Tưởng Năng Tiến
Ban ngày soi đuốc để tìm
Một người tử tế mà tìm không ra
Chủ nghĩa xã hội nước ta,
Thật là tốt đẹp sinh ra lớp người
Hễ trông thấy của là hôi.
Hà Long
Ngày 5 tháng 12 năm 2013, đài truyền hình VTC News buồn bã loan tin: Hôm qua, tại TP Biên Hòa – Đồng Nai, khi chiếc xe tải chở bia bị lật, người dân đã túa ra tranh cướp bia, thậm chí còn lấy cả xe ba gác đến để chở bia về nhà mặc cho tài xế van xin.
Tình trạng hôi của trong tai nạn đang diễn ra ngày càng phổ biến. Đã có nhiều lần, khi chiếc xe khách bị nạn, thay vì cứu nạn nhân, nhiều người dân đã lao vào tranh cướp tài sản của những nạn nhân đang hấp hối. Hành vi này được xem là mọi rợ trong một thế giới văn minh.
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết thêm chi tiết: Những người “hôi của” tranh nhau giành giật các thùng bia còn nguyên bị rớt xuống đường và thu gom các lon bia văng ra khỏi thùng. Trong đó, nhiều người lấy cả những thùng bia còn nguyên vẹn, một số người thì lấy túi đựng số lon bia lẻ...
Hình ảnh thiên hạ nhặt nhạnh những lon bia rơi vãi khiến tôi chợt thấy có chút gì ái ngại, và không khỏi liên tưởng đến cảnh những anh bộ đội với con búp bế cầm tay, hay cái khung xe đạp vác vai - sau ngày “cách mạng tiếp quản” miền Nam. Vùng đất này, khi thất thủ, không chỉ mất đi vài con búp bê hay mấy cái khung xe đạp.
- Những gì mà Cách mạng lấy được của “nhà giàu” trên toàn miền Nam được liệt kê: “Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam; 134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)...; vàng: 7.691 lượng; hạt xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167 thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn tấn phân; 8.000 tấn hóa chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc; 96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
- “Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị “đánh” ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ “tư sản thương nghiệp”, 13.923 hộ “trung thương”. Những tháng sau đó có thêm 835 “con phe”, 3.300 “tiểu thương ba ngành hàng”, 4.600 “tiểu thương và trung thương chợ trời” bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.”(Sđd, trang 90).
Nhân nói về vàng, tưởng cũng nên nhắc đến 16 tấn vàng đã không cách mà bay từ Ngân Hàng Quốc Gia của chính quyền miền Nam. Sự kiện này nếu không thể gọi là “hôi của” thì e cũng khó có từ ngữ nào thích hợp hơn, ngoài hai chữ... cướp của. Vàng còn “bay” mà từ túi của từng người dân không may, trong cơn quốc biến. Chỉ riêng về số lượng bị coi như là thất thu (vì cán bộ thu nhưng không trình) đã được ghi nhận như sau, tại một số những địa phương có tổ chức vượt biên chính thức – bán bãi thu vàng - hồi cuối thập niên 1970:
Hậu Giang, 4.866 lượng; Minh Hải, 48.195 lượng; Bến Tre, 3.789 lượng; Cửu Long, 27.000 lượng; Nghĩa Bình, 27.000 lượng; Phú Khánh, 10.987 lượng; Thuận Hải, 1.220 lượng; An Giang, 1.445 lượng”. (Sđd, trang 129).
Trong hoàn cảnh phải bỏ của chạy lấy người của hàng triệu người dân Việt thì cùng với chuyện “chung vàng,” họ còn phải “hiến xe,” “hiến hãng xưởng,” “hiến nhà cửa” cho “cách mạng.” Những kẻ đã nhận, và sống trong những căn nhà này, nên gọi họ là bọn “hôi của” hay “cướp của”?
Và những vụ cướp ngày (trắng trợn) tương tự đâu phải chờ đến năm 1975 mới xảy ra, ở miền Nam:
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó...
Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được.
Câu chuyện của gia đình Trịnh Văn Bô cũng chưa cay đắng bằng gia đình bà Nguyễn Thị Năm, nổi tiếng với tên gọi Cát Hanh Long, một nhà tư sản vào hàng nhất nhì miền Bắc. Cũng như nhiều nhà tư sản khác, ba mẹ con bà Nguyễn Thị Năm đã hăm hở ủng hộ phong trào Việt Minh từ tháng 5-1945. Bà đã từng vận động bạn bè và tự mình mua tín phiếu Việt Minh, mua vải đỏ, vải vàng may cờ đỏ sao vàng, ủng hộ tiền, gửi thuốc men, thóc gạo, dụng cụ ấn loát lên Chiến khu Việt Bắc...
Ở Thái nguyên, bà Năm tích cực tham gia công tác phụ nữ và được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và là Ủy viên Liên khu Hội Phụ nữ. Thế nhưng, khi cải cách ruộng đất, bà Nguyễn Thị Năm bị quy là địa chủ và bị gán tội “Việt gian – Quốc dân Đảng” rồi trở thành một trong những địa chủ đầu tiên bị xử bắn. (Sđd, tập II, trang 204 - 206).
Ít nhất thì người dân Biên Hòa cũng đã không bắn giết ai, sau khi “hôi” những lon bia rơi vãi đầy đường. Khi hối hả thu nhặt “chiến lợi phẩm,” họ có thể dẵm lên những lon bia dập nát nhưng chắc chắn là đã không dẵm lên những xác người (chết hàng loạt vì tầu bị đánh đắm ngay khi vừa nhổ neo) để moi vàng trong thi thể của kẻ vượt biên xấu số - theo như lời tường thuật của thuyền trưởng tầu CSG92, C/N 2009/09.
Không những thế, bốn ngày sau, hôm 8 tháng 12 năm 2013, địa phương này đã có người dựng lên một tấm băng rôn, với dòng chữ như sau: “Là người Biên Hòa, là người Việt Nam tôi thấy xấu hổ cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4.12”
Báo Dân Trí ghi nhận: “Đây là một lời xin lỗi chung cho cả cộng đồng, một sự thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội, một sự đánh thức lòng tự trọng cho mọi công dân.”
Bao giờ thì dân Việt sẽ nhận được “một lời xin lỗi chung” tương tự, từ giới lãnh đạo của ĐCSVN, sau khi họ đã thực hiện hàng trăm ngàn vụ hôi của (và cướp của giết người) ở xứ sở này?
Theo Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng Văn phòng luật Triệu Dũng và cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì hững hành vi công nhiên chiếm đoạt tài của những người dân “hôi của” sẽ bị khởi tố hình sự theo quy định tại điều 137 Bộ luật Hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 137, Bộ Luật Hình sự Việt Nam sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định:
Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ông Dũng này khiên tôi nhớ đến câu nói để đời của một vị luật sư khác, tăm tiếng (và tai tiếng) hơn nhiều bà Ngô Bá Thành: “Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét