Ông Tập Cận Bình thăm và thị sát căn cứ của hạm đội Nam Hải trên đảo Hải Nam, kêu gọi hải quân Trung Quốc 'sẵn sàng chiến đấu' trong tình hình gia tăng phức tạp ở Biển Ðông.
Chuyến thăm diễn ra hôm thứ Ba 9/4, nhưng mãi tới thứ Năm 11/4 mới được tường thuật trên báo đài của Trung Quốc.
Cùng ngày, ông Tập cũng thăm viếng và úy lạo các ngư dân trên đảo Hải Nam, vốn hành nghề đánh bắt trong các khu vực chồng lấn chủ quyền ở Biển Ðông (Trung Quốc gọi là Nam Hải).
Các hoạt động dồn dập nói trên cho thấy lập trường kiên quyết và cứng rắn của người vừa nhận chức vụ lãnh đạo tối cao quân đội Trung Quốc đối với vấn đề chủ quyền ở Biển Ðông.
Ông Tập mới trở thành Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc thay ông Hồ Cẩm Ðào.
Ðây là lần thứ hai ông Tập Cận Bình thăm hạm đội Nam Hải từ khi lên làm Tổng bí thư Ðảng CSTQ tháng 11 năm ngoái.
Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là người có quan hệ với quân đội chặt chẽ hơn người tiền nhiệm.
Duyệt đội hình
Truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh Chủ tịch Tập đứng trên xe mui trần duyệt đội hình của hạm đội Nam Hải tại Tam Á, Hải Nam.
Sau đó, ông lên thăm chiến hạm đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, vừa quay trở lại căn cứ sau công vụ kéo dài 16 ngày ở Biển Ðông.
Ông Tập mặc áo sơ mi màu xanh lá cây già kiểu nhà binh. Ông nói chuyện thân mật với các binh lính trên tàu đổ bộ, trong đó có hàng chục lính nữ.
Ông Tập Cận Bình còn thăm một tàu ngầm, không rõ chi tiết.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông dặn dò hải quân Trung Quốc phải tăng cường rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tam Á là căn cứ hải quân lớn nhất của Trung Quốc, nơi ngoài đại bản doanh của hạm đội Nam Hải còn có cơ sở tàu ngầm.
Tàu Tỉnh Cương Sơn cùng một số tàu chiến và trực thăng vừa kết thúc chuyến tuần tra huấn luyện ở Biển Ðông trong tuần vừa rồi.
Ðội tàu của hạm đội Nam Hải đã tới tận bãi James ở ngoài đường lưỡi bò chủ quyền của Trung Quốc, gần Malaysia; đồng thời tới đảo Vành Khăn trong quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Cục Hải dương Trung Quốc hôm 11/4 công bố kế hoạch phát triển hàng hải, trong đó cam kết tăng cường bảo vệ quyền hoạt động trên biển với việc mua sắm các máy bay và tàu chiến mới.
Mới nhất, hôm 10/4 Trung Quốc điều tàu Ngư chính 45001 rời cảng Bắc Hải ở Quảng Tây để bắt đầu tuần tra ở vùng biển Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) trong 50 ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét