Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Nỗi buồn Trung hoa!


TD1 13 04
Dân Trung hoa có một thành ngữ diễn tả hoàn cảnh khó khăn, “chi ku” nghĩa là “nếm trải mùi vị chua chát”. Muốn hiểu ý nghĩa của từ này thì xem tâm trạng của Wang Hui sẽ rõ. Wang Hui là một người bán hàng ởBắc kinh năm nay 50 tuổi. Hằng năm Wang kiếm chưa đầy 6000 Gia kim, vất vả nuôi đứa con trai đi học và không lúc nào ông ta giấu được sự đố kỵ với người xung quanh đã khéo xoay xở và trở
thành khá giả hơn ông ta, trong một nước Trung hoa phát triển về kinh tế. Cứ xem một người bạn học thuở trước của Hui thì rõ, hắn ta nhờ sớm đầu tư vào nhà đất đúng lúc, nay có tới bốn căn hộ ngon lành và chiếc Mercedes-Benz. Còn Hui vẫn lọc cọc chiếc xe cũ và căn hộ hẹp trong hang cùng ngõ hẻm của Bắc kinh.
Wang méo xệch miệng vì răng hàm dưới đã rụng nhiều chiếc, mang nỗi thất vọng của nhân vật Willy Loman, một người gặp nghịch cảnh trong tác phẩm của H. Miller, tâm sự với một ký giả: Tôi đã chứng kiến nhiều người giàu có nhanh chóng”. Ông ta thở dài nói tiếp: Nếu tôi làm việc trong 50 năm, tôi cũng chẳng kiếm được nhiều tiền như họ. Vì thế làm sao tôi không ganh tỵ”.
Wang không phải là nhân vật duy nhất có tâm trạng này mà ông ta phản ánh nỗi bất mãn của một số đông dân Trung quốc trong những năm đầu thế kỷ 21. Đã hơn 30 năm từ ngày lãnh tụ Đặng Tiểu Bình chủ trưởng mở cửa Trung quốc và đảng Cộng sản TQ lặp đi lặp lại khẩu hiệu: “làm giàu là vinh quang” (Chí phú quang vinh!)
Trong những thập kỷ tiếp sau đó, hàng trăm triệu dân chúng lục địa đã ra khỏi nghèo túng. Vào năm 2010,Trung hoa đã vượt Nhật và trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Dân Trung hoa ngày nay đã giàu gấp bốn lần thế hệ trước họ cách đây 20 năm và những người như Wang đã có cơ hội và tiện nghi mà thế hệ trước đây chưa từng nghe tới.
Tuy nhiên, mặc dầu phép lạ kinh tế đã xảy ra ở Trung hoa, các nghiên cứu mới đây cho biết dân Trung hoakhông hề sung sướng hơn lúc họ ở trong năm đầu thập niên 1990, do nhiều lý do: lợi nhuận không đồng đều đã tạo thành hố phân cách đáng kể giữa người này và người kia và biến động dân số như dân nông thôn đổ về thành thị, miền núi đổ về hải cảng, chính sách một con… đã tạo thêm nhiều thực tế mà hàng triệu triệu người phải đối phó. Những yếu tố này gây áp lực và nỗi bất bình dâng cao, nổi lên trên bề mặt. Các vụ phản đối của quần chúng, đông hay ít người tham dự, đã gia tăng khắp nước trong những năm gần đây, nào chống đối về tình trạng môi sinh ô nhiễm, nạn cán bộ tham nhũng hoành hành, chính quyền chiếm đất và còn nhiều mâu thuẫn khác không kể xiết.
Theo học viện hành chánh quốc gia có tên là Chinese Academy of Governance thì số đối kháng của nhân dân hay “dân biến” đã tăng gấp bội tới 180.000 vụ trong khoảng các năm 2006 và 2010. Mùa thu vừa qua, dân chúng ở Ninh ba (Ningbo) đã mở cuộc biểu tình chống việc mở rộng nhà máy hóa chất. Một cuộc chống đối tương tự diễn ra trong thành phố đang phát triển thịnh vượng Đại liên vào năm ngoái. Vào năm 2008, dân Thượng hải đã thành công trong việc chống lại việc phát triển hệ thống xe lửa đệm từ (magnetic levitation train), và vào năm 2011 dân chúng ở Ô khảm (Wukan) thuộc tỉnh Quảng Đông đã nổi lên chiếm chính quyền làng trong một thời gian ngắn để phản đối tình trạng chiếm dụng đất đai do quan chức tham nhũng địa phương chủ trương.
Các cuộc phản đối diễn ra thường xuyên ở Trung hoa có nguy cơ tạo thêm sự bất ổn là mối lo ngại cho đảng Cộng sản TQ, vốn từ lâu đưa chiêu bài thịnh vượng xã hội, thăng tiến cần lao để củng cố tính chính thống của đảng. Ngày nay, phương châm “làm giàu là vinh quang” vẫn được duy trì nhưng giới hữu trách đang bận tâm làm dịu tình trạng bất mãn của dân chúng bằng cách, dù muộn màng, mở chiến dịch chống tham nhũng và những tệ trạng xã hội và môi sinh khác diễn ra trên xứ sở.
Theo một nghiên cứu của đại học Southern California (USC) được phổ biến vào tháng Năm 2012, liên quan tới mức hài lòng với cuộc sống của dân lục địa thì thấy có sự suy giảm của mức này trong khoảng thời gian 1990 tới giữa thập niên đầu của tân thiên niên, nghĩa là trong giai đoạn mức tổng sản xuất quốc nội (GDP) và mức tiêu thụ trung bình tăng gấp bốn lần. Theo phúc trình được công bố trên tờ báo của viện khoa học, National Academy of Sciences, thì mức hài lòng của dân chúng trong những năm gần đây có gia tăng nhưng vẫn không bằng mức của thập niên 1990.
Trong phúc trình nghiên cứu của USC, khi liên hệ với những quốc gia sau khi Soviet sụp đổ nơi có một số điều kiện không khác Trung hoa, đã tiết lộ: kinh tế phát triển đi đôi với tình trạng thất nghiệp gia tăng và hệ thống an sinh xã hội bị phá vỡ, đã tác động mạnh nhất tới giới nghèo. Các học giả, tác giả của phúc trình nghiên cứu cho rằng sự trì trệ của mức hài lòng trong sinh hoạt của dân Trung quốc bắt nguồn từ lòng bất mãn nảy sinh giữa người giàu và người nghèo. Thời kỳ phát triển đã tạo ra sự bất quân bình trong nguồn lợi các giai tầng xã hội: người giàu thăng tiến mạnh, nhà cao cửa rộng, mặc đồ hiệu, đi xe sang, ăn tửu điếm, người nghèo ngậm đắng nuốt cay trong hang cùng ngõ hẻm, đạp xe đạp, cuốc bộ, vất vả, mòn đời “giật gấu vá vai”. Ngay cả giai cấp có lợi nhuận bậc trung cũng không cảm thấy sự thay đổi bên ngoài tạo cho họ nguồn vui mà còn thấm thía nỗi buồn của kẻ bị sự tiến bộ kinh tế bỏ rơi bên lề.
Richard Easterlin, một nhà kinh tế của USC, nhân vật dẫn đầu việc thảo phúc trình, nhận định: Rõ ràng có khoảng cách giữa giàu và nghèo ở Trung quốc và hố phân cách này hoàn toàn cao hơn hẳn so với phần lớn quốc gia khác”.
Easterlin trong thập niên 1970 đã nổi tiếng về thuyết nghịch lý “Easterlin paradox” với lập luận sự phát triển kinh tế không hẳn đã mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho mọi người. Các nghiên cứu khác ở Trung hoacũng đưa ra kết luận tương tự. Năm ngoái, một cổng truyền thông (portal) của nhà nước Trung quốc, có tên China.com.cn, đã mở cuộc thăm dò 1.350 người dân Trung quốc và chỉ thấy có 6 phần trăm người được hỏi cho biết “rất hạnh phúc” trong khi tới 48 phần trăm trả lời rằng “chẳng lấy gì làm sung sướng” (kết quả trước đó được tăng trên China Daily nhưng sau đó bị cắt bỏ).
Một cuộc thăm dò của Gallup vào năm 2011 đã xếp Trung hoa vào hạng thứ 92, gần chót trong danh sách 124 quốc gia dân chúng được hỏi về mức mãn nguyện của mình. Chỉ có 12 phần trăm dân chúng ở Trung quốc, cùng loại với Yemen và Afghanistan, cho biết cuộc sống của họ có thăng tiến.
Zhou Hao Hao, 27 tuổi, một luật sư làm việc trong một công ty quốc doanh ở Bắc kinh, cho biết: Cuộc sống của tôi không có chút gì sung sướng cả”. Chàng thanh niên này cho biết mình thuộc vào hàng ngũ thế hệ “tam vô”, “không nhà, không xe và không vợ”. Zhou là dân Sơn đông tới Bắc kinh tám năm trước, hiện giờ vẫn cảm thấy áp lực bao quanh nặng tới mức không tìm ra mục đích cuộc sống và thấy vận trình về tương lai tối om như đêm 30.
Chính quyền Trung hoa không phải không nhận thấy nỗi bất mãn của dân chúng, nên trước đây Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong một dịp đầu năm đã tuyên bố, việc làm của chính quyền là chấn chỉnh những yếu tố không phải kinh tế như y tế, giáo dục, gia cư và môi sinh, Chính phủ sẽ nhắm vào việc giúp nhân dân sống thoải mái hơn và xứng đáng hơn.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hứa hẹn trong Đại hội đảng lần thứ 18 vào tháng 11 vừa qua, rằng công việc của chính phủ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân, bằng cách kiện toàn giáo dục, ổn định việc làm, thỏa đáng lương bổng, làm vững chắc an sinh xã hội, thăng tiến y tế, mở rộng khu gia cư và bảo vệ môi sinh.
Tuy nhiên, có điều chính quyền Trung quốc không đề cập tới biện pháp cụ thể đối với việc diệt trừ tệ đoan xã hội mà trầm trọng nhất là nạn tham nhũng. Một giáo sư kinh tế đại học Bắc kinh là Hu Xingdou nhận xét: Ngoài mức lợi nhuận chênh lệch quá nhiều là nạn tham nhũng, và đây là một yếu tố trầm trọng hơn cả”. Hu than thở ngày nay người ta quên giáo điều Khổng Mạnh dạy chữ liêm sỉ, mà Dân Trung quốc không tin vào điều gì cả. Thói thờ phụng kim tiền đã ngự trị, đó là nhân tố lớn nhất tạo nên nạn tham nhũng”.
Trong năm 2012, căn cứ vào chỉ số tham nhũng (Corruption Perceptions Index), Trung quốc bị xếp vào hạng 80 trong 174 quốc gia có guồng máy cai trị thiếu trong sáng, trong khi ấy Đan mạch được coi như quốc gia trong sạch nhất (Canada của chúng ta hạng 10).
Những biến động về dân số ở lục địa cũng làm gia tăng nỗi buồn của người dân. Có tới 250 triệu dân từ thôn quê đổ về thành thị, hay về miền duyên hải phồn thịnh, gây ra mối căng thẳng cho xã hội. Lại thêm chính sách một con, kéo dài hơn 30 năm qua, tạo ra một thế hệ gia đình khác hẳn với gia đình truyền thống của Trung hoa. Những người của thế hệ này dễ dàng dứt bỏ quê hương nghèo khó, tìm đường cải thiện cuộc sống ở thành thị, nhưng không phải ai cũng may mắn và đủ năng lực để cạnh tranh với thị dân, nên số thất nghiệp ở lớp lao động trẻ trở nên đông đảo ở thành phố lớn như Bắc kinh, Thượng hải. Tuổi trẻ trở nên lạc lõng, cô đơn và ngã lòng trước đường đời đầy thử thách, không hướng tiến, tương lai mờ mịt và sống trôi nổi nơi đất khách phồn hoa ở như bèo dạt hoa trôi, vì thế người ta có thể hiểu tại sao ngày nay nạn tự tử trở thành nguyên nhân tử vong chính đối với giới trẻ Trung hoa.
Tình trạng chán nản và vô vọng không phải chỉ tìm thấy ở nam nhi mà nữ nhi cũng khó thoát cuộc phong trần. Ngay cả phụ nữ ở thành thị cũng trải lắm gian truân. Mục tiêu của nhiều phụ nữ vì vậy thường gói ghém vào việc sớm lấy chồng, chọn cho được người giàu có và sinh con, đẻ cái. Nhưng có phải ai cũng may mắn như thế đâu nên số thừa ra càng ngày càng nhiều. Năm 2007, Hiệp hội phụ nữ Trung quốc đưa ra một danh từ mới gọi là “thặng nữ” hay “gái thừa” để chỉ các cô gái trên 27 tuổi mà chưa có chồng. Theo một nghiên cứu của hiệp hội phụ nữ vào năm 2010, thì có tới 90 nam giới khi được hỏi đã trả lời phụ nữ phải lấy chồng trước 27 tuổi nếu không sẽ bị rơi vào hàng ngũ “gái thừa”.
Tuy nhiên, không phải không có vài tin tích cực cho xã hội Trung hoa ngày nay. Theo Gao Wei, một giáo sư môn Xã hội học của Đại học khoa chính trịngười đã nghiên cứu về hạnh phúc của dân Trung hoa từ 2008, thì thế hệ sinh sau 1990 đã tỏ ra hiểu biết cuộc sống có mục tiêu cao hơn vật chất nên họ muốn cải thiện phẩm chất cuộc sống, bằng cách hưởng nhàn, tìm mức cân bằng giữa việc làm và sinh hoạt hơn là chỉ biết kiếm tiền. Nếu quả thực như thế thì đó là một khuynh hướng tốt.
Ngoài ra, trong những thế hệ trẻ ngày nay, khuynh hướng tâm linh, tư tưởng như triết học Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo phát triển thêm rộng. Hiện giờ, tín đồ Phật giáo ở Trung hoa đã lên tới 300 triệu người. Nhưng phải chăng đó cũng là cách trốn tránh thực tại và tìm tới giấc mơ ngoại lý để an ủi nỗi buồn Trung hoa?
(Theo MacLean’s Magazine, số tháng 2, 2013)
Vị Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét