Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Xôn xao bài thơ “tóm tắt truyện Kiều” của học sinh chuyên Toán

Xôn xao bài thơ “tóm tắt truyện Kiều” của học sinh chuyên Toán


Bên cạnh những bài thơ “nức lòng” dân mạng, “thi sĩ” Phạm Quốc Ðạt vừa tiếp tục cho ra lò bài thơ "Tóm tắt truyện Kiều" khiến người đọc cười nghiêng ngả.

Bài được đọc trong buổi thảo luận về Truyện Kiều của HS lớp 10. Tác giả là Phạm Quốc Ðạt, lớp 11 chuyên Toán (Trường PTTH Chuyên Lê Quý Ðôn - Vũng Tàu.)
Trước đó, "thi sĩ" cũng vừa giành huy chương bạc cuộc thi Olympic Toán học 30/4 diễn ra tại TP.HCM.

Thi sĩ Cuốc Ðất ở giữa cùng hai bạn giành huy chương tại Olympic Toán 30/4.
Thi sĩ "Cuốc Ðất" ở giữa cùng hai bạn giành huy chương tại Olympic Toán 30/4.

Xin giới thiệu bài thơ mới nhất của "thi sĩ Cuốc đất":

"Mình xin thay mặt tổ hai,
Bàn về tác phẩm của ngài Nguyễn Du.

Ðời Kiều sóng gió cầm tù,
Giờ đây hồn đã ngàn thu giấc tròn.
Sắc, tài sánh với nước non,
Khách hồng nhan vốn chẳng còn điểm chê.
Gặp Kim, như trúng bùa mê,
Cùng nhau ước hẹn quên thề Ðạm Tiên.
Bỗng đâu oan lớn ập liền,
Thuý Kiều buộc phải kiếm tiền chuộc cha.
Chẳng may mắc bẫy Tú Bà,
Biến Kiều bỗng chốc thành quà thanh lâu.
Ðương cơn nhục nhã tủi sầu,
Thúc Sinh xuất hiện, phép mầu nhuộm lên.
Tưởng rằng Kiều đã gặp hên,
Hoạn Thư đày đoạ như tên ngục tù.
Nàng đau trong nỗi căm thù,
Phận đời sóng gió mây mù xa trông.
Bạc Bà giết những kiếp hồng,
Lầu xanh Kiều lại vào tròng lần hai.
Chẳng còn nhờ vả được ai,
Kể như nàng đã tương lai mịt mù.
Từ Hải khí phách trời thu,
Kiều được giúp đỡ trả thù bấy lâu.
Ngỡ là chấm dứt nỗi sầu,
Lại Hồ Tôn Hiến hiểm sâu đánh lừa.
Từ Hải chết đứng không thưa,
Thuý Kiều lại kiếp ngày xưa quay về.
Ðớn đau, nhục nhã ê chề,
Nàng nay chẳng muốn quay về nhân gian.
Tiền Ðường kết liễu kiếp oan,
Giác Duyên giăng lưới nhặt khoan sẵn chờ.
Rời xa nhân thế bẩn dơ,
Nàng nương cửa Phật - cõi mơ nâu sồng.
Ngày kia hết kiếp long đong
Tái duyên Kim Trọng, thong dong sắt cầm.
Ðến đây xin phép được ngừng,
Cảm ơn cả lớp chẳng ngừng lắng nghe!"

Theo Nguyễn Hiền
Vietnamnet





Xôn xao đơn xin nghỉ học bằng…thơ

"Hôm nay em viết đơn này/Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương/Em tuy vẫn nhớ lớp, trường/Nhưng mà sức khỏe khó lường mối nguy..." -đơn xin phép nghỉ học của học sinh được viết bằng thể thơ lục bát với những ngôn từ hóm hỉnh, hài hước đang gây xôn xao trên các trang mạng xã hội.

Ðơn xin phép nghỉ học bằng thơ
Ðơn xin phép nghỉ học bằng thơ.
Ðây là tờ đơn xin phép nghỉ học của một học sinh tên là Phạm Quốc Ðạt, lớp 11 Toán 1 (không có tên trường) đã được lưu truyền trên mạng với tốc độ nhanh chóng.
Lá đơn xin nghỉ phép được viết bằng thể thơ lục bát rất ngay ngắn, sạch đẹp trên giấy vở ô ly.


Cùng đọc lá đơn bằng thơ:

ÐƠN XIN PHÉP
Gửi ban giám hiệu trường ta.
Cùng cô chủ nhiệm chính là cô Nhung.
Hôm nay em viết đơn này
Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương
Em tuy vẫn nhớ lớp, trường
Nhưng mà sức khỏe khó lường mối nguy
Suốt đêm em sốt li bì
Trán nay nóng hổi, yếu suy quá chừng
Việc học chắc phải tạm ngừng
Ðể còn điều trị kẻo chừng… thăng thiên!
Bài ghi em sẽ chép liền
Em xin lỗi đã làm phiền thầy cô!

Trên trang Facebook của Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng chia sẻ và có hàng nghìn người “like” và bình luận về đơn xin phép này. Thạc sĩ tâm lí học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cũng chia sẻ ý kiến của mình bằng thể thơ lục bát:

"Ai bảo đi học khô khan?
Nếu mà sáng tạo thì ngàn cái hay!
1 like nhóc viết cái này
1 like khác nữa cho thầy dạy Văn”.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự sáng tạo và phá vỡ cấu trúc khô khan của một tờ đơn xin phép nghỉ học thông thường.

Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu phân tích thêm: “Ðơn này thì viết chơi thôi, chứ thầy nghĩ bạn ấy không có nộp đâu. Nhưng nếu là ban giám hiệu, thầy sẽ chấp nhận đơn này, tuy không chỉn chu như kiểu mà thầy cô mong muốn, nhưng đáng được chấp nhận vì sự phá cách, sáng tạo mà không phải học sinh nào cũng có. Quá khắt khe làm gì, sao ta không để cho học sinh sáng tạo? Nếu mắng bạn ấy là vớ vẩn, vô phép thì lần sau bạn ấy mà muốn sáng tạo thì chẳng còn hứng thú gì nữa. Giết chết mầm mống của một con người sáng tạo đấy!”.

Theo Nguyễn Thị Sự
Tiền Phong

Lá đơn xin nghỉ học gây sốc

Cậu học sinh lớp 10 viết lá đơn xin phép nghỉ học đáng suy ngẫm được cho là Trần Văn M. một học sinh lớp 10 của một trường THPT.

Lá đơn có đầy đủ Quốc hiệu, tiêu ngữ, tiêu đề, ngày tháng và nội dung đơn.



Nguyên văn nội dung đơn: “Hôm lay, em viết cái Ðơn lày mong cô và nhà trường cho em ngỉ học vì chong lúc Học em quá đùa nghích và Học Hành còn yếu và làm cho lớp 10H xa xút và không thể vươn lên Ðược, và làm cho nhiều thầy cô gia phải nhác nhở lên em ngĩ em không xứng Ðáng làm học sinh của chường…”

Hãy khoan bàn về mặt hình thức, những lời bạn học sinh viết trong đơn đáng để chúng ta suy ngẫm. M đã dám nói thẳng, nói thật những khuyết điểm của mình. Ðó là bạn còn đùa nghịch, học hành còn yếu làm ảnh hưởng đến bạn bè, thầy cô, đến lớp, đến trường. Ðể rồi, bạn xin được nghỉ học với một lời cảm ơn. Thiết nghĩ, những điều trên không phải là hiếm, nhưng để thẳng thắn thừa nhận và nói ra không phải ai cũng làm được. Lòng tự trọng đã không cho phép M tiếp tục “Ngồi nhầm chỗ”…hay M không thể chịu được những áp lực?
 
Nhưng, điều đáng nói hơn, qua lá đơn của T.V.M, cũng làm nóng lên những vấn đề về công tác giáo dục. Tại sao một học sinh lớp 10 lại viết sai lỗi chính tả khủng khiếp đến như thế? Ðọc một câu mười chữ thì có đến năm sáu chữ là sai lỗi chính tả. Lời văn thì lủng củng, một câu có đến ba bốn chữ “và”… Những điều đó không được phép sai vì đúng ra, học hết lớp 1 là đã phải đọc thông, viết thạo. Ðây là hiện tượng ngồi nhầm lớp. Và đáng ngại hơn là ngồi nhầm nhiều lớp.
                                   
Năm học 2006-2007, Bộ GD&ÐT phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Khi đó, tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” đã trở thành một vấn nạn nhức nhối.
Theo Nhật Linh
VietNamNet

Lại xôn xao “thầy cô” đối lại đơn xin nghỉ học bằng... thơ

Ngay sau khi lá đơn xin nghỉ học bằng thơ “có một không hai” của học sinh được truyền, một đoạn thơ lục bát khác được coi như là lời đối đáp của “thầy cô” cũng đã được tung lên mạng với giọng điệu khá hài hước.

Lá thư xin nghỉ học của cậu học trò viết:

 “Gửi ban giám hiệu trường ta.
Cùng cô chủ nhiệm chính là cô Nhung.
Hôm nay em viết đơn này
Kính xin được nghỉ một ngày dưỡng thương
Em tuy vẫn nhớ lớp, trường
Nhưng mà sức khỏe khó lường mối nguy
Suốt đêm em sốt li bì
Trán nay nóng hổi, yếu suy quá chừng
Việc học chắc phải tạm ngừng
Ðể còn điều trị kẻo chừng… thăng thiên!
Bài ghi em sẽ chép liền
Em xin lỗi đã làm phiền thầy cô!”.

Theo thông tin nhiều bạn đọc cung cấp, đơn xin nghỉ học “độc nhất vô nhị” xôn xao cư dân mạng trong thời gian vừa qua do cậu học trò Phạm Quốc Ðạt, lớp 11 Toán 1 trường THPT L.Q.Ð (TP. Vũng Tàu) sáng tác.

Ðơn xin phép nghỉ học bằng thơ
Ðơn xin phép nghỉ học bằng thơ.

Ngay sau khi lá đơn xin nghỉ học bằng thơ “có một không hai” của học sinh được truyền trên mạng, một đoạn thơ lục bát khác được coi như lời đối đáp của “thầy cô” cũng đã được tung lên mạng với giọng điệu khá hài hước.

“Thầy cô trả lời”:

Thầy cô nhận được đơn rồi.
Sốt cao cứ nghỉ chứ đừng ngại chi
Bài vở sau khỏe hãy ghi
Em lo điều trị kéo thì Thăng Thiên
Thầy cô không sợ làm phiền
Chỉ sợ em ngủ , mơ tiên dẫn đường
Biết rằng nhớ lớp nhớ trường
Hãy vì sức khỏe mà thương lấy mình...!!!
Khi nào sức khỏe an bình.
Cố gắng đến lớp chúng mình gặp nhau.
Về trường có trước có sau.
Ðừng vì cái vụ em đau... hết tiền.
Cô kêu lên bảng liền liền
Bài tập cô vặn cho điên cái đầu.
Hỏi : sao vở lại nát nhàu.
Bài ghi không đủ mặc dầu có ghi.
Cô không gợi ý đề thi
Cuối năm điểm kém tức thì lưu ban?

Một “cô giáo” khác cũng có lời hồi đáp với học trò của mình:

"Thương em bị sốt li bì
Ðồng ý em nghỉ tiếc gì em đâu
Lo cho sức khỏe là đầu
Thầy cô các bạn luôn cầu cho em
Khỏe rồi đi học cố lên
Học sinh ngoan giỏi có tên của trò”.

Khá nhiều bạn cho rằng đây là “sự sáng tạo phá vỡ sự khô khan vốn có của lá đơn xin nghỉ học bình thường”.

Theo chia sẻ của Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu tuy thơ của bạn học sinh không chỉn chu như kiểu mà thầy cô mong muốn nhưng "đáng được chấp nhận vì sự phá cách, sáng tạo mà không phải học sinh nào cũng có”.

Theo Phong Ðăng
Vietnamnet


Tác giả đơn xin nghỉ học bằng thơ lại làm thơ trong... bài thi

Không chỉ nổi tiếng với việc viết đơn xin nghỉ học làm xôn xao cư dân mạng, Phạm Quốc Ðạt (lớp 11 Toán, THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Vũng Tàu) còn viết thơ “thương vợ” trong bài thi giữa kỳ của mình.

Vừa qua, lá đơn “Xin nghỉ phép” bằng thơ của cậu học trò Phạm Quốc Ðạt (lớp 11 Toán, THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Vũng Tàu) đã gây xôn xao cư dân mạng.

Không chỉ có vậy, bằng tài làm thơ của mình, Ðạt đã sáng tác ngay 8 câu thơ trong bài thi giữa kỳ với đề bài phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương.

Phạm Quốc Ðạt tiếp tục nổi như cồn với đoạn thơ Thương vợ trong bài thi giữa kỳ
Phạm Quốc Ðạt tiếp tục "nổi như cồn" với đoạn thơ "Thương vợ" trong bài thi giữa kỳ.

8 câu thơ cuối bài thi giữa kỳ của Phạm Quốc Ðạt:

Ðau thay thân phận đàn ông
Nhìn vợ chịu khổ mà không giúp gì
Cuộc đời lắm chuyện thị phi
Một thời phong kiến làm gì được đây.

Thương thay bà Tú rạc gầy
Nuôi chồng rồi lại một bầy con thơ
Ðến đây đã hết thì giờ
Em xin dừng bút, một tờ vậy thôi!

Ðạt thường viết thơ trong những dịp nào?

Do chương trình học cũng khá nặng nên những lúc thư giãn, thay vì chơi game thì em làm thơ để đăng vào hội “Văn thơ lớp Toán”.

Không phải chỉ riêng mình em mà trong lớp Toán ai cũng có tâm hồn lãng mạn cả. Thay vì làm thơ thì các bạn đánh đàn, ca hát khiến lớp lúc nào cũng rất vui!

Phạm Quốc Ðạt tiếp tục nổi như cồn với đoạn thơ Thương vợ trong bài thi giữa kỳ
Chàng trai Phạm Quốc Ðạt, lớp 11 Toán, THPT Chuyên Lê Quý Ðôn, TP. Vũng Tàu nổi tiếng cộng đồng mạng với những vần thơ di dỏm của mình.

Ðược biết em có bài thơ xin nghỉ học gây sốt cư dân mạng và cả đoạn thơ “Thương vợ” trong bài thi giữa kỳ. Vì đâu trong những hoàn cảnh đó em lại nghĩ sẽ sáng tác thơ?

Em không muốn mọi thứ diễn ra buồn tẻ, kể cả việc học. Chính vì thế nên em quyết định mạnh dạn phá cách để tìm thấy niềm vui trong môn Văn. Và do thơ cũng dễ viết, it “tốn kém” nhất nên em cứ theo khẩu hiệu của lớp Toán: “rẻ, đơn giản nhưng phải hoành tráng” để tiến hành!

Các thầy cô đã phản ứng như thế nào khi nhận được bài thơ em viết trong những hoàn cảnh đặc biệt như vậy?

Những bài thơ đó đã được các thầy cô tận mắt đọc ạ. Trường em cũng hay khuyến khích học sinh sáng tạo trong học tập nên em không bị phạt. Thầy chỉ nhắc nhở em không nên sáng tạo ở những văn bản hành chính, những bài thi đại học thôi.

Ngoài việc sáng tác thơ lúc rảnh rỗi, trong các bài kiểm tra, vậy những lúc khác thì sao?

Ngoài những dịp lễ hay sinh nhật bạn bè, đôi lúc em cũng bị bạn bè “ép” phải ứng khẩu thành thơ ngay lập tức. Tuy có hồi hộp nhưng cũng rất vui!

Phạm Quốc Ðạt tiếp tục nổi như cồn với đoạn thơ Thương vợ trong bài thi giữa kỳ
Ðạt cho biết, không chỉ mình Ðạt mà các thành viên khác trong lớp cũng đều có tâm hồn thơ văn, ca hát.

Nhiều người cho rằng em đang muốn “chơi trội”. Ðạt có buồn khi có người đang suy nghĩ như vậy về mình?

 Những hiện tượng bất thường như vậy đúng là khó chấp nhận thật. Thực sự thì khi em viết những bài thơ đó, em chỉ nghĩ nó được lưu hành trong trường thôi, chứ không ngờ lại phát tán trên mạng như vậy. Nếu là người ngoài cuộc thì em cũng sẽ nghĩ như các bạn thôi. 

Ðạt đã bao giờ gặp rắc rối với những bài thơ mình viết chưa? 

Có lần trên Facebook, em bình luận bằng thơ. Nhưng rồi một bạn lại hiểu sai ý nghĩa của nó nên khiến em rất lo lắng và phải xoá bài thơ của mình. Từ đó em đã rút được kinh nghiệm là phải cẩn thận về câu từ hơn.

Những tình huống hài hước bất ngờ và oái oăm nhất sau khi em công bố những bài thơ của mình là gì?

Giờ đây nhiều thầy cô trong trường đã biết đến lá đơn đó. Nên khi gặp em mọi người lại trêu đùa. Những lúc như thế em thấy các thầy cô thật gần gũi và dễ thương.  

Cũng vì bài thơ đó mà rất nhiều người đã kết bạn trên facebook với em. Hầu hết để làm quen và trò chuyện. Nhưng cũng có những bạn lại nhờ em làm giùm thơ để… tán gái!


Tập thể lớp chụp ảnh với thầy Viên dạy Toán (đứng giữa) - người đã truyền cảm hứng thơ văn cho Ðạt
Tập thể lớp chụp ảnh với thầy Viên dạy Toán (đứng giữa) - người đã truyền cảm hứng thơ văn cho Ðạt.

Bố mẹ đã phản ứng gì khi biết được những bài thơ nổi tiếng của em trên mạng?

Hình như bố mẹ em không ngạc nhiên lắm, vì cả bố và mẹ đều là những “nhà thơ” nghiệp dư! Hồi còn trẻ hai người viết thơ cho nhau nhiều đến nỗi phải đóng thành tập. Bố mẹ chỉ cười và bảo em đừng vì thế mà xao nhãng việc học.

Sau này, khi định thổ lộ với bạn gái chắc hẳn Ðạt cũng sẽ làm thơ để tỏ tình chứ?

Chắc chắn rồi! Nhưng mà sẽ phải thêm một vài ý tưởng độc đáo hơn nữa chứ! Thú thực là em cũng chưa bao giờ tỏ tình nên không biết ra sao nữa!

Ước mơ sau này của Ðạt liệu có quan đến những vần thơ hay không?

Em muốn được trở thành một người thành đạt. Tìm được người phụ nữ yêu mình thật lòng. Và luôn tìm ra những ý tưởng mới. Ðược như vậy cuộc sống sẽ đầy chất thơ mà không cần ta cố gắng sáng tác nữa.

GỬI THẦY CÔ...
(Tập san lớp 11 Toán 1)

Ðợt này gấp rút thời gian,
Vầy nên nhức nhối tập san lớp mình.
Nhưng thôi ta quyết vì tình,
Làm bài bất hủ để rinh giải vàng!

Sân trường nắng rộng thênh thang,
Chẳng bằng ơn huệ Trường Giang của thầy.
Dạt dào gió thổi trời mây,
Làm sao sánh nổi ơn đầy của cô!

Mong sao dựng nổi cơ đồ,
Công thành người dạy giọt mồ hôi xưa.
Băn khoăn ai để đò đưa?
Em xin mạn phép xin thưa mọi người. 

Theo ta từ thuở lớp mười,
Thầy Viên dạy Toán tươi cười hiện ra.
Có thầy, môn Toán thêm hoa,
Trao em cảm hứng để mà học lên.

Ơn thầy mãi mãi chẳng quên,
Thầy là nguồn sáng mỗi đêm mịt mù.
Thầy là lãng tử trời thu,
Chúng em yêu mãi Vyvu Vũng Tàu.

Cô Hồng nghĩa nặng tình sâu,
Bộ môn Vật Lý dạy lâu một thời.
Ðến nay cô đã nghỉ rồi,
Nhường cho thầy Tuấn trau dồi tụi em.

Cô Nhung chủ nhiệm cặp kèm,
Nhớ sao cái lúc bao kem học trò.
Bao lần khấp khởi âu lo,
Cô thì chỉ muốn tốt cho tụi mình.

Cô Thủy đảm nhiệm môn Sinh,
Dạy em mọi thứ tạo hình thiên nhiên.
Học Sinh chẳng chút muộn phiền,
Trong lời cô giảng bình yên tìm về.

Cô Xuân dạy Sử khỏi chê,
Hăng say hết mực, mải mê dạy trò.
Ðồn rằng môn Sử đầy lo,
Nhờ cô, xóa bỏ vòng vo trong đầu.

Năm nay Ðịa Lý thiệt ngầu,
Cô em giảng dạy biết đâu là dừng.
Chao ôi hấp dẫn vô chừng,
Cảm ơn cô Thúy chẳng ngừng dạy em.

Lại về Toán Một mà xem,
Cô Tuyền Ngoại Ngữ tụi em tuyệt vời.
Thế nhưng cô đã chuyển rồi,
Giờ đây cô Thảo bồi hồi làm quen.

Môn Tin lớp Toán được khen,
Nhờ cô chỉ bảo cho nên sự thành.
Cô Trang dạy giỏi đã đành,
Lại còn xinh đẹp, xứng danh đại tài.

Thầy Long dạy tớ mới oai,
Tâm hồn lãng mạn, giảng bài cực hay.
Văn thơ phát triển chốn này,
Nên giờ làm lại, tặng thầy bài thơ.

Tính tình đạo đức bấy giờ,
Công Dân cô chỉ nên thơ thế này.
Cô Hương nghiêm khắc lắm thay,
Nhưng em nhờ thế có ngày rạng danh.

Còn môn Kĩ Thuật thực hành,
Thầy Hùng hứng khởi chuyển thành tình yêu.
Dạy em chớ có làm liều,
Trước khi hành động - mục tiêu rõ ràng.

Thầy Mừng hết mực nở nang,
Nhờ môn thể dục Bạc Vàng này đây.
Học không, căng thẳng nặng đầy,
Ði kèm thể lực mới xây được đời.

Mỗi môn một vẻ không lời,
Cùng nhau giúp sức cho người học sinh.
Em yêu mọi thứ lớp mình,
Chúc thầy cô giáo nghĩa tình nặng sâu!

Phạm Quốc Ðạt

Theo Phạm Thịnh
VTC News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét