Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Facebook bị đóng cửa như thế nào?

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, những hy sinh thầm lặng lẫn vang dội của người bộ đội hay các bà mẹ, gia đình của họ tại hậu phương, nhất là miền Nam đã góp phần rất lớn vào chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975. Hài cốt những anh hùng liệt sĩ ấy nằm trên tất cả mọi chiến trường trong Nam ngoài Bắc. Một số lớn vĩnh viễn không tìm thấy, số ít còn lại được an táng tại nghĩa trang hoành tráng của các tỉnh thành.
Đâu đâu cũng thấy liệt sĩ, đâu đâu cũng thấy các bà mẹ của những người đã hy sinh ấy. Có bà trở thành bà mẹ anh hùng vì có hai hoặc nhiều hơn các người của mình đã hy sinh vì cuộc chiến. Những bà mẹ anh hùng hôm nay đa số sống đạm bạc trong những ngôi nhà tình thương do nhà nước cấp. Một số ít khác sống nhờ vào con cháu nay đang có những chức vụ trong bộ máy nhà nước hay ăn nên làm ra vì kinh doanh các thứ, trong đó có bất động sản, một khu vực chóng giàu nhất trong xã hội từ hơn một thập niên qua. Các bà mẹ liệt sĩ anh hùng hiếm hoi này có lẽ hạnh phúc nhất, được cả tiếng lẫn miếng và các bà trân trọng mọi tuyên dương của nhà nước, từ tổ dân phố tới phường tới huyện.
Tuy nhiên không phải bà mẹ Việt Nam Anh hùng nào cũng sung sướng và hạnh phúc như thế.
Báo chí đã từng đưa tin nhiều vụ cưỡng chế đất của những bà mẹ anh hùng này khi căn nhà của họ nằm chỏng chơ trên những mảnh đất heo hút khi xưa nay lại trở thành tầm nhắm của các doanh nhiệp. Nhà của những bà mẹ anh hùng này là vật cản đối với nhà nước địa phương và vì thế nó bị san phẳng như tất cả nhà của các người dân khác.
Hành động này được nhìn dưới hai lăng kính: thứ nhất không có ngoại lệ hay vùng cấm nào trong các vụ cưỡng chế. Thứ hai nhà nước địa phương bất cần tấm bằng mỏng manh treo trên vách của các bà mẹ anh hùng, cái mà họ cần là hoa hồng sau mỗi lần giao đất thành công cho các tập đoàn, doanh nghiệp.
Cái thứ nhất không ai tin, vì sự công tâm mà nhà nước tưởng mình đang có đã phá sản từ lâu trong hồ sơ nhà đất. Khắp nước người dân than oán kêu ca và thậm chí oán hờn vì chính sách phi nhân trong tịch thu, đền bồi giải tỏa không thỏa đáng. Những chính sách ấy dù có công bằng trong giải tỏa đối với mọi người cũng trở thành vô nghĩa khi chính bản thân nó đã đi ngược lại với nguyện vọng chính đáng của người dân. "Sống cái nhà thác cái mồ" là hạnh phúc không gì có thể đánh đổi cho bất cứ ai, ngoại trừ những cộng đồng du mục.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng thế.
Cái khác ở đây là khi người ta bốc các mẹ lên quá cao, đến khi rớt xuống thì mẹ đau hơn những người khác.
Giá như nhà nước chỉ trao cho mẹ danh hiệu gia đình tử sĩ, hay gia đình chiến sĩ trận vong thì có lẽ các bà mẹ bất hạnh này sẽ không thấy tủi thân. Gia đình tử sĩ thì cả nước có hàng triệu người, dù có nhiều đứa con hy sinh thì cũng là bà mẹ liệt sĩ bất hạnh hơn những bà mẹ khác. Bà đâu muốn con mình nhiều đứa chết như thế, có chăng sự hy sinh của nhiều người con trong một gia đình như vậy là nỗi đau không thể bù đắp kể cả những danh hiệu vang lừng nhưng không mấy thực tâm.
Cả nước có hàng ngàn bà mẹ anh hùng. Cả nước cũng có hàng trăm bà bị đuổi ra đường để lấy đất giao lại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay quan trọng và anh hùng hơn các bà khi họ được tiếng là làm cho đất nước giàu mạnh hơn. Phía sau sự giàu mạnh hơn ấy là đồng tiền hoa hồng không hề nhỏ. Phía sau cụm từ Bà mẹ Việt Nam anh hùng là nghèo nàn, thiếu ăn cần được nhà nước hỗ trợ và nhất là không thể kiếm chác gì trên cái "cơ sở" này đối với những ông kẹ địa phương.
Biết vậy nhưng không thể cầm lòng được khi xem cái clip cưỡng chế có hình ảnh một bà mẹ Việt Nam Anh hùng cương quyết chống lại chính quyền và cũng thế, chính quyền cương quyết cưỡng chế.
Clip xảy ra tại phường Cẩm Bình, cho thấy bà mẹ trơ trọi ngồi trước nhà với một cây gậy nhỏ trên tay. Bà run rẩy quơ gậy một cách tuyệt vọng xua đuổi dân phòng, lực lượng cơ động. Bà bị khiêng lên để qua một bên cho chính quyền làm việc. Phía sau là tiếng gào thét của con cái bà cùng những tranh cãi của người dân đối với người thi hành công vụ. Cuối cùng thì bà thua, rưng rưng nước mắt nhìn căn nhà vào tay người khác.
Người xem clip này sẽ tự hỏi: Không biết các ông lớn trong Bộ chính trị có thấy những cảnh này hay không? và khi thấy thì họ sẽ nghĩ gì, làm gì?
Nhiều người tin là các ông ấy thấy.
Mỗi sáng thứ Hai, các Ủy viên khi họp giao ban tại Bộ chính trị thì việc đầu tiên là đọc báo cáo tin tức xảy ra khắp nơi từ TTXVN gửi về để nắm tình hình. Các ông ấy không thể không biết những Văn Giang, Dương Nội, Vụ Bản, và mới nhất là Trịnh Nguyễn Bắc Ninh. Nghe đâu các ông ấy còn được đọc những bài trích ra từ facebook hay các trang blog lể trái nữa để nắm tin tức nhiều hơn.
Nắm nhiều nhưng không làm gì cả là đặc tính không thể dời đổi của Ban bí thư trung ương, Bộ chính trị và nhiều cơ quan quan trọng khác.
Đặc tính ấy lan sang cả Quốc Hội làm sơ cứng miệng lưỡi của gần 500 ông bà đại biểu khiến họ bỏ phiếu chấp thuận không thay đổi nguyên tắc "đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý."
Kịch bản mới và hợp lý nhất:
Bốn ông đầu não ngồi học cách sử dụng facebook, khi thấy cái clip Bà mẹ Việt Nam anh hùng bị cướp đất, người hướng dẫn bảo: "Clip này phản động lắm, chỉ là rác rưởi các đồng chí không nên xem, hãy unfriend nó đi."
Ông Hùng bảo: Sao thế? phải xem cho biết rõ dân tình để còn hướng dẫn đại biểu đi đúng hướng chứ.
Ông Dũng bảo: Thôi đi, cán bộ gì khi đi cưỡng chế lại để cho dân chửi bới quá sức như vậy? Không còn lực lượng nào nữa hay sao? Công an đâu?
Ông Sang bảo: Tôi vừa về, bên kia họ bảo facebook của chúng ta quá nhiều vần đề nhất là việc chống Trung Quốc. Cứ xem để biết mà đối phó với bọn nó.
Ông Trọng thở dài: Tôi thật sự lo cho sự sống còn của Đảng. Chúng ta đã lấy của dân quá nhiều làm sao xây dựng được Chủ nghĩa Xã Hội đây?
Anh hướng dẫn bảo: Vâng, như vậy thì đóng cửa toàn bộ facebook các bác nhá.
Vậy đó, các bạn có tin là cả bốn ông sẽ nghe theo anh cán bộ hướng dẫn kỹ thuật IT quèn để đóng cửa facebook vì cái clip này hay không?



Thật đốn mạt lũ cơm dân áo đảng, bao xương máu của con cái Mẹ đã đổ ra để giờ chúng quay lưng ngoảnh mặt. Lẽ ra một người Mẹ Liệt sỹ như vậy thì chính quyền phải xây nhà mời Mẹ đến ở với những điều kiện tốt nhất cũng còn chưa đủ đền đáp cho những gì mà Mẹ đã mất, vậy mà.
Còn đây là các lực lượng "cưỡng chế " đất tại Trịnh Nguyễn Bắc ninh mấy ngày gần đây.
Công an với dùi cui đối đầu với trẻ em, phụ nữ - bộ mặt của chính quyền liệu làm gì để có thể nhem nhuốc hơn?
Trẻ em Trịnh Nguyễn Bắc Ninh gõ trống cái trong mấy ngày nay chống bọn cướp đất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét