Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Câu chuyện về hai người đàn ông


Đoàn Dựghi chép

Thưa quý bạn, không hiểu ở nước ngoài thế nào, còn ở trong nước người ta ít có thiện cảm với những người “bóng” (thường gọi là pê-đê, do chữ pédéraste trong tiếng Pháp là người đồng tính mà ra, còn “bóng” là tiếng Việt, do hai tiếng “đồng bóng” tức người có tính chất giống như người lên đồng), dù đó là bóng nam (gay) hay bóng nữ(lesbian). Tôi cũng vậy, tôi vừa sợ vừa không có cảm tình, gần như không ưa họ. Tại sao lại không ưa? Tại tôi có thiên kiến, thấy đa số họ có điều gì đó không bình thường khó chấp nhận được, cứ tránh xa họ ra là tốt hơn cả.
Nhưng nghĩ cho cùng, lỗi không phải tại họ mà do trời sinh ra như vậy. Cha mẹ sanh ra, lớn lên làm người, ai chẳng muốn mình hay, mình tốt hoặc ít nhất thì cũng bình thường như mọi người khác, chứ đâu có ai muốn mình “pê-đê”, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ, luôn luôn bị mọi người khinh thị. Sau đây tôi xin trình bày hầu quý bạn lời kể của Lâm Chí Khanh, một ca sĩ “bóng” đã đi chuyển giới tại Thái Lan và trở thành một nữ ca sĩ đẹp nhất trong số các ca sĩ chuyển giới tại Sài Gòn hiện nay. Với lời kể của Lâm Chí Khanh, quý bạn sẽ hiểu rõ tâm trạng của dân “bóng” như thế nào, họ đáng thương hay đáng trách, việc giải phẫu đau đớn khủng khiếp ra sao và nếu gia đình khá giả, chuyển giới tại Thái Lan thì tốn kém bao nhiêu v.v... (Việt Nam chưa có chuyển giới vì pháp luật chưa cho phép).

Ngoài ra, một vấn đề khác là ở Việt Nam hiện nay, không hiểu tại sao con người lại trở thành tàn nhẫn không thể tưởng tượng được. Vay nợ của người ta không có tiền trả cũng lừa người ta tới nhà rồi chém cả hai vợ chồng người ta. Vợ ghen với chồng, chém chết chồng; chồng ghen với vợ, chém chết vợ, chẳng ra sao cả. Tuy nhiên, có một người con gái kể lại câu chuyện của cha mình. Anh này ít học, làm nhân viên bảo vệ trong một cơ quan với số lương ít ỏi, thấp kém hết sức so với vợ, nhưng anh ta đã nhường nhịn, sống chịu đựng và lặng lẽ ngoài sức của con người rồi mọi chuyện trở thành êm đẹp. Đây là những chuyện có thật, xin mời quý bạn xem xét.

I. Câu chuyện thứ nhất: Tâm sự của một ca sĩ chuyển giới
Sinh ra trong một gia đình có 4 người con trai, tôi nhận ra những cái khác lạ trong con người tôi từ khi còn rất nhỏ. Tuổi thơ của tôi, cũng như bao đứa trẻ ngây ngô khác, trong vắt như tiếng gió chiều thổi vào chiếc chuông gió treo trên hiên nhà, mặc cho bên tai không ngớt những lời gièm pha: “thằng bé đó mái mái”, “thằng bé đó chẳng ra con trai cũng chẳng ra con gái” v.v... Cha mẹ tôi hiền lắm, thấy con như vậy thì chỉ im lặng chứ không khi nào rầy la, mắng mỏ. Cũng có đôi lần, mẹ nhìn tôi rồi bối rối quay đi. Tôi hiểu rằng đằng sau sự im lặng ấy có những giọt nước mắt và mẹ đau lòng. Cha tôi thì thường đăm chiêu, khe khẽ thở dài.
Ngờ ngợ là như thế thôi chứ tôi còn nhỏ, đâu có biết gì. Con nít, đứa nào tóc dài là con gái, đứa nào tóc ngắn, đầu đinh hay ngắn cũn cỡn là con trai chứ làm gì biết những chuyện rắc rối nọ kia.
Nhưng rồi tôi cũng lớn, đã lớn là phải khôn dần ra. Suốt những năm niên thiếu, tôi luôn sống trong nỗi ám ảnh rằng có cái gì đó bị giam hãm trong cơ thể tôi. Cũng có nhiều người khen nét mặt tôi thanh tú, những ngón tay thuôn dài “cứ như tay con gái”. Tôi cười gượng gạo, nước mắt muốn chảy ra. Mười tám tuổi, tôi bắt đầu sống khép kín.


Học xong phổ thông, tôi đi hát. Chút năng khiếu từ thuở nhỏ của tôi đã khiến cha mẹ tôi tin tưởng và đồng ý cho tôi theo nghiệp cầm ca. Tôi hát không vì cầu mong nổi tiếng, không vì tiền bạc, không vì danh vọng, xa hoa. Gia đình tôi khá giả, những thứ ấy cha mẹ tôi có thể đem đến cho tôi được. Tôi hát, bởi vì dưới ánh đèn sân khấu, mặc dầu có vẻ phù phiếm và đầy giả tạo nhưng đổi lại, nó cho tôi được một chút an lành. Những lúc đứng trên sân khấu tôi tự quên đi mình là ai, quên đi cái thân phận tầm gửi, con trai mà xác thân dường như lại là người khác. Mặc dầu trên sân khấu tôi phải gồng mình diễn vai đàn ông sao cho đạt nhất nhưng tôi sợ lắm, sợ cái cảm giác “đóng vai con trai” sẽ bị người ta khám phá ra khi biết tôi phái nam chẳng phải phái nam, phái nữ chẳng phải nữ. Cứ như thế, tôi phập phồng đeo đuổi nghề ca hát.
Sống trong giới nghệ sĩ giúp tôi quen biết được nhiều người. Những kẻ như tôi không có gì là lạ. Chúng tôi co cụm lại với nhau, tự bảo vệ cho nhau tránh những thị phi, đàm tiếu. Những năm về trước, người ta nhìn chúng tôi với ánh mắt kỳ thị hơn là thông cảm. Mà trách ai bây giờ? Thôi thì đành trách ông trời. Những lúc cay đắng cùng cực, chúng tôi ôm nhau khóc. Đắng cay chưa làm thành giọt nước mắt, chưa rơi xuống má thì chúng tôi đã vội lau khô cho nhau. Phải như thế, phải tập rèn cho mạnh mẽ mới sống tiếp được, nếu không thì sẽ tự tử. Bạn bè tôi đã có người tìm đến cái chết, vài người bỏ cuộc rồi cũng chọn cách ra đi như vậy. Xót xa, oán trách nhưng biết làm sao khi trời sinh ra mình là “bóng” - như nhánh lục bình trôi dạt trên giòng nước dữ, chẳng bị nhấn chìm thì cũng bị dập nát tả tơi. Rất nhiều người gặp trường hợp bị chính gia đình mình chối bỏ. Không có người thân, không có lẽ sống, sự cô đơn, kiệt quệ dễ khiến người ta nghĩ đến cái chết để được giải thoát.
Mà đời đã buồn thì tình lại càng buồn hơn. Tình “bóng”, hạnh phúc như sương giữa trời, như làn nắng hửng, nắm víu không được lại còn tan biến rất mau. Vài người đã đi qua đời tôi, ngọt ngào cũng lắm mà dư vị lúc chia tay lại càng mặn chát. Mối tình đầu tiên của tôi kéo dài 5 năm. Năm năm! Tôi yêu như điên như dại, mãnh liệt và luôn phập phồng lo sợ. Tôi sợ rằng một sớm mai nào đó, mở mắt ra, người bạn tình bỗng dưng biến mất trong khi bên cạnh còn rõ vết nằm. Tôi không cần biết người ta đến với tôi vì thương yêu tôi thật tình hay vì một cái gì khác. Tôi chỉ cần được yêu là đủ. Mà ngay cả chính bản thân, tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mình không thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn cho một người phái nam thực thụ, hết thời gian nào đó, họ sẽ ra đi, sẽ lập gia đình với một cô gái mà đời công nhận đấy là con gái. Đổ vỡ chập chờn trong những ân ái ngại ngần. Bi kịch ở chỗ tôi không có quyền níu kéo một ai cả.
Một lần. Hai lần. Ba lần... Chia tay. Đợi chờ. Hy vọng. Rồi lại tuyệt vọng. Không ai đã ra đi mà quay trở lại. Ngày người yêu của tôi lấy vợ, tôi muốn vứt bỏ tất cả để lao đến, phá tan tành cái đám cưới, giành giật lấy người đã từng là người yêu của tôi. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng ngay người có thân phận bình thường còn chả dám làm huống chi một kẻ như tôi. Tôi rơi vào cơn trầm cảm tối tăm. Tôi hận mình, hận đời, hận trời. Tôi muốn tìm đến cái chết. Chao ôi, tôi biết sống làm sao, biết than thở với ai khi tuyệt vọng chỉ toàn là tuyệt vọng. Nhưng ba mẹ tôi thương tôi, các anh em tôi – chúng tôi có 4 anh em đều là con trai – thương tôi, che chở tôi, tôi không thể hủy hoại thân mình dù phải sống trong những chuỗi ngày dằn vặt.
Ngày ấy, nghe người ta nói phong thanh y học có thể giải phẫu nam thành nữ. Tôi như không tin vào lỗ tai mình. Tôi cuống cuồng đi tìm hiểu, hỏi han người nọ người kia. Biết điều đó là sự thật tôi bắt đầu nung nấu ước mơ.
Lần đầu tiên kể từ khi biết mình lệch lạc giới tính, tôi có đủ can đảm nói thẳng với bố mẹ. Lồng ngực tôi như muốn vỡ tung. Tôi run run cất lời: “Con muốn phẫu thuật để trở thành phụ nữ thực sự ba má ạ”. Mẹ tôi không giấu nổi sự kinh hoàng, còn cha tôi thì im lặng nhìn tôi. Chỉ vài phút thôi mà tôi như ngộp thở. Cha tôi thở dài, bao dung nhìn tôi rồi hỏi: “Con đã nghĩ kỹ chưa? Làm phẫu thuật chuyển giới hại tới sức khỏe dữ lắm mà cũng mắc tiền lắm. Con có để dành được chút nào không?”. Tôi òa lên khóc, nước mắt ở đâu cứ vỡ ra, nhạt nhòa tuôn chảy như suối: “Con để dành được khoảng hơn hai chục ngàn đô la”. “Chưa đủ. Ba nghe nói muốn chuyển giới ở bên Thái Lan phải tốn ít nhất từ 30 ngàn tới 60 ngàn đô. Nhưng thôi, được, cái chính là con đã suy nghĩ kỹ, số còn lại thì ba sẽ lo”. Tôi mừng rỡ. Như vậy là ba tôi đã đồng ý, mà ba tôi đồng ý tức là mẹ tôi cũng đồng ý. Tôi cám ơn Chúa đã cho tôi có được cha mẹ thương tôi, thông cảm với tôi như vậy.
Những ngày sau đó tôi tìm đến bác sĩ để xin tư vấn. Ông khuyên tôi nên suy nghĩ thật kỹ, bởi vì sau cuộc đại phẫu, tuổi thọ sẽ giảm đi ít nhất là 10 năm, chưa kể hết sức đau đớn, và để chuẩn bị cho việc chuyển giới, tôi phải tiêm đủ loại hormone trong một thời gian rất dài, ấy là trường hợp nếu thể trạng tôi phù hợp, cuộc giải phẫu sẽ thành công, chứ nếu không thành công thì rất rắc rối, có thể chết.
Tôi sợ lắm, nhưng người yêu hiện tại của tôi đã sát cánh bên tôi. Anh nhỏ nhẹ khuyên nhủ: “Nếu em sợ thì đừng làm, lỡ có chuyện gì thì người ân hận sẽ chính là anh. Trong mắt anh, dù chuyển giới hay không chuyển giới em vẫn là em”. Những lời nói đó khiến tôi có thêm can đảm. Gần 30 năm, lúc nào tôi cũng khát khao mỗi tối trước khi đi đâu tôi được tô son điểm phấn, xúng xính váy áo đầm, mỗi sáng mở mắt ra sẽ được vấn tóc, soi gương. Nói ra thì thật tức cười nhưng những mơ ước thầm kín ấy là thật và nó luôn thôi thúc tôi, dần dần lớn lên trong tâm hồn tôi.
Tôi quyết định bắt đầu xin bác sĩ tiêm hormone. Mỗi tuần tôi phải đến bác sĩ để tiêm một mũi hormone. Vết tiêm này chưa lành, chưa hết đau thì mũi tiêm khác đã chồng lên. Thứ hormone làm gia tăng nữ tính ấy khiến tôi ngầy ngật, khó chịu vô cùng. Tuy vậy những thay đổi dần dần của cơ thể khiến tôi đủ niềm tin để chống chọi với sự đau đớn.
(Chú thích: Đây là hormone “nữ tính” oestrogène hay folliculine. Một thanh niên nếu được chích oestrogène thì giọng nói sẽ thanh tao “giống như con gái”, râu sẽ rụng đi và dáng điệu sẽ dịu dàng thùy mị v.v... Còn một cô gái nếu được chích hormone “nam tính” testostérone hay testiculine thì râu sẽ mọc ra, giọng nói ồm ồm, thân hình và cử chỉ sẽ “giống như con trai”. Những thứ hormone này (trước năm 75 ở miền Nam kêu là kích thích tố) rất mắc tiền, Việt Nam chưa chế tạo được. – ĐD).


Ròng rã suốt 2 năm trời tiêm hormone liên tục, cuối cùng cái ngày ấy cũng đã đến. Bác sĩ thông báo tôi đã sẵn sàng cho cuộc đại phẫu. Tôi giấu nhẹm gia đình việc mình sắp sang Thái Lan vì sợ cha mẹ lo lắng. Đặc biệt là mẹ tôi, dù mẹ đồng ý nhưng tôi hiểu, nỗi lo lắng sẽ làm mẹ khóc hết nước mắt, đến đau ốm mất.
Hôm xuống sân bay Thái Lan, người yêu nắm chặt tay tôi, truyền cho tôi sự tin tưởng. Nếu thành công, tôi sẽ được làm phụ nữ, sẽ danh chính ngôn thuận được anh dắt tay đến Thánh đường thề nguyền hạnh phúc. Để có được ngày huy hoàng đó, tôi phải can đảm, phải mạnh mẽ gấp ngàn lần.
Phẫu thuật chuyển giới thường chia làm 2 giai đoạn. Phẫu thuật phần trên và phẫu thuật phần dưới. Nhưng tôi quyết định thực hiện luôn một lần. Lý do rất đơn giản là, theo tôi nghĩ, thà đau đớn một lần rồi thôi chứ tôi sợ sau khi trải qua nỗi đau đớn của giai đoạn phẫu thuật phần trên, tôi sẽ không còn đủ can đảm để tiếp tục thêm một giai đoạn nữa.
Ý định của tôi được bác sĩ chấp thuận. Ngày tôi đắp chiếc khăn trắng toát để chuẩn bị được đưa vào phòng mổ, bao nỗi sợ hãi ghê gớm bao trùm. Tôi sợ thiếp đi xong, mình sẽ không bao giờ tỉnh lại được nữa; tôi sợ nếu phẫu thuật không thành công, tôi sẽ phải mang cái hình dáng đàn ông suốt đời, và tôi cũng sợ mũi kéo đường kim có gì sơ suất, thân hình tôi... như con ma, khán giả sẽ kỳ thị, không còn yêu thương tôi nữa. Thế rồi tôi lịm đi sau khi thuốc mê đã có tác dụng.

 
Không biết bao nhiêu lâu tôi cũng không hiểu nữa, đến khi tỉnh lại, mở mắt, điều đầu tiên tôi nhận thấy là gương mặt đầy lo âu của người yêu. Tôi đã được đưa ra phòng hậu phẫu gắn máy lạnh. Căn phòng tôi nằm dìu dịu ánh đèn. Trên tường là những tấm gương. Tôi muốn ngồi dậy để nhìn xem mặt mũi mình ra sao nhưng toàn thân đau âm ỷ. Hai tay tôi chằng chịt đầy những ống nhựa liên lạc với các kim truyền máu, truyền nước biển, truyền các loại dịch và hút các loại dịch. Tôi nghiêng mặt sang bên để tự nhìn ngắm mình rồi tôi bật khóc. Tôi đã thành công, nước mắt chảy ra là để khóc cho nỗi đau thân thể và khóc cho niềm hạnh phúc mà tôi đã phải đánh đổi quá lớn bằng sự hy sinh của mình. Những dòng nước mắt đó tôi không thể nào quên được, suốt đời tôi không thể nào quên được.
Hơn một tháng sau đó tôi vẫn phải nằm lại bên Thái Lan để làm một số tiểu phẫu hoàn thiện. Cơn đau đớn từ cuộc đại phẫu vẫn không thôi hành hạ tôi như có hàng ngàn hàng vạn mũi dao luôn cắt vào da thịt mình đau nhói. Chỉ cần trở mình hay hơi nhúc nhích một chút cũng là nỗi kinh hoàng. Tôi không thể diễn tả được những cơn đau đớn ấy vì chỉ cần nghĩ đến là tôi đã thấy rùng mình kinh sợ.
Đến tháng sau nữa rồi tháng sau nữa nằm bên Thái Lan mọi thứ mới dần dần ổn định. Tôi sẽ phải phụ thuộc vào những mũi hormone gia tăng nữ tính từ đây cho đến hết đời. Nhưng không sao, tôi đã là phụ nữ, dù có phải sống chung với những cơn đau ập đến bất chợt mỗi khi trái gió trở trời, dù có phải chết sớm 10 năm hay hơn nữa, và dù có phải đối mặt với những biến chứng chưa thể lường trước được, tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc – cái hạnh phúc rất đáng để một người lỡ sinh ra làm thân “bóng” như tôi đánh đổi.

II. Câu chuyện thứ hai: Cha tôi
Tôi đã từng không gần gũi cha mình suốt thời thơ ấu cho dù sống chung dưới một mái nhà. Có thể con cái thường theo mẹ và mẹ tôi là người đàn bà sắc sảo, thông minh, nên bà có cách để thu hút các con vây quanh bà hơn là vây quanh người cha hiền lành, thô thiển, hơi ít nói như cha tôi.
Cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi không mấy hợp nhau. Điều đó tôi lờ mờ cảm nhận từ ngày còn bé, và rõ rệt hơn khi tôi lớn lên đã biết nhạy cảm với mọi thứ chung quanh. Cha tôi không có bằng cấp, học vị gì cả. Cha bị kêu đi bộ đội, về, phục viên, và cũng nhờ mẹ lo lót mà được vào làm bảo vệ ở cơ quan nơi mẹ làm việc. Công việc đã vất vả mà lại phập phù, lương bổng ít oi. Địa vị cũng như việc làm bảo vệ của cha thấp kém xa so với mẹ, vì thế nên cha giữ gìn ý tứ ở cơ quan cũng như với hàng xóm láng giềng; cha ít giao thiệp, sống thu mình, lặng lẽ và ít bạn bè. Cha không bao giờ đàn đúm, nhậu nhẹt như phần lớn các ông chồng khu phố huyện nơi tôi ở. Sau này, khi đã trưởng thành tôi mới hiểu có lẽ do bị mặc cảm trước mẹ – một người phụ nữ mà cha hết lòng yêu thương và tôn thờ – nên cha sống co lại, dồn hết tình cảm để lo chăm sóc cái gia đình bé nhỏ của mình sao cho được yên lành, êm ấm.
Hầu như lịch trình công việc hằng ngày của cha là khi xong công việc ở cơ quan, sáng sớm cha trở về nhà, tranh thủ lo việc chợ búa, nấu nướng, quét dọn, giặt giũ thay cho mẹ. Cha giành lấy hết mọi công việc nặng nhọc trong nhà lẫn công việc nội trợ thường dành riêng cho phụ nữ. Thậm chí cha còn làm việc thay cho các con. Cha mở rộng khoảnh vườn để trồng rau và nuôi gà để lấy trứng cải thiện bữa ăn cho gia đình. Tính nết cha như vậy, yêu vợ, chiều con và tôn thờ cuộc sống của vợ con.
Mẹ tôi là nhân viên kế toán trong một cơ quan nhà nước, công việc tuy không quá bận rộn nhưng cũng hết 8 tiếng trong một ngày. Thu nhập của mẹ tuy không nhiều nhưng so với đồng lương bảo vệ ít oi của cha thì rất khá, đủ để trang trải cho các con ăn học.
Công việc của cha là làm bảo vệ, tuần này làm ca ngày thì tuần sau làm ca đêm. Giờ giấc đảo lộn, vì thế cha và mẹ không mấy khi gần nhau, không đi chơi cùng nhau, thậm chí khi tôi lớnlên, không khi nào thấy cha mẹ ngủ chung với nhau. Cha ngủ riêng một giường ở phòng ngoài, còn mẹ và các con ngủ trong buồng trong. Chúng tôi, những đứa trẻ vô tâm, hồnnhiên quấn lấy mẹ từ đứa bé đến đứa lớn, không tạo điều kiện cho cha có những lúc riêng tư cùng mẹ. Giữa cha với mẹ cứ như có một khoảng cách mà theo thời gian ngày một rộng ra.
Đã nhiều lần tôi muốn ngồi riêng với cha, hay muốn cùng cha đi chơi đâu đó để được trò chuyện với cha, đem những thắc mắc trong lòng nói với cha một lần cho hết. Nhưng mà sao mỗi lần định nói với cha tôi lại ngại. Cha ít chuyện trò với các con. Tính cha trầm lặng, ít khi gây cho vợ con một đều gì đó bất ngờ kể cả việc vui vẻ, song cũng không bao giờ nặng lời với vợ con. Cha cần mẫn và yêu thương, dành hết tình cảm cho gia đình của mình.
Tất nhiên cũng phải có thời gian trải nghiệm thì chúng tôi mới hiểu lòng cha và nhận ra điều đó. Mẹ lại khác. Mẹ luôn mang đến những niềm vui bất ngờ cho các con. Mẹ biết cách chiều chuộng, làm cho các con vui bằng những món quà nho nhỏ. Lúc bé, đó là những viên kẹo xanh xanh đỏ đỏ. Lúc lớn, đó là quần áo, giày dép. Mẹ mê hoặc chúng tôi với một thế giới sống động mà mẹ mang từ ngoài phố hay ở cơ quan về. Nhiều lần tôi đã thủ thỉ hỏi mẹ, mẹ ơi, sao bố mẹ không bao giờ đi chơi với nhau, không chở nhau đến nhà cô bác chú dì, mà khi có công chuyện gì thì thường cha đến trước, mẹ đến sau, hay ngược lại, mẹ chở các con đến trước, cha đến sau một mình. Sao bố mẹ không ngủ chung một giường như bố mẹ các bạn của con? – Mẹ thường lẩn tránh những câu hỏi đó và mắng át đi: “Không có gì để hỏi nữa hay sao?”.
Chúng tôi không hiểu gì hết. Cho đến một ngày, tôi thấy trong túi xách của mẹ có những bức thư của ai đó gửi mẹ với những lời lẽ yêu đương, hò hẹn. Mẹ bắt đầu có điện thoại riêng ở nhà những lúc cha đi vắng. Hồi đó mới có điện thoại bàn, chưa có điện thoại di động nên mọi liên lạc thường bằng thư gửi theo bưu điện hoặc điện thoại bàn. Mẹ “nấu chảo điện thoại” cả đêm mỗi lần cha đi trực. Mẹ vui hơn, cười nhiều hơn và mẹ cũng ăn diện đỏm dáng hơn, đi sớm về trễ nhiều hơn.
Chúng tôi, lũ con của bố mẹ, dù đã lớn – lớn nhất là tôi, con gái, học lớp 10 – đã 16 tuổi nhưng vẫn còn thơ ngây, vô tâm vô tính. Tôi chỉ thấy mẹ vui vẻ, hay cho các con quà, còn cha thì càng ẩn mình và càng lặng lẽ hơn.
Mà cha tôi cũng thật lạ lùng, ngay cả khi cha ở nhà, điện thoại reo cha cũng chẳng bao giờ bắt máy. Cha biết đó là điện thoại của mẹ, mẹ làm trong cơ quan, có nhiều công việc, quan hệ với nhiều người nên mới có điện thoại chứ cha nhấc làm gì. Thậm chí, cha chiều đãi mẹ, tôn sùng mẹ và tin tưởng mẹ đến mức khi mẹ có điện thoại riêng, cha đi chỗ khác, không tò mò để ý là mẹ trò chuyện với ai, người đó có liên hệ thế nào với mẹ.
Chính thứ tình yêu quá mức và đầy nhường nhịn của cha đã khiến cho mẹ lạc lối trong thứ hạnh phúc riêng của mình. Ngày ấy chúng tôi còn nhỏ, tất cả đều hùa theo mẹ mà ít gần gũi với cha. Đi học về đói đã có cha dọn cơm cho ăn, ốm đau đã có cha lo thuốc men, quần áo thay ra đã có cha giặt. Chúng tôi hưởng những bữa ăn ngon từ tay cha nấu, những bát canh rau vườn hay ăn những quả trứng gà do tay cha nuôi, như một việc hiển nhiên, như thể cha sinh ra là để hầu hạ mẹ con chúng tôi. Cha không khác gì người làm người ở.
Những ký ức ấy vẫn làm tôi đau nhói mỗi khi nhớ lại. Chỉ tiếc rằng khi trưởng thành rồi tôi mới hiểu biết và nhận ra nỗi xót xa của mình về cha. Có một lần, cha gặp tai nạn trong lúc làm việc. Trong ca trực gác cổng cơ quan, thấy một phụ nữ bị cướp giựt ngoài đường ở ngay trước cửa, cha đã lao ra đuổi theo chiếc xe Honda của hai tên gây án, giựt lại túi xách cho người phụ nữ. Chúng lạng lách làm cha ngã xuống đường, bị chấn thương trong khi tay vẫn nắm chặt chiếc túi xách. Những người đi đường chở cha đến bệnh viện cứu cấp. May cha không bị chấn thương sọ não, chỉ bị gãy chân và gãy một tay. Cả nhà phải huy động hết các cô bác, chú dì và ông bà nội ngoại thay nhau vào viện chăm sóc cha. Cũng chỉ những ngày ở bệnh viện tôi mới hiểu rõ thêm công việc bảo vệ của cha. Một công việc cứ tưởng là tầm thường, ai không có bằng cấp, những tầng lớp dưới của xã hội đều có thể làm được. Thế mà trong âm thầm lặng lẽ, cha đã là người đàn ông can đảm, bảo vệ cho bao nhiêu người nghèo, bao nhiêu số phận buôn thúng bán mẹt nơi khu phố cơ quan mà cha làm bảo vệ. Thấy ai có chuyện bất bình cha đều đứng ra an thiệp, ai khó khăn vất vả, cha giúp đỡ chẳng nề hà. Đôi khi chỉ là những việc lặt vặt, những chia sẻ đời thường giữa con người và con người bé nhỏ với nhau, nhưng nếu không có một tấm lòng, không có một chữ “tâm” lớn lao và trong sáng thì cha đã không được mọi người quý mến như vậy.
Từ ông xích lô, từ người chạy xe ôm đến bà bán chè ở đầu đường, từ cô bán xôi vỉa hè đến bà bán hoa quả, khi biết tin cha bị tai nạn đều tới bệnh viện thăm nom cha, có người còn bỏ cả công việc của mình để vào chăm sóc cha, chuyện trò cho cha vui mà quên đi bệnh tật. Đến lúc đó tôi mới hiểu một điều đơn giản rằng tâm hồn và tấm lòng của con người đã tôn vinh vị trí của họ trong xã hội chứ không phải mũ cao áo dài hay những thứ phù phiếm khác. Tôi bắt đầu biết tự hào về cha. Chúng tôi đã quen với việc cha chăm sóc mẹ, chăm các con mà không quen khái niệm là mẹ phải chăm sóc cha tận tình lúc cha đau yếu.
Nhưng những nỗi đau đớn về thể xác của cha không kinh khủng bằng nỗi đau trong tâm hồn khi cha vừa xuất viện về nhà thì phải chứng kiến mẹ bị một trận đánh ghen tơi tả của một đồng nghiệp trong cơ quan. Trước những bằng chứng mà người phụ nữ kia đưa ra, rõ ràng là cha đã bị phản bội và mẹ đã đi lại, hẹn hò với chồng người ta.
Chúng tôi không thấy cha nhắc đến chuyện này với mẹ, hay hai người nói với nhau lúc nào mà chúng tôi không biết. Chỉ biết rằng sau khi chuyện đó xảy ra, cha già đi nhiều, mái tóc rụng tới phân nửa trông rất xơ xác. Những ngày đó, ông bà, cô chú, kể cả phía bên nhà mẹ cũng phản đối mẹ, ông ngoại vác gậy sang nhà định đánh mẹ nhưng cha bênh vực, xin cho mẹ và xin ông ngoại bớt giận.
Với lòng bao dung của cha như vậy nhưng mẹ không thay đổi, vẫn để cho con tim lạc lối đến mù lòa. Cho mãi đến khi người ta xách dao đến nhà đòi chém thì mẹ mới sợ hãi, trốn sang nhà bà ngoại ở gần đó để lẩn tránh. Bà ngoại hết lời an ủi, khuyên can, ông ngoại mắng mỏ rồi cả ông ngoại lẫn bà ngoại thân hành đến nhà người ta, bảo đảm với người ta rằng sẽ không để câu chuyện xảy ra như thế nữa, đến lúc ấy mẹ mới dám trở về nhà.
Rồi không bao lâu sau đó, chính mẹ bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Mẹ bị tai biến mạch máu não khá nặng, nằm liệt giường sau một lần đi làm về muộn bị gặp mưa. Chỉ có cha và ông bà ngoại là người ở bên cạnh mẹ, cho mẹ ăn, vệ sinh cá nhân cho mẹ, lo cho mẹ từng ly từng tí để giành lấy sự sống cho mẹ. Chính cha là người đã vực mẹ dậy, tập cho mẹ đi sau những tháng nằm liệt giường.
Sau khi mẹ hồi phục, cuộc sống gia đình chúng tôi đã bước sang một trang mới. Lần đầu tiên, tôi thấy bố mẹ ngủ cùng giường với nhau. Cha nói, cha nằm cạnh để canh cho mẹ ngủ kẻo lỡ mẹ lại bị như lần trước. Từ đó tôi bắt đầu thấy ngọn lửa yêu thương được nhen nhóm lên trong căn nhà của cha mẹ tôi. Từ đó chúng tôi mới thực sự cảm nhận được cha và mẹ hòa quyện với nhau bên các con là như thế nào.
Có một chi tiết này mà nhiều lần tôi đã định hỏi cha nhưng rồi lại thôi bởi vì tôi sợ động vào một ký ức khó quên của cha, tôi sợ cha bị nhói đau khi nhớ lại chuyện cũ. Đó là ngày mẹ bị tai biến mạch máu não, đưa mẹ đi bệnh viện, tôi giúp cha lục tủ lấy thẻ bảo hiểm y tế và tiền để nhập vlện. Tôi đã đọc được một xấp không dưới 10 lá đơn do mẹ viết xin ly hôn với cha. Cả 10 lá đơn ấy chỉ có chữ ký của bên nguyên đơn là mẹ, còn của bên bị đơn là cha thì để trống. Ngày đó, sau tất cả những gì xảy ra giữa mẹ và cha cộng với việc người ta đến đánh ghen, tôi không hiểu vì sao cha không ký vào đơn mà lại cố níu kéo mẹ để làm gì.
Giờ đây, khi đã có gia đình, có con cái, cứ mỗi cuối tuần chồng tôi đưa vợ con về tíu tít bên ông bà ngoại của các cháu tức bố mẹ tôi. Nhìn ông bà tóc đã pha sương, rạng ngời với con cháu bên mâm cơm, tôi cảm động muốn trào nước mắt. Tôi hiểu, suốt bao nhiêu năm qua cha tôi đã tự quên đi bản thân, chọn yêu thương để giữ cho vợ con một mái ấm gia đình trọn vẹn. Đối với tôi, cha là một người đàn ông hiếm có.
Con gái của cha,
N.T.HẢI ÂU

1 nhận xét:

  1. Khon nan cho nguoi dan ong bi cam sung nay !!
    Dang khinh bi thay con dan ba lang loan di thoa kia.

    Trả lờiXóa