Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

Làm chứng gian

LAM CHUNG GIAN

TẠP GHI HUY PHƯƠNG
Điều răn thứ tám trong kinh “Mười Điều Răn” của Thiên Chúa dạy trong Cựu Ước là chớ làm chứng dối như là làm chứng gian hoặc bội thề, làm mất thanh danh người khác, nói xấu, vu khống, cáo gian, nói dối, tán dương người khác khi họ làm điều xấu, và không làm chứng cho sự thật.
Giới cấm thứ tư trong “Ngũ Giới”, năm điều Phật cấm, là không được nói dối. Theo Phật Giáo, xử sự không công bằng, làm chứng gian, có thể.lừa gạt được người khác nhưng không sao lừa gạt được nhân quả.uaừa
llừa
Trong ngành tư pháp, từ thời xưa, quan tòa đã phải sử dụng đến một công cụ khá hữu hiệu để xử án: lời khai của người làm chứng. Tuy nhiên, công cụ này cũng lộ rõ mặt nguy hại, nếu quan tòa lỡ tin vào những lời chứng gian dối thì sẽ thi hành những bản án oan khuất, phản công lý. Vì vậy làm chứng gian là một trọng tội.
Khai quả quyết một việc không có là có thật cũng như chối hẳn một việc có thật là không có cũng bị coi là làm chứng gian.
Làm chứng gian tại tòa xử có thể làm sai lệch bản án và giết một người.
Nhà viết sử viết gian có thể làm u mê, sai lạc của một thế hệ.
Nhưng ngày nay, 24 giờ một ngày đêm qua truyền thông, báo chí, rất nhiều người làm chứng gian mà không ai quan tâm vì cứ nghĩ rằng đó là điều vô hại.
Muốn dối gian, trục lợi cho hàng sản xuất của mình, nhà buôn cần những người làm chứng gian “quả quyết một việc không có là có thật” mà nói đi nói lại nhiều lần sẽ có người tin. Quảng cáo đã trở thành hình thức tuyên truyền phổ biến nhất trên thế giới để các tập đoàn và công ty quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình cho mọi người với nhiều hình thức khác nhau trên báo chí, truyền thanh, truyền hình và internet.
Kỹ thuật tuyên truyền hay quảng cáo là phải lặp đi lặp lại càng nhiều lần càng tốt, đánh đổ sự suy nghĩ phân tích các sự việc, làm thui chột trí phán đoán vì phải nghe thấy những sự việc như vậy nhiều lần. Giới bình dân lại dễ lầm lẫn chấp nhận: “Không hay, không đúng sao lại được nhiều người nói, nhiều người khen!” Mà không phải trong xóm, trong làng, trong khu phố mà thấy trên TV, trên mặt báo, qua radio?
Kỹ thuật quảng cáo, tuyên truyền là câu chuyện phải được bảo chứng bởi người nổi tiếng, vậy tùy theo đó mà chọn người quảng bá cho thương hiệu. Tùy theo đối tượng tiếp nhận thông tin qua truyền thông hằng ngày người ta sẽ lựa chọn những khuôn mặt nổi tiếng cho phù hợp, nhưng những nhân vật này thường không được chọn lựa trong chính quyền. Nếu khách hàng là giới trẻ thì người ta sẽ chọn các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ, các “hot boy” hay “hot girl”. Nếu sản phẩm của chúng ta là các sản phẩm dinh dưỡng như sữa hay vật dụng chăm sóc y tế thì các bác sĩ hay các bà mẹ là lựa chọn đầu tiên. Nếu là mỹ phẩm thì có các hoa khôi, tài tử, diễn viên, ca sĩ, vì vậy ngày nay giới nghệ sĩ tên tuổi, đặc biệt có thể sống nhờ các thương vụ quảng cáo mà lợi tức cũng ngang hàng với việc xuất hiện hay trình diễn.
Dù qua đời đã hơn 50 năm, Marilyn Monroe vẫn được chọn làm gương mặt đại diện mới cho nước hoa Chanel số 5, trước đó nam tài tử Brad Pitt đã được trả 7 triệu cho hợp đồng quảng cáo cho loại nước hoa này. Scarlett Johansson quảng cáo cho hãng Louis Vuitton. Ca sĩ Mariah Crey quảng cáo cho nước hoa M của hãng Elizabeth Arden. Nữ tài tử trứ danh Elizabeth Taylor với loại nước hoa White Diamonds đắt nhất thế giới. TNS Bob Dole đã quảng cáo cho Viagra.
Chính vì sự khâm phục, yêu mến và tin cậy những khuôn mặt nổi tiếng, có khi là thần tượng của mình, nên người ta tin luôn những điều gì họ nói nên các thương hiệu ngày nay gần như luôn luôn nắm bắt, gọi mời các diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu… làm người đại diện quảng cáo cho sản phẩm của họ. Ngay ở Việt nam bây giờ, người mẫu, ca sĩ, hoa hậu cũng hái ra tiền nhờ các hãng buôn từ lớn như Mercedes Benz, Honda, Audi, Toshiba… cho đến các hãng kem dưỡng da, son phấn. Tệ hơn nữa, là ngày nay, ngay tại hải ngoại, có những vị xuất gia tu hành mặc áo vàng, cũng lên truyền hình để quảng cáo cho thứ thuốc này, môn thuốc nọ!
Quảng cáo trong ngành dược phẩm cũng không mới mẻ gì. Tuy nhiên nói về công dụng của thuốc men, người ta đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm về công dụng của sản phẩm này, và coi mình như đang mắc phải những bệnh trầm trọng, nan y, khó chữa. Trong 11 báo cáo được đăng tải trên tạp chí “Public Library of Science Medicine” vào năm 2012, các chuyên gia y tế của Anh, Mỹ và một số quốc gia khác đã cảnh báo rằng: Có đến hàng chục căn bệnh được cho là mới xuất hiện trong thời hiện đại và đang tăng nhanh là không có thực hoặc không hề nghiêm trọng như chúng ta vẫn tưởng như yếu khả năng sinh lý, tính hiếu động của trẻ em, các bệnh thần kinh… Thông qua các chiến dịch quảng cáo rầm rộ do các công ty dược phẩm phát động, những biểu hiện khác biệt này đã được “nhào nặn” thành những căn bệnh nghiêm trọng và phổ biến. Câu nói “thuốc… chứa rất nhiều thành phần như …sẽ giúp bạn…” có lẽ đã trở thành “khẩu hiệu” của quảng cáo dược phẩm… (Nguyễn Huyền Trang – trang quảng cáo AJC)
Và trong các quảng cáo, quảng cáo dược phẩm được xem như là một quảng cáo có trách nhiệm nhất. Quảng cáo nước hoa, thì mỗi người một ý thơm hay không thơm, thích hay ghét còn tùy “người đối diện”, quảng cáo thuốc mọc tóc thì còn tùy cơ thể từng người mọc nhanh hay mọc chậm, quảng cáo máy hút bụi hay một tấm nệm giường, thật ra xấu tốt cũng chẳng sao. “Với cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thì dược thảo được xếp hạng thực phẩm phụ, như đã quy định trong Dietary Supplement Health and Education Act năm 1994. Dược thảo được bày bán không cần thử nghiệm, nghiên cứu như âu dược, mặc dù dược thảo có tính cách trị bệnh và cũng có tác dụng phụ.” (BS Nguyễn Ý Đức)
Một bác sĩ chuyên về ung thư tại Quận Cam đã cho biết bà có một bệnh nhân ung thư qua sự điều trị của bà, đã không chết vì ung thư mà chết vì một loại thuốc được quảng cáo trên báo chí và truyền hình, không qua ý kiến của bác sĩ, vì quá tin tưởng mà dùng quá độ.
Nhiều khách tiêu dùng đã củng cố lòng tin của mình đã lập luận, “thuốc không hay sao trên đài phát thanh và truyền hình người ta khen dữ vậy”, “thuốc không hay sao người này khen, bà nọ giới thiệu, ông kia tán dương!” Cuối cùng họ đem số phận và sức khỏe của mình thử thách cùng một loại nghệ thuật quảng cáo rất tầm thường nhưng có mãnh lực thu hút và nhồi nhét ý niệm rất mạnh mẽ! Cũng cùng mục đích “chẳng qua vì tiền”, nhưng người khôn quảng cáo cho cái chai thuốc gội đầu, còn người dại kêu gọi người ta bỏ viên thuốc vào miệng.(*) Người xưa có nói: “Làm thầy thuốc lầm thì giết một người,” chuyện này chỉ xảy ra giữa hai người, ông thầy thuốc và bệnh nhân, nhưng làm thầy thuốc, mách nước cho cả nghìn người trên truyền hình, nếu lầm, thì giết cả trăm họ.
Trong luật pháp, “Khai quả quyết một việc không có thật, cũng như chối hẳn một việc có thật là không có cũng bị coi là làm chứng gian”. Trong ý niệm này, “tôi quả quyết tôi đã dùng thuốc này là một việc không có thật” – mà “một việc có thật mà tôi đã từ chối không nói, là tôi chưa hề dùng qua thuốc này!”
Nhưng làm chứng gian tại tòa án thì lãnh án tù, làm chứng gian trên báo chí, phát thanh truyền hình thì không ai bắt tội. Có một ông chánh án tên gọi là “lương tâm” thì không có da có thịt, vì ông vô hình, cũng không có răng để “cắn rứt” ai, và người ta thường nại lý do là: “ông đi vắng!”
Huy Phương
————————
(*) Điều Răn thứ 8 trong số 10 Điều Răn tân thời dành cho người tiêu thụ khôn ngoan:
8. Con Phải Hoài Nghi Tất Cả Các Quảng Cáo Và Khoe Khoang Tiếp Thị
(Thou Shalt Be Skeptical of All Advertising and Marketing Claims) trích từ
http://www.today.com/money/ten-commandments-being-smart-consumer-331828

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét