Từ 10 ngày qua dư luận trong và ngoài nước kể cả các cơ quan truyền thông, các tổ chức và cá nhân tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế đã lên tiếng khá mạnh mẽ về vụ “tuyệt thực của ông Hà Vũ”. Thậm chí còn có cả một “cuộc chiến truyền thông trong dư luận” giữa truyền thông nhà nước và truyền thông mạng xã hội “lề trái” về vụ việc này.
Tuy vấn đề ông Hà Vũ thực sự có “tuyệt thực” trong tù hay không vẫn còn đang tranh cãi nhưng có một sự thật không thể nào phủ nhận được là ông Hà Vũ đã có viết “Đơn tố cáo”, và đâu đó dường như ông giám thị trại giam Lường Văn Tuyến đã phải “thực hiện nghĩa vụ trả lời” như một “quan chức có trách nhiệm”.
Quyền và Trách Nhiệm của Nhà nước
Qua vụ việc này chúng ta thấy rằng chính quyền có thể đã bắt đầu có ý thức về trách nhiệm của họ như một cơ quan công quyền của một nhà nước thực sự “của dân, do dân và vì dân”, cho dù rằng người dân đó có là một công dân bình thường hay là một công dân đang phải chấp hành án như một phạm nhân.
Một điều rất ư đơn giản nhưng đôi khi các viên chức nhà nước Việt Nam thường hay quên; không biết là họ vô tình hay hữu ý lạm dụng đó là “Chính quyền là cơ quan đại diện nhân dân tổ chức, quản lý và điều hành quốc gia” theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Với tư cách trên, Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình những công việc của mình trước nhân dân, trả lời và giải đáp thường xuyên một cách tường tận, thích đáng tất cả mọi yêu cầu, đòi hỏi chính đáng và đúng pháp luật của nhân dân.
Người đang thọ án tù cũng là nhân dân cho nên họ cũng phải được đối xử đúng theo pháp luật.
Chính phủ được nhân dân trao quyền thì Chính phủ phải có trách nhiệm với nhân dân. Quyền và Trách Nhiệm nói chung phải luôn song hành và thực chất tuy nó mang hai khái niệm khác nhau nhưng quy tụ chỉ là một.
Một Chính phủ mà vô trách nhiệm trước nhân dân thì Chính phủ đó không xứng đáng được nhân dân trao quyền. Mà nếu Chính phủ đó vẫn còn tiếp tục tồn tại, thật ra chỉ vì nó đã tiếm quyền của nhân dân.
Chính quyền đó không phải là chính quyền “của dân, do dân và vì dân” mà ra.
Chính phủ của Nhà nước CHXHCNVN từ thời VNDCCH cho đến nay là một chính quyền không chính danh, không được nhân dân Việt Nam chính thức trao quyền thông qua Hiến pháp và pháp luật, cho nên, cách hành xử của họ đã thể hiện như một tổ chức nhà nước cưỡng quyền và cường quyền.
Họ xuất phát từ việc “cướp chính quyền” để sau đó qua những biến cố bão táp cách mạng mà họ dựng lên đã áp đặt bằng vũ lực, ý chí và quyền cai trị của họ lên tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Cơ hội “chuyển đổi”
“Quyền và Trách Nhiệm nói chung phải luôn song hành và thực chất tuy nó mang hai khái niệm khác nhau nhưng quy tụ chỉ là một.“
Rất may là từ nhiều năm gần đây, nhờ sự phát triển mạnh của cộng đồng xã hội nói chung và của Internet nói riêng, dư luận nhân dân Việt Nam đã ngày càng ý thức rõ hơn về quyền và vai trò công dân có trách nhiệm của mình cũng như đã nhận ra được những khuất tất bất cập trong tính chính danh và sự điều hành vô nguyên tắc, bất chấp luật pháp của chính quyền; một bộ phận không nhỏ trong họ đã bất chấp những khó khăn cũng như hy sinh quyền lợi cá nhân không ngừng lên tiếng đấu tranh phản biện, góp ý, xây dựng để thúc đẩy một sự chuyển đổi cần thiết và tiến bộ cho đất nước.
Vụ tuyệt thực của ông Hà Vũ chỉ là một thí dụ điển hình minh họa cho làn sóng cải cách này như qua lời của chính ông: “Việc Giám thị Lường Văn Tuyến cuối cùng đã phải ra văn bản giải quyết đơn của tôi sau khi tôi tuyệt thực 25 ngày là thắng lợi của Công lý, là thắng lợi bước đầu của việc đấu tranh của tôi và của toàn thể người Việt Nam trong và ngoài nước…”
Ông tiếp rằng “ông tin tưởng cuộc đấu tranh của ông và nhân dân Việt Nam vì Công lý, Dân chủ và Nhân quyền ở Việt Nam sẽ tiếp tục được ủng hộ vì cuộc đấu tranh này còn phải tiếp tục cho đến thắng lợi cuối cùng”.
Thật vậy, nếu việc ông Giám thị Trại giam đã ra văn bản trả lời ông Hà Vũ là đúng sự thật thì cử chỉ này rất đáng được trân trọng. Vì đây có thể được xem như là một dấu hiệu của sự “đổi mới tư duy” của quan chức Việt Nam trong cách hành xử của họ với nhân dân.
Dân chủ là gì nếu người dân không được thực thi quyền làm chủ của mình khi trao đổi với chính quyền.
Thái độ cần có của một “chính quyền có trách nhiệm” là phải triệt để “thực thi trách nhiệm giải trình và phúc đáp yêu cầu của nhân dân”.
Công lý đã thắng nhưng đây chỉ mới là bước đầu.
Vì Tự do, Dân chủ và Nhân quyền cho Việt Nam, chúng ta nhất định phải tiếp tục kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng.
Bài phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả, một luật sư sống và hành nghề tại Canada.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét