- Nguyễn đạt Thịnh
Hai ngày trước ngày Tổng thống Barack Obama công du Do Thái, tờ The Guardian của Anh trong số phát hành ngày Chúa Nhật 17 tháng Ba, đã bình luận về chuyến đi này, “Thật hiếm thấy một vị tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Do Thái trong tình trạng không có hy vọng thành công về bất cứ một việc gì ông muốn làm cả”. Bài bình luận mang tựa đề Obama in Israel: waiting for Godot” (Obama đến Do Thái để Chờ Thượng Đế).
Tổng thống lên máy bay công du Do Thái ngày 19/3
Xuất bản từ năm 1821, The Guardian là một trong những tờ báo cấp quốc gia của Anh, số phát hành được kiểm chứng là 204,222 ấn bản; tuy không so được với số phát hành của tờ The New York Times (1,586,757 ngày thường, 1,550,696 ngày thứ Bẩy, 2,003,247 ngày Chúa Nhật), nhưng vẫn đứng thứ 3 trong những tờ báo có số phát hành nhiều nhất Anh quốc. The Guardian có uy tín lớn trong dư luận Anh và dư luận thế giới.
Bài bình luận của tờ The Guardian viết tiếp, “Vào lúc Obama đến Do Thái thì chính phủ Binyamin Netanyahu đã tuyên thệ nhậm chức rồi; chính phủ này thành hình bằng sự liên hiệp giữa đảng Likud và đảng Jewish Home”, đảng chủ trương xây làng Do Thái trên lãnh thổ Palestine điều mà Obama chống đối, nhưng Netanyahu vẫn cứ làm.
Ngay tại Hoa Kỳ, nhiều cơ quan ngôn luận cũng thắc mắc về mục đích chuyến đi của Obama; câu hỏi truyền thông Hoa Kỳ nêu ra là, sau thái độ Netanyahu coi thường quan điểm chống đối của Obama về việc xây làng Do Thái trên đất Palestine, Tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn muốn trở lại với bế tắc này ư?
Obama nói trong một cuộc phỏng vấn, “Tôi đến Do Thái để tìm hiểu vấn đề”. Nữ phóng viên Isabel Kershner của tờ The New York Times, hiện đang có mặt tại Jerusalem, nêu lên một trong nhiều vấn đề cô nghĩ là người Do Thái sẽ đặt ra với ông Obama; cô viết, “Hôm thứ Tư (20/3) khi đáp xuống đây, ông Obama có thể sẽ phải đối diện với những người tuyệt thực bày tỏ thái độ ủng hộ ông Jonathan Jay Pollard, một điệp viên Do Thái đang bị giam giữ tại North Carolina với bản án chung thân.
Isabel Kershner
Không chỉ đối diện với những người tuyệt thực biểu tình, bênh vực điệp viên Pollard, Obama còn phải đối diện với những nhà trí thức Do Thái, những khoa học gia đoạt giải Nobel, những tướng lãnh hồi hưu, những tác giả nổi tiếng - toàn bộ những vị này đã ký chung với 175,000 công dân Do Thái một bản thỉnh cầu online, xin ân xá cho ông Pollard.
Chào đời tại Galveston, Texas, năm nay 58 tuổi, Pollard là một người Mỹ gốc Do Thái, phục vụ trong ngành tình báo của Hải Quân Hoa Kỳ với tư cách nhân viên dân sự chuyên ngành phân tích tin tức tình báo.
Năm 1984 ông đánh cắp những bản tin mật và cứ 2 tuần một lần trao cho nhân viên sứ quán Do Thái một cặp táp đầy tài liệu, tiết lộ những điều Hoa Kỳ biết về các quốc gia Ả Rập thù nghịch với Do Thái, về tiếp vận quân sự Nga cung cấp cho những quốc gia này, và về khả năng vũ khí nguyên tử và hóa học của Ả Rập.
Sau 18 tháng, hoạt động gián điệp của Pollard bị bại lộ; ông đến tòa đại sứ Do Thái tại Hoa Thịnh Đốn xin tị nạn, nhưng viên chức Do Thái từ chối. Bị truy tố, ông nhận tội và lãnh án chung thân tù giam. Lúc Pollard ra tòa, Do Thái phủ nhận ông là điệp viên của họ, nhưng đến năm 1995, Do Thái lại cho ông tư cách công dân Do Thái; và cuối thập kỷ đó, họ công nhận Pollard là điệp viên hoạt động cho họ.
Qua những tài liệu vừa được giải mật, có văn thư của CIA đánh giá những tổn thất cho Hoa Kỳ do việc Pollard tiết lộ bí mật tình báo quốc phòng gây ra; văn thư viết, vì những tài liệu này nên Do Thái biết tung tích những nguồn tin tình báo của Hoa Kỳ, và khiến cách săn tin của tình báo Hoa Kỳ bị bại lộ, do đó phương cách săn tin bị tê liệt và những nguồn tin bị trừng trị.
Người Do Thái và những thân hữu người Mỹ của Do Thái, bênh vực ông Pollard với lập luận ông chỉ cung cấp bí mật quốc phòng của những quốc gia Ả Rập chống Do Thái, mà không hề trao cho Do Thái những bí mật quốc phòng Hoa Kỳ. Nhưng dĩ nhiên những bí mật Hoa Kỳ biết về các quốc gia Ả Rập cũng là bí mật quốc phòng Hoa Kỳ.
Điệp viên Jonathan Jay Pollard
Đã có lần ông Netanyahu đề nghị đánh đổi việc phóng thích Pollard với những nhượng bộ của Do Thái trong cuộc thương thuyết với Palestine.
Trả lời truyền thông, Obama nói ông thông cảm xúc động của người Do Thái, và sẽ yêu cầu cơ cấu tư pháp cứu xét ân xá, tái xét việc giảm án hoặc ân xá ông Pollard. Tuy nhiên, Obama cũng nói, nếu Pollard được phóng thích, thì việc đó không hề là quyết định chính trị của cá nhân ông.
Giới quan sát viên Hoa Kỳ bắt đầu tin lời Obama nói là ông đến Trung Đông để tìm hiểu về những rối ren không gỡ được từ vài chục năm nay. Trong những cuộc gặp gỡ với viên chức Do Thái, ông không tìm kiếm một giải pháp nào cho nhiều vấn đề còn bế tắc, như việc Do Thái tiếp tục xâm lược Palestine bằng hình thức xây làng Do Thái trên đất Palestine, việc Iran bắt đầu xuống nước trong cuộc thử thách ý chí với Tây Phương, về quyền xúc tiến nguyên tử phục vụ hòa bình của họ, hay việc võ trang quân giải phóng Syria, việc nội loạn Ai Cập,...
Obama nói ông đến Trung Đông để tìm hiểu nguyên nhân và bản chất của mớ bòng bong rối tung, rối mù đó. Obama có một lợi thế nhỏ là Ehud Barak, con diều hâu chúa của Do Thái đã rời chức vụ tổng trưởng quốc phòng, và tân chính phủ liên hiệp do ông Netanyahu tổ chức cũng không tin tưởng vào giải pháp đơn phương oanh tạc Iran để phá hủy lò nguyên tử của nước này.
Phân tách thái độ của ông Obama tại Do Thái và tại những nước Trung Đông khác mà ông thăm viếng lần này, mọi người đều thấy ông đến Do Thái không để chờ Thượng Đế.
Qua 3 chữ “waiting for Godot”, tờ The Guardian muốn mượn vở kịch Waiting for Godot của kịch tác gia Samuel Beckett để chỉ trích Obama là ngớ ngẩn.
Becket là ngòi bút nổi tiếng trong trường phái absurdist (phái phi lý), mà một quan niệm triết cho là lối viết phi lý lột trần tính phi lý của cuộc sống. Ông viết nguyên bản bằng tiếng Pháp, và do đó thoạt đầu vở kịch mang tên En Attendant Godot.
Hai vai chánh của vở kịch 2 màn này là Vladimir và Estragon; họ ngồi chờ một nhân vật mang tên Godot (trong chữ Godot có chữ God - Thượng Đế). Godot là nhân vật không xuất hiện trên sân khấu, nhưng lại mang giá trị tư tưởng của vở kịch.
Ngay sau buổi trình diễn ra mắt -tối mùng 5 tháng Giêng 1953- vở Waiting for Godot đã gây tiếng vang lớn trong dư luận. Một nhà phê bình sân khấu viết, “Waiting for Godot là vở kịch hay nhất trong lịch sử thoại kịch”.
Nội dung vở kịch là Vladimir và Estragon ngồi chờ Godot, một nhân vật mà cả hai cùng nói là rất quen với họ, nhưng thật ra chưa ai biết Godot bao giờ. Trong lúc ngồi chờ Godot, để giết thời giờ, họ ăn, họ ngủ, họ tán dóc, gây lộn, rồi ca hát, nhẩy múa, có lúc họ còn bàn đến chuyện cùng tự tử, nhưng họ không tự tử, mà cũng không dám rời bỏ vị trí chờ đợi để đi đâu cả, vì họ sợ Godot tới mà họ không được gặp.
Vở kịch chỉ có vậy, nhưng được cho là nó đã lột trần thái độ phi lý không làm gì cả của nhân loại, thái độ chỉ ngồi “chờ Thượng Đế”. Dù chấp nhận quan điểm cho là một phần nào đó của nhân loại có thái độ ngồi chờ như vậy, thì Obama cũng không thuộc thành phần thụ động ngồi chờ.
Nếu thụ động, nếu chỉ ngồi chờ, ông đã không chấm dứt được 2 cuộc chiến tranh Trung Đông hút trống tiềm năng quân sự Hoa Kỳ, đã không giải quyết được tình trạng nhóm tài phiệt ngân hàng xúm lại kéo nhà của con nợ bị chúng lừa bằng mánh khóe subprime lending, và cũng không vực dậy nổi một hệ thống ngân hàng gần khánh tận, và một hệ thống kỹ nghệ xe hơi gần phá sản.
Một minh chứng khác Obama không ngồi chờ cơ trời là đạo luật The Patient Protection and Affordable Care Act (PPACA) thường được gọi là Obamacare - đạo luật đem bảo hiểm y tế đến cho toàn thể công dân Hoa Kỳ.
Obama không đến Do Thái để thúc đẩy Netanyahu ngồi vào bàn đàm phán với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, hoặc làm áp lực để Do Thái đừng tấn công Iran; ông đến đó để nghe và tìm giải pháp hòa bình trường cửu cho toàn vùng Trung Đông.
Nguyễn đạt Thịnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét