Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Canh bạc mới của Chú Ủn Ỉn



Nhị Khê

Ngày 07/03/2013, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết mở rộng lệnh trừng phạt Bắc Hàn nặng hơn nghị quyết thông qua ngày 22/01, bao gồm lĩnh vực thương mại, tài chính, vận chuyển và ngoại giao. Điều đặc biệt hơn, lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đưa vào dự thảo nghị quyết nội dung “Chương trình làm giàu uranium” của Bắc Hàn, kèm theo lệnh cấm nước này buôn bán, vận chuyển hàng hóa liên quan đến uranium.

Sau nhiều tuần bàn bạc với Hoa Thịnh Đốn, Bắc Kinh bỏ phiếu tán thành nội dung dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, trong đó cho phép cộng đồng quốc tế kiểm soát tàu thuyền và máy bay của Bắc Hàn nếu bị nghi ngờ chuyên chở hàng hóa bị cấm, gồm cả các loại hàng xa xỉ.
Mấy ngày sau, Bắc Hàn trả đũa bằng cách giao cho hãng thông tấn quốc doanh KCNA loan tin, kể từ tháng 03/2013, hiệp định đình chiến giữa 2 miền nam bắc Triều Tiên hoàn toàn vô giá trị. KCNA còn tuyên bố, từ nay các thỏa thuận tránh gây hấn với Đại Hàn được ký kết vào năm 1991 cũng không còn giá trị. Tờ báo chính thức của cộng đảng Bắc Hàn Rodong Sinmun phụ họa: “Thỏa thuận đình chiến đã bị xé toạc... không ai dự đoán được điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”.
Bộ Thống nhất Đại Hàn cũng xác nhận Bắc Hàn đã cắt đường dây nóng giữa Bình Nhưỡng và Hán Thành. Trước đây, Bắc Hàn từng cắt đường dây này 5 lần, gần đây nhất là năm 2010. Phát ngôn viên Bộ Thống nhất Đại Hàn cho biết, sáng hôm đó phía Đại Hàn gọi điện thoại sang, nhưng Bắc Hàn không trả lời.
Ngày KCNA tuyên bố Bắc Hàn hủy bỏ hiệp định đình chiến trùng với ngày quân đội Hoa Kỳ và Đại Hàn mở cuộc tập trận chung “Giải pháp Then chốt” (Key solution). Cuộc thao diễn quân sự dài 11 ngày có 10.000 binh sĩ Đại Hàn và 3.500 lính Mỹ, chiến đấu cơ, trong đó có F-22 và oanh tạc cơ B-52, cũng như các khu trục hạm mang hỏa tiễn USS Lassen và USS Fitzgerald, khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á càng thêm căng thẳng.

Ai thắng, ai thua
trong canh bạc của Kim Chính Ân
Thoáng nhìn qua Kim Chính Ân là kẻ thua đậm trong canh bạc này. Bắc Hàn đang bị cộng đồng quốc tế lên án, ngay cả “người bạn vong niên” là Trung Quốc cũng bỏ phiếu thuận thông qua nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an. Hoa Kỳ và Đại Hàn tăng cường hợp tác quân sự, Nhật Bản cũng lợi dụng cơ hội này tăng thêm quân bị. Nhưng khi thấy Kim Chính Ân điềm nhiên ngồi cạnh cựu cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman theo dõi trận đấu giữa đội Harlem Globetrotters (Hoa Kỳ) và Dream Team (Bắc Hàn) tại Bình Nhưỡng, có kẻ nghĩ rằng nhờ có vũ khí hạt nhân, cháu nội Kim Nhật Thành đã bảo toàn tính mạng. Kim Chính Ân chính là kẻ thắng đậm trong canh bạc này.
Bắc Hàn tự biết mình suy nhược, lúc nào cũng bị ăn hiếp nên phải tỏ ra hung dữ để tự bảo vệ mình. Kim Ông (Kim Nhật Thành) và Kim Cha (Kim Chính Nhật) cũng từng dạy bảo con cháu, sẽ có ngày Hoa Kỳ “xơi tái” mình, cách đề phòng tốt nhất là phải có vũ khí hạt nhân.
Hoa Kỳ có trừng trị Bắc Hàn như đã trừng trị Taliban và Saddam Hussein hay không là điều chưa ai biết được, nhưng... nhìn vào tấm gương của Iraq, không có vũ khí giết người hàng loạt không thể ngăn cản nổi Hoa Kỳ. Kim Chính Ân tuân theo di huấn của Kim Ông và Kim Cha, lúc nào cũng phải đề phòng. Muốn làm được chuyện này, phải có vũ khí hạt nhân. Bởi vậy, như Bình Nhưỡng đã tuyên bố, dù Hội đồng Bảo an ra nghị quyết trừng phạt, Bắc Hàn vẫn tiếp tục thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư, lần thứ năm... Đúng là... vua cũng phải thua thằng liều!
Nhìn bề ngoài, Trung Quốc là kẻ thua cuộc vì đàn em Bắc Hàn không chịu nghe lời khuyên bảo của đàn anh. Nhưng xem xét kỹ, nhờ có Bắc Hàn thử vũ khí hạt nhân ngày 12/02, Trung Quốc mới thoát khỏi phần nào sự lên án của cộng đồng quốc tế về dã tâm xâm chiếm Biển Đông và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật Bản. Đó cũng là lý do tại sao Trung Quốc đồng ý thông qua nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại mặt trái của sự đồng ý này. Ngay sau khi Bắc Hàn thử hạt nhân ngày 12/02, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức triệu Đại sứ Bắc Hàn đến để phản đối. Sau đó, Trung Quốc dựa vào lý do nghỉ lễ đón Tết năm Con Rắn trì hoãn những phản ứng chính thức. Mãi đến ngày18/02, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới cho biết đã ra tuyên bố phản đối Bắc Hàn thử hạt nhân. Phản đối, nhưng phát ngôn viên Hồng Lỗi cũng đề nghị cộng đồng quốc tế nên bình tĩnh.
Sau những tuyên bố cứng rắn nhưng hòa hoãn này, Bắc Kinh vẫn tiếp tục cung cấp dầu thô và lương thực cho Bình Nhưỡng. Ngày 19/2, Đài phát thanh Bắc Hàn Yangbian có trụ sở tại Trung Quốc còn đưa tin: Trung Quốc dự kiến bắt đầu cung cấp điện cho đặc khu kinh tế Rason của Bắc Hàn vào tháng 06/2013. Như thế là Trung Quốc vẫn nối giáo cho giặc!
Theo hướng này, giới học giả Trung Quốc đã hướng mũi dùi dư luận vào chính sách của Hoa Kỳ. Bài xã luận trên Globle Times đăng ngày 18/2 nói Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm về vụ thử hạt nhân, nhưng vẫn nói Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đại Hàn cũng phải gánh chịu ít nhất một nửa trách nhiệm. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn không thay đổi gì, lại yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi thái độ đối với Bắc Hàn là điều không hợp lý, không khả thi... Thật là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.
Đối với Đại Hàn, vụ thử hạt nhân không uy hiếp được Hoa Kỳ, nhưng lại khiến cho Hán Thành mất ăn mất ngủ. Nam Hàn không muốn chiến tranh xảy ra, vì, gây chiến với miền Bắc, lính Mỹ chưa chết, quân Đại Hàn đã thiệt hại. Đó là chưa kể bao nhiêu thành quả về kinh tế đều tiêu tan thành tro bụi. Tuy nhiên, như Bắc Hàn đã tuyên bố, mục đích thử hạt nhân nhằm chống lại thái độ thù địch của Hoa Kỳ. Kỳ thực thì, Kim Chính Ân có ý đồ dùng chiêu thử hạt nhân để lôi kéo Hoa Kỳ vào bàn đàm phán tay đôi. Cũng vì vậy mà giữa lúc Bắc Hàn bị cộng đồng quốc tế phản đối, Hội đồng Bảo an ra quyết nghị trừng phạt, Kim Chính Ân lại dùng “Sức mạnh mềm” (Soft power) tạo cơ hội gần gũi với Hoa Kỳ hơn. Chiêu này đã được Kim Chính Ân thể hiện trong trường hợp đón tiếp một đội bóng rổ từ Hoa Kỳ đến hay cho phép một cuốn phim của Bắc Hàn chiếu tại thành phố San Francisco trong tháng 03/2013. Đó là điều chưa từng có trong thời Kim Chính Nhật thống trị Bắc Hàn. Chiến tranh nam bắc Triều Tiên như thế chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra. Qua đó có thể nói, Kim Chính Ân là kẻ thắng, Phác Cẩn Huệ (Park Geun-hye) vừa nhậm chức Tổng Thống thứ 11 của Đại Hàn Dân Quốc cũng không phải là kẻ thua.

Dư luận về Bắc Hàn hủy bỏ
Hiệp định Đình chiến Triều Tiên
Thượng tuần tháng 03/2013, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Tối cao Bắc Hàn tuyên bố: Bắc Hàn không còn tuân theo Hiệp định Đình chiến giữa 2 miền nam bắc Triều Tiên. Đại diện của Bắc Hàn ở Bàn Môn Điếm cũng tuyên bố cắt đứt đường điện thoại nóng liên lạc giữa Hán Thành và Bình nhưỡng.
Một số nhà bình luận thời sự am hiểu mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cho rằng, căn cứ vào điều 2 Hiệp ước Hỗ trợ Trung Triều, “Khi một trong hai quốc gia ký kết hiệp ước này bị một hoặc nhiều nước liên hợp lại tấn công và xảy ra tình trạng chiến tranh, nước đồng minh ký kết hiệp ước này sẽ dùng toàn lực hỗ trợ nước bị đánh phá, kể cả quân sự...”. Bắc Hàn tuyên bố hủy bỏ hiệp ước đình chiến Triều Tiên, có nghĩa là... khi xảy ra chiến tranh, Trung Quốc phải hỗ trợ Bắc Hàn chống lại cuộc xâm lược đó. Như vậy không khác gì Bắc Hàn lôi kéo Trung Quốc vào cuộc chiến với Đại Hàn và Hoa Kỳ.
Thực ra thì Bắc Hàn dùng chiêu này để cảnh cáo Bắc Kinh về việc bỏ phiếu thuận đồng ý trừng phạt Bắc Hàn. Có thể nói, tuyên bố hủy bỏ hiệp ước đình chiến Triều Tiên chỉ là hành động trả đũa Trung Quốc.
The Wall Street Journal loan tin, một nhà ngoại giao ở Liên Hiệp Quốc cho hay, những văn bản thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa lên Hội đồng Bảo an, trong đó Trung Quốc đưa ra 3 điểm liên quan đến trừng phạt Bắc Hàn: Một là duy trì Hội đàm Sáu bên về vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên; Hai là trong bối cảnh thay đổi nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị Sáu bên, Trung Quốc luôn luôn quan tâm đến tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên; Ba là Bắc Kinh không đồng ý cấm vận dầu thô và lương thực đối với Bình Nhưỡng, lý do Trung Quốc sợ kinh tế Bắc Hàn suy sụp, đời sống người dân càng khó khăn, sẽ gây ra một làn sóng tị nạn ở các tỉnh giáp đông bắc Trung Quốc tràn sang đất Tàu, khiến cho Bắc Kinh càng khó giải quyết. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại đề nghị: “Hội đồng Bảo an cần có biện pháp cứng rắn và có hiệu lực hơn”. Nga cũng đồng ý nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an.
Bộ Ngoại giao Đại Hàn cũng không nhìn nhận Bình Nhưỡng có thể đơn phương rút khỏi hiệp ước kết thúc chiến tranh giữa hai miền nam bắc. Hán Thành kêu gọi Bình Nhưỡng rút lại những tuyên bố hiếu chiến trong những ngày vừa qua. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đại Hàn tuyên bố: “Theo quy định của hiệp ước cũng như luật pháp quốc tế, đơn phương hủy bỏ hoặc chấm dứt thỏa thuận đình chiến là điều không hợp lệ. Hiệp nghị đình chiến vẫn còn hiệu lực. Đại Hàn cùng Trung Quốc và Hoa Kỳ kiên quyết ngăn chặn bất cứ ý đồ nào của Bắc Hàn về vấn đề này. Chúng tôi yêu cầu Bình Nhưỡng rút lại những bình luận gây đe dọa hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á”.
Phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định Hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vẫn còn giá trị. Hiệp ước này đã được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, bất cứ nước nào cũng không được phép đơn phương hủy bỏ.



Mỹ-Triều Tiên bí mật gặp gỡ vào tháng trước

(Dân trí) - Theo hé lộ của một tờ báo Mỹ, một quan chức hàng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp đại diện cấp cao của chính phủ Triều Tiên ở New York vào trung tuần tháng 3 vừa qua.
 >> Triều Tiên “cấm cửa” du khách, Mỹ, Hàn tăng cấp độ do thám

 Mỹ-Triều Tiên bí mật “gặp gỡ” tháng trước
Tạp chí Foreign Policy của Mỹ ngày 9/4 dẫn các nguồn tin ngoại giao tiết lộ, Clifford Hart, đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho vòng đàm phán 6 bên, hiện bị ngưng trệ, đã gặp phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Han Song-ryol vào trung tuần tháng 3 vừa qua, ngay trước khi Triều Tiên “tung” một loạt đe dọa và hành động khiêu khích.

Cuộc gặp được tiến hành qua hình thức mà giới ngoại giao gọi là “kênh New York”, phương pháp liên lạc trực tiếp phổ biến nhất giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Theo các nguồn tin, không có tiến bộ thực sự nào đạt được trong cuộc họp và không có đề xuất mới nào được đại diện Mỹ đưa ra. Phía Mỹ chỉ đơn giản nhắc lại kêu gọi của chính quyền Obama đối với Bình Nhưỡng, đó là tránh những hành động khiêu khích cũng nhưng đề nghị nước này trở lại bàn đàm phán nếu Triều Tiên cam kết thực hiện các trách nhiệm quốc tế của mình và theo đuổi con đường phi hạt nhân. Phía Triều Tiên chỉ đơn giản nhất trí chuyển những thông tin này về Bình Nhưỡng.

Giới chuyên gia bên ngoài nước Mỹ chỉ trích cách tiếp cận hiện nay đối với Triều Tiên của chính quyền Obama. Đó là cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc “kiên nhẫn chiến lược” hoặc đợi Bình Nhưỡng thay đổi tính toán của mình và quay trở lại bàn đàm phán đa phương. Cuộc gặp gỡ mới nhất trên là chỉ dấu mới nhất cho thấy sự trì trệ trong chính sách của chính quyền Obama.

“Thật không may, kênh New York, trước đây là mối liên lạc quan trọng giữa Bình Nhưỡng và Washington, có vẻ như đã trở thành nơi những quan điểm đàm phán sáo mòn được trao đổi”, cựu thương thuyết viên về hạt nhân Joel Wit đánh giá. “Thật đáng thất vọng, xét về cuộc khủng hoảng hiện nay. Nó đã có thể là nơi tuyệt vời để những trao đổi thẳng thẳng, nhằm tránh hiểu nhầm và tìm ra giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳn hiện nay”.

Gần đây nhất, “kênh New York” đã được dùng để cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ ngay trước khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2 vừa qua. Triều Tiên dự kiến sẽ thử tên lửa tầm trung vào ngày hôm nay 10/4 và một cảnh báo khác có thể được chuyển tới chính quyền Obama qua văn phòng đại diện của Triều Tiên ở Liên hợp quốc.

Một cựu quan chức Mỹ từng làm việc với Triều Tiên trong các chính quyền trước Obama, đã hé lộ về “kênh New York” sau cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 2. “Đó là kênh liên lạc chính giữa chính phủ Triều Tiên và Mỹ. Chúng tôi không có các kênh khác”, quan chức này nói.

Ông Han, quan chức chính điều hành “kênh New York”, cũng đại diện cho Triều Tiên ở hai cuộc họp không chính thức với người Mỹ vào năm 2012. Một cuộc gặp diễn ra ở Singapore, trong khi cuộc gặp kia ở Đại Liên, Trung Quốc. Hart đã tham dự cuộc họp ở Đại Liên.

Bộ Ngoại giao Mỹ như thường lệ từ chối bình luận về cuộc gặp bí mật tại New York hồi tháng 3.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Kerry dự kiến thăm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật vào cuối tuần này. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết ông Kerry sẽ tìm cách đưa ra một lộ trình ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay.

Vũ Quý
Theo FP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét