Anh Vũ, thông tín RFA
Hiện nay ở Việt nam, hoạt động của tổ chức Diễn đàn Xã hội Dân sự đã và đang gây sự chú ý của dư luận. Đâu là thách thức, cơ hội, khó khăn của Diễn đàn XHDS và người dân ở Việt nam có hy vọng, mong muốn gì ở Diễn đàn này?
Xã hội Dân sự
Xã hội Dân sự (XHDS) là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...trước hết nhằm hỗ trợ nhau, giúp đỡ người khác hay thực hiện mục đích chung mà những người gia nhập cùng hướng đến.
Các tổ chức Xã hội Dân sự có đặc tính chung là các tổ chức hoạt động độc lập và không chịu sự chi phối của Nhà nước vì không nhận kinh phí nào và do đó không bị nhà nước kìm chế. Thông qua các tổ chức Xã hội Dân sự, ở đó người tham gia hầu như không chịu bất cứ ràng buộc gì đối với tổ chức, ngoài sự tình nguyện, để đóng vai trò cá nhân của mình thông qua các tổ chức Xã hội Dân sự.
Ở Việt nam, sự xuất hiện mới đây của Diễn đàn XHDS mà theo ông Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS hiện là thành viên ban trị sự của diễn đàn này nói rằng với mục đích để “trao đổi và tập hợp các ý kiến góp phần chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”.
Cũng theo TS Nguyễn Quang A thì Diễn đàn XHDS không phải là một tổ chức đơn thuần như nhiều người nghĩ, mà Diễn đàn XHDS là một tập hợp của các phong trào, các tổ chức và các cá nhân trên một cơ sở chung một mục đích, nguyên tắc.
Ông Nguyễn Quang A nói:
-Diễn đàn XHDS không phải là một tổ chức theo nghĩa cố điển của tổ chức. Mà nó là tập hợp của những người, những tổ chức hay các phong trào tham gia vào một diễn đàn. Các tổ chức, phong trào, con người ấy độc lập và tự trị lẫn nhau nhưng có chung một mục đích, nguyên tắc hoạt động, ủng hộ và hỗ trợ lẫn nhau.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Quang A nhấn mạnh rằng Diễn đàn XHDS cũng không phải là nơi hội tụ của các tổ chức, phong trào hay các cá nhân. Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Quang A giải thích
“Nói là tụ điểm có lẽ là không đúng, mà chúng tôi không muốn nó là một tụ điểm. Mà muốn nó thuần túy là nơi để gặp gỡ, để trao đổi cũng như là khuyến khích các hoạt động đa dạng khác nhau. Không chỉ là các hoạt động trao đổi ý kiến, mà có thể là các hoạt động thiết thực nhằm phục vụ sinh kế của người dân để cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ, để cải thiện môi trường v.v…”
Trước mắt Diễn đàn XHDS có mục tiêu sẽ lôi kéo nhiều thành phần xã hội khác nhau tham gia, chứ không chỉ đơn thuần là lực lượng trí thức. Với mục đích tạo dựng các hoạt động, các dự án để người dân cùng tham gia để làm lợi cho người dân, cho xã hội và cho cả nhà nước trong việc hoạch định các chính sách kinh tế xã hội nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Quan trọng hơn Diễn đàn XHDS là môi trường để thông qua đó khuyến khích người dân sử dụng những quyền tự nhiên hay các quyền được hiến định của mình, mà không cần phải xin hay đợi ai cho phép. Cụ thể là các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa kể cả tự do ngôn luận…TS. Nguyễn Quang A cho biết:
“Tất cả mọi người sử dụng quyền tự nhiên của mình, quyền được hiến định của mình. Bất luận và không cần phải xin phép ai và đợi ai cho phép, vì đó là quyền của mình thì người dân cứ tiến hành thực thi. Và bản thân Diễn đàn XHDS cũng sẽ thực hiện những quyền của mình ”
Hạn chế, khó khăn của Diễn đàn XHDS
Hạn chế, khó khăn của Diễn đàn XHDS
Ngoài những hạn chế do Diễn đàn mới ra đời, có ít người biết đến và trang thông tin của Diễn đàn XHDS bị chính quyền chặn nên rất khó truy cập. Nói về các thách thức của Diễn đàn XHDS, TS. Nguyễn Quang A nói với chúng tôi
-“Thách thức thì rất nhiều, thứ nhất là nguồn lực con người, thời gian, trí tuệ của những người tham gia hiện thời thì hạn hẹp, các cơ quan nhà nước thì cản trở. Các phương tiện để truyền bá chưa được rộng rãi cho lắm và những người tham gia vào diễn đàn này có thể có nguy cơ bị nhà nước sách nhiễu, kể cả chuyện có khả năng tù tội”
Tuy mới ra đời nên thiếu sự sâu rộng do đó Diễn đàn XHDS cũng có những hạn chế nhất định song Diễn đàn XHDS đã nhận được sự quan tâm theo dõi của nhiều người dân, thuộc mọi thành phần khác nhau.
Ông Nghiêm Việt Anh một Kỹ sư xây dựng và là thành viên của Mạng lưới Blogger VN ở Hà Nội cho chúng tôi biết nhận xét của ông về Diễn đàn này:
- “Sự hiện diện của Diễn đàn XHDS đánh dấu sự tiến bộ của tiến trình chính trị Việt nam, nó có tác động tới các phong trào sẵn có của anh em trí thức như: Mạng lưới bloggers, Phụ nữ Dân chủ… Theo tôi do diễn đàn này mới xuất hiện nên chưa có nhiều sự sâu rộng trong quần chúng để mình đánh giá”
Kỹ sư Nghiêm Việt Anh cũng bày tỏ mong muốn, điều mà ông hy vọng vào Diễn đàn XHDS:
“Tôi nghĩ hiện tại họ không phải là một tổ chức, mà họ là một Diễn đàn tập hợp các trí thức hiện nay ở Việt nam. Nhưng tôi nghĩ tiến tới, để có một tương lai hay có sự tác động mạnh mẽ của không khí chính trị Việt nam thì họ phải là một tổ chức. Một tổ chức đương đầu và phải chịu trách nhiệm về hành động của họ trước đất nước và dân tộc.”
Từ Sài gòn, ông Phạm Minh Hoàng một cựu tù nhân lương tâm cho rằng nên hiểu đúng về Diễn đàn XHDS, đây là một công cụ cần thiết nếu chính quyền vẫn có chủ trương để cho dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Theo ông Phạm Minh Hoàng thì do tính độc lập không phụ thuộc vào chính quyền nên Diễn đàn XHDS là môi trường phản biện để giúp cho chính quyền nhà nước trong việc hoạch định các chính sách kinh tế xã hội nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Minh Hoàng nói
-Hoạt động khởi sắc này là một điều tốt, làm cho nhà nước thấy rằng chúng ta vạch ra cho họ một con đường cùng nhau giải quyết vấn đề đã quá lâu, đã gây quá nhiều đau khổ. Tôi mong mỏi trong tương lai có sự tham gia của các trí thức hiện đang làm việc trong bộ máy nhà nước, bộ máy đảng. Họ đang làm việc nên sự đóng góp của họ cụ thể hơn và nếu chúng ta vừa đa dạng hóa về sinh hoạt vừa đa dạng về thành phần thì đây là điều hết sức tốt.
Xã hội Dân sự là tổng thể các quan hệ giữa các tổ chức xã hội được hình thành và hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ trong khuôn khổ pháp lý mà không chịu sự chi phối của nhà nước. Nó chỉ nhằm phối hợp với nhà nước để kiểm soát và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước hoàn thiện và duy trì, nhằm bảo đảm sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của nhà nước và của xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét