tự do, dân chủ, nhân quyền cho mọi người dân Việt Nam.
Năm 2014 sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Chúng ta mong rằng tất cả những tổ chức, cá nhân đang hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở trong và ngoài nước hãy cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Tất cả vì dân chủ và thịnh vượng của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một luật sư bất đồng chính kiến và cựu tù nhân chính trị đang sinh sống ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét