Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

‘Cộng sản’ vẫn là một từ bẩn thỉu trong cộng đồng người Việt nhập cư

Kirk Johnson
Diên Vỹ chuyển ngữ
22.06.2013


Olympia, Washington - Cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt, nhưng trong cộng đồng người Việt ở Tiểu bang Washington này, kỷ niệm quá khứ vẫn còn mạnh mẽ.
Đối với những người tị nạn lớn tuổi từng trải qua cuộc chiến Việt Nam và việc Sài Gòn sụp đổ vào năm 1975, nhiều người trong họ vẫn bị ám ảnh bởi những điều đã trải qua nên không thể quên chúng đi, và cũng chẳng thể tha thứ. Thậm chí đến hôm nay, một cáo buộc về việc có cảm tình với chính quyền Cộng sản - thật hay tưởng - cũng có thể làm tan nát danh dự của một người.
Hoặc để giải quyết một ân oán.
Điều này rõ ràng đã xảy ra trong vụ kiện giữa Tân Đức và đồng sự và Norman Lê và đồng sự, theo thông tin của Toà án Tối cao Tiểu bang Washington, trong một vụ án phỉ báng dân sự qua đó hé lộ một tổng quan hiếm hoi về cuộc sống sôi nổi với những đấu đá trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Những căng thẳng và quan ngại về quyền tự do ngôn luận trên cả nước đã tăng mạnh trong những ngày này qua việc chính phủ liên bang theo dõi điện thoại và Internet vì lý do an ninh quốc gia. Và đa số những lo lắng này càng trầm trọng thêm trong các cộng đồng nhập cư, đặc biệt là những nhóm dân Trung Đông, nơi khái niệm tôn giáo cực đoan có thể làm mọi người cảnh giác.
Ở thành phố Olympia này, những kẻ chống nhau là những người đàn ông mảnh khảnh với mái tóc đang thưa dần. Một người bị tố cáo là Cộng sản, người kia bị tố là vu khống. Cả hai đều từng làm việc cho chính quyền hoặc quân đội của Nam Việt Nam. Cả hai đều từng là những người lãnh đạo của các tổ chức địa phương chuyên tìm cách giữ gìn ngôn ngữ và truyền thống người Việt ở miền Tây Washington.
Nhưng vào khoảng 10 năm trước, ông Lê, hiện đã 78 tuổi, nói rằng ông thực sự tin rằng ông Tân, 69 tuổi, là một cảm tình viên bí mật của Cộng sản tại Việt Nam. Sau đó ông đã công bố những khẳng định của mình và chúng được đăng trên những tờ báo tiếng Việt và truyền bá trên mạng xã hội.

Tân Đức, hình trái, đã đệ đơn kiện Norman Lê, hình phải, tội phỉ báng khi ông này cáo buộc ông là một người thân cộng sản.
Đối với người ngoài cuộc, một số yếu tố từ những bằng chứng mà ông Lê đưa ra nghe có vẻ tiếu lâm. Ví dụ như một chiếc tạp dề nấu ăn dùng tại hội chợ của quận được đưa ra trước toà cho thấy một nhân vật vui nhộn đầu đội mũ mà ông Lê cho là một hình ảnh rõ rệt của lãnh đạo Cộng sản Hồ Chí Minh, nhưng ông Tân lại nói rằng nhân vật ấy chẳng là ai khác ngoài ông già Nôel.
Một người chơi đàn do ông Tân mướn tại một buổi lễ đã đánh vài nốt nhạc đầu của bài quốc ca Việt Nam hiện tại trước khi anh ta ngượng ngùng dừng lại và đánh bản nhạc mà mọi người muốn nghe: bài quốc ca Nam Việt Nam, một bài hát cho một quốc gia đã không còn tồn tại. Ông Lê nói đây là một âm mưu, ông Tân cãi đó chỉ là một sự cố.
Cuối cùng, vào năm 2004 ông Tân đã đâm đơn kiện về tội phỉ báng, đây là một sự kiện hiếm hoi trong những cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nơi những tranh chấp thường được giải quyết nội bộ. Một bồi thẩm đoàn của toà dân sự tuyên bố ông Lê và những người đồng tác giả các bài báo với ông có lỗi trong vụ kiện.
Một phiên toà phúc thẩm đã đảo ngược phán quyết, nhưng tháng qua toà án tối cao của Washington đã hoàn lại kết luận nguyên thuỷ của bồi thẩm đoàn và tuyên bố phe bị cáo bồi thường 310 nghìn Mỹ kim cho ông Tân và Cộng đồng người Việt quận Thurston, một tổ chức dân sự. Luật sư của ông Lê đã yêu cầu toà án nên cân nhắc lại quyết định.
Nhưng trận chiến bằng mọi giá này đã thay đổi cả cộng đồng, mọi người nói.
Một trường dạy tiếng Việt mà ông Tân từng là hiệu trưởng đã bị giảm thiểu vì hệ quả của sự kiện tai tiếng này: từ 120 học sinh trong mười năm trước nay chỉ còn 60, vị hiệu trưởng hiện tại cho biết. Những buổi lễ văn hoá đông người như Tết Nguyên đán, từng được tổ chức thường xuyên ở Olympia, đã nhạt dần hoặc chấm dứt hẳn trong vài năm qua.
"Chúng tôi không muốn có thêm những mâu thuẫn hoặc bị chụp mũ," Trần Hiệp, 50 tuổi, một chuyên viên giao thông của chính phủ tiểu bang cho biết.
Vũ Mai, 55 tuổi, nói rằng sau vài năm sống ở Mỹ, từ những năm 1970, bà thấy rõ rằng biểu tình phản đối chẳng giúp ích được gì trong việc xóa bỏ Cộng sản khỏi Việt Nam. Nhưng giờ đây bà nói rằng bà lo sợ việc không được xem là một người chống cộng rõ ràng cũng có thể là mục tiêu tấn công.
"Nếu chúng tôi không ra đường và tuyên bố 'Đả đảo Cộng sản' thì chúng tôi đã trở thành những kẻ thân cộng," bà nói. "Tôi thấy đấy là một vấn đề mà tôi không đồng ý."
Ông Tân trả lời phỏng vấn tại văn phòng luật sư của ông (cũng là nơi ông Tân mời ông Trần Hiệp và bà Vũ Mai đến trả lời phỏng vấn về tình hình cộng đồng) rằng ông không phải là cộng sản, và ngay cả cái ý nghĩ này cũng đã mang tính xúc phạm. Trả lời qua một người thông dịch, ông nói là ông tin rằng những cáo buộc do ông Lê đưa ra đã xuất phát từ một mâu thuẫn cá nhân về vai trò lãnh đạo của hai người trong một uỷ ban dân sự.
"Tôi tin rằng đó là một mâu thuẫn cá nhân, một sự trả thù cá nhân," ông Tân nói.
Ông Lê, trong một cuộc phỏng vấn tại nhà con gái của mình tại Lacey, cũng rất quả quyết.
"Chúng tôi cần phải lên tiếng, chúng tôi đến đây cũng vì quyền tự do ngôn luận," ông Lê nói, ông ngồi trong căn phòng khách với lá cờ Nam Việt Nam màu vàng vạch đỏ đang phất phới bay cùng với lá cờ Mỹ trên lối vào, gần bức chân dung Tổng thống Ronald Reagan.
Những cáo buộc về việc hợp tác với Cộng sản hoặc thân Cộng - đôi khi đi đôi với bạo lực và thậm chí giết chóc - đã phá nát nhiều cụm dân cư người Việt ở Mỹ trong những năm sau chiến tranh. Và những lựa chọn cá nhân đầy khó khăn trong thời điểm ấy vẫn còn sót lại: Ông Tân, theo tài liệu của toà, đã từng ký một tờ giấy thề trung thành với chính quyền Cộng sản để được ra tù cải tạo trước khi rời đất nước vào năm 1978.
Nhưng nhiệt huyết chính trị của thế hệ từng trải qua chiến tranh đã không còn thống trị cộng đồng như trước đây, Jeffrey Brody, một giáo sư về truyền thông tại Đại học Tiểu bang California Fullerton nói, ông từng nghiên cứu và làm việc với cộng đồng người Việt trong nhiều năm. Ông nói đối với những thế hệ con cháu của những người tị nạn, việc chấp nhận quyền hiện hữu của chính quyền Việt Nam hiện tại, mặc dù hiếm khi được hưởng ứng, ít ra cũng là một điểm tranh luận chính đáng.
“Thế hệ trẻ hơn thì dễ dãi hơn về chính trị trong lĩnh vực tự do ngôn luận,” ông nói.
Ông Lê, người sau chiến tranh đã từng trải qua chín năm trong trại cải tạo Cộng sản đã điều trần tại phiên toà rằng những ai từng sống qua thời kỳ cộng sản chiếm đoạt thì có “cái nhìn khác” về chủ nghĩa cộng sản cũng như sự hiểu biết về những phương pháp của cộng sản mà các toà án và bồi thẩm đoàn Mỹ có thể không bao giờ hiểu được.
Một trong những thẩm phán của Toà án Tối cao Tiểu bang, James M. Johnson đã đồng ý với quan điểm trên. Trong một bài nhận định phản biện với ngôn từ sắc bén, ông gọi phán quyết của phe đa số là “một sai lầm của công lý đối với ông Lê và tất cả những ai đã hy sinh mọi thứ để được Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ.” Ông nói thêm: “Những kinh nghiệm của các bị cáo đối với cộng sản thì rõ ràng là rất quan trọng trong quá trình xét xử.”
Tuy nhiên, ông Lê trong cuộc phỏng vấn đã bác bỏ quan điểm rằng những người Cộng sản Việt Nam đang tìm cách chiếm đoạt hay phá hoại nước Mỹ. Ông nói nỗ lực của họ là tạo dựng hình ảnh và giữ kiểm soát, nuôi dưỡng cái nhìn tốt đối với chính quyền trong cộng đồng người lưu vong tị nạn cũng như con cái họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét