Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Về chuyến đi Nga cầu cứu của Tập Cận Bình


nhikhe 060413
Ngày 14/03/2013, “Thiên triều” Cộng sản Trung Hoa tôn Tập Cận Bình làm “hoàng đế đỏ”. Tám ngày sau, Tập Cận Bình chọn Nga là nơi “ngự giá” đầu tiên. Dịp này, Tân Hoa Xã tuyên truyền chuyến đi Nga của Tập là “kế thừa quá khứ và mở ra tương lai”, nhằm “đặt kế hoạch cho tương lai và gây ảnh hưởng với thế giới”.

Tuy nhiên, các nhà bình luận thời sự nói rằng, Trung Quốc đang bị nhiều áp lực ở trong nước và thế giới bên ngoài, nhất là chiến lược ngoại giao của Hoa Kỳ đã chuyển về Châu Á, quan hệ Trung Mỹ ngày càng căng thẳng, nước này cảm thấy áp lực ngày càng nặng nề. Bên cạnh đó, Miến Điện là quốc gia xưa nay vẫn dựa vào Trung Quốc nay đã nghiêng về phương Tây, kết bạn với các nước dân chủ. Quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh như Nhật Bản, Phi Luật Tân, Việt Nam … gần đây cũng căng thẳng, khiến cho Tập Cận Bình cảm thấy lo sợ, vừa ngồi lên “ngai đỏ” bảy tám ngày, đã vội vàng sang quốc gia đối lập với Hoa Kỳ và phương Tây là Cộng hòa Nga cầu cứu.
Trả lời phỏng vấn của ký giả đài Phát thanh Âm Thanh Hy Vọng (Sound of Hope Radio - SOH), nhà bình luận Lý Thiện Giám phát biểu rằng, bất luận thế nào, Nga và Trung Quốc vẫn có cùng ý thức hệ và đồng quan điểm trong các vấn đề ngoại giao gây tranh cãi. Trung Quốc và Nga là 2 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết trừng phạt chế độ Assad ở Syria của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tập Cận Bình chọn Nga làm nước công du đầu tiên không có gì lạ.
Nhà bình luận Trương Kiện nói với ký giả SOH rằng, Moscow chưa hẳn là người hàng xóm thân thiện của Bắc Kinh. Nga từng xâm lược và chiếm đóng vùng đất rộng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, để duy trì chế độ chuyên quyền của mình, ĐCSTQ sử dụng bất kỳ chiêu thức nào, sẵn sàng thiết lập quan hệ đồng minh với Nga, dù phải phản bội các lợi ích quốc gia, kể cả dâng lãnh thổ cũng không từ chối. Chọn Nga là nước xuất ngoại đầu tiên, Tập Cận Bình kiên quyết duy trì chủ nghĩa cộng sản đã lỗi thời, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế.

Dư luận về chuyến đi Nga của Tập Cận Bình
Trung Quốc đang gặp phải sự thách đố của cộng đồng quốc tế, lại là nước đứng thứ nhì về kinh tế, bởi vậy, khi Tập Cận Bình vừa được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS, Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Hội đồng Quân ủy, cộng đồng quốc tế chú ý đến mọi hành động của ông ta. Đặc biệt là chuyện gấp gáp đi Nga.
Chắc hẳn độc giả Thời Báo vẫn còn nhớ rõ, sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2, TT Obama chọn 3 nước Thái Lan, Miến Điện và Cambodia làm nơi xuất ngoại đầu tiên. Ông đến 3 nước đó nói cho mọi người biết chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á không thay đổi. Đặc biệt là chuyến đi Miến Điện của TT Hoa Kỳ không khác gì công khai tuyên bố nước láng giềng xưa nay vẫn dựa vào Trung Quốc bây giờ đã là người bạn của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, ông Shinzo Abe, người tích cực phản đối Trung Quốc có dã tâm xâm chiến quần đảo Senkuka của Nhật Bản, sau khi trở thành TTg cũng đã chọn Việt Nam, Thái Lan và Indonesia làm nơi xuất ngoại đầu tiên, để ủng hộ chiến lược trở về Châu Á của Hoa Kỳ. Qua 2 chuyến công du đầu tiên của Obama và Shinzo Abe, có thể khẳng định Hoa Kỳ và Nhật Bản sẵn sàng cùng các nước Đông Nam Á chống lại dã tâm bành trướng và xâm lược biển đảo của Trung Quốc.
Nga là nước láng giềng của Trung Quốc, tuy Nga đã xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản, nhưng ý thức hệ vẫn chưa thay đổi, vẫn là kẻ thù chính của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Tăng cường quan hệ với Moscow, Bắc Kinh không muốn Nga quay lại chế độ cộng sản, chỉ coi Nga là vũ khí sắc bén để chống lại Hoa Kỳ và Nhật Bản, lý do là Nga vẫn coi Hoa Kỳ là đối thủ lợi hại không thể hợp tác, bên cạnh đó, Nga cũng có dã tâm xâm chiếm 4 hòn đảo phương bắc của Nhật Bản, không khác gì Trung Quốc có dã tâm xâm chiếm quần đảo Senkuka, nên dễ dàng trở thành đồng minh. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang cần nhiều thứ như năng lượng, kỹ thuật quốc phòng … hy vọng Nga có thể đáp ứng. Bởi vậy, Trung Quốc muốn có quan hệ tốt đẹp đối với Nga. Đó chính là lý do tại sao Tập Cận Bình sau khi được bầu làm Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chọn Nga là nước công du đầu tiên.

Quan hệ Trung Quốc - Cộng hòa Nga phức tạp
Dư luận dân Tàu cho rằng, Nga là nước chiếm khá nhiều đất đai của Trung Quốc. Thời nhà Thanh, Nga đã chiếm của Trung Quốc trên 1 triệu km vuông đai đai ở khu vực đông bắc và viễn đông. Hiện nay dân Tàu đang muốn đòi về. Tuy nhiên, ĐCSTQ trước kia dựa vào Cộng sản Nga để sinh tồn, không thể không ký kết một số hiệp định nhường đất cho Nga. Năm 1997, Giang Trạch Dân, Lý Bằng còn cùng TT Cộng hòa Nga Boris Yeltsin ký Hiệp ước Biên giới Trung Nga, và Hiệp ước Hữu nghị Nga Trung, khẳng định những phần đất thuộc về Trung Quốc Nga đang chiếm giữ hoàn toàn thuộc về Nga. Trong khi đó chính phủ và dân chúng Nga, nhất là thời Liên Xô chưa sụp đổ, ngoài mặt lúc nào cũng nói Trung Quốc là “đồng chí” hoặc “người bạn cùng chiến lược”, thực ra xưa nay chưa hề hề đối xử tốt với Trung Quốc. Năm 1969 còn xẩy ra vụ nổ súng giữa quân đội 2 nước cộng sản tại đảo Trân Bảo. Tuy quan hệ Trung Nga phức tạp như vậy, cả Hồ Cẩm Đào lẫn Tập Cận Bình sau khi nắm quyền đều chọn Nga là quốc gia công du đầu tiên là vì cả hai đều chủ trương liên kết với nga để đối phó với Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Trong khi TQ hy vọng liên kết với Nga để đối phó với Hoa Kỳ và các nước đang bảo vệ chủ quyền biển đảo như Nhật Bản, Phi Luật Tân, gần đây là Việt Nam, Nga lại không làm theo ý muốn của TQ. Ngược lại Nga còn hợp tác và bán vũ khí cho Ấn Độ cùng các nước đó để chống lại TQ.
Theo tin của Trung tâm Phân tích Buôn bán Vũ khí (TSAMTO), ngày 23/10/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Đại tướng Nikolai Makarov, Tổng Tham mưu trưởng, đã đàm phán với đại diện Bộ Quốc phòng các quốc gia Đông Nam Á mua vũ khí của Nga. Theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, trong cuộc gặp mặt, các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga và đại diện các nước Đông Nam Á đã thảo luận tình hình và triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự giữa các nước và trao đổi một số vấn đề các bên cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề hợp tác bảo đảm an ninh ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đối với Việt Nam, TSAMTO cho biết, trong giai đoạn 2012 - 2015, Việt Nam chiếm vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Venezuela về khách hàng mua vũ khí của Cộng hòa Nga. 4 năm trước đây, sau Ấn Độ, vị trí thứ hai và thứ ba thuộc về Algeria và Trung Quốc. Chỉ trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã mua của Nga 20 máy bay chiến đấu Su-30MK2, một số hệ thống tên lửa phòng không S-300, tổ hợp cơ động ven biển Bastion với dàn hỏa tiễn siêu thanh tự định vị chống tàu Yakhont và tổ hợp hỏa tiễn phòng không Igla.
Nhờ có vũ khí Nga, Việt Nam củng cố lực lượng hải quân của mình, yếu tố hết sức quan trọng đối với đất nước hiện nay, trong bối cảnh tình hình bùng phát căng thẳng ở vùng Biển Đông. Ông Igor Korotchenko, Giám đốc TSAMTO nhận định: “Trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua 12 tàu tên lửa Molnia có sức chiến đấu và khả năng tấn công mạnh. 2 tàu được cung cấp từ Nga, còn 10 chiếc khác được cấp giấy phép đóng tại Việt Nam. Hợp đồng cung cấp 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo 636 sẽ đưa Việt Nam lên vị thế số một trong những thủ lĩnh khu vực sở hữu thế mạnh của lực lượng tàu ngầm. Còn thêm dấu hiệu đầy ý nghĩa là ký kết thỏa thuận về việc thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất tên lửa chống hạm loại “Uran”.
Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam với mục đích chống lại tham vọng của TQ tại Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam trong nước và hải ngoại đều lo ngại, Việt Nam đang chịu sự thống trị của những lãnh tụ cộng sản dựa vào TQ để bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình, không hiểu tương lai đất nước sẽ ra sao?
Ngoài việc cung cấp vũ khí cho các nước Đông Nam Á chống Trung Quốc, Nga cũng bán vũ khí cho Ấn Độ để ngăn chặn dã tâm bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt, trước kia và hiện nay biên giới TQ và Ân Độ vô cùng căng thẳng. Cũng theo tin của TSAMTO, những năm gần đây, Ấn Độ là khách mua vũ khí chiếm vị trí hàng đầu của Nga. Moscow đã cung cấp cho New Delhi những loại vũ khí tiên tiến giúp Ấn Độ trang bị hàng không mẫu hạm, máy bay chiến đấu tầm trung tiên tiến (Advanced Medium Combat Aircraft - AMCA).
Theo tin của The Times of India ngày 24/12/2012, Ấn Độ đã ký các hợp đồng quốc phòng với Nga trị giá khoảng 250 tỷ rupee (khoảng 4,5 tỷ Mỹ kim), trong đó có hợp đồng mua thêm 42 máy bay chiến đấu Sukhoi-30 MKI và 59 trực thăng vũ trang Mi-17 V5. Tuy nhiên, các nguồn tin tại New Delhi nói rằng, hiệp định chủ chốt về hợp tác phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm sẽ không được ký trong dịp TT Nga Vladimir Putin thăm Ấn Độ vào ngày 24/12 vừa qua. Hiệp định hợp tác nghiên cứu và phát triển máy bay tàng hình nói trên trị giá 11 tỷ Mỹ kim, Ấn Độ và Nga mỗi bên đầu tư 5,5 tỷ. Không quân Ấn Độ dự kiến từ năm 2022 trở đi sẽ cho khoảng 200 máy bay loại này hoạt động. Nguồn tin trên cho biết, trong chuyến thăm của ông Putin, phía Ấn Độ đã đề nghị Nga bảo đảm chắc chắn việc chuyển giao tàu INS Vikramaditya được cải tiến từ tàu Đô đốc Gorshkov, có trọng tải 44.570 tấn vào tháng 11/2013.
Ngược lại, Nga lại hạn chế bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc. Ngoài việc hạn chế, Nga còn tuyên bố sẽ không bán cho Trung Quốc những vũ khí giúp cho quốc phòng và quân đội nước này ngày càng hùng mạnh. Bởi vì chính Nga cũng không muốn Trung Quốc trở thành nước mạnh quân sự.
Các nhà bình luận cho rằng, mặc dù Nga chưa bày tỏ thái độ của mình đối với vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với các nước bảo vệ chủ quyền của họ, nếu xảy ra chuyện gì, Moscow không bao giờ đứng về phía Bắc Kinh. Bởi vì, đúng như ông Alexander Khramchikhin thuộc Viện Phân tích Chính trị và quân sự từng nói, tình bạn thân thiết giữa Nga và Trung Quốc đặt ra những rủi ro lớn hơn cho chính nước Nga. Áp lực dân số và nhu cầu ngày càng tăng cho các nguồn tài nguyên có thể đẩy TQ đến việc sử dụng các vũ khí của Nga chống lại nước Nga. Chúng ta nên ngừng bán dây thừng để treo cổ chúng ta. Đó là nguyên nhân tại sao nói chuyến đi cầu cứu Nga của Tập Cận Bình hoàn toàn thất bại.
Nhị Khê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét