Sài Gòn Cô Nương
Thịt nhập tức là thịt nhập cảng.
Nghèo ăn thịt nhập. Sao lạ vậy?
Nghèo ăn thịt nhập. Sao lạ vậy?
Hàng hóa từ nước
ngoài vào Việt Nam thông thường là phải đắt hơn hàng trong nước vì phải chịu
bao nhiêu cước phí vận chuyển rồi thuế má này nọ… Chưa kể hàng từ các nước Tây
Âu chắc chắn phải “xịn” hơn hàng ta nên giá cao là phải rồi.
Nuôi một con bò tốn kém dữ lắm. Cưng nó như cưng con người vậy. Nào là ăn đồ bổ, đi dạo thong thả trên đồng cỏ, rồi đi vào lò mổ một cách nhẹ nhàng, thanh thản. Chứ không phải như bên ta đập đầu bằng cái vồ hoặc chọc tiết… Chưa kể bò Kobe được massage và nghe nhạc hòa tấu. Nghe nhạc thì dễ thôi, một số trại gà Việt Nam cũng đã cạnh tranh bằng cách cho gà nghe nhạc êm dịu để đẻ trứng tốt.
Hồi xưa, thịt nhập cảng chỉ có một ít trong các nhà hàng cao cấp dành cho khách thượng lưu. Dần dần khách sạn, nhà hàng mở ra rất nhiều, tiêu chuẩn về thịt ngày càng nâng cao. Vì thế bò Mỹ, Úc đua nhau vào Việt Nam. Thịt bò Kobe, mặc dù ai cũng biết không có nhiều đủ để vào thị trường Việt Nam nhưng một số nơi vẫn quảng cáo.
Không những chỉ có ở nhà hàng mà thịt bò Úc cũng đã bắt đầu được bán đại trà cho người dân Việt Nam trong siêu thị. Nó xuất hiện tràn lan trong các món ăn ở nhà hàng, tư gia… Sao kỳ vậy? Lý do: thịt ngoại nhập rẻ hơn thịt sản xuất trong nước. Người nông dân trong nước phải mua thức ăn gia súc, thuốc thú y với giá cao, đa số chăn nuôi lẻ nên giá thành cao, lại phải bán qua thương lái ép giá…
Một ký bò hơi của Úc giá 58000 đồng trong khi thịt bò Việt Nam giá 70000 đồng. Chẳng những rẻ hơn mà thịt ngoại chắc phải ngon hơn, “sạch” hơn. Hàng hóa ngoại, theo thông lệ, đều hơn nội, nên bò ngoại át vía bò nội là đương nhiên.
Thật ra, hầu hết thịt bò từ trước tới giờ ở trên thị trường Việt Nam cũng chẳng phải hoàn toàn bò Việt. Bò ngoại cả đấy. Việt Nam không nhiều trang trại nuôi gia súc lớn, mà từ cao nguyên xuống đồng bằng chỉ có các gia đình nuôi rải rác. Vì thế, bò từ Campuchia, Thái Lan, Miến, Lào được đưa vào Việt Nam mổ. Chỉ có điều giá cả và chất lượng do từ nhiều nguồn nên không ổn định, lại bị bơm nước… giống y như bò Việt, nên chúng không được phân biệt, thừa nhận là bò ngoại với ý nghĩa trọng vọng, mà bị đồng hóa với bò nội thành một loại thôi.
Lại thêm thời gian vừa qua dịch bệnh triền miên, hết lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm, suốt mùa lũ cuốn trôi bao nhiêu heo bò gà vịt, lạm phát gia tăng, ngành chăn nuôi ngày càng ngắc ngoải… Thế nên thịt từ Úc, Mỹ, Ấn Độ, New Zealand, Canada, Brazil… lại càng có cơ hội ồ ạt ùa vào Việt Nam.
Ngoài các loại thịt cao cấp đó còn có thịt nhập “thứ cấp”.
Các công ty nhập khẩu giải thích các nước Âu Mỹ chỉ ăn thịt phi lê ức còn những thứ xương xẩu như cổ, cánh, chân, gân hoặc nội tạng như tim, gan, lòng… kể luôn đùi gần như không ăn nên họ bán rất rẻ. Sang Việt Nam chế biến ra lòng xào, chân gà nướng… trở thành món ăn đặc sản.
Có dạo các nước Tây phương tạm nhập thịt heo từ Mỹ, Canada, Mexico vì dịch cúm. Cảng Việt Nam biến thành nơi tạm trú chân. Đi tiếp thì không nước nào nhận, trở lui không xong. Hàng ngàn tấn thịt heo trong container nằm mãi ở các kho cảng. Để cả tuần cả tháng rồi chẳng biết nằm tới bao lâu nữa. Chủ hàng sợ hỏng, bán rẻ luôn cho Việt Nam. Thế là dân Việt lại được dịp ăn thịt ngoại giá rẻ!
Trong các đơn hàng nhập khẩu chính thức, có lô hàng thịt bò nhập từ Úc bị phát hiện nhiễm khuẩn có chứa kháng sinh đành phải bỏ đi. Theo biên bản là mang toàn bộ số thịt đó cho cá sấu ăn nhưng nhiều người nghi ngờ phải vậy không. Tuồn bớt ra quán bò lúc lắc, bò quanh lửa hồng… nghe còn có lý hơn. Cá sấu ăn không hết đâu. Vả lại, người còn không đủ thịt ăn, cá sấu làm gì có đẳng cấp xơi thịt nhập! Lô hàng thịt từ Canada cũng vậy, chẳng biết mổ từ đời nào, nằm ở cảng từ kiếp nào, lôi ra thì đã mốc thối. Không phát hiện ra thì chui vào các bếp ăn của người dân, mà thực ra cũng giống như lô hàng thịt bò Úc trên, sau khi phát hiện, những lô hàng này đi đâu về đâu thì chỉ có trời mới biết. Thế mà cứ nghe nói tới thịt xuất phát từ ngoại quốc, nhất là các nước Âu Mỹ, thì người dân đặt hết niềm tin vào mà không cần đếm xỉa đó là hàng giảm giá, hàng cận ngày hết hạn sử dụng hoặc đã hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng hoặc chất lượng đó đã biến đổi ra sao rồi.
Cùng nằm chễm chệ đường hoàng trên kệ siêu thị ngoài bò là heo, cừu, đà điểu, nhiều nhất là gà. Gần đây nổi tiếng “gà dai” Hàn quốc. Gu ẩm thực của người Việt vẫn chuộng gà ta, sớ thịt chắc hơn mấy con gà công nghiệp thịt nhạt và bở bục. Vì thế, thiên hạ ùn ùn đi mua gà dai Hàn quốc. Cho tới khi đã rõ đó là gà thải chứa nhiều chất kháng sinh và ngoại quốc chỉ dùng làm thức ăn cho gia súc, thì do giá rẻ bằng một phần ba gà ta và dai như gà ta mà người ta vẫn xếp hàng để tranh nhau mua con gà thải đó về ăn ngon lành. Với lại tâm lý người mua là nếu hàng hóa đã nằm trong siêu thị, tức là đã qua nhiều chặng kiểm nghiệm thì chắc chắn chất lượng của nó nếu không tốt lắm thì cũng chẳng đến nỗi nào. Đâu có mua mấy tảng thịt nhão nhẹt xanh lè, được bày trên mẹt ngoài chợ chiều ruồi nhặng bu đầy, mà sợ cơ chứ!
Cuối cùng thịt nhập của nhà nghèo khác với thịt nhập của nhà giàu. Nhà giàu mua thịt ở siêu thị có nguồn gốc rõ ràng. Người nghèo mua thịt ngoài chợ.
Thịt nhập của người nghèo là hàng quá hạng sử dụng, hàng hỏng qua đường nhập chính thức thoát thân, không phải ra chợ đâu, mà vào tay các đầu nậu rồi từ đó mới tản ra không những chỉ nhà hàng mà bao phủ các bếp ăn tập thể, quán ăn bình dân, quán nhậu, bữa cơm nhà nghèo đều có mặt thịt nhập. Không kể thịt trâu thành thịt bò, thịt bò thành thịt nai. Thịt heo dễ dàng biến hóa thành thịt cá sấu, đà điểu, lạc đà… Đầu bếp cứ tha hồ tẩm ướp gia vị rồi hô thịt nào ra thịt ấy, món nào ra món nấy.
Trường học đông đảo học sinh, sinh viên ngày nào cũng được thưởng thức các món ăn khoái khẩu: cánh gà chiên nước mắm, cà ri gà, ragu gà, gà xào xả ớt… Quán nhậu bia rót như suối kèm với chân gà nướng chua cay, chân gà hấp hành, chân gà muối chiên… Quán lẩu dê nào cũng phải có món nhũ dê nướng chấm chao kèm đậu bắp. Món ăn thơm, mềm mà khách nào đến quán cũng phải kêu đầu tiên mà chẳng ai thắc mắc nhũ dê đâu ra mà lắm thế? Rồi dê bóp thấu, dê xào sa tế, lẩu dê thập cẩm… Vào hàng phở, hàng bún bò Huế phải kêu thêm gân bò mới sành ăn.
Bởi vậy, tình trạng học sinh và nhất là công nhân bị ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra thường xuyên. Học sinh cả trường, công nhân cả xưởng vào bệnh viện cấp cứu một lúc vì ngộ độc thức ăn chế biến từ nguyên liệu hư hỏng. Việc này ngoại trừ tiền ăn bị bớt xén đủ điều thì cũng có phần phía nhà thầu phải chi lót tay cao quá. Nếu không nấu nướng bằng các thứ thịt nhập rẻ mạt thì đâu còn lời.
Một dạo ở Sài Gòn rộ lên phong trào cơm gà. Từ mặt tiền đường lớn đến quán ăn hẻm nhỏ, đi đâu cũng thấy treo tấm bảng gà xối mỡ. Dân lao động dùng bữa cơm trưa hay kêu món gà chiên, gà ram, đùi gà xốt me… vừa thơm béo, vừa ngon lại rẻ. Chỉ hai chục ngàn một đĩa cơm trắng với cái đùi gà góc tư vàng ươm thật chất lượng, thêm vài lát cà chua, cọng rau xà lách mà trước kia phải vào quán Tàu La-cai mới xực phàn được.
Nếu không có thịt nhập sao đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng bình dân như thế.
Bà chủ hàng cơm tấm xởi lởi:
- Cơm gà rẻ là nhờ thịt gà ngoại đó. Chứ thịt gà nội còn lâu mới có giá đó.
Đúng vậy, sạp cơm tấm làm sao vào siêu thị mua mấy con gà đóng bao dán nhãn nghiêm chỉnh về bán cho nổi. Còn nếu muốn thưởng thức con gà ta chính cống thì chắc chắn phải vào quán đàng hoàng, kêu một đĩa cơm sáu chục ngàn rải vài miếng thịt gà mỏng dính ngọt thịt và dai dai.
Hầu hết thịt nhập lậu từ nước bên cạnh. Sát biên giới nên đủ loại thịt ào ạt đổ vào Việt Nam. Thịt quá hạn sử dụng, thịt bệnh, thịt ôi, thịt thối, thịt tím tái, thịt chảy nước… Thịt tẩy hóa chất, thịt đã được chế biến sẵn thành jambon, thịt chà bông… nhét vào ổ bánh mì điểm tâm, nhân bánh trung thu được chế biến sẵn để vài tháng không suy suyển.
Một quan chức khổ sở phân bua rằng bắt được lô thịt hư hỏng cũng kẹt lắm. Gia súc, gia cầm, thịt đóng kiện, đóng container… có đơn vị trọng lượng tính đến tấn chứ có phải tạ cho cam. Muốn tiêu hủy thì phải có kinh phí. Mà không có kinh phí thì… biết làm sao bây giờ! Tới gia súc mắc bệnh dịch hoặc thịt thối đã chôn xuống dưới đất rồi mà người ta còn moi lên mang bán, huống hồ cả lô thịt hàng bao nhiêu tấn nằm chình ình đó. Ngầm hiểu thịt dù thối cũng tiền cả đấy chứ chưa là rác đâu. Nên cũng chẳng ai mất thời giờ hỏi gặng tới là không tiêu hủy thì số phận nó ra sao.
Sau này khi các tin tức về thịt nhập lan rộng, nhiều người dân e ngại trước các loại thịt không rõ xuất xứ, thì người bán lại quay sang gắn nhãn nội cho thịt ngoại. Con gà đông lạnh mềm nhũn, trở màu tím bày trên sạp thịt, không để tủ lạnh cũng chẳng thèm bao bì được giải thích là gà siêu thị xé ra bán lẻ chứ không phải từ biên giới Móng Cái vượt đường xa vạn dặm về xuôi đâu.
Dù sao thịt của Trung quốc quá rẻ. Thịt thải mà, không rẻ sao được, chỉ cần lọt qua biên giới là một lời một, qua từng đoạn đường về tới Hà Nội lời gấp mấy, trót lọt vào Sài Gòn thì lời cả chục lần. Dù rải chi phí dọc đường rồi vẫn lời ác. Các xe tải chở nhiều tấn đồ lòng từ Bắc vào Nam dù bị bắt dăm ba vụ vẫn chẳng có vẻ gì giảm bớt.
Nào trứng hóa chất, da heo, gà thải, chân gà, chân bò, lòng bò, lòng heo, lòng dê… dân Trung quốc chẳng thèm ăn, suốt ngày đêm vẫn ồ ạt tuôn chảy qua biên giới, đổ vào bữa ăn người Việt Nam. Chẳng biết mốc meo, hôi thối ở đâu, cứ ngâm hóa chất tẩy rửa thành trắng trẻo, sạch sẽ, tẩm hóa chất tiếp thành dai dai, giòn giòn, ướp hương liệu nữa thành món nướng, món lẩu bùi béo thơm tho. Nhờ có giá rẻ như vậy thì người dân nghèo mới có bữa cơm thịt thà, người lao động sau một ngày làm việc cực nhọc mới có chầu đưa cay với mồi vừa ngon, vừa rẻ…
Vậy nên, nghèo vẫn có thịt ăn mà lại ăn thịt nhập nữa mới ghê chứ!!!
Sài Gòn Cô Nương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét