Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Cống hiến của Dòng Tên trên đất Thần Châu


lyanh0604
Ngày 13/03/2013, Hồng y đoàn ở Tòa thánh La Mã bầu Đức Hồng y Jorge Mario Bergolio, cựu Giám mục địa phận Buenos Aires, làm Giáo hoàng thứ 266. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng y ngoài Châu Âu được cử làm Đức Giáo hoàng, ý nghĩa vô cùng trọng đại. Hồng y Jorge Mario Bergolio là người có đời sống giản dị và khiêm nhường, gần gũi dân chúng, nay được cử làm lãnh tụ tinh thần của 1,2 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo, được nhiều người hoan nghênh và ca ngợi.

Đức Hồng y Bergolio chọn danh xưng là Giáo hoàng Francis, thêm một lần đầu tiên nữa: đây là lần thứ nhất Thánh Francis Xavier (07/04/1506 – 03/12/1552), nổi tiếng sống cuộc đời đơn giản, được chọn làm danh xưng một Giáo hoàng.
Thời Trung thế kỷ, Giáo hội Thiên Chúa giáo bước vào con đường hủ bại, thích hưởng thụ vật chất, Thánh Francis Xavier dũng cảm chỉnh đốn lại những thói hư tật xấu vừa manh nha trong Giáo hội. Ngài còn là nhà truyền đạo Thiên Chúa tiên phong và đồng sáng lập viên của Dòng Tên (còn gọi là Đoàn Giêsu hay Hội dòng Giêsu), một dòng tu Thiên Chúa giáo chọn sự thanh bần, nghèo khó làm tôn chỉ sống, truyền đạo và phụng sự tha nhân.
Hồng y Bergolio lấy tên Thánh Francis Xavier người sáng lập ra Dòng Tên, đã khiến cho nhiều người Hoa nghĩ đến ông Matteo Ricci, một giáo sĩ Dòng Tên, năm 1582 đặt chân lên đất Ma Cao, truyền đạo Thiên Chúa và cống hiến cả cuộc đời vào việc xây dựng Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Trung Quốc. Đồng thời họ cũng nghĩ đến những hoạt động của Dòng Tên trên đất Thần Châu (người Hoa còn dùng tên Thần Châu thay thế tên gọi Trung Hoa) và sự cống hiến của dòng tu này đối với sự ra đời và trưởng thành của Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Trung Hoa.

Cống hiến của giáo sĩ Matteo Ricci ở Trung Quốc
Ông Matteo Ricci là nhà truyền đạo thuộc Dòng Tên, chào đời ở Macerata, Ý Đại Lợi năm 1552. Ba mươi năm sau (1582), ông đến Trung Hoa truyền đạo Thiên Chúa, năm 1610 từ trần ở Bắc Kinh.
Giáo sĩ Matteo Ricci thụ giáo thần học và học luật tại trường Công giáo La Mã (Roman Jesuit School). Năm 1577, ông ghi tên vào một đoàn thám hiểm tới Ấn Độ. Tháng 03/1578, đoàn thám hiểm khởi hành từ Lisboa, Bồ Đào Nha, tháng 09/1578, giáo sĩ Ricci đến bang Goa, phía Tây Ấn Độ. Năm 1582, giáo sĩ Ricci lại đi từ Ấn Độ đến Ma Cao, Trung Quốc. Từ đó ông bắt đầu học ngôn ngữ và phong tục Trung Hoa, trở thành học giả phương Tây đầu tiên học ngôn ngữ và chữ viết cổ điển Trung Hoa.
Năm Vạn Lịch thứ 11 (1583), giáo sĩ Matteo Ricci cùng Linh mục Michele Ruggieri đến phủ Triệu Khánh, Quảng Đông, được Tổng đốc Lưỡng Quảng là Quách Chế Đài và Tri phủ Triệu Khánh là Uông Thái Thú tiếp đãi. Lúc đầu hai vị tự giới thiệu mình đến từ Thiên Trúc, các quan nghĩ họ là tín đồ Phật giáo. Sau đó giáo sĩ Matteo Ricci nói cho các quan hiểu: “Chúng tôi là những người ngưỡng mộ Trung Quốc từ phương Tây xa xôi đến, xin được ở lại chốn này phụng sự Đức Chúa Trời”. Ông không dám nói đến để truyền đạo vì sợ bị trục xuất.
Giáo sĩ Ricci mang đến Trung Hoa rất nhiều vật lạ như tượng Đức Mẹ, bản đồ, máy đo vị trí tinh tú (Astrolabe), hình học Euclid... lôi cuốn rất nhiều người dân bản xứ. Tại phủ Triệu Khánh, giáo sĩ Ricci vẽ bản đồ đầu tiên bằng tiếng Hoa, giúp cho dân chúng ở đó hiểu biết về địa dư thế giới.
Năm 1595, giáo sĩ Ricci tới Nam Kinh, Nam Xương và Thông Châu. Ngày 07/09/1598 ông đến Bắc Kinh. Lúc bấy giờ bùng nổ cuộc chiến tranh Nhật Bản – Triều Tiên, ông không được vào Cố Cung (Tử Cấm Thành) yết kiến Hoàng đế Thần Tông (1572 – 1620). Sau hai tháng chờ đợi, Ricci rời Bắc Kinh tới Nam Kinh rồi dừng chân tại Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô. Năm 1600, Từ Quang Khải (1562 – 1633), một học giả người Trung Hoa viết khá nhiều sách, kết bạn với giáo sĩ Matteo Ricci, học tập được rất nhiều kiến thức của nền văn hóa phương Tây.
Năm 1601, giáo sĩ Matteo Ricci trở lại Bắc Kinh yêu cầu được yết kiến Hoàng đế Thần Tông, nhưng không được toại nguyện. Sau khi xin tặng Hoàng đế tượng Chúa, tượng Đức Mẹ, đồng hồ chuông, đàn dương cầm ... giáo sĩ Ricci được phép vào Cố Cung tặng quà và được gặp Thần Tông. Có thể nói ông là người phương Tây đầu tiên được mời vào Cố Cung.
Hoàng đế Thần Tông thấy giáo sĩ Ricci có kiến thức về thiên văn, địa lý... ban cho ông một chức quan và cho phép xây dựng nhà thờ truyền đạo Thiên Chúa. Nhờ có nhiều cơ hội gặp các quan chức và một số nhân vật hàng đầu về văn hóa tại Bắc Kinh, giáo sĩ Ricci có nhiều thuận lợi trong công việc truyền đạo Thiên Chúa và xây dựng Giáo hội ở Trung Quốc.
Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, tôn thờ đạo Khổng và tổ tiên là lễ nghi và phong tục lâu đời. Giáo sĩ Matteo Ricci là người am hiểu nội tình Trung Quốc, lại tôn trọng lễ nghi truyền thống của người Trung Hoa, nên đã có thái độ khoan dung, rộng mở, không ngăn cấm tín đồ Thiên Chúa người Trung Hoa tôn thờ đạo Khổng, thờ phụng tổ tiên. Nhờ vậy, rất nhiều người Trung Hoa vào đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên, nội bộ Dòng Tên cũng như Tòa thánh có nhiều ý kiến trái ngược nhau về chuyện giáo dân thờ cúng tổ tiên, đã gây ra tranh cãi kịch liệt.
Trong hai năm, 1704 và 1715, Đức Giáo hoàng Clement XI nghiêm cấm tín đồ Thiên Chúa giáo Trung Quốc giữ lễ nghi cổ truyền, làm nảy sinh xung đột giữa Tòa thánh La Mã và triều đình Mãn Thanh. Năm 1721, Hoàng đế Khang Hy hạ lệnh nghiêm cấm các hoạt động truyền đạo Thiên Chúa. Năm 1742, Đức Giáo hoàng Benedict XIV trong tông Chiếu "Ex Quo", bác bỏ lễ nghi Trung Hoa vì “không phù hợp với giáo lý Công giáo”, Hoàng đế Càn Long lại cấm các hoạt động truyền đạo của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Các vị Hoàng đế sau Càn Long là Gia Khánh và Đạo Quang vẫn duy trì lệnh đó. Trong thời gian này, tuy các giáo sĩ phương Tây vẫn vào Trung Quốc truyền giáo, nhưng không được phép công khai. Bởi vậy, tín đồ Thiên Chúa giáo Trung Hoa đã từ 30 vạn người tụt xuống còn 20 vạn.
Tình trạng trên đã khiến nhiều người Trung Hoa vô cùng tôn kính nhà truyền đạo Thiên Chúa đầu tiên vào Trung Quốc là giáo sĩ Matteo Ricci. Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 400 năm ngày giáo sĩ Matteo Ricci từ trần, Giáo hội Thiên Chúa giáo chân chính cùng nhiều giáo dân đã tổ chức những hoạt động tưởng nhớ tới vị giáo sĩ đã cống hiến cả cuộc đời vào việc xây dựng Giáo hội Thiên Chúa ở Trung Hoa.

Cống hiến của Dòng Tên ở Trung Quốc
Dòng Tên là dòng tu có ảnh hưởng rộng lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải. Năm 1847, ngoài việc truyền đạo, các giáo sĩ Dòng Tên đã giúp đỡ xây dựng nhà thờ Từ Gia Hối ở thành phố Thượng Hải. Hiện nay nhà thờ này là một trong 10 nhà thờ đẹp nhất Trung Hoa. Năm 1850, các giáo sĩ Dòng Tên lại mở một cô nhi viện ở Thượng Hải, về sau cô nhi viện này trở thành trường Trung học giáo dục kiểu phương Tây. Sau đó trở thành trường công lập Từ Gia Hối, những người có địa vị xã hội ở Thượng Hải thời bấy giờ thường tranh đua nhau gửi con em vào đó tiếp thu giáo dục phương Tây.
Ngoài những hoạt động truyền đạo Thiên Chúa, đầu thế kỷ 20, các giáo sĩ Dòng Tên còn mang những kiến thức văn hóa phương Tây của những quốc gia có chế độ giáo dục tốt đẹp vào truyền thụ cho dân chúng Trung Hoa như chế độ Học viện (Academie) nước Pháp. Tại đây họ đã kết hợp chế độ giáo dục phương Tây với tình hình thực tế Trung Hoa thành chế độ giáo dục cao đẳng phù hợp với thực tế Trung Quốc. Nhờ vậy, ngày 27/02/1903 đã khai mạc được học viện Trấn Đán. Lớp đầu tiên có 24 học sinh tham dự. Ngày hôm đó, tờ Tô Báo đăng bài báo với đầu đề Sự chuyển biến của giáo dục thế giới. Lương Khải Siêu (1873 – 1929), nhà tư tưởng và là nhà hoạt động chính trị ở Trung Quốc thời cận đại cũng viết bài đăng trên tờTân Dân Tùng Báo ca ngợi chế độ giáo dục phương Tây. Tại khu Từ Gia Hối, hai giáo sĩ Dòng Tên chỉnh lý những tiêu bản động thực vật thu thập được ở lưu vực sông Trường Giang, năm 1883 thành lập nhà bảo tàng tự nhiên. Sau đó dời đến Ngoại Hối, trở thành tiền thân của nhà bảo tàng tự nhiên Thượng Hải. Các giáo sĩ Dòng Tên còn xây dựng 2 đài thiên văn Thượng Hải và Dư Sơn. Ngoài ra, việc thành lập các trường Đại học Y khoa ở Thượng Hải cũng phải dựa vào sự đóng góp của các giáo sĩ Dòng Tên.
Năm 1921, mặc dù xảy ra cuộc chiến tranh Bắc Phiệt hỗn loạn, các giáo sĩ Dòng Tên vẫn giúp đỡ xây dựng trường Đại học Công thương Thiên Tân, hiện nay là trường Đại học Ngoại ngữ. Ngoài ra, các giáo sĩ Dòng Tên còn có nhiều cống hiến khác trong việc xây dựng Giáo hội ở Trung Quốc và giúp đỡ người Trung Quốc khi gặp hoạn nạn trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật, tính ra không sao kể xiết.
Năm 1949, Đảng Cộng Sản Trung Quốc cướp được lục địa Trung Hoa, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc dời đến Đài Loan vẫn được Tòa thánh Vatican thừa nhận và bang giao cho đến bây giờ. Hiện nay, Tòa thánh Vatican là nước Châu Âu duy nhất bang giao với Trung Hoa Dân Quốc. Trong khi đó chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do ĐCSTQ vô thần dựng nên lại cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican và thành lập Giáo hội Thiên Chúa quốc doanh không theo quy củ của Tòa thánh La Mã.
Trung Quốc là nước có nhiều giáo dân, Tòa Thánh muốn bang giao để có điều kiện bồi dưỡng đức tin và trông coi phần hồn cho các tín đồ Thiên Chúa giáo người Trung Hoa. Tuy nhiên, Trung Cộng lại gây ra nhiều khó khăn, không cho Giáo hội chân chính tuân theo Tòa thánh La Mã hoạt động, ngăn cấm giáo dân tự do tôn thờ Đức Chúa Giêsu, bởi vậy đến nay Vatican và Bắc Kinh vẫn chưa ngồi lại với nhau.
Lý Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét