Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Làm sao mà đề phòng cho được


Lam sao ma de phong cho duoc - H.1
I. Thuốc “thôi miên hay bùa ngải” tại Việt Nam
Những vụ “thôi miên hay bùa ngải”
Ngày 17-12-2012, chị T, 43 tuổi, cư ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, đang ở nhà một mình thì có nhột chiếc ô tô du lịch dừng lại trước cửa. Từ trên xe bước xuống 2 người đàn ông, ăn mặc khá sang trọng, xách theo một túi xách đựng mỹ phẩm. Họ tự giới thiệu là nhân viên tiếp thị của một công ty mỹ phẩm lớn nước ngoài, có các đại lý tại Việt Nam. Miệng thì nói nhưng chân họ bước vào trong nhà và tự động kéo ghế ngồi không cần chị phải mời. Sau khi an tọa, họ mở túi xách lấy đưa cho chị coi các loại mặt hàng như chai lăn nách khử mùi hôi, dầu gội đầu, xà bông thơm, sữa tắm v.v... rồi mở một lọ, đưa vào mũi chị, bảo chị ngửi thử sẽ thấy thơm lắm. Theo lời chị T, lúc đưa mấy thứ đó cho chị coi, một người còn búng búng ngón tay về phía chị. Vẫn theo lời chị T, khi họ búng búng ngón tay như thế, chị cảm thấy như có những hạt bụi rất nhỏ bay vào mặt, vào cổ, vào tóc chị, và chỉ vài phút sau, chị vẫn ngồi trên ghế nhưng hình như mê đi, không biết gì nữa. Mãi một lúc sau, có lẽ khá lâu, khi chị như người mê chợt tỉnh thì họ đã đi mất rồi và chị khám phá ra những thứ cất trong tủ, có khóa cẩn thận, như vòng vàng, lắc vàng, nhẫn vàng và 4,500 đô la Úc, cùng các giấy tờ nhà đất... đã biến mất. Chị nói: “Tôi còn nhớ hai người đó nước da ngăm ngăm đen, nói tiếng Việt lơ lớ như người nước ngoài, trên cánh tay họ có hình xăm nhưng không rõ hình gì”.
Một vụ khác, nạn nhân là chị V, ngụ tại huyện Bình Chánh, Sài Gòn. Vào khoảng giữa tháng 1-2013, chị đi xe Honda trên đường từ Chợ Đệm về nhà, lúc tới đường Nguyễn Cửu Phúc, Bình Chánh, thì có 4 người, hai nam, hai nữ, chở nhau bằng hai chiếc xe gắn máy đi theo rồi áp sát vào xe chị, hỏi chị có biết chỗ nào có thể bán sỉ bột ngọt thì giới thiệu giùm, họ sẽ chia hoa hồng cho chị rồi sẽ mời chị cùng hợp tác trong việc làm ăn. Chị V kể tiếp: “Tôi thấy hơi nghi nghi vì muốn bán bột ngọt sao họ không tới hỏi các tiệm tạp hóa hay các cửa hàng mà lại hỏi người đi đường? Vì vậy tôi làm thinh như không nghe tiếng, cứ cho xe chạy tiếp. Thấy tôi không trả lời, họ đi vượt lên, qua mặt tôi rồi bất ngờ thắng lại, chặn đầu xe tôi. Tôi bực quá, thắng xe, dừng lại rồi tháo khẩu trang, định mắng cho họ một trận. Nhưng tôi chưa kịp nói gì thì một người trong bọn họ đã vung tay lên ra vẻ muốn phân trần. Trong giây lát, tôi cảm thấy trong người đờ đẫn, tay chân bủn rủn, muốn nói mà nói không được, muốn nhúc nhích cũng không được, thậm chí muốn la lên cầu cứu cũng không há miệng ra được…”. Sau khi hai chiếc xe của hai cặp thanh niên nam nữ này đã đi khỏi, chị V mới tỉnh lại và nhận ra các nữ trang đeo trên tay, trên cổ, và 1 triệu đồng cùng chiếc điện thoại di động chị cất trong túi xách treo trên xe đã mất.

Vậy thì, thủ phạm đã dùng biện pháp gì để trấn lột tài sản của các nạn nhân mà họ không hề chống cự?
Một trong các bác sĩ gây mê hồi sức tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Chắc chắn chúng không thể dùng thuốc gây mê như trong bệnh viện, bởi vì theo y học, thuốc gây mê dùng trong bệnh viện có 2 dạng là dạng tiêm và dạng hít. Tiêm thì không đứng giữa đường mà cắm kim vào thân thể người ta được. Còn dạng hít, nếu không đến gần nạn nhân, chụp mặt nạ chứa thuốc mê hoặc phun trực tiếp dung dịch gây mê sát với mũi hay miệng, tức cơ quan hô hấp của nạn nhân, thì thuốc mê sẽ phát tán trong không khí, nên dù nạn nhân có hít phải cũng không đủ mạnh để bị mê man khiến bị chúng lột sạch các thứ mà không biết”. Ông kết luận: “Theo tôi nghĩ, có thể bọn chúng đã sử dụng Scopolamine, loại dược chất được bào chế từ cây Borrachero,một loại cây dại mọc hoang rất phổ biến ở Colombia bên Nam Mỹ. Chất Scopolamine có thể xóa mờ trí nhớ và làm mất ý thức một cách tạm thời.
 Lam sao ma de phong cho duoc - H.2
Tác dụng của Scopolamine
Theo vị bác sĩ nói trên cho biết, Scopolamine là loại dược phẩm nằm trong nhóm thuốc chống sự tiết ra cholin (anti-cholinergics). Khi dùng, Scopolamine tác động lên hệ thần kinh trung ương, giúp cho các cơ dạ dày và ruột êm dịu, ngăn ngừa chứng buồn nôn và ói mửa sau khi gây mê để phẫu thuật. Nó cũng được dùng để chống nôn do say tàu xe.
Theo quy định của y học, Scopolamine chỉ được bán theo toa bác sĩ - ngoại trừ miếng dán ở dạng hít. Scopolamine không màu, không mùi vị nhưng có thể gây ra tình trạng hoang tưởng rất mạnh về ảo giác. Đặc biệt, chỉ từ 2 đến 3 phút sau khi hít vào, Scopolamine ngăn chặn không cho ký ức hình thành, nên sau đó những sự kiện xảy ra trong giai đoạn thuốc đang tác dụng không được ghi lại trong não bộ. Đến khi thuốc hết tác dụng, vì các sự kiện không được ghi lại nên người ta không nhớ được chuyện gì đã xảy ra và do đó, hầu hết các nạn nhân đều cho rằng mình đã bị “thôi miên hoặc bùa ngải”.
Một viên Công an ở Sài Gòn nói: “Đã xảy ra trường hợp những người nước ngoài dùng các tờ tiền có mệnh giá lớn để trả cho các món hàng trị giá nhỏ, người bán hàng phải thối lại hoặc đổi tiền giùm cho họ. Khi khách đã đi xong, người bán hàng mới khám phá ra là vừa bị mất một số tiền hoặc một số hàng rất lớn. Báo cáo với công an, các nạn nhân này có một điểm chung là đều nói rằng khi họ đổi hoặc thối lại tiền dư, những người khách nước ngoài đều tỏ thái độ không đồng ý với số tiền được đổi hoặc thối lại, rồi họ vung tay, múa chân, la lối một cách rất thiếu lịch sự. Khi sự việc giải quyết xong, người khách đã bỏ đi, bấy giờ họ mới phát giác ra là số tiền lớn hoặc các món hàng mình đang cầm trên tay hay để trong tủ kính đã mất. Có thể là những người khách ngoại quốc đó đã dùng một thứ “thuốc mê” hãy còn nằm trong vòng bí mật”.
Sau này, qua giải thích của vị bác sĩ gây mê trong BV Chợ Rẫy, họ nghi thứ thuốc “bí mật” đó có chứa chất Scopolamine (hay còn gọi là Burundanga, dân giang hồ Colombia thường mệnh danh nó là thứ “hơi thở của quỷ”).
Như trên đã nói, Scopolamine là chất được bào chế từ cây Borrachero, một loại cây mọc hoang ở Colombia, Nam Mỹ. Cây có lá khá rộng và xanh với những bông hoa màu trắng hoặc màu vàng nhạt, rũ xuống như những chiếc chuông nhỏ. Ở Colombia, từ lâu người ta đã biết đến sự nguy hiểm của loại cây này. Nhiều phụ nữ Colombia khi đến trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương đều cho rằng họ bị “bùa mê”, dẫn đến hiện tượng tự nguyện đưa hết tiền bạc hoặc tự nguyện chịu... bị hãm hiếp! Đến khi tỉnh lại, thấy tài sản bị mất sạch hoặc đau nơi vùng kín, họ mới biết là tai họa đã xảy ra với mình.


Cảnh sát Colombia điều tra, khám phá ra đây không phải bùa mê thuốc lú mà chính là do cây Borrachero. Bác sĩ Camilo Uribe, chuyên gia hàng đầu về ma túy của FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), nói: “Khi nạn nhân bị “bùa mê” vì các loại thuốc khác, họ vẫn có thể nhớ lại những gì đã xảy ra. Trái lại, với chất Scopolamine của cây Borrachero, họ không nhớ gì cả vì các ký ức khi xảy ra sự việc không được ghi lại trong não”. Đó cũng là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khuyến cáo du khách là khi đi du lịch sang các nước Nam Mỹ, phải cẩn thận đối với những tên tội phạm sử dụng chất Scopolamine để vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch. Bộ Giao thương Quốc tế Canada cũng khuyên du khách khi đến các vùng nông thôn Colombia thì nên tránh vào các quán bar một mình và nên cẩn thận với các thứ nước uống hoặc đồ ăn tại đây. Ngay cả website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng nhắc nhở du khách hãy cảnh giác đối với chất Scopolamine khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay thuốc hít qua đường hô hấp. Cũng cần nói thêm rằng cơ quan tình báo của một số nước trên thế giới đã dùng Scopolamine làm thuốc “khai sự thật”.

Bọn chúng sử dụng Scopolamine tại Việt Nam?
Vậy thì, những vụ lừa đảo xảy ra trong thời gian vừa qua ở trong nước có phải là do Scopolamine hay không?
Ông Hồ Đức Phúc, 42 tuổi, người chuyên thu mua nông sản tại thôn Đắk Hòa I, xã Đắk Hòa, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, kể lại: “Hôm đó tại cửa hàng thu mua nông sản của tôi, có hai người nước ngoài đi ô tô, nói tiếng Việt lõm bõm, hỏi mua 2kg cà phê. Nhận tiền xong, tôi thấy đau đầu, chóng mặt. Ngay lúc đó, một trong hai người đề nghị tôi đổi giùm tiền nước ngoài của họ sang tiền Việt để họ dễ xài. Tôi đồng ý, rồi mở két sắt lấy tiền đưa cho họ”. Ông kể tiếp: “Không hiểu sao khi đưa cả xấp tiền Việt cho họ xong, tôi lại không nhận tiền nước ngoài của họ mà cũng chẳng biết loại tiền họ muốn đổi là tiền nước nào và họ định đổi bao nhiêu. Sau khi họ đi xong, mãi đến 5 giờ chiều cùng ngày, vợ tôi mở tủ mới phát hiện ra mất 34 triệu đồng”.
Tương tự, anh Đỗ Văn Đông ở Phú Thọ cũng không biết vì sao mình lại mất 20 triệu. Hôm đó, khi đang chở hàng bằng xe Honda trên quốc lộ 32 thì có một chiếc xe hơi từ phía sau tiến sát bên anh. Anh kể: “Trên xe có 3 người, cả tài xế lẫn khách đều là người nước ngoài. Họ giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại rồi một người da đen cao lớn mở cửa, bắt tay chào tôi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Tiếp theo, hắn đưa ra một tấm bản đồ, hỏi đường lên Lào Cai”. Được anh Đông chỉ dẫn tận tình, gã da đen móc một tờ 100,000 đồng tiền Việt, nhờ anh đem đến một quán ăn gần đó đổi giùm lấy hai tờ 50,000 đồng và ra hiệu sẽ tặng anh 50,000 đồng. Anh Đông kể tiếp: “Chẳng hiểu tại sao sau khi cầm tờ giấy 100,000 đồng để đem đi đổi, tôi lại lôi cả bọc tiền 20 triệu đồng trong người ra, đưa hết cho thằng cha da đen đó”. Một hồi sau, khi chiếc ô tô đã mất dạng, anh Đông choàng tỉnh, kiểm tra lại thì thấy bọc tiền 20 triệu đồng đã bị chúng lấy mất.

Scopolamine có ở Việt Nam hay không?
Trong quá trình tìm hiểu thông tin, các phóng viên bất ngờ nghe nói ở nhiều nơi thuộc vùng Lâm Đồng, Đà Lạt có mọc một loại cây hoang dại, thân mềm, chiều cao tối đa khoảng 4-5m, hoa có chiều dài trung bình 25cm, màu trắng hoặc vàng nhạt, mùi thơm nhẹ, lá có vị đắng và lợ, hình thức hơi giống với lá của cây thuốc lá. Điều đặc biệt là tất cả các hoa khi nở đều quay đầu xuống đất giống như cây Borrachero ở Colombia. Loại cây thuộc vùng Lâm Đồng, Đà Lạt này được dân địa phương gọi là cây “Loa kèn dại”. Theo lời một số lão nông thì cây Loa kèn dại thường mọc thành bụi, súc vật ăn vào sẽ bị ngộ độc, khác hẳn với những loại Loa kèn bán ngoài thị trường, hiện đang được trồng tại các nhà vườn.

Theo cuốn “Cây cỏ Việt Nam” của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ, xuất bản năm 2003 tại Mỹ và NXB Trẻ Việt Nam in lại, cây Loa kèn dại Đà Lạt được miêu tả có tên khoa học la Brugmansia suaveolens, mọchoang dã, dạng tiểu mộc, cao 4 hoặc 5m; cành trắng, lá có phiến như lá thuốc lá, to, lá dài từ 15 đến 20cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2 đến 3cm. Hoa thòng, trắng, to, dài 30cm; đài là ống suông có 5 răng, có lòng vành hình kèn, nhụy đục gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; quả không có gai, hột dẹp, to 1cm, có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Lá có chứa nhiều alcaloid. (Xin để ý alcaloid mà GS Phạm Hoàng Hộ nói ở đây có lẽ là chất Scopolamine trong cây Borrochero bên Colombia. - ĐD).
Nếu so sánh thì cây Loa kèn dại ở Đà Lạt do GS Phạm Hoàng Hộ mô tả và cây Borrachero ở Colombia rất giống nhau. Nhà sinh vật học Lương Văn Dũng, Phó khoa Sinh học trường Đại học Đà Lạt, cho biết Borrochero không phải là tên khoa học của loài cây này mà chỉ là tên gọi địa phương ở Colombia, nên ông chưa dám khẳng định cây Borrochero ở Colombia là cây Loa kèn dại ở Đà Lạt. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là cả hai đều thuộc họ Cà, Solanaceae, và cùng chi, nên để đưa ra một kết luận chính xác thì cần có những công trình nghiên cứu sâu hơn.
Cuối cùng, qua những vụ việc mất mát tài sản đã nêu trên, có thể thấy tất cả các nạn nhân đều chung một đặc điểm: Đó là được những người khách lạ hỏi thăm, mua bán, đổi tiền... Rồi sau đó, nạn nhân rơi vào tình trạng mất ý thức, mất năng lực tự chủ, ngoan ngoãn nghe theo sự sai khiến của họ.
Bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược Sài Gòn, nói: “Trên thị trường, Scopolamine dạng miếng dán được dùng để chống say tàu xe. Cứ mỗi miếng dán Scopolamine có 1.5mg chất Scopolamine, giúp giảm nhu động ruột, chống nôn mửa, nhưng tác dụng phụ của nó có thể gây liệt cơ mi mắt, giãn đồng tử, làm mờ mắt không nhìn gần được, tăng nhịp tim, lở da, khô miệng, bí tiểu, táo bón, buồn ngủ ảo giác. Còn trong lãnh vực tâm thần, Scopolamine mới chỉ được thử nghiệm điều trị một số chứng bệnh trầm cảm (stress)...”.
Một tài liệu của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho thấy, nếu hít từ 1mg Scopolamine trở lên, thông qua các mao mạch trong niêm mạc mũi, nó sẽ đi thẳng lên não rồi chỉ từ 2 đến 3 phút, nạn nhân sẽ tạm thời mất kiểm soát ý thức.
Như vậy, hành động vung tay, múa chân, búng ngón tay hoặc mời ngửi thử mùi hương mỹ phẩm của bọn tội phạm có thể chỉ nhằm mục đích để nạn nhân hít chất Scopolamine chứ chẳng phải chúng “thôi miên” hoặc có “bùa ngải” gì cả.

II. Người ôsin bẻm mép
Nuôi ong tay áo...
Nhìn gương mặt sáng sủa cùng vóc dáng cao ráo, gọn gàng của Trần Thị Yến Linh (hộ khẩu ở ấp Chùa, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), chẳng ai nghĩ chị ta có thể là một tội phạm nham hiểm với miệng lưỡi ghê hồn. Lý lịch Yến Linh ghi là sinh năm 1970, tức năm nay 43 tuổi, còn có tên gọi khác là Út Dung, kiếm sống bằng nghề làm thuê làm mướn, chưa có tiền án.
Nói về nghề làm thuê của mình, Yến Linh cho biết: “Cha chết, mẹ chết, nhà lại đông anh em nhưng đất đai chẳng có, đã vậy tôi lại ly hôn với chồng nên để có thể nuôi mình, nuôi con, tôi trôi giạt lên Bình Phước rồi sau đó được nhiều người chỉ bảo, xuống Sài Gòn, làm đủ thứ nghề, kể cả nghề ôsin để kiếm sống”.
Trong lý lịch, Yến Linh ghi trình độ học vấn là “biết đọc biết viết”, nhưng khi trò chuyện, ai cũng có nhận xét là sự lanh lẹ và miệng lưỡi của chị ta hết sẩy, khó ai có thể vượt qua được.


Có lẽ cũng nhờ được trời ban cho những “ưu điểm” đó nên sau một thời gian ngắn lăn lộn tại Sài Gòn, nhận thấy cái nghề giúp việc nhà mà nhiều người quen gọi là nghề ôsin rất “hot”, nên chị ta tuyệt đối chú trọng về nghề này, không phải vì lòng yêu nghề hay có lương tâm gì cả mà do mưu đồ đen tối, mong gặp cơ hội để ra tay... hốt tài sản của gia chủ!
Nạn nhân của Yến Linh là vợ chồng anh Nguyễn Phú Sơn và Đỗ Thị Kim Dung, ngụ tại địa chỉ 292A, tổ 77, Khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Sài Gòn. Chị Dung cho biết, do nhà neo người, lại có 2 con còn nhỏ nên cuối năm 2010, chị có đến Trung tâm xúc tiến việc làm ở Quận 12 để nhờ giới thiệu cho một người giúp việc. Trung tâm nói hiện tại thì chưa có, khi nào có người đến đăng ký sẽ thông báo cho chị biết. Chị kể tiếp: “Khoảng một tuần sau thì tôi nhận được tin vui của Trung tâm là đã có người, nên bèn hối ông xã tới ngay để xem tình hình thế nào. Cuối cùng, ông xã gởi tiền xe ở Trung tâm và chỉ dẫn thật rõ địa chỉ để người giúp việc tìm tới. Chúng tôi mong lắm. Ngay buổi chiều thì chị ấy đến. Trông mặt mũi chị ta sáng sủa, ăn mặc sạch sẽ, lại có vẻ nhanh nhẹn, vợ chồng tôi rất mừng, sẵn sàng trả cho chị ta mỗi tháng 2 triệu rưỡi, ăn ở tại nhà chủ. Không ngờ chúng tôi rước họa vào thân…”.
Theo lời kể của vợ chồng anh Sơn, Yến Linh làm việc rất siêng năng, cần mẫn và tỏ ra rất quý mến hai đứa trẻ, coi nó như con. Chị Dung kể: “Mượn được người như vậy thì ai chẳng mừng. Tôi quý chị ta lắm nên hỏi thăm thì chị ta cho biết vì quá nghèo nên bị chồng bỏ trong khi có hai đứa con trai còn đang tuổi đi học, một đứa lớp 5, một đứa lớp 3. Không biết làm nghề gì để sống, chị ta gửi hai đứa con ở Trà Vinh cho người chị trông nom giùm rồi lên Bình Phước xin làm công nhân hái cà phê, chăm sóc cây tiêu, cây điều. Nhưng cà phê có vụ, còn tiêu và điều thì mùa nắng mới phải tưới, mùa mưa không phải tưới, nên những tháng rảnh không có việc làm, không lấy gì mà ăn và gửi tiền về nuôi con được, chị ta bèn xuống Sài Gòn, đi làm lặt vặt một hồi rồi tới đăng ký tại Trung tâm giới thiệu việc làm và gặp chúng tôi. Tôi thấy hoàn cảnh của chị ấy mẹ con xa nhau trong khi hai đứa con còn nhỏ nên thương tình, bảo chị cứ đem hai cháu lên đây, ở nhà tôi, việc ăn uống chẳng bao nhiêu, tôi vẫn trả lương chị đầy đủ, không bớt một đồng nào cả. Chị ấy cứ vâng vâng dạ dạ, mấy lần về Trà Vinh mà không thấy đem con lên. Thì ra chị ta đã có âm mưu khác mà chúng tôi không biết...”.
 Lam sao ma de phong cho duoc - H.4
Mất tiền tỉ
Theo lời kể của chị Dung, trong khoảng thời gian gần 1 năm làm việc (từ tháng 11-2010 đến tháng 9-2011), chị “ôsin” Trần Thị Yến Linh đã 3 lần xin nghỉ phép để về Trà Vinh thăm con. “Tôi nghĩ chị ta nhớ con nên về thăm và lo thủ tục để đưa các con lên Sài Gòn, nên dù buôn bán bận rộn nhưng vợ chồng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận, mỗi lần lại còn cho tiền xe để chị ta về nữa. Ba lần trước thì chị ta có xin phép đàng hoàng, đến lần thứ 4, buổi trưa khi chúng tôi đi bán hàng về thì thấy chị ta mất biệt, chẳng có cơm nước gì cả. Hỏi hai đứa con thì các cháu cũng không biết bởi vì các cháu cũng mới đi học về...”.
Tại sao “ôsin” Yến Linh lại biến mất, không thèm giã từ như vậy? Tại vì chị ta đã chơi cú đậm, “hốt” của vợ chồng anh Sơn số tiền và vàng tới hơn một tỉ đồng. Câu chuyện xảy ra như sau:
Tìm khắp nơi không thấy Yến Linh, vợ chồng anh Sơn hơi nghi nhưng cũng không nghĩ là chị ta có thể mở được chiếc két sắt trong đó cất tiền và vàng. Chiếc két thuộc loại cao cấp, có khóa kêu là “khóa chuông”, chìa khóa do anh chị giữ, Yến Linh không có chìa không thể mở được. Nhưng khi mở két, anh chị tá hỏa tam tinh vì hai dây vàng SJC – một dây 15 lượng, một dây 6 lượng – tất cả là 21 lượng, cộng với số tiền 340 triệu đồng đã biến mất, thị chỉ “ưu tiên” để lại cho anh chị 1 lượng coi như... đền ơn đáp nghĩa. Anh chị không còn cách nào khác là đi báo công an.

Sau này, khi Yến Linh bị bắt, thị khai là buổi sáng hôm ấy cả nhà đi vắng, thị bèn “mượn tạm” một bộ đồ của chị Dung, ăn mặc đàng hoàng giống như bà chủ rồi đi xe buýt xuống bến xe An Sương, tìm một người thợ sửa khóa tên là Nguyễn Ngọc Hải. Thị tự xưng mình là chủ nhà, nhờ anh Hải tới mở giùm chiếc két sắt do thị lỡ đánh mất chìa khóa. Anh Hải đi xe Honda còn thị thì không có mũ bảo hộ nên thuê một chiếc xe ôm, đi trước chỉ đường. Tới nhà, anh Hải tay nghề còn kém nên hí hoáy một hồi cũng không mở nổi, bèn gọi điện thoại nhờ người bạn tên là Nguyễn Văn Tiền đến mở giùm. Anh Tiền mở được, thị bèn giả bộ nhờ họ làm cho một chiếc chìa khóa khác rồi “đền ơn” cho anh Hải 100 ngàn đồng, anh Tiền 200 ngàn đồng, như vậy là rất rộng rãi.
Sau khi hai người thợ khóa đã ra về, Linh nhanh chóng thu dọn quần áo và lấy toàn bộ số tiền 340 triệu đồng cùng với 20 lượng vàng SJC cho vào túi xách, bỏ trốn.
Công an quận 12 trong một thời gian dài không tìm ra tông tích thị Linh.
Mãi đến đầu tháng 4-2012, nghĩa là sau hơn nửa năm lẩn tránh, Trần Thị Yến Linh mới bị bắt và bị đưa ra tòa. Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân ghi rõ hành trình “bôn tẩu” của thị: “Sau khi ăn trộm số tài sản nói trên của vợ chồng anh Nguyễn Phú Sơn, đương sự đến Bệnh viện Ung Bướu quận Bình Thạnh ngủ 4 đêm vì ở đây rất đông và đa số là người nghèo, có lẽ sẽ không ai nghĩ đương sự trốn ở đấy. Sau đó, đương sự ra chợ Bà Chiểu định bán một ít trong số vàng nói trên để biết giá cả, nhưng khi coi đến chiếc túi xách mới biết đã bị kẻ khác móc mất toàn bộ số tài sản đương sự đã lấy của gia đình anh Sơn, có lẽ từ lúc ở trong Bệnh viện Ung Bướu. Thất vọng và rất đau khổ, đương sự bỏ trốn về địa chỉ số 24 đường Lý Thường Kiệt, Khu phố Phú Thành, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, là nơi trước đây y thị đã từng làm công nhân hái cà phê, chăm sóc cây cối ở đấy”.

Lẻo mép nhưng vẫn ló đuôi chồn
Khi Yến Linh bị bắt, vợ chồng anh Sơn rất mừng vì hy vọng sẽ tìm lại được số tiền và vàng đã mất. Nhưng y thị lại khai số tài sản đó đã bị kẻ khác lấy mất, ngay đến công an cũng không làm gì được, điều đó có nghĩa đến thời điểm này – tháng 4-2013 – vợ chồng anh Sơn vẫn chưa được hoàn trả một đồng nào từ số tiền bị ả chiếm đoạt.
Tại phiên tòa vào cuối tháng 3 vừa qua tại Sài Gòn, không chỉ vợ chồng anh Sơn mà ngay cả các thành viên trong Hội đồng Xét xử cũng hoài nghi rằng có đúng là số tiền và vàng đó bị kẻ khác lấy mất hay mụ đã giấu đi rồi nói như vậy, bởi vì lúc thì mụ khai mất ở Bệnh viện Ung Bướu, lúc lại khai bị móc mất ở chợ Bà Chiểu.
Cũng tại phiên tòa hôm đó, bên cạnh trò bẻm mép khi khai thế này, lúc khai thế khác, mụ “ôsin” Trần Thị Yến Linh không ít lần thỏ thẻ với HĐXX rằng trong tâm khảm của thị, vợ chồng anh Sơn chị Dung luôn luôn là vị ân nhân suốt đời thị không thể nào quên ơn. Vị chủ tọa hỏi: “Đã biết ơn như vậy tại sao bị cáo còn lấy trộm của người ta số tiền lớn như thế?”. Mụ chỉ suy nghĩ vài giây rồi trả lời ráo hoảnh: “Dạ thưa, tại vì bị cáo hận anh chị ấy”. “Hận về chuyện gì?”. “Dạ thưa, một lần bị cáo hỏi mượn một số tiền nhỏ nhưng anh chị ấy không cho mượn”. “Số tiền nhỏ đó là bao nhiêu?”. “Dạ thưa, có 150 triệu đồng thôi chứ nhiều nhặn gì mà anh chị ấy không cho mượn. Bị cáo tức nên mới làm như vậy”. Mọi người cùng bật cười. Vị chủ tọa hỏi lại: “Lương tháng của bị cáo lúc trước là 2 triệu 500 ngàn đồng, sau được tăng lên 3 triệu đồng. Bị cáo mượn một lúc 150 triệu đồng, một số tiền lớn như thế mà bị cáo bảo là nhỏ, phải bao nhiêu bị cáo mới cho là lớn?”. Mụ “ôsin” vẫn quen lẻo mép tịt mít không trả lời nổi.
Trần Thị Yến Linh bị kêu án 16 năm tù, đồng thời phải bồi thường cho vợ chồng anh Sơn 340 triệu đồng cộng với 20 lạng vàng SJC mụ đã ăn trộm.
Ở Việt Nam, tòa tuyên án là một việc nhưng bồi thường lại là việc khác. Vợ chồng anh Sơn gần như không có một chút hy vọng nào lấy lại được số tiền nói trên.

- Đoàn Dự ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét