Công tử Bạc Liêu
Và người cha của Công tử Bạc Liêu
Thưa quý bạn, trước đây, ở Sài Gòn, từ thời còn đi học tôi đã nghe nói đến cái tên “Công tử Bạc Liêu” nhưng không hiểu Công tử Bạc Liêu là ai, sinh vào thời nào, còn sống hay đã chết. Thế rồi đến năm 1965, sau khi ra trường, tôi được đổi về Bạc Liêu, anh em có nói với tôi rằng trong các lớp chúng tôi dạy có con của Công tử Bạc Liêu học nhưng tôi cũng không để ý, bởi vì tôi bận quá, vừa đi dạy vừa lo viết tiểu thuyết đăng báo hằng ngày – kêu là viết phơi-ơ-tông – cho hai tờ báo ở trên Sài Gòn, không còn thì giờ để ý đến các chuyện khác.
Thế rồi một lần, bác chủ nhà vô tình kể cho tôi nghe chuyện Công tử Bạc Liêu, tôi thấy hơi lạ và hơi tức cười. Ví dụ: bác kể mỗi lần đi đâu, Công tử Bạc Liêu đi một đoàn cả chục chiếc xe xích lô, chiếc thứ nhứt chở cây can, chiếc thứ hai chở chiếc nón nỉ, chiếc thứ ba chở gói thuốc lá, chiếc thứ tư chở cái
hộp quẹt v.v..., cậu ngồi xe đằng sau, còn các xe khác hổng chở gì hết. Tôi rất ngạc nhiên nên hỏi: “Thưa bác, tại sao ông ấy lại phải đi nhiều xe như vậy?”. Bác cười: “Bác cũng hổng hiểu. Bởi thế cho nên cẩu mới nổi tiếng là Công tử Bạc Liêu chớ nếu bình thường như người ta thì đâu có nổi tiếng”. Bác còn kể thêm nhiều chuyện khác, trong đó có chuyện, một hôm đoàn xe của Công tử Bạc Liêu đi vô trong đồng thăm ruộng, cậu trông thấy một cô gái đang tắm dưới kênh, ngâm mình dưới nước, cái bụng chửa chình ình. Cậu giận lắm, bèn hỏi cổ là con nhà tá điền nào rồi ra lệnh cho tài khạo đi kêu ông già của cổ tới. Ông già lớ quớ chưa hiểu gì hết, cậu la mắng ổng là không biết dạy con, để cho nó tắm như vậy nó dìm chết đứa trẻ trong bụng thì sao? Ông già không biết giải thích thế nào bèn quỳ xuống lạy cậu và hứa sẽ dạy con, không để cho nó tắm như thế nữa. Cậu bằng lòng lắm, móc bóp cho ông 5 đồng: “Thôi được, đây, tui cho chú, hễ khi nào nó muốn tắm thì mướn người ta gánh nước về cho nó tắm, bụng lớn đừng có ra ngoài kinh, té chết ạ”. Tôi hỏi: “Năm đồng lúc ấy lớn hay nhỏ hả bác?”. Bác chủ nói: “Lớn lắm, cỡ 10 giạ lúa khi đó chớ không phải ít”. Tôi nhẩm tính, mỗi giạ lúa miền Nam là 40 lít, không biết trọng lượng bao nhiêu nhưng chắc chắn phải hơn 40 ký. Như vậy Công tử Bạc Liêu đã cho ông già khoảng non nửa tấn lúa để... mướn người gánh nước cho con gái tắm! – Bác chủ cười: “Đó, giáo sư coi, tá điền ở trong đồng nghèo muốn chết, cơm còn không đủ ăn huống chi chuyện mướn người gánh nước. Ổng là dân Tây, du học bên Pháp về nên tưởng ai cũng sống dễ dàng như ổng”. Tôi rất ngạc nhiên: “Công tử Bạc Liêu đã đi du học bên Pháp?”. “Có, cẩu học ở bển 3 năm, về sống như ông vua con, bán trời không văn tự, cứ muốn làm gì là làm nên mới nổi danh Công tử Bạc Liêu”. Tuy không tiện hỏi nhưng tôi vẫn thắc mắc trong lòng, không hiểu tại sao một người đã từng du học bên Pháp mà lại “ngây thơ” đến mức cho rằng đàn bà chửa ngâm mình dưới nước có thể làm cho đứa trẻ trong bụng bị ngộp. Ngoài ra, cậu cho ông già 5 đồng, đúng là cậu có lòng tốt thật nhưng nếu cho với mục đích để ông... mướn người gánh nước cho con gái ông tắm thì hết chỗ nói, cậu chẳng hiểu gì về sự nghèo khổ của những người tá điền ở trong đồng của gia đình cậu.
Sau này, hơn 6 năm trời dạy học ở Bạc Liêu, được nghe nhiều chuyện có thể coi là rất lạ về vị “công tử” xứ Bạc, tôi mới vỡ lẽ ra rằng có những chuyện có thật nhưng cũng có những chuyện chỉ là giai thoại, xảy ra ở đâu đó hoặc với người nào đó, cũng có khi người ta tưởng tượng ra rồi khoác cho cậu, thành thử “chuyện dài Công tử Bạc Liêu” càng ngày càng nhiều và càng ly kỳ, kể không sao hết. Tôi xin lấy ví dụ, cách đây ít lâu, đài truyền hình Sài Gòn làm cuốn phim hài “Công tử Bạc Liêu”, trong đó có đoạn vị Hắc công tử này thi nấu chè bằng tiền với vị Bạch công tử con của vị đại điền chủ Đốc phủ Sảng ở Mỹ Tho. Hai bên thi nhau đẩy tiền vô bếp cho lửa cháy lớn đặng chè của mình mau sôi. Cuối cùng, Hắc công tử (tức Công tử Bạc Liêu) thua vì nồi chè của Bạch công tử sôi trước. Gần đây, ông Phan Kim Khánh là cháu gọi Công tử Bạc Liêu bằng cậu ruột kể lại với ông Phan Trung Nghĩa, là tác giả cuốn sách “Công tử Bạc Liêu & Sự thật và giai thoại” rất có giá trị vì ông Phan Trung Nghĩa là người Bạc Liêu, vừa có họ hàng vừa là bạn bè với ông Phan Kim Khánh, rằng năm 1960, ông Khánh có công chuyện lên Sài Gòn, ghé ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Du thăm cậu và có hỏi thẳng cậu: “Thiên hạ đồn thời trẻ cậu ăn chơi quăng tiền qua cửa sổ, đốt tiền làm đuốc, đốt tiền nấu chè… chuyện đó có thiệt không cậu Ba?”. Công tử Bạc Liêu trả lời: “Họ nói tầm phào. Có tiền thì tao qua Nhật chơi gái Nhật chớ tội gì đem đốt!”. Thật đúng khẩu khí của Công tử Bạc Liêu. Sau đây tôi xin trình bày hầu quý bạn những điều có liên quan tới vị công tử ăn chơi khét tiếng nhưng có lẽ cũng rất dễ thương do lòng nhân ái... không giống ai hết của cậu.
* * *
Công tử Bạc Liêu, tên là Trần Trinh Huy, sinh năm 1900, mất năm 1973 tức 2 năm trước khi “giải phóng”, là con trai thứ hai (theo lối gọi trong Nam là thứ ba) của vị đại điền chủ giàu có và nhiều ruộng đất bậc nhất miền Nam Trần Trinh Trạch. Trước hết, tôi xin trình bày về ông “Lớn Trạch” hay ông “Hội đồng Trạch”, để xem ông giàu đến mức nào và tại sao ông lại giàu như thế, thì chúng ta mới hiểu được tại sao Công tử Bạc Liêu lại “ngồi trên đống bạc” và có phương tiện ném tiền qua cửa sổ như vậy.
“Ông Lớn” Trần Trinh Trạch, cha của Công tử Bạc Liêu
Theo sách của ông Phan Trung Nghĩa và nhiều sách khác như của tác giả Nguyên Hùng chẳng hạn, ông Trần Trinh Trạch sinh năm 1872 tại Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, mất năm 1942 (thọ 70 tuổi), khởi đầu chỉ là con của một gia đình tầm thường gần như nghèo khó người Hoa, sang Việt Nam, trôi giạt xuống Bạc Liêu từ lâu, định cư tại khu Cái Dầy (xã Châu Hưng hiện nay, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 5 cây số). Thuở nhỏ, nhà nghèo, cậu bé Trần Trinh Trạch phải đi ở đợ kiếm miếng cơm ăn, làm đứa trẻ sai vặt cho một vị điền chủ. Gia đình vị điền chủ này gia nhập quốc tịch Pháp. Theo quy định của chính quyền thuộc địa lúc bấy giờ, bắt buộc con cái của các gia đình nhập quốc tịch phải học tiếng Pháp. Khi ấy truyền thống người Hoa là nói tiếng Hoa còn rất phổ biến, người ta ngại học tiếng Pháp, vậy là cậu Trần Trinh Trạch được gia đình này cho đi học thay cho con của họ. Trần Trinh Trạch là một cậu bé thông minh, lanh lợi, đây là điều may mắn đầu tiên giúp cậu có một vốn liếng tiếng Pháp rất khá, khoảng chừng lớp 8-9 trung học. Thời ấy, ở một tỉnh nhỏ nơi quê mùa, học đến đấy là cao lắm rồi và rất hiếm có. Cậu thôi học, trở về nhà mình, làm đơn xin tuyển vào làm thư ký Tòa bố (Tòa Hành chánh tỉnh) và được chấp thuận.
Cái may thứ hai của Trần Trinh Trạch là trong khi làm thư ký Tòa bố, cậu được quan Chủ tỉnh người Pháp (tức Tỉnh trưởng sau này) tin cậy, nên có thời kỳ bên nhà đoan Tây thiếu người, vị Chủ tỉnh bèn cử cậu qua phụ trách Công xi rượu (Công xi: company, ngoài Bắc gọi là Công ty). Thời đó, nhà nước thuộc địa chủ trương độc quyền buôn bán và sản xuất rượu. Dân chúng hễ ai nấu rượu, gọi là rượu lậu, sẽ bị bắt và bị phạt rất nặng đến tán gia bại sản. Trần Trinh Trạch được giao cái quyền béo bở là dẫn nhân viên đi bắt rượu lậu. Cứ bắt được 10 đám thì ông ta bỏ túi một nửa, chỉ khai báo có 5 đám. Dân chúng nói là tài sản đầu tiên Trần Trinh Trạch có được là nhờ bỏ túi tiền bạc trong các vụ bắt rượu lậu.
Sau đó, Trần Trinh Trạch được gọi trở về làm thư ký chánh văn phòng phụ trách điền địa trong Tòa bố. Đây lại là một dịp may hiếm có khác của Trần Trinh Trạch, bởi vì chính sách điền địa của Pháp tại Bạc Liêu (bao gồm cả Cà Mau) lúc ấy còn rất lỏng lẻo. Dân đi khai phá chủ yếu là tự phát nên việc lập sổ bộ để cấp bằng khoán của sở điền địa rất chậm chạp. Đấy là thời cơ cho những người có thế lực và tiền bạc khẩn hoang... trên giấy tờ. Nghĩa là họ lèo lách để chính quyền thuộc địa cấp cho họ bằng khoán chính thức với những vùng đất rộng lớn hàng trăm hàng ngàn héc-ta (1 héc-ta hay 1 ha tức một mẫu tây = 10,000 m2, gần gấp 3 lần mẫu ta 3,600 m2 ở ngoài Trung và ngoài Bắc – ĐD), trên đó chưa có hoặc đã có dân nghèo đến khẩn hoang, làm ăn sinh sống từ lâu rồi. Nghiễm nhiên các dân nghèo này bỗng dưng bị biến thành tá điền cho bọn nhà giàu ngay trên mảnh đất họ đã đổ mồ hôi nước mắt ra khai khẩn. Tiêu biểu là vụ đồng Nọc Nạn năm 1928, bà Huyện Lành ở Cà Mau chiếm đất của anh em Biện Toại, Mười Chức tại Hộ Phòng thuộc huyện Giá Rai, gây ra cuộc chiến đẫm máu gọi là “vụ án đồng Nọc Nạn”, anh em Mười Chức chết một lúc 5 người. Nếu quý bạn có dịp xuống Tắc Sậy, Hộ Phòng thăm Lăng Cha Diệp, rất nên ghé khu lưu niệm Đồng Nọc Nạn (hay còn gọi là Đồng Nọc Nạng) thăm những ngôi mộ của anh em Mười Chức, nghĩ đến chuyện xưa thấy rất cảm động. Mà, ở Bạc Liêu lúc ấy, thế và lực thì ai bằng cậu “thư ký chánh văn phòng điền địa” Trần Trinh Trạch? Cậu tha hồ vẽ voi vẽ rắn, ăn tiền bằng thích.
Một cái may khác nữa của Trần Trinh Trạch là tại Bạc Liêu lúc này có một điền chủ giàu khét tiếng tên là Phan Hộ Biết (tục danh là “Bá hộ Bì”) thường đến Tòa bố nộp thuế và làm các giấy tờ sở hữu đất đai. Năm 1894, Phan Hộ Biết nộp đơn xin lập một ngôi làng mới ông định đặt tên là làng Vĩnh Hưng (tức xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu hiện nay), ông sẽ quy tụ dân về đấy, cam đoan chịu trách nhiệm đóng thuế thân cho họ và sẽ bỏ tiền ra xây cất nhà việc (công sở làng) trị giá 200 đồng v.v...
Nhưng có một người giàu nổi tiếng khác tên là Bành Trấn đã nhảy vào tranh giành. Ông ta hứa với chính quyền thuộc địa rằng ông chịu đóng thuế cho 300 người và 1,500 mẫu đất nếu quan Toàn quyền Đông Dương cho ông ta sở hữu 1,000 mẫu. Cuối cùng, Toàn quyền Đông Dương chấp nhận đơn xin của Bành Trấn.
Kinh nghiệm này cho Phan Hộ Biết thấy ông ta cần có người giỏi tiếng Pháp, thông thạo về điền địa và có thế lực tại Tòa bố để làm tay trong cho ông ta, vì vậy Phan Hộ Biết nhắm cậu chánh văn phòng điền địa Trần Trinh Trạch, lúc ấy mới 22 tuổi và còn độc thân, rồi gả cô con gái tên Phan Thị Muồi, 21 tuổi, (sinh năm 1872, mất năm 1947 sau chồng 5 năm, thọ 75 tuổi) cho Trần Trinh Trạch.
Ông Phan Hộ Biết là một người rất giỏi làm ăn, ngoài việc là một đại điền chủ, ông còn được mệnh danh là “ông vua lúa gạo Nam kỳ” thời bấy giờ. Ông có hơn chục chiếc ghe chành để thu mua lúa gạo vùng Bạc Liêu chở về Sài Gòn và là chủ hầu hết các ruộng muối từ Gành Hào cho tới Vĩnh Châu. Từ đó, Trần Trinh Trạch được cha vợ hậu thuẫn cho làm ăn. Người trong gia tộc họ Trần nói mầm mống sự giàu có của Trần Trinh Trạch là do bên vợ.
Phan Hộ Biết có tới 7 người vợ sống chung với nhau. Lớp con cháu của ông sau này không ai chí thú làm ăn mà chỉ lo chơi bời, phá của. Ông chia điền sản cho các con thì dần dần nó chui vào tay Trần Trinh Trạch, vì lúc này ông Trạch là người cho vay lãi và những người anh em vợ của ông đến cầm cố nào điền thổ, ruộng muối, ghe chành, ông giống như người thừa kế duy nhất của bố vợ.
Khi đã giàu có rồi, Trần Trinh Trạch bắt đầu nghĩ đến việc vinh hiển bằng con đường quan chức. Vào những năm 1929-1933, kinh tế thế giới khủng hoảng, nước Pháp long đong. Chính quyền thuộc địa chiêu dụ các điền chủ để kiếm của cải chuyển về mẫu quốc bằng cách bán cho họ các chức “hàm” và phong các chức tước lớn nhỏ tùy theo mức tiền ủng hộ. Ông Trần Trinh Trạch ủng hộ nước Pháp khoản tiền lớn đến mức mẫu quốc gắn cho ông mề-đay (medal) Đệ ngũ đẳng Bội tinh và tặng một thanh gươm gia bảo. Ông Phan Kim Khánh, cháu ngoại của ông Trần Trinh Trạch, cho biết thanh gươm đó quý đến nỗi năm 1960, đại sứ Pháp ở Sài Gòn thân hành xuống Bạc Liêu gặp ông Henry –quản gia người Pháp có vợ Việt Nam– của gia tộc Trần Trinh để thương lượng việc mua lại thanh gươm đó với bất cứ giá nào, nhưng việc không thành. Nghe đâu thanh gươm đó do Hai Đinh (tức Trần Trinh Đinh, con cả của ông Trần Trinh Trạch) hay do Ba Huy (tức Trần Trinh Huy, Công tử Bạc Liêu) giữ, không hiểu bây giờ thất lạc nơi nào. Còn tấm mề-đay Đệ ngũ đẳng Bội tinh thì vô địch. Hễ ông Trạch đeo vào, từ quan Chủ tỉnh trở xuống khi gặp đều phải đứng nghiêm chào.
Ngoài hai món trên, ông Trạch còn được quan Toàn quyền Đông Dương phong chức “Đại biểu Hội đồng Cơ mật Đông Dương” (tương đương với Nghị sĩ nghị viện liên bang), tuy dân chúng vẫn quen miệng gọi là “ông Hội đồng” nhưng chức này lớn hơn “ông Hội đồng” của “Đại biểu Hội đồng hàng tỉnh” (tương đương với Nghị viên hội đồng hàng tỉnh) rất nhiều. Ông Trạch có thể đến gặp Toàn quyền Đông Dương bất cứ lúc nào ông muốn. Từ đó dân chúng còn gọi ông là “ông Lớn Trạch”.
Vùng Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau v.v... lúc bấy giờ còn rất hoang sơ, chưa có đường sá, cầu cống, kênh lạch... đi lại thuận tiện như bây giờ. Ruộng đất mới khai phá bị úng phèn, lúa không mọc được, nhiều chủ điền bỏ tiền ra thuê tá điền khai khẩn, bị lỗ nặng, thiếu tiền đóng thuế, có khi bị ở tù. Với thế lực “chơi với quan Toàn quyền và quan Chủ tỉnh”, ông Trạch nắm được kế hoạch đào các sông ngòi, kênh lạch, khai thông nước bị úng phèn cho chảy ra biển để lấy đất cho dân canh tác, làm giàu nông nghiệp. Ông coi bản đồ qui hoạch, cứ thấy vùng nào máy xáng (máy đào sông ngòi, kênh lạch) sẽ đào hệ thống dẫn thủy và đổ đất lên làm đường là bỏ tiền ra mua cả vùng đất đó. Thậm chí, người ta bán những khoảng đất chưa khai hoang, chỉ mới có bằng khoán trên giấy tờ ông cũng mua. Ông có con mắt tinh đời là đoán biết những vùng đất gần bờ biển sau này sẽ trở thành các ruộng muối, ông mua với giá rẻ mạt nhưng khi hệ thống dẫn thủy đã làm xong, tất cả những vùng ruộng lúa, ruộng muối, đất chưa khai khẩn của Trần Trinh Trạch đều trở thành có giá trị cao gấp bội phần.
Nói chung, Trần Trinh Trạch là vị đại điền chủ giàu có và nhiều ruộng đất, nhiều nhà cửa nhất miền Nam. Về ruộng trồng lúa, ông có 110,000 ha (có sách nói là 145,000 ha) gồm 74 sở điền tại Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu và các nơi khác như Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cà Mau... Về ruộng làm muối, ông có 100,000 ha. Ông gặp thời cơ lớn: khi người Hoa kiều sang Biển Hồ (Campuchia) hoặc đến Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau phát huy nghề truyền thống của họ là làm cá khô xuất sang Hồng Kông, Mã Lai, Singapore, Philippines, Nhật... mặt hàng này xuất khẩu rất mạnh, lúc đó chưa có công nghệ làm nước đá, việc ướp cá phải dùng muối; rồi việc muối cá mắm, muối ba khía... cũng cần muối. Giá muối trở thành rất cao, có lúc 1 giạ muối (cũng đong bằng chiếc “táo” 40 lít) mua được 5 giạ lúa. Ông Trạch “trúng mánh” không để đâu hết của!
Ngoài những nghề kể trên, ông Trạch còn mua đất, cất phố lầu để cho thuê. Cho đến bây giờ hậu duệ của dòng họ Trần cũng không nhớ nổi tại khu chợ Bạc Liêu ông Lớn Trạch có bao nhiêu dãy phố lầu. Họ chỉ đoán rằng hầu hết các dãy phố cất trước năm 1930 ở thị xã Bạc Liêu đều là của ông.
Năm 1917, ông Trạch cất ngôi biệt thự theo kiểu Pháp ở gần bờ sông, trung tâm Bạc Liêu (sau 75 bị tịch thu, dùng làm Trung tâm Thể dục Thể thao rồi được cải tạo lại, dùng làm Nhà hàng và Khách sạn Công tử Bạc Liêu (xin xem hình), còn khu vườn rất rộng và đẹp, có nhiều cây cối bên cạnh cũng của Công tử Bạc Liêu thì được dùng làm Quán cà phê Công tử Bạc Liêu). Người bình dân và dòng họ Trần Trinh lúc bấy giờ gọi ngôi biệt thự này là “Nhà lớn” vì nó lớn, sang trọng và đẹp nhất Bạc Liêu, bên trong lát toàn bằng đá cẩm thạch, mùa hè bước vào mát rượi.
Tại Bạc Liêu ông Trạch còn hai ngôi biệt thự to nữa, đó là ngôi số 42 đường Bà Triệu và một ngôi khác hiện là Thư viện tỉnh.
Ở Cần Thơ, Rạch Giá, Đà Lạt, Vũng Tàu... ông Trạch đều có biệt thự. Đặc biệt là ở Sài Gòn, ngoài ngôi biệt thự ở đường Nguyễn Du (phía gần vườn Tao Đàn và trường Quốc gia Âm Nhạc, sau này “cậu Ba” Trần Trinh Huy ở), ông còn nhiều biệt thự khác và nhiều căn phố lầu.
Tại các sở điền lớn đều có nhà của ông Trạch. Những ngôi biệt thự của ông bên ngoài thì xây theo kiểu Pháp rất tân tiến, oai vệ (như ngôi “Nhà lớn” chẳng hạn, xây năm 1917, đã 96 năm rồi, đến nay trông vẫn còn hợp thời), bên trong trang trí toàn những đồ vật quý pha trộn giữa Đông và Tây: bàn ghế danh mộc kiểu Louis XV, Louis XVI của Pháp hoặc những bức bình phong chạm trổ mai, lan, cúc, trúc. Đồ vật trong ngôi “Nhà lớn” lại càng cực kỳ quý giá, trong đó có bộ trường kỷ mà ngày xưa ông Ngô Đình Cẩn em trai của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở ngoài Huế cho người vào, xuống Bạc Liêu trả giá tới 2 triệu đồng mà họ Trần không bán.
Ông Trạch là người thận trọng, không hề ăn chơi, không có “bồ nhí”, chỉ sống chung thủy với vợ suốt đời, nên năm 1919, 47 tuổi, ông thuê thợ điêu khắc và thợ đúc kim loại tổng hợp từ bên Thụy Sĩ sang tạc và đúc cho vợ chồng 4 bức tượng: đôi màu trắng tạc bằng đá cẩm thạch, đôi màu đen đúc bằng kim loại tổng hợp. Tượng theo kiểu bán thân, kích cỡ vừa bằng người thật. Tượng bà Phan Thị Muồi vợ ông thì mặc áo dài, còn tượng ông thì áo dài khăn đóng, ngực đeo Đệ ngũ đẳng Bội tinh. Cả 4 bức tượng này do ông Phan Kim Khánh cháu ngoại của ông giữ, hiện còn tại Bạc Liêu.
Cuốn phim hài “Công tử Bạc Liêu” nói rằng bà Muồi giỏi tiếng Pháp, ăn chơi, giao dịch, nhảy đầm với các quan chức người Pháp như máy. Không đúng. Các tá điền lão thành hiện nay còn sống kể lại rằng bà không biết chữ, tóc cắt ngắn cum cúm theo kiểu phụ nữ người Hoa, chuyên mặc áo xẩm bằng vải sa-teng đen bóng. Đặc biệt, không hiểu từ bao giờ mắt bà không mở ra được, nên suốt ngày bà nằm trên chiếc ghế xích đu trước cửa ra vào, khi nào muốn nhìn thì phải lấy tay kéo mi mắt lên. Bà không bao giờ ăn được thịt, mỡ, vì hễ ăn vào là bị đau bụng, tháo dạ. Bữa cơm của vị “phu nhân” có chồng nhiều ruộng đất nhất miền Nam đó chỉ là mắm chưng và ba khía muối, suốt năm này tháng nọ.
Có lời bình phẩm trong giới bình dân rằng ông Hội đồng Trạch là người nhân đức. Hễ trong điền của ông, con gái được gả chồng ra khỏi điền thì ông cho 1 đồng (tương đương với 5 giạ lúa lúc ấy), còn nếu con gái lấy chồng hay con trai lấy vợ về điền thì ông cho 2 đồng. Một chuyện khác là phu ở các đồn điền cao su tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, vì quá cực khổ nên trốn xuống miền Tây làm tá điền cho ông. Khi chủ đồn điền cho người đi lùng bắt, ông sẵn sàng bỏ tiền ra trả nợ giùm họ để họ được tiếp tục làm cho ông. Sự thật, có thể ông Lớn Trạch nhân đức vì ông sống rất dễ dãi, chẳng bao giờ la mắng hay đánh đập người ăn người làm, nhưng còn một lý do khác là ông khôn, ruộng đất của ông hơn trăm ngàn mẫu, rất cần tá điền, ông đối xử tốt với họ hơn các điền chủ thiển cận không biết suy nghĩ cũng là hợp lý. Ông tốt nhưng rất thâm, tá điền trắng tay ở nơi khác đến, ông cho họ vay 20 giạ lúa và 7 đồng để họ làm cho ông. Các chủ điền khác mất người, tuy biết, muốn kéo họ lại nhưng cũng không được vì họ thích làm cho “ông Hội đồng” hơn.
“Đại gia” về trời
Khi đã lớn tuổi, ông Trần Trinh Trạch lo đến việc hậu sự bằng cách làm sẵn lăng mộ trước ở Cái Dầy là nơi phát tích của ông (cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 5 cây số về phía bên trái trên quốc lộ 4 – nay là quốc lộ 1A – về hướngSài Gòn; bên trên đề chữ “Trần Gia Chi Mộ” bằng tiếng Việt, bên dưới mới đề chữ Hán). Nền mộ cao 1 mét, có diện tích 1000 mét vuông. Cả lăng lẫn nền mộ xây toàn bằng đá cẩm thạch trắng.
Ông mất ngày 14 tháng 3 năm 1942 tại Sài Gòn về bệnh hen suyễn, thọ 70 tuổi. Lúc ấy tình hình chính trị có nhiều điều bất lợi cho giới điền chủ nên uy quyền và tiền bạc suy giảm, không còn lẫy lừng như trước nữa nhưng đám tang của ông cũng lớn đến mức trở thành một giai thoại.
Nhà nước Pháp ra lệnh cho quan Toàn quyền cử một đội lính Lê dương (lính chính quy người nước ngoài, khác với lính Khố xanh hoặc Khố đỏ bản xứ - ĐD) súng ống, nai nịt chỉnh tề, tháp tùng linh cữu ông từ Sài Gòn về tới Nhà lớn Bạc Liêu, rồi đến ngày động quan lại có một đội khác thay thế, đưa linh cữu ông ra tới tận huyệt.
Đám tang không nhận phúng điếu và có lệnh bất cứ một tá điền nào đến để tang đều được nhận 1 cắc (tương đương với 1 giạ lúa lúc ấy). Tá điền ở Vĩnh Hưng, Bàu Sàng được huy động tới che rạp và phục dịch. Người ta che rạp rộng tới mấy ngàn mét vuông từ sân Nhà lớn tới giáp bờ sông (nay là một đường nhựa khá lớn và bờ sông là một vườn hoa). Đám tang được quàn 7 ngày 7 đêm. Ai đến ăn uống cũng được. Dân đi chợ không quen biết gì cũng ghé ăn cơm đám ma. Đặc biệt là những người ăn xin tận Sóc Trăng xa xôi cũng kéo xuống “ăn dầm nằm dề”, coi như họ được no nê suốt 7 ngày đêm. Khi đưa tang, thân bằng quyến thuộc, bạn bè và tá điền đi thành một đoàn dài 5 cây số, cái đầu đã đến khu mộ mà cái đuôi còn ở Nhà lớn, với xe cộ ầm ầm, hàng trăm tấm giản và các vòng hoa. Ba dàn nhạc: Tìa lào cấu (Hoa), Ngũ âm (Khmer), và nhạc Đạo tỳ (Việt) trỗi lên nghe vui nhiều hơn buồn.
Đó là tất cả những gì về con người giàu nhất miền Nam đã khuất.
(Kỳ sau: Công tử Bạc Liêuvà người con của Công tử Bạc Liêu)
- Đoàn Dự ghi chép
MỘt người một thời. Thật hấp dẩn
Trả lờiXóa