Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

(Repost) SỰ NGOAN CỐ CỦA CHÍNH QUYỀN HẢI PHÒNG LÀ HỒNG PHÚC CHO ĐẤT NƯỚC



Tô Văn Trường

Từ sự kiện Tiên Lãng, Hải Phòng  người dân cả nước đều nhận thấy có 2 vấn đề mấu chốt cần phải  thay đổi. Thứ nhất là sửa luật đất đai, và thứ hai là công tác cán bộ. Khi đã lộ hết bản chất vụ việc, nhưng lãnh đạo ở Hải Phòng vẫn ngoan cố, tìm cách đánh lạc hướng, bẻ cong các tình tiết, che giấu sự thật, khỏa lấp sai lầm. Một vấn đề lớn gây bức xúc công luận cả nước được đặt ra vì sao cả hệ thống chính trị Hải Phòng bị tê liệt, nhiều quan chức bất chấp luật pháp, đạo lý, tình người đi theo con đường  đàn áp dân mà vẫn cứ  nhởn nhơ tồn tại?! Cơ chế nào làm ra những “công bộc” của dân lạm quyền có hệ thống như thế?

Ngay cả khi đã có chỉ thị của Thủ tướng họ vẫn ngoan cố tìm cách chống chế, luồn lách. Khi thành lập tổ công tác thực thi quyết định của Thủ tướng, thành phố Hải Phòng  bất chấp công luận cử ông Đỗ Trung Thoại phó chủ tịch thành phố người đã có những phát ngôn tai hại, đổ vấy lỗi cho dân, mất uy tín làm tổ trưởng.  Xử sai vụ anh Vuơn thẩm phán chỉ bị kiểm điểm. Giám đốc công an thành phố làm sai còn huyênh hoang, ngạo mạn. Đài, báo Hải Phòng  liên tục chống đối lại kết luận của Thủ tướng, cho việc làm của lãnh đạo Huyện Tiên Lãng cũng như chỉ đạo của Thành phố là đúng đồng thời lên án, qui tôi cho anh Vươn như tội đồ nguy hiểm và không hề nói đến ngôi nhà bị phá, đời sống vợ con anh Vươn, anh Quí ra sao. Vậy ai đứng sau các cơ quan truyền thông Hải Phòng?  Chính sự ngoan cố của lãnh đạo Hải Phòng cho người dân cả nước thấy rõ sự  hư hỏng của cả hệ thống đã đến lúc phải sửa tận gốc. Đó chính là hồng phúc cho đất nước là thời cơ để toàn dân nhìn lại nguyên nhân và tìm cách chữa trị thói hư, tật xấu của cả hệ thống các quan chức thoái hóa, biến chất không phải chỉ có ở Hải Phòng.

Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm thành công của các con Rồng Châu Á. Người ta  đã tổng kết các nước thành Rồng là nhờ (1) Có một người đứng đầu là bậc hiền tài giàu tài năng và đức độ, không bị lực cản kìm hãm hoặc hạn chế, mà có tổ chức và cơ chế thuận lợi để phát huy hết tài năng và đức độ làm giàu, làm đẹp, giữ vững và mở mang đất nước. (2) Có một đội ngũ cán bộ gồm những cán bộ hành chính biết quản lý nhà nước pháp quyền hiện đại có hiệu lực và hiệu quả cao. Những doanh nhân biết kinh doanh tại các doanh nghiệp công và tư đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao cho bản thân, cho doanh nghiệp và cho đất nước. Các nhà khoa học ban đầu biết lựa chọn, tiếp thu, vận dụng tốt các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, tiếp đó biết tiến lên xây dựng lực lượng và sáng tạo thành tựu khoa hoc và công nghệ tiên tiến của chính nước nhà. (3)  Có một dân tộc với một sự thông minh và tài năng được đào tạo, bồi dưỡng bởi một nền giáo dục quốc dân hiện đại có chất lượng cao.

Ở Tây phương không có cụm từ “quy hoạch cán bộ”.  Chỉ có 2 loại người làm cho nhà nước. Thứ nhất là các chuyên viên thuần tùy được lựa chọn dựa hoàn toàn vào khả năng chuyên môn. Họ bị cấm đưa chuyện chính trị vào việc làm. Không được phép dưới danh nghĩa công và chức vụ ủng hộ đảng nào. Đám công chức này lại chia làm 2 loại. Loại chuyên viên và loại quản lý. Quản lý là người có chuyên môn nhưng có khả năng quản lý người khác và được đề bạt lên chức cao nhất là giám đốc, tổng giám đốc. Thứ hai là loại cán bộ chính trị (đúng nghĩa như cán bộ ở nước ta): gồm các phụ tá bộ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng hoặc tương đương, và cả phát ngôn viên, thư ký vv…là những người được Tổng thống bổ nhiệm để thực thi chính sách của Tổng thống. Khi tổng thống nhậm chức, mọi cán bộ chính trị đều đương nhiên mất chức, trừ trường hợp được Tổng thống mới cho ở lại. Loại này thì phải cần lý lịch và là người quyết định chính sách, ra lệnh cho loại chuyên viên thuần túy. Sự quan hệ giữa chuyên viên và cán bộ chính trị là trên cơ sở luật pháp.  Chuyên viên làm theo đúng luật pháp, những qui định đã có. Nếu mệnh lệnh của cán bộ chính trị sai luật,  sai qui định thì  chuyên viên nói cho cán bộ chính trị biết là sai và có thể không chịu làm, hoặc có quyền tố cáo. Có sự khác biệt giữa luật và qui định. Đã là luật thì không được phạm. Nhưng qui định là truyền thống nên phức tạp hơn. Khó khăn giữa chuyên viên và cán bộ chính trị là những qui định truyền thống. Sếp có thể thay đổi truyền thống nhưng thường phải qua bàn luận rộng rãi để có thể có sự hợp tác và đồng thuận cao.        

Vấn đề cán bộ của nuớc ta nằm trong toàn bộ đường lối chính trị, trong đó khâu tổ chức - cán bộ là sau cùng và quyết định nhất. Cái không phù hợp hiện nay là Đảng ta chưa kịp thay đổi theo thời cuộc nên cái mới chỉ là cái ngọn: kinh tế thị trường nửa vời, dân chủ nửa vời, nghị viện nửa vời nghĩa là thế giới có gì ta có nấy, nhưng không giống ai. Cụ thể thì ai cũng có thể dẫn chứng được, nhưng nguyên nhân thì do cách nhìn của từng người. Theo Anh Bẩy Nhị (nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang) cho rằng do cách mạng đã chuyển hướng mà ta không chuyển theo kịp nên còn nhiều điều gọi là "bất cập". Ngay như chữ bất cập mà ta  sử dụng cũng là nửa vời để nói là làm không được, làm sai mà không dám nói đúng bản chất sự việc, như cái "trục quay" và cái "hộp đen" sau Đại hội Đảng VI hay nói mà không biết nói gì. Đó là  khi chưa có chính  quyền thì Đảng và hệ thống chính  trị và một bộ phận dân có cảm tình, ủng hộ (mà ta hay gọi là quần chúng để phân biệt với bộ phận còn lại) là một phía còn lại là phía bên kia, là đối thủ, kẻ thù có ranh giới rõ ràng.  Nay có chính  quyền thì tất cả là của ta, ai xấu tốt gì ta cũng phải có trách nhiệm gắn các thành phần xã hội lại càng ngày càng gắn bó, không để nhân dân chia rẽ, dân tộc ly khai . Điều nầy toàn thế giới có thể tham khảo mô hình thể chế của nước Mỹ.   

Trong kháng chiến do chưa có chính quyền nên có khái niệm Đảng lãnh đạo, chịu trách nhiệm gián tiếp, ngay như quân đội do Đảng lãnh đạo trực tiếp nhưng vẫn là gián tiếp vì phải có chế độ chính  ủy, chế độ nầy xuất phát từ Lê-Nin, vì Hồng quân lúc đó phần lớn là lính của Sa hoàng theo cách mạng nên còn rất ô hợp.  Nay có chính quyền thì phải gọi là cầm quyền mới đúng. Nói lãnh đạo là né tránh trách nhiệm, là gây mơ hồ trong chỉ đạo vận hành thể chế và do đó cứ có "bất cập" mãi thôi.

Ngay như chế độ chính ủy cũng lỗi thời rồi, vì quân đội ta đã trưởng thành về mọi mặt, chỉ huy trưởng là thành viên cao nhất cấp ủy cùng cấp, còn chính trị viên, chính  ủy chỉ là thành viên cấp ủy thôi, nhưng lại đưa lên cơ chế chính ủy ngang hàng với chỉ huy trưởng, khác nào ta chia bộ đội, người lính ra hai phần: phần hồn và phần xác.

Đảng cầm quyền là công khai, minh bạch, không né tránh, lập lờ nửa vời với quốc dân và quốc tế. Vậy người đứng đầu các cấp ủy đảng và chính quyền phải là một, và người đó phải toàn quyền chỉ huy, "toàn quyền" bị chê trách và "toàn quyền" mất chức. Nếu xác định vậy mới có cơ chế từ chức và bị cách chức, mới không nói ỡm ờ, lươn chạch như mấy tay chủ chốt ở Hải Phòng, Tiên Lãng làm trò cười cho dư luận. Không còn bụi  rậm hay bức tường "tập thể lãnh đạo" để mà trốn tránh trách nhiệm rồi bắt vài người làm vật "tế thần"!   Ai sai phải từ chức cho người khác lên như vậy bộ máy và cán bộ mới có sức sống, không già cỗi, người tài mới không bị mai một. Không có cơ chế ấy người tài không có dịp cạnh tranh, xếp hàng chờ nhiệm kỳ rồi sẽ quá tuổi "qui định". Rồi quốc gia sẽ già cỗi.

Về tổ chức và cán bộ do chỉ làm một nhiệm vụ lúc chưa có chính quyền là lật đổ nên chọn cán bộ chỉ một bề, trình độ các mặt na ná nhau thôi. Khi cầm quyền thì làm biết bao là việc và phải chọn đủ lọai cán bộ, không phải một hai mà phải hàng vạn "bề". Cách chọn như hiện nay thì như làm sẵn cái khuôn in bánh, cán bộ là những cái bánh in và phát ngôn thống nhất như một cái máy phát âm. Cách đào tạo cũng vậy, nên cấp bằng cao thấp, ngành nghề khác nhau nhưng tựu trung cũng giống nhau như cái bánh in, chỉ có điều là hình thù khác nhau do hình cái khuôn mà thôi. Anh Bảy Nhị kể lúc còn làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh An Giang,  khách đến thăm, đi một vòng xuống huyện,  xã, ban ngành cấp tỉnh rồi nói: "Cán bộ tỉnh nầy nói đều giống nhau", lúc đầu Anh Bảy khoái phổng  mũi, cho là nội bộ đoàn kết, thống nhất cao, nhưng sau nghiệm ra thấy quê và mắc cở mỗi  khi nghe ai lập lại lời khen nầy.

Công tác tuyển chọn người làm việc nước của Việt Nam xưa nay vẫn được đúc kết trong cụm từ “Quy hoạch cán bộ”! Mục đích của quy hoạch cán bộ là tạo nguồn cán bộ nhưng vấn đề quan trọng nhất là ai quyết định cán bộ? Dưới khẩu hiệu giữ vững lập trường chủ nghĩa Mác Lê Nin chỉ là phương thức lũng lọan cán bộ, chỉ lựa chọn những người cùng cánh hẩu, dễ bảo để tăng vây cánh, nhiều người thực tài thì ra rìa ngay từ vòng đầu.

Thực ra những người đuợc lựa chọn chỉ do một số người có thẩm quyền quyết định, còn hình thức đưa ra bỏ phiếu chỉ là “Đảng cử, dân bầu” để duy trì chế độ độc tài toàn trị. Càng ngày, người dân  càng thấy rõ sự độc tài về chuyên chính tư tưởng và quyết định cán bộ đã không tuyển chọn đuợc người tài cho đất nước. Do cái khuôn hỏng nên đúc thành người hỏng, chất liệu đúc tốt mấy cũng hỏng. Nếu mà “mổ sẻ” chính sách tuyển chọn, bố trí cán bộ, chương trình giảng dạy trong các trường Đảng và trường hành chính quốc gia, trong nội dung giáo dục công dân và đạo đức của toàn bộ ngành giáo dục và đào tạo thì sẽ thấy rõ nguyên nhân chất lượng cán bộ không đáp ứng đuợc yêu cầu của cuộc sống  

Quy hoạch cán bộ chỉ trong nhóm đối tượng nhỏ đã tạo nên mầm mống mâu thuẫn  giữa người đuợc quy hoạch, không quy hoạch và ngay cả người đang đuơng chức. Trong dân gian có câu đồng giao:

“Tre già măng mọc đúng rồi
Nhưng đừng có choán chỗ ngồi của tao”?

Từ  sự kiện Tiên Lãng, đòi hỏi phải có chủ trương cụ thể về đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đổi mới tính chất và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng theo hướng xây dựng xã hội dân sự, tức là phải đổi mới nâng cao chất lượng của cả hệ thống chính trị. Phải để cho dân xây dựng Đảng, không phải dân chỉ tham gia mà dân quyết định lựa chọn các cán bộ xứng đáng. Phải trở về bài toán thuận là dân bầu lựa chọn những người lãnh đạo chính quyền nhà nước, ai được  dân tín nhiệm mới tiếp tục tham gia bầu cử vào các cấp ủy trong Đảng. Đáng lo ngại là bây giờ người ta đang dư luận các vị trí lãnh đạo, cầm quyền kém chất lượng và mất lòng dân là hệ lụy của “Công thức nhân sự 20 C” (con cháu các cụ cả, cần chăm chút, coi cơ cấu, cắm chỗ cho chúng có cái chức chủ chốt)!

Khi so sánh giữa "hệ thống" với cán bộ, có ví dụ về mối tương quan giữa lái xe và cái xe là rất dễ hiểu. Cần phải thiết kế cái xe sao cho ai cũng lái được với tốc độ nhanh nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất, dễ lái nhất và kiểu dáng hợp thị hiếu người mua nhất. Xã hội cũng vậy ! Nếu có mô hình tốt chắc chắn sẽ có nhiều người “lái” được mô hình này!

Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX trước Đại toàn quốc lần thứ X của Đảng, được Đại hội X thông qua thành nghị quyết của Đại hội X  nguyên văn như sau: “Xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện, kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ".

Nghị quyết rõ ràng, cần thiết như thế nhưng đã qua hơn nhiệm kỳ vẫn chỉ là câu khẩu hiệu trên giấy! Sự ngoan cố của chính quyền Hải Phòng bắt buộc Trung ương phải khẩn trương quyết liệt vào cuộc trước mắt là giải quyết vấn đề công tác cán bộ, đổi mới nhân sự  ở Hải Phòng, đồng thời phải thay đổi tư duy, hệ thống tuyển chọn cán bộ thực sự  “của dân, vì dân, do dân”,  không có cán bộ, đảng viên suy thoái chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống thì mới đủ điều kiện tiên quyết bảo đảm cho đất nước ổn định và phát triển hòa nhịp cùng thời đại. 

T.V.TBài đăng lần đầu trên Blog này: 08:08, ngày 16.2.2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét