Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Thời kỳ khó khăn và sụp đổ chế độ: Phản ứng của chế độ chuyên chế với suy thoái kinh tế

Phạm thị Kim Ngân biên dịch
Lê Hồng Hiệp hiệu đính
Chia sẻ bài viết này


Các học giả xếp những trục trặc về kết quả phát triển kinh tế vào hàng những lí do quan trọng nhất cho sự sụp đổ của các chế độ độc tài. Bài nghiên cứu này cũng không phải là ngoại lệ. Bài viết khảo sát tác động của rủi ro kinh tế đến những thất bại của chế độ độc tài, sử dụng mẫu của 160 chế độ chuyên chế từ năm 1981 đến năm 2008. [1] Hơn nữa, bài báo này xác định sự đàn áp và thu nạp [người chống đối] như những biến số về chính trị có khả năng giảm nhẹ những hậu quả xấu của rủi ro kinh tế. Trong khi sự đàn áp bảo vệ chế độ chuyên chế khỏi những đe dọa theo chiều dọc như các cuộc biểu tình quy mô lớn, thì sự thu nạp giúp giải quyết các mối đe dọa theo chiều ngang thể hiện dưới dạng chia rẽ tầng lớp tinh hoa. Theo như phân tích, hạn chế quyền tự do chính trị (đàn áp mềm) phục vụ những kẻ độc tài tốt hơn việc xâm phạm sinh mạng cá nhân (đàn áp cứng) hoặc biện pháp thu nạp. Ngoài ra, trái với những phân tích khác, không có bằng chứng cho thấy hình thức thu nạp dưới dạng các thể chế mang hình thức dân chủ sẽ ngăn chặn được sự thất bại của chế độ.
1. Mở đầu
Những cuộc khủng hoảng kinh tế đóng vai trò như những chất xúc tác mạnh mẽ của những biến động chính trị lớn trong suốt lịch sử. Từ sự tan rã của đế chế La Mã và cuộc lật đổ vua Louis 16 đến thất bại của nền Cộng hòa Weimar và sự sụp đổ từ bên trong của Liên Xô, suy giảm kinh tế đã góp phần thúc đẩy sự ra đi của những chế độ chính trị tồn tại từ lâu đời. Do đó những nền dân chủ vững chắc sẽ thành công hơn [trong việc duy trì chế độ] so với các chính thể chuyên chế. Những cuộc bầu cử tự do, công bằng và cạnh tranh được tổ chức định kỳ đóng vai trò như những chiếc van an toàn, cho phép những công dân bất mãn thay đổi những người cầm quyền mà không cần phá hủy những thể chế nòng cốt của chính quyền dân chủ và mạo hiểm hi sinh mạng sống hay sự tự do của họ. Theo như logic này, kết quả kinh tế tệ hại sẽ gây ra những đe dọa nghiêm trọng đến chế độ độc tài, vốn có đặc điểm là thiếu những cơ chế phản hồi dân chủ như những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Nhưng có thực sự như vậy không? Có thật là khi những điều kiện khác không đổi [ceteris paribus], khả năng tồn tại của chế độ độc tài phụ thuộc chủ yếu vào kết quả kinh tế? Và sẽ ra sao nếu như không phải tất cả những điều kiện khác không đổi? Liệu có những giải pháp khác mà những nhà cầm quyền độc tài có thể dùng để bảo vệ chế độ của họ khỏi những thách thức xuất hiện trong thời kì kinh tế xuống dốc?
Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi không cho rằng những nhà cầm quyền độc tài chỉ đơn giản là nạn nhân của số phận kinh tế. Thay vào đó, chúng tôi lập luận rằng trong những thời kỳ thành tích kinh tế kém cỏi, giới cầm quyền độc tài vẫn có những công cụ có thể sử dụng khác cho phép họ tác động trở lại và thay đổi nền chính trị và chính sách thường ngày. Trong số những công cụ đó là đàn áp và thu nạp (Gerschewski et al., 2013). Chúng tôi đánh giá khả năng dễ bị tổn thương của các chế độ độc tài trong thời gian suy thoái kinh tế. Cụ thể hơn, chúng tôi sử dụng bộ dữ liệu “Chế độ Chính trị Toàn cầu” của Geddes et al. (2012) kết hợp với những số liệu thống kê kinh tế từ “Penn World Tables” để khảo sát tác động của suy giảm kinh tế đến sự bền vững của các chế độ độc tài. Từ đó chúng tôi cho thấy rằng các chế độ độc tài có những phương tiện cụ thể để phản ứng lại những rủi ro kinh tế. Bằng cách sử dụng những phương pháp đàn áp mềm hoặc cứng và thu nạp những nhân vật quan trọng trong nhà nước, xã hội và nền kinh tế vào chế độ thông qua những lợi ích vật chất và chính trị, tầng lớp cầm quyền chuyên chế có thể khắc chế lại những tác động gây bất ổn của rủi ro kinh tế. Chúng tôi cũng cho rằng không giống như đàn áp mềm, đàn áp cứng không mang lại hiệu quả. Sự sử dụng vũ lực trắng trợn có khuynh hướng tạo nên những hiệu quả không rõ ràng cho những nhà cầm quyền độc tài. Một mặt, tăng cường đàn áp cứng sẽ làm tăng mạnh một cách tức thời thiệt hại của những người dân chống lại chế độ. Mặt khác, vũ lực tàn bạo có thể dẫn đến những trọng điểm làm giảm mạnh hơn nữa tính chính danh vốn đã mỏng manh của chế độ độc tài và khuyến khích sự đối lập. Vì thế đàn áp cứng là một con dao hai lưỡi (Linchbach 1987, Opp và Ruhl 1990, Hess và Martin 2006). Tóm lại, mối quan tâm của chúng tôi tập trung vào những biến số chính trị thường bị bỏ qua vốn có thể làm dung hòa sự tương tác giữa cấu trúc kinh tế vĩ mô với sự ổn định của các chế độ độc tài (Gasiorowski, 1995).
Bài viết được tổ chức như sau. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ trình bày khung lý thuyết dựa vào các nghiên cứu đương thời về thể chế độc tài. Sau đó, chúng tôi cung cấp một số thống kê miêu tả các mẫu nghiên cứu của chúng tôi. Phần thứ tư và thứ năm lần lượt trình bày mô hình thống kê và kết quả. Chúng tôi kết thúc bài viết bằng cách tóm tắt và thảo luận các kết quả nghiên cứu của chúng tôi và đề xuất các hướng nghiên cứu tương lai.
2. Những quan điểm lý thuyết
Bởi vì chúng tôi dựa trên bộ dữ liệu của Barbara Geddes và những cộng sự của bà cho nghiên cứu của chúng tôi, chúng tôi cũng chấp nhận định nghĩa của họ về sự thất bại của chế độ độc tài. Chúng tôi cho rằng một bộ máy độc tài nên bị coi là thất bại bất cứ khi nào một trong ba trường hợp cụ thể sau xảy ra: (a) một chính phủ lên cầm quyền sau một cuộc bầu cử cạnh tranh mà chính phủ đó không giống với hoặc liên minh với chính phủ độc tài trước đó; (b) chính phủ độc tài đương nhiệm bị phế truất bởi những biện pháp “trái hiến pháp” như đảo chính, nội chiến hay cách mạng; (c) những quy trình để lựa chọn lãnh đạo và chính sách được thay đổi đến một mức độ mà tập hợp các cá nhân đủ tư cách nắm các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy chính quyền và tập hợp các chính sách được cân nhắc bởi giới lãnh đạo độc tài thay đổi một cách rõ rệt (Geddes et al., 2012, pp.6f.). Ba trường hợp này không loại trừ lẫn nhau mà bổ sung cho nhau. Vì thế, mặc dù định nghĩa này có vẻ hơi rộng thì vẫn không thể phủ nhận được rằng trong cả ba trường hợp, các luật chơi căn bản đặc trưng cho một chế độ tài đã bị bãi bỏ hay thay đổi đáng kể – đó chính là những luật lệ điều chỉnh sự tiếp cận và thực hành quyền lực chính trị.
Vì nhiều lí do có cơ sở, nhiều học giả cho rằng suy thoái kinh tế là một nguyên nhân nổi bật cho sự thất bại của chế độ độc tài. Theo cách nói của Geddes, khủng hoảng kinh tế “thường được xem như là lí do quan trọng duy nhất cho sự tan vỡ chế độ” (Geddes 2004, p.26). Tác động gây bất ổn chế độ của khủng hoảng kinh tế nằm ở sự gia tăng các mối đe dọa theo chiều dọc và chiều ngang đối với ổn định chế độ. Nói cách khác, trong những thời điểm kinh tế khó khăn, người dân có nhiều khả năng chống lại chính quyền hơn (đe dọa theo chiều dọc), đồng thời tầng lớp tinh hoa cầm quyền cũng có xu hướng chia rẽ nhiều hơn (đe dọa theo chiều ngang), quay lại chống lại lẫn nhau, hay từ bỏ chế độ khi đối mặt với các cuộc biểu tình lớn (O’ Donnell và Schmitter 1986, Przeworski 1991).
Tập trung vào những tính toán chi phí – lợi ích của những chủ thể chính trị, Acemoglu và Robinson tranh luận rằng khủng hoảng kinh tế làm tăng nguy cơ chia rẽ tầng lớp lãnh đạo cũng như khả năng diễn ra các cuộc nổi dậy của dân chúng bởi vì những người chống đối có ít thứ để mất hơn nếu như tình hình kinh tế của họ vốn đã xấu đi. Theo cách nói của các tác giả: “những thay đổi chế độ thường xảy ra nhiều hơn trong những thời kỳ khủng hoảng kinh tế bởi vì phí tổn của sự bất ổn chính trị cho cả người giàu và người nghèo đều thấp hơn trong những thời kỳ như vậy” (Acemoglu và Robinson 2001, p.939). Hơn thế nữa, hai tác giả tiếp tục cho rằng nguy cơ người dân nổi dậy thường đặc biệt cao nếu suy thoái kinh tế diễn ra trong những xã hội được cai trị độc tài nơi mà của cải được phân chia rất bất bình đẳng. Bất bình đẳng kinh tế càng cao, thì những người nghèo bị tước quyền bầu cử lại càng sẵn sàng thay đổi số phận của họ thông qua một cuộc cách mạng (dân chủ) (Acemoglu và Robinson 2001, pp.938f).
Quay sang những mối đe dọa theo chiều ngang, Geddes (2004) chỉ ra rằng “đối với dạng thường thấy nhất của khủng hoảng chế độ, gây ra bởi khó khăn kinh tế, tầng lớp tinh hoa cầm quyền trong bất kì chế độ độc tài nào cũng đều chia rẽ thành những kẻ đấu tranh chính trị không khoan nhượng và những người ôn hòa khi họ phải quyết định làm thế nào để ứng phó” (p.17) với những thách thức kinh tế. Những người ôn hòa có khả năng sẵn lòng đối mặt với những áp lực kinh tế bằng cách đưa ra những nhượng bộ để xoa dịu những người chống đối – một đối sách mà những người không khoan nhượng sẽ cực lực phản đối, những người này thay vào đó chọn cách gia tăng đàn áp (O’Donnel và Schmitter 1986). Ngoài ra, những vấn đề kinh tế làm bùng nổ những xung đột về phân phối [của cải] khi chính phủ cần quyết định phải cắt giảm và tăng đầu tư vào chỗ nào để ứng phó với việc nguồn thu thuế bị thu hẹp, cũng như đầu tư và tiêu dùng bị đình trệ. Thế nên, mặc dù các nhà cầm quyền độc tài có khả năng ngăn chặn những cuộc nổi dậy của quần chúng, họ vẫn “phải đem lại lợi ích cho nhóm người ủng hộ thường hạn hẹp của họ để có thể bảo toàn quyền lực” (Geddes 2004, p.4).
Thực tế là những mối đe dọa theo chiều ngang và chiều dọc thường củng cố lẫn nhau, khiến cho các nhà cầm quyền độc tài càng khó níu kéo quyền lực hơn. Những chia rẽ trong tầng lớp lãnh đạo càng làm cho những người hoạt động chống đối trở nên bạo dạn hơn, cũng như các cuộc nổi dậy của quần chúng sẽ khuyến khích những người trong tầng lớp lãnh đạo rời khỏi con tàu có vẻ sắp chìm này, vì thế làm cho nhận thức của họ về sự sụp đổ chế độ sắp tới như là một lời tiên tri tự trở thành sự thật. Rốt cuộc, sau những diễn biến đó chính là sự sụp đổ thực sự của chế độ độc tài.
Thế nên lý thuyết về tác động gây bất ổn chế độ của suy thoái kinh tế là rõ ràng. Nhưng những nghiên cứu thực nghiệm có ủng hộ những giả định lý thuyết này không? Geddes (2004, p.4) có đúng chăng, khi bà tuyên bố “tương đối chắc chắn […] rằng những kết quả kinh tế kém cỏi trong ngắn hạn góp phần vào sự sụp đổ của các chế độ độc tài”? Rất nhiều nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng ủng hộ xác đáng. Ví dụ như Huntington (1991) tranh luận rằng những cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi sự leo thang của giá dầu trong thập niên 1970 đã đẩy nhanh tiến độ sụp độ của các chế độ chuyên chế ở Mỹ Latinh (chương 2). Hơn nữa, những cuộc khủng hoảng kinh tế cũng góp phần cho thất bại của các chế độ chuyên chế ở châu Á (Merkel 2010, pp.271ff). Sau cùng, suy thoái kinh tế kéo dài của những nền kinh tế Xô-viết ở Đông Âu trong suốt những năm 1980 cũng có thể được coi như một nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản vào đầu thập kỉ 1990 (Kotz và Weir 1997).
Áp dụng hình thức nghiên cứu với số lượng mẫu lớn, John Londregan và Keith Poole (1990) tìm ra rằng đảo chính, một tập hợp con của những trường hợp sụp đổ chế độ theo định nghĩa của Geddes, thường xảy ra ở các nước nghèo hơn là các nước giàu. Kết quả của họ cho thấy rằng khuynh hướng đảo chính giảm rõ rệt ở những nước có thu nhập bình quân đầu người vào khoảng $2.300 (tính theo đô la Mỹ năm 1980) và trên mức đó. Tương tự, Charles Boix và Susan Stokes (2003) cho thấy xác suất của sự chuyển đổi dân chủ thấp hơn rõ rệt ở các chế độ chuyên quyền với thu nhập bình quân đầu người đạt mức $6.000 và hơn, nếu so với các nước độc tài có thu nhập thấp và trung bình.2 Cả hai nghiên cứu này đều gây chú ý tới thực tế là tính dễ tổn thương của chế độ chuyên chế thay đổi theo mức độ phát triển kinh tế. Longregan và Poole (1990) cũng như Boiz và Stokes (2003) cung cấp những bằng chứng thực nghiệm đầy thuyết phục rằng không có một mối liên hệ trực tiếp đơn giản nào giữa tăng trưởng kinh tế và sự kết thúc của những chế độ độc tài. Tuy nhiên, cần phải chú ý rằng tất cả các nghiên cứu kể trên chỉ đánh giá tác động của quá trình kinh tế dài hạn đến tính dễ bị tổn thương của những chế độ chuyên chế. Trọng tâm của chúng tôi khác, vì chúng tôi đánh giá tác động của những biến động kinh tế tức thời đến sự ổn định chế độ chuyên chế. Hơn nữa, chúng tôi nhấn mạnh đến tăng trưởng kinh tế tiêu cực chứ không phải tích cực.
Theo hiểu biết của chúng tôi, chỉ có một nghiên cứu trực tiếp kiểm tra sự dễ bị tổn thương của chế độ chuyên chế dưới điều kiện khó khăn kinh tế. Tuy nhiên nghiên cứu này có vẻ mâu thuẫn với những giả thiết của chúng tôi. Trong bài nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi của mình, Gasiorowski (1996, p.882) phản biện lại “ý tưởng rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế có thể gây ra thay đổi chế độ”. Phân tích diễn biến chính trị ở 75 quốc gia đang phát triển trong một khoảng thời gian kéo dài, ông phát hiện ra ít bằng chứng cho thấy các chế độ độc tài bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái kinh tế. Nhưng cách hiểu của Gasiorowski về khái niệm sụp đổ chế độ là khá hẹp. Ông chỉ quan tâm đến những trường hợp chuyển đổi dân chủ. Tuy nhiên, trong bài nghiên cứu của chúng tôi, chuyển đổi từ thống trị chuyên chế sang dân chủ chỉ tạo nên một trong số các trường hợp thất bại của chế độ chuyên chế mà thôi. Hơn nữa, Gasiorowski đưa ra rất ít những giải thích về lý thuyết cho những phát hiện của ông. Với sự xem xét khá hẹp đối với biến phụ thuộc trong nghiên cứu của Gasiorowski cũng như sự thiếu giải thích về mặt lý thuyết một cách thuyết phục cho những phát hiện của ông, chúng tôi vẫn dự đoán rằng các cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ gia tăng những mối đe dọa theo chiều ngang lẫn chiều dọc đối với chính quyền độc tài và từ đó thường xuyên dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ đó. Giả thuyết thứ nhất của chúng tôi vì thế được phát biểu như sau:
Giả thuyết 1: Nếu những yếu tố khác không đổi, suy giảm kinh tế càng sâu sắc thì các chế độ chuyên chế càng dễ sụp đổ.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã đưa điều kiện “những yếu tố khác không đổi” vào bài kiểm tra và đã phát hiện những biến bị bỏ qua. Ví dụ như, dựa trên những nghiên cứu của Przeworski (1886, 1991) và nghiên cứu của Acemoglu và Robinson, Ora John Reuter và Jennifer Gandhi cho thấy trong thời kỳ suy thoái kinh tế, rủi ro của sự chia rẽ tầng lớp lãnh đạo và các cuộc nổi dậy của người dân sẽ đặc biệt cao ở các nền chuyên chế tổ chức bầu cử thường xuyên. Do các cuộc bầu cử cho phép những thành viên bất mãn trong giới cầm quyền “lợi dụng sự bất mãn trong quần chúng và giới tinh hoa”, họ có thể chuyển sự bất mãn lan rộng đối với chế độ vào các chiến dịch tranh cử (Reuter và Gandhi, 2011, p.84). Ngoài ra, trong bài phân tích sâu sắc của ông về tác động chính trị của khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, Pepinsky (2009) chứng minh một cách thuyết phục rằng những chế độ chuyên chế nào mà có thể xây dựng được các liên minh xuyên giai cấp và tạo ra được những phản ứng chung đối với khủng hoảng, thì có thể tồn tại. Khi không có một liên minh như thế, chế độ chuyên chế sẽ sụp đổ.
Cả hai bài nghiên cứu đều cho thấy các biến số chính trị đều làm xoa dịu tác động của khủng hoảng kinh tế đến sự ổn định chế độ chuyên chế. Chúng tôi lấy ví dụ của Reuter và Gandhi cũng như của Pepinsky để tìm ra những biến số bị bỏ sót. Tuy nhiên phân tích của chúng tôi tập trung vào sự đàn áp và thu nạp. Chúng tôi xem cả hai như là những biến số chính trị bổ sung có khả năng xoa dịu các vấn đề về thành tích kinh tế. Đàn áp và thu nạp là một phần thiết yếu trong kho vũ khí của chính quyền độc tài, có thể làm giảm rủi ro của các nguy cơ theo chiều ngang lẫn chiều dọc (Gerschewski et al. 2013).
Dựa theo nghiên cứu của Selznick (1949), chúng tôi định nghĩa sự thu nạp là một quá trình mà qua đó các chế độ chuyên chế cố gắng bảo vệ và gìn giữ sự ủng hộ của những nhân vật (chính trị) mà nguồn lực của họ được chế độ chuyên chế coi là cốt yếu cho việc thực thi và giữ gìn quyền lực của mình. Qua biện pháp thu nạp, các nhà lãnh đạo chính trị đưa vào cân nhắc sự phân bố quyền lực thực tế và xoa dịu những người có khả năng chống đối. Họ làm điều này bằng cách phân bố chiến lợi phẩm, và thậm chí hơn thế, bằng cách chia sẻ quyền lực thông qua những dàn xếp thể chế như đưa những nhân vật mới tham gia vào các nhóm ra quyết định chính thức, ví dụ như các đảng phái và nghị viện. Thông qua những dàn xếp chia sẻ quyền lực này, thông tin được chia sẻ, niềm tin được xây dựng, và những cam kết đáng tin cậy được đưa ra (Gandhi và Przeworski 2007, Gandhi 2008, Wright 2008a, Arriola 2009).
Đối mặt với những vấn đề kinh tế, việc đưa những nhân vật then chốt tham gia vào các nhóm đưa ra quyết định có hiệu quả bởi nó có thể giảm thiểu rủi ro chia rẽ trong tầng lớp cầm quyền. Trước hết, một đấu trường với những luật lệ và quy trình đã được định trước nhằm giải quyết các đấu tranh nội bộ của tầng lớp cầm quyền đã tồn tại sẵn, và không phải xây dựng lại từ đầu. Thứ hai, do có sự tồn tại trước đó của một đấu trường chính trị như thế, các chính trị gia đã hợp tác với nhau từ trước khi nảy sinh những vấn đề kinh tế. Kết quả là, sự tin tưởng lẫn nhau và niềm tin đã được tích lũy, thuận tiện cho việc tìm kiếm thỏa hiệp và hình thành các phản ứng chung. Sau cùng, việc tham gia vào các nhóm đưa ra quyết định đó làm tăng cường “tinh thần đồng đội” của những người được thu nạp và làm tăng sự gắn bó của họ với chế độ (Brownlee 2008, p.97). Do đó chúng tôi cho rằng:
Giả thuyết 2: Thu nạp làm dịu bớt tác động xấu của tăng trưởng kinh tế tiêu cực.
Trong khi sự thu nạp đặc biệt nhằm chống lại những đe dọa theo chiều ngang thì đàn áp chủ yếu nhằm đương đầu với những thách thức theo chiều dọc. Theo Davenport (2007), chúng tôi định nghĩa đàn áp là “sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những hình phạt chống lại một cá nhân hay tổ chức” (p.2). Những hình phạt này có mức độ tàn bạo khác nhau. Ví dụ, Lucan Way và Steven Levitsky (2006, p.392) phân biệt giữa “những hành động bạo lực hoặc lạm dụng quyền hành có thể quan sát được (bởi cả quốc tế và người dân trong nước), thường áp dụng cho những nhân vật nổi bật hay các nhóm lớn” và “những cố gắng khó quan sát hơn (nhưng thường rất có hệ thống) nhằm giám sát và đàn áp những hoạt động chống đối”. Tương tự, những học giả khác phân biệt giữa những loại đàn áp “cứng so với mềm”, “công khai/có thể quan sát so với tinh vi/không thể quan sát được” hay nói về các biện pháp “đàn áp so với hạn chế” (Earl 2003, Escriba-Folch 2011).
Đàn áp mềm bao gồm nhiều dạng khó chịu mà chế độ chuyên chế sử dụng để làm nhụt tinh thần của những người chống đối và để phá hoại nguồn lực tổ chức của họ. Vì những biện pháp này ảnh hưởng tới những người hoạt động khác nhau vào những thời điểm khác nhau, đàn áp mềm làm cản trở hành động tập thể của phe chống đối (Tucker 2007). Nếu được dùng hiệu quả, đàn áp mềm có thể ngăn chặn phe chống đối lợi dụng thời cơ mà suy thoái kinh tế mang lại. Theo cách nói của Soifer, “điều kiện cho phép” của khó khăn kinh tế không đi kèm với “điều kiện hiệu quả” của một phong trào đối kháng được tổ chức tốt và có quyết tâm (Soifer 2012, p.1580). Do đó, đàn áp mềm có thể ngăn chặn khó khăn kinh tế trở thành một thời điểm biến cố quan trọng.
Đàn áp cứng bề ngoài cũng phục vụ mục đích tương tự. Bằng cách nào đó, đáng lẽ ra nó phải hiệu quả hơn, khi mà đàn áp cứng dẫn đến mối đe dọa tức thì đối với sinh mạng và sức khỏe cá nhân [người đối kháng]. Tuy nhiên đàn áp cứng cũng có những nhược điểm nghiêm trọng. Thứ nhất, đàn áp cứng rất tốn kém, vì nó đòi hỏi tạo ra những bộ máy trấn áp lớn. Hơn nữa, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những chế độ đàn áp mạnh mẽ – ít nhất là những chế độ không có tài nguyên thiên nhiên quý giá – đã mất sự ủng hộ từ các quốc gia bảo trợ bên ngoài. Thay vào đó, các nước phương Tây đã ban hành những lệnh cấm vận và trừng phạt kinh tế đối với nhiều chế độ như vậy (Marinov 2005, Allen 2008). Đàn áp cứng do đó có thể góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế thảm hại với những hậu quả chính trị mà các chế độ đó không mong muốn.
Thứ hai, đàn áp cứng rất dễ quan sát. Nó tạo ra nhiều nạn nhân – có khi thậm chí là cả những người sẵn sàng chấp nhận cái chết. Vì thế, những hành động đàn áp tàn bạo có thể trở thành tiêu điểm giúp phe đối lập vượt qua được những vấn đề hành động tập thể, thúc đẩy các làn sóng cách mạng (Kuran 1991, Tucker 2007). Vì những điều này và các lí do liên quan, đàn áp cứng được cho là kém hiệu quả trong việc kiềm chế những cuộc biểu tình của người dân (Opp và Ruhl 1990, Muller et al. 1991). Sau cùng, đàn áp cứng có khả năng kích động sự chia rẽ tầng lớp lãnh đạo. Giết hại hàng loạt thường dân – đặc biệt là nếu người dân biểu tình một cách hòa bình – có thể dẫn đến sự đào ngũ ở những thành viên cấp cao cũng như cấp thấp trong bộ máy an ninh, như chúng ra đang chứng kiến tại Syria (Ulfelder 2005, Chenoweth và Stephan 2011).
Tóm tắt những thảo luận về tác động của đàn áp cứng và mềm, chúng tôi đưa ra hai giả thiết cuối cùng:
Giả thuyết 3a: Đàn áp mềm làm dịu những hậu quả xấu của tăng trưởng kinh tế tiêu cực.
Giả thuyết 3b: Đàn áp cứng không làm dịu những hậu quả xấu của tăng trưởng kinh tế tiêu cực.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng các chế độ chuyên chế dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các mối đe dọa theo chiều ngang và dọc đến chính thể chuyên chế sẽ xuất hiện. Nhưng các lãnh đạo chuyên chế có thể đối đầu với những thách thức theo chiều ngang thông qua các dàn xếp chia sẻ quyền lực được thể chế hóa (thu nạp), và những thách thức theo chiều dọc bằng cách làm nhụt ý chí và khả năng của những người đối kháng trong việc lợi dụng sự bất mãn lan rộng trong thời kì suy thoái kinh tế (đàn áp mềm). Tuy nhiên, kể cả khi hiệu quả của đàn áp mềm và biện pháp thu nạp đối với sự tồn tại của chế độ chuyên chế có vẻ đáng tin cậy về mặt lý thuyết, nó vẫn cần phải được kiểm tra thực nghiệm. Tương tự, kể cả khi đàn áp cứng đáng lý ra không giúp những người cầm quyền chuyên chế giữ được quyền lực, giả thuyết có vẻ đúng đó vẫn cần phải được khảo sát.
3. Dữ liệu và thống kê mô tả
4. Mô hình
5. Kết quả
6. Thảo luận
Kết quả thực nghiệm đầu tiên trong nghiên cứu của chúng tôi xác nhận các công trình thực nghiệm và lí thuyết trước đó cho rằng các chế độ chuyên chế sẽ không hoạt động tốt nếu gặp phải khó khăn kinh tế kéo dài. Các chế độ chuyên chế thiếu những chiếc van an toàn dưới dạng các cuộc bầu cử dân chủ và chúng không có gì khác ngoài kết quả phát triển kinh tế để biện minh cho sự phủ nhận các quyền và tự do căn bản nếu như nguồn hỗ trợ ý thức hệ đã bị cạn kiệt hay không tồn tại ngay từ đầu. Thực tế, sự đánh đổi giữa các quyền chính trị với sự no ấm về vật chất thường là đặc điểm cốt lõi của các nhà nước chuyên chế, dựa trên phát triển kinh tế và phi ý thức hệ. Nếu như sự đánh đổi này chuyển thành những lời hứa hão không mang lại cho công dân bất cứ điều gì khác ngoài giới lãnh đạo bất tài và đàn áp, thì các chế độ chuyên chế trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế và vì thế dễ sụp đổ hơn.
Dĩ nhiên là có những ngoại lệ cho quy luật này. Bắc Triều Tiên – một trong các chế độ chuyên chế nghèo nhất, đàn áp nhất và tồn tại dai dẳng nhất ngày nay – xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta, nhưng ngoài ra còn có Cuba, Uzbekistan, và một vài nhà nước khác. Bởi vì Bắc Triều Tiên và Cuba là những pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản còn tồn tại đến nay, có thể hiểu được rằng tính chính danh của hai chế độ này không bắt nguồn chủ yếu từ sự “hỗ trợ cụ thể” mà kết quả phát triển kinh tế mang lại, mà xuất phát từ sự “hỗ trợ phân tán” được tạo ra bởi nền tảng ý thức hệ mạnh mẽ, các truyền thống và giáo dục tư tưởng (Easton 1979[1965]). Đáng tiếc là khi thiếu những dữ liệu đáng tin cậy, chúng ta không thể đưa vào xem xét các yếu tố “hỗ trợ phân tán” này hay kiểm tra trực tiếp xem liệu hệ tư tưởng có thể bù đắp cho việc tăng trưởng kinh tế yếu kém hay không. Vì vậy, trừ khi chúng tin rằng tính chính danh hoàn toàn không quan trọng đối với sự tồn tại của các chế độ chuyên chế (Przeworski 1992, p.107), chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn về “các nền tảng của tính chính danh” của các chế độ chuyên chế.6
Những nghiên cứu sau này cũng có thể hữu dụng khi so sánh những kết quả của chúng tôi với những kết quả thực nghiệm của Gasiorowski (1995). Nếu chúng tôi lặp lại bài nghiên cứu của ông ấy 20 năm sau mà vẫn cho thấy những rủi ro kinh tế hiếm khi dẫn tới các quá trình chuyển đổi dân chủ, thì chúng ta sẽ gặp phải một hệ quả thú vị: các cuộc khủng hoảng kinh tế làm gia tăng viễn cảnh thất bại của các chế độ chuyên chế nhưng hiếm khi dẫn tới quá trình chuyển đổi sang dân chủ. Điều này trái ngược với những phương pháp tiếp cận coi thất bại của chế độ chuyên chế sau các cuộc suy thoái kinh tế là ngòi nổ kích động những người dân không có quyền bầu cử nổi dậy chống lại chế độ độc tài đã mất tính chính danh (Acemoglu và Robinson 2001). Thay vào đó, nó sẽ gợi lên rằng rối loạn kinh tế thường dẫn đến thất bại của chế độ chuyên chế thông qua sự chia rẽ của tầng lớp lãnh đạo (Geddes 1999). Các nghiên cứu bổ sung với một biến phụ thuộc phân tách có thể đưa ra những câu trả lời chắc chắn hơn.
Nhưng không chỉ biến phụ thuộc có thể được phân biệt chi tiết hơn mà phía bên phải của phương trình cũng cần bổ sung thêm các yếu tố khác. Điều này đặc biệt đúng đối với tăng trưởng kinh tế. Các chế độ chính trị quá phức tạp để có thể mô hình hóa số phận của chúng bằng một hàm số duy nhất dựa trên chỉ các tham số kinh tế. Chúng tôi đã lập luận ở đầu bài rằng không phải cấu trúc mà là hành động chính trị, bị giới hạn bởi các kết cấu cơ hội cụ thể, quyết định sự tồn tại hay sụp đổ của các chế độ chuyên chế. Phân tích của chúng tôi nói lên điểm đó. Việc đưa vào xem xét yếu tố đàn áp và thu nạp đã làm thay đổi kết quả phương trình kinh tế đơn giản một cách rõ ràng, cho thấy tầm quan trọng của các biện pháp hành động mà tầng lớp lãnh đạo chuyên chế thực hiện.
Thu nạp được xem như là phương tiện chính mà các nhà cầm quyền chuyên chế sử dụng để cố gắng chống lại mối đe dọa theo chiều ngang của sự chia rẽ tầng lớp lãnh đạo mà Geddes và những người khác đã nghiên cứu. Thật ra, các nghiên cứu gần đầy về sự ổn định của các chế độ chuyên chế gần như chỉ chú trọng vào tầng lớp tinh hoa cầm quyền và cách các chế độ chuyên chế cố gắng gìn giữ sự gắn kết của tầng lớp này. (Geddes 2004, Gandhi và Przeworski 2007, Magaloni 2008, Boix và Svolik 2013). Những kết quả của chúng tôi không xác nhận tầm quan trọng của biện pháp thu nạp như là một phương tiện bảo vệ sự tồn tại chế độ dưới áp lực kinh tế. Tuy nhiên, khái niệm thu nạp của chúng tôi chỉ bao gồm hai thể chế hợp tác chính thức – đó là các đảng phái và các quốc hội. Tuy nhiên các thể chế chính thức và không chính thức khác cũng có thể đóng vai trò quan trọng (Stefes 2006, Darden 2008).
Mặc dù vậy, chúng tôi không được phép giả thiết rằng tất cả các thể chế đều tiến hành cùng một chức năng tốt như nhau tại mọi thời điềm, hay trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những nghiên cứu gần đây chứng minh rõ rằng, tùy vào nguồn gốc của chúng và những yếu tố bên ngoài, các thể chế như bầu cử, nghị viện, đảng phái, và tòa án có thể giúp ổn định nhưng cũng có thể gây bất ổn cho các chế độ chuyên chế (Osborne và Rubinstein 1994, Smith 2005, Brownlee 2007, Ginburg và Moustafa 2008, Lindberg 2009). Vì thế chúng tôi không phủ nhận rằng sự thu nạp có khả năng làm dịu các ảnh hưởng xấu của suy thoái kinh tế đến các chế độ chuyên chế. Tuy nhiên, các kết quả từ nghiên cứu với số mẫu lớn của chúng tôi vẫn mâu thuẫn với nhận thức thông thường rằng thu nạp là một công cụ hiệu quả của tầng lớp tinh hoa cầm quyền chuyên chế nhằm vượt qua khó khăn kinh tế. Thu nạp có thể là một công cụ hiệu quả để ổn định hóa các chế độ chuyên chế trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn sau suy thoái kinh tế, nó có vẻ là một vũ khí không đủ sắc bén để có thể cứu vãn chế độ chuyên chế khỏi sụp đổ.
Nói đến đàn áp, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chắc chắn rằng đàn áp mềm đóng một vai trò quan trọng trong việc hấp thu những tác động gây bất ổn của suy thoái kinh tế. Chúng tôi sử dụng các hạn chế quyền tự do chính trị, vốn về biểu hiện bao gồm một phạm vi đáng kể các hình hức đàn áp mềm. Tuy nhiên số cách thức khôn khéo nhằm bóp nghẹt hoạt động chống đối lớn hơn hiều, từ đóng băng tài khoản công ty, đình chỉ hay rút giấy phép kinh doanh để bảo đảm duy trì lòng trung thành của tầng lớp tinh hoa kinh tế, đến các vụ kiện tội vu cáo nhằm bịt miệng những nhà báo hay phê phán, và những chuyến thăm thường xuyên của các vị thanh tra thuế nhằm làm kinh sợ các tổ chức phi chính phủ. Ví dụ, những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng kiểm soát của các nước đối với nền kinh tế có vẻ làm củng cố thêm chế độ chuyên chế (O’Donnell 1996, Way 2012).7 Cần phải có một nghiên cứu chi tiết hơn về tác động của đàn áp mềm để làm vững chắc thêm những giả định lý thuyết và kết quả thực nghiệm của chúng tôi.
Một phát hiện khác của nghiên cứu này liên quan đến tác động của đàn áp cứng. Trong khi giả định lý thuyết rằng đàn áp cứng có thể phản tác dụng là có lí, thì các bằng chứng thực nghiệm hỗ trợ điều này lại rất ít và không đáng kể về mặt thống kê. Hơi nữa, chúng tôi cần phải ghi nhớ rằng chúng tôi xem xét đàn áp cứng chỉ trong thời gian ngắn ngay trước khi chế độ sụp đổ, và thời gian này nhìn chung diễn ra cùng lúc với những rối loạn kinh tế. Tuy nhiên, các lãnh đạo chuyên chế có thể tăng mức độ đàn áp cứng nếu lường trước rối loại kinh tế sẽ diễn ra. Trong trường hợp đó, chúng ta có khả năng chứng kiến các cuộc đào ngũ của binh lính và sự rạn nứt trong giới lãnh đạo cấp cao của lực lượng vũ trang, bởi quân đội không phải luôn được huấn luyện để đàn áp người dân trên quy mô lớn. Quân đội từng là một công cụ đàn áp hiệu quả ở Mỹ Latinh, Syria, Trung Quốc và một số nước châu Á khác, nhưng nó trở nên vô dụng đối với những nhà cầm quyền chuyên chế ở Ai Cập, Tunisia và các nước cộng sản Đông Âu. Nói cách khác, sẽ khá là ngây thơ khi cho rằng các nhà cầm quyền chuyên chế luôn có thể sử dụng đàn áp cứng nếu như các cấu trúc quy trình chưa được thiết lập từ trước. Tuy nhiên, nếu đàn áp cứng đã ăn sâu vào máu thịt của chế độ chuyên chế, nó có thể sẽ có tác dụng tốt như là một công cụ duy trì ổn định chế độ – một lần nữa, có thể lấy Bắc Triều Tiên và Uzbekistan làm ví dụ cho điều này.
Quan sát này đưa chúng ta đến một điểm cuối cùng. Các bộ máy chuyên chế có thể dựa vào nhiều phương tiện khác nhau để bảo vệ chúng trước tác động gây bất ổn của tăng trưởng kinh tế tiêu cực. Tuy nhiên, những phương tiện này không có sẵn ngay bất cứ chỗ nào hay khi nào cần. Ví dụ, như đã nói đến ở trên, sức mạnh của các thể chế thu nạp có thể biến đổi đáng kể và các nhà hoạt động chính trị thường không thể thay đổi chúng trong thời gian ngắn. Một chế độ chuyên chế vì thế có thể trông bề ngoài vững chắc hơn thực tế. Các điểm yếu của nó rốt cuộc bị phơi bày trong những khoảng thời gian khủng hoảng (kinh tế) (Gerschewski et al. 2013). Như Gourevitch (1986) đã nói rất hay rằng: “Những thời điểm khó khăn làm phơi bày những ưu và nhược điểm, cho phép những người quan sát nhìn thấy những mối quan hệ thường bị che khuất trong những thời kì thịnh vượng, khi mà mọi thứ tốt đẹp làm dịu các xu hướng tranh giành và thách thức [quyền lực]” (p.9). Suy nghĩ này khiến chúng ta cần nghiên cứu sâu hơn về nền tảng thể chế của chính thể chuyên chế, với lưu ý rằng các nhà cầm quyền chuyên chế không phải là những nạn nhân kém may mắn của những diễn biến kinh tế bất lợi.
7. Kết luận
Các học giả xếp những trục trặc về kết quả phát triển kinh tế trong số các lí do quan trọng nhất cho sự sụp đổ của các chế độ chuyên chế. Bài nghiên cứu này không phải là một ngoại lệ. Như đã trình bày, số phận của các chế độ chuyên chế và nền kinh tế của chúng có liên hệ chặt chẽ. Suy giảm kinh tế càng mạnh thì các mối đe dọa theo chiều ngang và chiều dọc càng dễ xuất hiện, làm suy yếu một cách sâu sắc khả năng nắm giữ quyền lực của chế độ chuyên chế. Quan sát 160 chế độ chuyên chế từ năm 1981 đến 2008, nghiên cứu của chúng tôi đưa đàn áp và thu nạp vào thành những biến số chính trị có khả năng làm dịu tác động bất lợi của khó khăn kinh tế.
Theo kết quả của chúng tôi, nhiều phương pháp đàn áp mềm khôn khéo có thể làm suy yếu khả năng của phe chống đối trong việc huy động lực lượng chống lại chế độ và từ đó giúp chế độ chuyên chế bám giữ quyền lực ngay cả trong thời điểm suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, các hành động đàn áp cứng không có hiệu quả và thậm chí có thể phản tác dụng. Hơn nữa, nghiên cứu của chúng tôi mâu thuẫn với nhiều nghiên cứu đã xuất bản vốn cho rằng các thể chế mang hình thức dân chủ như nghị viện và đảng phái giúp bình ổn các chế độ chuyên chế bằng cách thu nạp những nhà hoạt động có năng lực hoặc ngăn chặn sự chia rẽ tầng lớp tinh hoa cầm quyền. Người ta có thể nghi ngờ những kết quả bất ngờ này bằng cách viện dẫn mẫu nghiên cứu và cách định nghĩa của chúng tôi về sự thu nạp. Tuy nhiên, cũng rõ ràng không kém là tác động của các thể chế mang hình thức dân chủ phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh, không thể nhận thấy được trong nghiên cứu sử dụng số lượng mẫu lớn.
Không có những câu trả lời dễ dàng nào khi đi tìm các nguyên nhân giúp ổn định hay làm xói mòn các chế độ chuyên chế. Tuy nhiên, rõ ràng là khủng hoảng kinh tế làm tổn thương nỗ lực nắm giữ quyền lực của các nhà độc tài. Nhưng mệnh đề này chắc chắn cần dựa vào điều kiện là khả năng đàn áp và thu nạp người đối kháng của họ. Những điều kiện này, đến lượt chúng, lại khơi nguồn cho những nỗ lực nghiên cứu mới có thể cung cấp thêm những thông tin chi tiết hơn về chính trị chuyên chế.
Ghi chú
[1] Các tác giả sử dụng khái niệm “độc tài” (autocratic) và “chuyên chế” (authoritarian) theo nghĩa như nhau – NHĐ
Xem toàn bộ văn bản tại đây: Thoi ky kho khan va sup do che do.pdf
* * *
Nguồn: Dag Tanneberg, Christoph Stefes & Wolfgang Merkel (2013). “Hard times and regime failure: autocratic responses to economic downturns”Contemporary Politics, 19:1, 115-129.
Biên dịch: Phạm Thị Kim Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét