Khi yêu nhau, người ta thường thề non hẹn biển, vẽ ra không biết bao nhiêu những giấc mơ thật đẹp. Nhưng tất cả những thứ đó cũng chỉ là những lời môi miệng thôi chứ chưa phải là chuyện thực tế. Thế rồi đến một lúc nào đó, một trong hai người sẽ mở lời trước, đưa ra đề nghị đi đến hôn nhân. Có người ví von hôn nhân là cánh cửa cuối cùng mở vào khu vườn tình ái đích thực. Cưới nhau rồi, tức là khi cánh cửa cuối cùng đã được mở, thì cũng là lúc hai người chạm mặt với cuộc sống thực tế đời thường. Do
đó, đời sống hôn nhân không chỉ là tình yêu mà bên cạnh đó còn có những lo toan khác như trả tiền nhà tiền xe mỗi tháng, tiền chợ búa, shopping, linh tinh. Đó là khi chưa có con cái. Có con rồi còn phải lo thêm những khoản chi tiêu như tã, sữa và nhiều thứ khác. Với những ai lần đầu được nghe tới những thứ lo toan linh tinh này thì chắc phải phát rét lên chứ chả chơi. Thế nhưng, thiên hạ vẫn cứ lấy nhau đều đều, không biết có phải vì đã nghe ca dao dạy rằng:
Cưới vợ thì cưới liền tay
Chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha
Theo thống kê tại Mỹ mỗi năm có hơn 2 triệu cặp xe tơ kết tóc. Mà nói đến đám cưới tại Mỹ thì đó lại là chuyện nhiêu khê không ít. Tục ngữ ta có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Đem câu tục ngữ trên ám chỉ chuyện đám cưới ở Mỹ chắc cũng không sai mấy. Lý do là vì ở Mỹ, để tổ chức một đám cưới, nội chuyện thời gian để chuẩn bị cũng tốn khá nhiều giờ; nhiều người đã phải bắt đầu chuẩn bị trước cả năm. Nào là nhẫn cưới, quần áo cưới cho cô dâu chú rể; rồi trang phục cho các phù dâu, phù rể, có khi lên đến tám, mười người. Rồi xe cộ rước dâu. Rồi lễ cưới, tiệc cưới. Rồi chuyện hưởng tuần trăng mật ở đâu. Cũng vì nhiêu khê như thế nên một đám cưới tại Mỹ không rẻ, trung bình mỗi đám cưới tốn kém khoảng $27.000. Nhưng không trách họ được vì cả đời người chỉ có một lần. Đấy là nói nếu những cặp vợ chồng này nằm trong cái nửa may mắn (vì theo thống kê cho biết có tới 50% các cuộc hôn nhân tại Mỹ đưa tới kết quả ly dị), còn không thì những đám cưới thứ nhì thứ ba sau đó dám chắc sẽ làm cho quỹ hưu bổng hay trương mục ngân hàng của những vị này vơi hụt đi phần nào.
Nhớ lại khoảng ba thập niên trước, khi người Việt mới chân ướt chân ráo tới Mỹ, còn nghèo nên chưa biết đua đòi là gì. Có những đám cưới rất đơn giản nhưng không hẳn sơ sài, cũng đầy đủ mọi tiết mục. Lúc ấy người ta chỉ cần dành dụm chừng hai, ba ngàn là đã có thể dõng dạc tuyên bố cùng bà con hai họ rằng đám cưới trong nay mai. Người khác nhẫn to thì mình nhẫn nhỏ thôi. Người ta tiệc cưới linh đình ở những nhà hàng sang trọng thì mình mượn cái hội trường ở nhà thờ hay một chỗ nào đó; thức ăn thức uống thì một ít đặt nhà hàng, một ít nhờ người nhà mỗi người một món. Ban nhạc sống và ca sĩ ư? Thì đã có ngay ban nhạc nhà thờ giúp vui. Thế là mọi người ăn uống no say, rồi còn có màn nhảy đầm nữa chứ đâu thua kém ai.
Bây giờ điểm lại những cặp vợ chồng lấy nhau bằng những đám cưới nghèo thời đó, hầu hết vẫn sống hạnh phúc vui vẻ. Hơn thế, có nhiều cặp đã lên chức ông bà nội ngoại mới hách chứ. Thế nên, những đám cưới tổ chức linh đình, những chiếc nhẫn kim cương vừa to vừa nặng (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), những chiếc áo cưới cô dâu trắng muốt dài lê thê, chỉ là những hình thức bề ngoài người ta bày đặt ra để có lý do phung phí cho đã thèm chứ không có gì chắc chắn bảo đảm cho chuyện tương lai.
Mà những bày vẽ tốn kém cho đám cưới không chỉ xảy ra ở Mỹ. Hiện nay, những nhà giàu thuộc loại đại gia ở Việt Nam cũng đang chờ dịp này để khoe của với thiên hạ. Có nhà bỏ ra bạc triệu làm đám cưới cho các cậu ấm cô chiêu tân thời, mướn ca sĩ hải ngoại về hát giúp vui và rước dâu với một đoàn xe hơi sang trọng đắt tiền nuối đuôi nhau trên đường phố cho thiên hạ lác mắt chơi. Câu “phú quý sinh lễ nghĩa” thời nào cũng đúng, mà thời nay nó còn đúng hơn bao giờ hết.
Con số hơn 2 triệu cặp vợ chồng làm đám cưới mỗi năm tại Mỹ là con số chung chỉ tất cả mọi hạng người thuộc mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây của Đại học Brigham Young thì mấy năm gần đây, càng ngày càng có nhiều người trẻ ở lứa tuổi hai mươi, là những người lần đầu lập gia đình, đang cố tình trì hoãn hôn nhân. Trước đây, những người trẻ trì hoãn hôn nhân thường là những người còn theo đuổi việc học hành, họ muốn xong đại học đã, ra trường, có công ăn việc làm ổn định rồi mới tính chuyện lập gia đình, sau đó là có con cái. Nhưng hiện nay, ngay cả những người trẻ không theo học đại học cũng ngày càng có thêm nhiều người trì hoãn hôn nhân.
Thủ phạm đích thị mà các nhà nghiên cứu nêu ra chính là vấn đề kinh tế. Trong 40 năm vừa qua, nhiều công việc đòi hỏi người làm việc chỉ cần có bằng trung học đã từ từ biến mất; thay vào đó, nhiều công việc hiện nay, ngay cả những công việc không đòi hỏi kinh nghiệm, nhưng lại đòi hỏi phải có bằng đại học. Do đó, nhiều người trẻ không có bằng cấp đại học đã gặp khó khăn tìm việc làm và nhiều khi kiếm được việc nhưng họ vẫn không cảm thấy an toàn. Trong khi đó, tâm lý chung cả nam lẫn nữ, đều muốn chính họ có sự độc lập về kinh tế trước khi lập gia đình, để lỡ nếu có xảy ra ly dị thì chính họ có được sự bảo đảm về kinh tế để có thể tự nuôi thân. Thế nên, món chi tiêu $27.000 cho đám cưới không hẳn là lý do duy nhất làm người ta lạnh lùng với hôn nhân mà còn vì cuộc sống tương lai sau đó.
Theo Sở Điều tra Dân số Liên bang, tuổi trung bình dành cho những cặp vợ chồng lần đầu lập gia đình hiện nay là 27 tuổi cho nữ và 29 tuổi cho nam, so với thập niên 1950 đã tăng từ 21 tuổi của nữ và 24 tuổi của nam. Nghĩa là càng ngày càng có nhiều người trẻ trì hoãn việc lập gia đình.
Các nhà nghiên cứu nói rằng có lẽ hôn nhân hiện nay chỉ dành cho những người có lợi tức khá, công việc vững vàng và phần nào đó có thể gọi là thành công trên đường đời. Vì vậy mà ta có thể nói rằng hôn nhân đang trở thành món hàng xa xỉ đối với nhiều người.
Nhiều người trẻ trì hoãn việc hôn nhân, nhưng điều chúng ta đang nói ở đây là thứ hôn nhân có giá thú hẳn hoi. Còn chuyện sống chung thì những người này vẫn sống chung với nhau như vợ chồng và sau đó là những đứa con ra đời trong khi cha mẹ vẫn chưa hẳn là vợ chồng chính thức.
Trước đây, tuổi của những người lần đầu có con vẫn thường song hành với tuổi của những người lần đầu lập gia đình. Đến khoảng thập niên 1990 thì chiều hướng này có thay đổi và độ tuổi trung bình của những người lần đầu có con ở Mỹ thấp hơn so với tuổi trung bình của những người lần đầu lập gia đình – nghĩa là những đứa con được sinh ra trước khi cha mẹ lấy nhau.
Hiện nay, 48% những đứa con đầu lòng được sinh ra bởi những bà mẹ không có giá thú. Các nhà nghiên cứu nói rằng chiều hướng này không có lợi cho xã hội vì những cặp sống chung với nhau không giá thú thường dễ bị đổ vỡ hơn so với những cặp vợ chồng chính thức. Những phụ nữ ở độ tuổi từ 22 đến 29 đang sống chung khi có đứa con đầu lòng thì có tới 39% những cuộc sống chung này sẽ bị đổ vỡ trước khi đứa bé được 5 tuổi, so với những phụ nữ lập gia đình trước khi có con là 13%. Với cuộc sống thiếu ổn định như thế dễ đưa tới những ảnh hưởng xấu đối với đời sống tinh thần cũng như việc học tương lai của những đứa trẻ đó.
Các nhà nghiên cứu đưa ra lý do thúc đẩy những bà mẹ trẻ lựa chọn quyết định có con trước khi lập gia đình, đặc biệt là những phụ nữ trẻ không có bằng cấp đại học, là vì họ thấy tương lai cuộc sống của họ không mấy sáng sủa, khó kiếm được việc làm ổn định vì phần lớn công việc đòi hỏi phải có bằng đại học. Do đó, những phụ nữ này muốn tìm cho chính họ một cuộc sống có ý nghĩa bằng cách trở thành người mẹ và đứa con là vật sở hữu giúp họ cảm thấy toại nguyện với cuộc sống hơn.
Nhưng cũng các nhà nghiên cứu trên nói rằng trì hoãn hôn nhân, trong phạm vi kinh tế, cũng có mặt tích cực của nó vì sẽ giúp tăng thêm lợi tức cá nhân. Trung bình, một phụ nữ có bằng cấp đại học lập gia đình trước 20 tuổi có lợi tức hằng năm là $32.263. Nếu người phụ nữ này chờ đến năm 30 tuổi mới lấy chồng, thì lợi tức trung bình của cô ta sẽ là $50.415 mỗi năm. Riêng với phụ nữ chỉ hoàn tất bậc trung học nếu lấy chồng trước 20 tuổi sẽ có lợi tức trung bình là $18.234 một năm. Nhưng nếu cô ta lấy chồng sau 30 tuổi, lợi tức trung bình sẽ nhích lên $22.286 một năm.
Cũng vì hôn nhân là chuyện trọng đại trăm năm nên khi cần có quyết định thì hầu như ai cũng phải suy nghĩ kỹ lắm. Và dĩ nhiên vấn đề kinh tế gia đình vẫn luôn là chuyện thực tiễn được cân nhắc cho rốt ráo. Thế nên, càng ngày càng có nhiều người trẻ trì hoãn hôn nhân là điều ta có thể hiểu được và cuộc sống càng ngày càng trở nên khó khăn là điều có thật.
Coi vậy mà chuyện hôn nhân nhiều khi làm người ta nhức đầu không ít.
- Huy Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét