Santa Claus is coming to town…
Santa Claus, ông già Noel hay ông già Tuyết.
Đối với những nước nói tiếng Anh – Santa Claus chính là hiện thân của Thánh Nicolas (St. Nick) – ông cụ phúc hậu, hiền lành trong bộ quần áo đỏ thắm, râu tóc bạc phơ, vai khoác chiếc túi nhung màu đỏ, ngồi trên chiếc xe trượt tuyết được những chú tuần lộc dễ thương kéo bay ngang bầu trời đầy sao. Rồi Santa Claus chui xuống ống khói đem các món quà cho các em nhỏ đặt dưới gốc cây Noel đêm Christmas Eve.
Đối với những nước nói tiếng Anh – Santa Claus chính là hiện thân của Thánh Nicolas (St. Nick) – ông cụ phúc hậu, hiền lành trong bộ quần áo đỏ thắm, râu tóc bạc phơ, vai khoác chiếc túi nhung màu đỏ, ngồi trên chiếc xe trượt tuyết được những chú tuần lộc dễ thương kéo bay ngang bầu trời đầy sao. Rồi Santa Claus chui xuống ống khói đem các món quà cho các em nhỏ đặt dưới gốc cây Noel đêm Christmas Eve.
Hình ảnh của Santa Claus đã in vào tâm trí của nhiều thế hệ, gắn liền với ngày Lễ Giáng Sinh – mặc dù lễ này là để kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus. Có lẽ sự có mặt của Santa Claus đã khiến cho không khí của ngày Lễ Giáng Sinh ấm áp hơn đối với tất cả mọi người, bởi Santa Claus không đứng riêng về một tôn giáo nào cả. Ông chỉ đơn giản là một cụ ông tốt bụng với trẻ nhỏ. Ông có xưởng chế tạo đồ chơi tại North Pole nơi hàng ngàn những chú efl (tiếng Anh, số nhiều là elves), các trợ thủ tí hon tai nhọn, mặc áo xanh lá cây giúp ông chế tạo thật nhiều đồ chơi, check thư từ (và lời nguyện ước) của các em nhỏ khắp nơi để chế tạo ra những món quà phù hợp cho các em nhỏ. Ông dễ thương như thế nên trẻ em không thể không yêu thích ông. Còn cha mẹ các em thì vờ nghiêm nét mặt: Các con phải ngoan thì Santa Claus mới cho các con quà. Đúng là nhất cử lưỡng tiện! Vì thế nhiều người khi lớn lên, có chí lập nghiệp, họ nghĩ sẽ làm một cái gì đó có liên hệ tới ông.
Nếu có ai đó nói với bạn rằng có một thành phố tên Santa Claus thật sự, bạn có tin không? Có thể bạn sẽ mỉm cười: Có chứ. Nhưng đó là một địa danh được hư cấu trong văn chương sách vở mà thôi!
Có một thành phố như thế thật. Thành phố này thuộc Hạt Mohave của bang Arizona, thành lập năm 1937, cách thành phố Kingman khoảng 14 dặm (23km) về hướng tây bắc, nằm trên Xa lộ U.S. Route 93. Những ai đi từ Phoenix (AZ) đến Las Vegas (NV) hoặc muốn ghé thăm Đập thủy điện Hoover Dam sẽ đi ngang qua Santa Claus. Có điều hiện nay thành phố Santa Claus này không còn nữa. Gõ từ khóa “American ghost towns” trên mạng Google, bạn sẽ thấy tên của thành phố Santa Claus hiện ra. Nó đã là một thành phố ma, không người ở và hoàn toàn bị bỏ rơi.
Nằm giữa sa mạc đồng không mông quạnh, nhìn thấy cảnh tượng ảm đạm của nó, bạn sẽ lắc đầu: Người ta lập ra thành phố này làm gì chứ?
Câu chuyện về thành phố này khá thú vị. Trước hết, ta nên tìm hiểu chút ít về chủ nhân của nó. Đó là một phụ nữ tên Nina Talbot đến từ California. Bà là một nhà kinh doanh địa ốc. Ý tưởng của bà là tậu một mảnh đất lớn. Xây nên những trung tâm vui chơi du lịch có liên quan tới Santa Claus. Sau đó số đất còn lại chung quanh sẽ được phân lô bán lại cho người khác cất nhà. Như vậy, Santa Claus sẽ trở thành một thành phố du lịch giữa sa mạc, thu hút khách thập phương khắp nơi đến đây. Điểm đặc biệt của Santa Claus là du khách có thể tận hưởng được không khí lễ Noel quanh năm, Christmas 365 days a year! Thế là vào năm 1937, Thành phố Santa Claus chính thức ra đời.
Trong vòng 12 năm hoạt động (1937-1949), dự tính rất tươi sáng của bà Nina Talbot, một phụ nữ nặng 300 pounds này, đã xui xẻo không thể thành hiện thực.
Ban đầu khi Nina Talbot mở một motel tại đây và mua đất lập thị trấn Santa Claus, mơ ước của bà là mảnh đất rộng 80 acres (320.000 m2) này sẽ được phân lô bán ra. Các dịch vụ du lịch giải trí theo mô hình North Pole sẽ ra đời.
Thế nhưng do dân cư của thị trấn này chỉ gồm những nhân viên làm việc ở đây, còn dân chúng có ý muốn dọn đến lập nghiệp không hề thấy có bên sau khi cầm cự một thời gian và bà đã bán lại thị trấn Santa Claus.
Những người chủ mới sau đó bỏ thêm tiền vào đầu tư. Họ vạch ra những kế hoạch nâng cấp, trùng tu. Bất kể sự tiếp tay của nhà văn viết truyện khoa học giả tưởng lừng danh Robert A. Heinlein và cây bút chuyên viết bài đánh giá thực đơn các nhà hàng nổi tiếng Duncan Hines – ông này viết bài lăng xê cho thành phố, nhưng Santa Claus Town vẫn không thể cất cánh được. Năm 1961, một chiến dịch quảng cáo giúp gởi thư và thiệp có con dấu bưu điện (postmark) của Santa Claus ngoài phong bì với một lệ phí 25 xu (cộng với tiền tem) được tung ra, có vẻ ăn khách, nhưng rồi tình hình của Santa Claus vẫn không mấy khấm khá, sáng sủa hơn.
Trong thời hoàng kim của mình, Santa Claus không tệ. Nó đã từng có một văn phòng bưu điện, có những tòa nhà kiểu Disney Land như Cinderella’s Doll House. Tại đây luôn túc trực một ông già Tuyết quanh năm chào đón khách. Có cả một nhà trọ Santa Claus Inn (sau đổi tên là Christmas Tree Inn) bên cạnh một nhà hàng. Một bữa ăn sáng theo kiểu “big farm breakfast” giá 75 xu. Nhà hàng này còn có cả các món trong thực đơn nghe rất oai như: Chicken à la North Pole hay Rum Pie à la Kris Kringle. Năm 1942 là thời điểm hưng thịnh nhất của Santa Claus, nhưng rồi tới năm 1949 Nina Talbot bán Santa Claus đi cho chủ khác.
Sau đó tiếng tăm của Santa Claus cứ bị suy thoái, lún ngập sâu hơn vào suy kiệt, nhất là vào thập niên 1970. Hệ quả tất yếu, tình hình của Santa Claus sau những lần đổi chủ cứ lụn bại dần, thảm hại hơn. Giữa thập niên này thì kế hoạch phát triển Santa Claus chính thức hủy bỏ. Qua tay những đời chủ, cuối cùng đến lượt Tony Wilcox. Sau những cố gắng không thành, ông đã phải rao bán Santa Claus năm 1983. Giá rao chỉ có $95.000 nhưng vẫn không bán được. Đến năm 1988 ông Wilcox hạ giá xuống còn $52.000, có người trả ông $50.000 nhưng ông không chịu, cho rằng giá này quá thấp so với giá trị thực của Santa Claus.
Cứ thế, Santa Claus Town tiếp tục lây lất cho tới năm 1995 thì mọi hoạt động du lịch ở đây chính thức hoàn toàn đóng cửa. Bước sang những năm đầu thế kỷ 21, Santa Claus Town càng lúc càng khó tìm thấy hơn trên bản đồ. Nó gần như đã bị bỏ phế. Cảnh vật hoang tàn. Mọi thứ không thể chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Cuối cùng Santa Claus Town chỉ còn lại vài khung nhà bị đập phá, bôi vẽ, trông thật tang thương.
Những ngày chung cuộc thoi thóp của Santa Claus Town được tác giả Mark Winegardner mô tả trong cuốn Elvis Presley Boulevard: From Sea to Shining Sea, Almost, năm 1988, thật xót xa như sau:
“Những quả chuông bạc bằng styrofoam, những sợi dây điện Giáng sinh bị cháy xém vắt lên ảnh của Old Saint Nick làm bằng nhựa bạc phếch được dựng lên trang trí cho thị trấn nhỏ này. Một cây thông giả cao 20 feet đứng nghiêng như sắp đổ, gào thét giữa những trận gió hú bên cạnh một máy bán nước ngọt Coke đã bị hỏng, cạnh đó là một máy nước đá trống hoác. Trong số ba ngôi nhà còn lại ở đây thì đã hai căn người ta phải lấy những mảnh ván ép đóng úp lên cửa ra vào. Nhìn qua mấy ô cửa sổ, chỉ thấy cát bụi đóng tầng đóng lớp, giữa những lớp tuyết giả (aerosol snow) xịt từ mấy chai bán sẵn, tượng của những con tuần lộc, những chú elves tí hon làm bằng chất liệu fiberglass đổ ngã chổng kềnh. Bên ngoài có một tấm biển ghi: SANTA CLAUS, ARIZONA/ESTABLISH 1937. Cạnh đó là một tấm biển khác: FOR SALE BY OWNER/$52.000/INQUIRE AT GIFTSHOP. Và một mũi tên chỉ đường. Trong tiệm bán quà lưu niệm chẳng thấy quà Noel đâu. Trên kệ chỉ thấy bán những thứ quà thủ công quen thấy bán ở các chợ trời với giá của những món hàng cổ. Sách cũ, bìa sờn bán giá $1 một quyển. Thế thì thu nhập ít ỏi lấy đâu ra, nếu chẳng phải từ mấy món ăn nướng grill và nước giải khát sô-đa để trong thùng ướp đá. Trên chiếc ghế đẩu phía sau quầy tính tiền, một người đàn ông luộm thuộm, quãng độ trên dưới năm mươi, ngẩng đầu lên từ cuốn sách trò chơi tìm ô chữ, cất tiếng hỏi: Các vị có cần gì không ạ?”
Sau cùng, năm 2005 Santa Claus Town bị xóa sổ. Tất cả những thư tín gởi về địa chỉ thị trấn Santa Claus ở đây bị gởi đến một thành phố Santa Claus khác nằm bên cạnh giòng sông Ohio (thuộc bang Indiana). Năm 2006, Santa Claus, Arizona được coi là biến mất, gần như chính thức rơi vào số phận của những ghost towns của Hoa Kỳ. Năm 2007, người ta lại rao bán nó. Lần này, Santa Claus Town chỉ còn lại dấu vết của vài kiến trúc đã bị đập phá. Người ta nhìn thấy một tấm biển chúc sức khỏe, và một chiếc xe lửa chở trẻ con sơn màu hồng có tên “Old 1225” đã bị lật khỏi đường ray, thùng xe bị xịt sơn lem luốc, làm hỏng đi bức vẽ tay nguyên thủy mô phỏng ông già Tuyết và những chú elves tí hon nhanh nhẹn dễ thương của ông.
Và… Santa is not coming to this town anymore…
Nguyễn Thơ Sinh
Và… Santa is not coming to this town anymore…
Nguyễn Thơ Sinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét