Hoàng yên Lưu
Trước 1945, Tú Mỡ nổi tiếng với Giòng nước ngược, dùng
ngòi bút để vẽ ra bức tranh xã hội nửa phong kiến, nửa thực dân, đầy hủ tục;
phê phán những điều trái tai gai mắt, với cuộc sống ngổn ngang thói hư tật xấu
trong buổi giao thời Đông Tây; và đấu tranh cho mục đích cải thiện xã hội cấp
thiết của Tự lực
văn đoàn. Nhờ thế ông được độc giả cho tới ngày nay còn yêu quý thái độ quả
cảm và những vần thơ sắc bén, thấm tình yêu điều thiện, nồng nàn chính nghĩa
của ông.
Nhưng sau 1945, với nhiều tác
phẩm chạy theo thời cuộc từ bút danh “Bút chiến đầu” của Hồ Trọng Hiếu, thơ trào
phúng của Tú Mỡ đã lột xác, trở thành những bài vè và
chỉ là những đoạn thời sự được viết bằng văn vần. Cũng vì thế một người đồng
thời với ông, nhà thơ Xuân
Sách (1932-2008) trong tập Chân dung nhà văn, đã viết vài câu châm biếm ông bằng
giọng nhẹ nhàng nhưng thấm thía:
Một nắm xương khô cũng gọi Mỡ
Quanh năm múa bút để mua vui
Tưởng cụ vẫn bơi dòng nước ngược
Nào ngờ trở gió lại trôi xuôi!
Do đó, ngày nay chẳng mấy ai
nhớ tác giả Giòng
nước ngược cũng là tác giả Nụ cười kháng chiến (1952), Nụ cười chính nghĩa (1958) và Bút chiến đấu (1960) nữa.
Cũng vì sau 1945, những bài vè
cạn dòng cảm hứng của Tú
Mỡ phần lớn chạy theo tin tức
và giáo điều nên khi “xuất xưởng” mau chóng trở thành phản tác dụng, và không
những không gây được tiếng cười, sự đồng tình của độc giả về đối tượng tác giả
châm biếm hoặc lên án, mà “gậy ông đập lưng ông”: chính nhà thơ chịu búa rìu dư
luận vì nụ cười giả dối, lời chỉ trích hàm hồ, sai lầm một cách nực cười!
Điển hình cho nụ cười đầy những
lời đao to búa lớn, đổi trắng thay đen của Bút
chiến đấu là một bài trường
ca tố cáo “tội ác Mỹ Ngụy” nhân vụ “đầu độc ở Phú Lợi”.
Sau 1975, ở Sài Gòn, bộ máy tuyên
truyền nhắc đi nhắc lại “thảm kịch Phú Lợi” bằng những lời thống thiết, gay gắt
nhất. Truyền thông ngày ấy đã lên án thủ đoạn bạo tàn của “chế độ thực dân mới”
vào một năm giữa thập niên 1950 ở nhà tùPhú Lợi (ở Bình Dương), nơi giam giữ tù nhân
chính trị.
Câu chuyện kinh hoàng, kể rằng
chính quyền đã sát hại hơn 1000 tù nhân ở Phú
Lợi và gây tổn hại cho 4000
tù nhân khác bằng thủ đoạn đầu độc. Ai nghe cũng ghê tởm tội ác, nhất là đọc
thơ Tú Mỡ,
khi ông ở xa Phú Lợi hơn 1000 km, tận Hà Nội, chỉ đọc báo
biết tin này đã dùng cả một tập thơ dài để vẽ “thảm kịch Phú Lợi” bằng những
lời đầy máu lửa và hận thù:
Biến đau thương thành sức mạnh
Chuyển căm thù quyết định thi
đua
Triệu người cùng một động cơ
Trả thù Phú lợi phất cờ Cần
lao...
Bọn tớ thầy giết người Phú lợi
Phải có ngày đền tội nhân dân
Máu đền nợ máu cho cân
Sát nhân giả tử là tuân luật
hình
Điều quả báo ứng linh chứng thực
Kẻ nào dùng thuốc độc, súng gươm
Giết người trung thực hiền lương
Tránh sao thuốc độc súng gươm
giết mình!
Lời Tú Mỡ khi ấy chẳng khác gì giọng điệu đấu tố
lúc ấy đang lan tràn ở thôn quê đồng bằng sông Hồng và sông Thái Bình.
Nhưng sự thực có vụ đầu độc ở Phú Lợi hay không?
Một nhà nghiên cứu hiện đại là Vu Gia trong tác phẩm Tú Mỡ, người gieo tiếng cười,
do nhà xuất bản Thanh
niên, TP. HCHM, ấn hành năm
2008, cho biết “thảm kịch” tù chính trị bị đầu độc ở Phú Lợi vào năm 1956 hoàn toàn là hư cấu của
bộ máy tuyên truyền mà thôi.
Ông Vu Gia cho biết, vào năm 1987, ông được giám
đốc Nhà
xuất bản Sông Bé giao
cho ông và một cây bút khác (Hàng Chức Nguyên) viết một cuốn sách về vụ đầu độc
ở Phú Lợi.
Hai cây viết trẻ khi ấy đã mời những cựu tù nhân Phú Lợi tới họp tại ngay nhà tù Phú Lợi (ở cách thị xã Thủ Dầu một chừng 3 cây số ngày nay đã biến thành
một công viên) để tìm nhân chứng trong “vụ đầu độc’ và dự định lập bia cho
những liệt sĩ đã chết vì “bị đầu độc”. Nào ngờ các cựu tù được mời tới, sau
1975 đều là nhân vật cao cấp, vai vế trong chế độ mới, đã khẳng định không hề
có vụ đầu độc nào cả, và chẳng có ai chết để lập bia, mà chuyện đầu độc chỉ là
sản phẩm của chiến tranh tâm lý. Một nhân chứng kể lại: “Nhân có lễ lạt chi đó,
tù nhân chúng tôi được ăn no một bữa thịt heo. Tối về có người bị bội thực, ói
mửa. Anh em ra hái rau muống giã nước cho bạn uống”. Từ đó có người tung tin ra
ngoài là bị đầu độc. Tin này được thổi phồng và xảy ra, một vài cuộc biểu tình
tố cáo tội ác của Đế quốc ở Phú
Lợi. Nhưng rồi nội vụ vì “bé xé ra to” và “hư cấu” nên mau chóng rơi vào
quên lãng trừ guồng máy tuyên truyền lâu lâu lâu lại nhắc lại.
Tuy có lúc Tú Mỡ phải xuôi dòng, thì ta cũng nên thông
cảm với ông. Vào thập niên 1950, ông đã già trước tuổi (sinh 1900), thân cô thế
cô, con cái đông, bạn bè thân thiết trong Tự
lực văn đoàn có người bị giết
(Khái Hưng), có kẻ lưu vong (Nhất Linh và Hoàng Đạo), sau 1954 con cái có người
di cư vào Nam (như phu nhân của nhà văn tự do Doãn Quốc Sĩ là bà Hồ thị Thảo,
con gái của Tú Mỡ) trong khi áp lực xã hội quá mạnh và quá khắc nghiệt (điển
hình là vụ đàn áp Nhân văn-Giai phẩm), nên ông không thể không thuận dòng để
sinh tồn.
Điều không nên quên là trong
cảnh “may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi”, viết theo chỉ thị, Tú Mỡ không thể làm khác nhưng vẫn giữ thủy
chung với Tự lực
văn đoàn, một văn đoàn bị phê phán kịch liệt sau 1945 dựa vào giáo điều do
ôngTrường Chinh đưa
ra:
“Sau cơn
khủng bố trắng 30-31, một sự buồn rầu, u uất tràn ngập tâm hồn nhân dân Việt
Nam. Văn chương lãng mạn Tự lực văn đoàn ra đời. Giai cấp tư sản dân tộc không
dám đấu tranh bằng chính trị và quân sự chống đế quốc nữa, bèn chuyển sang đấu
tranh bằng văn hóa chống phong kiến quan liêu (các báo Phong hóa, Ngày nay và
sách Tự lực văn đoàn) chủ nghĩa lãng mạn trong văn học nghệ thuật đi đôi với
phong trào vui vẻ trẻ trung có tính chất trụy lạc của thanh niên trí thức thành
thị.” (Cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân Việt Nam)
Trước giáo điều sắt thép như
trên, giới cầm bút ở miền Bắc khi ấy đều lên án Tự lực văn đoàn, nhất là
mạt sát Nhất
Linhthậm tệ. Riêng Tú
Mỡ vẫn giữ vững sự chung thủy
với người bạn kính mến Nguyễn
Tường Tam.
Người ta kể lại vào 1950 trong
một cuộc họp giữa các nhà văn ngoài kháng chiến để phê bình sinh hoạt văn học
32-45, cụ thể là Tự
lực văn đoàn, do Tô
Hoài làm tổ trưởng, Tú Mỡ là người duy nhất dám đứng lên để bênh
vực Nhất
Linh khiến cho Tô Hoài đứng tim.
Vào tuổi 70, Tú Mỡ nhìn lại quãng đời hoạt động văn hóa
của mình, vẫn khẳng định mục tiêu của Tự
lực văn đoàn là đúng: “Kể
về công, anh em đã thực hiện được mục đích của đoàn, điều chính là làm giàu
thêm văn sản trong nước, đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo
cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn ra đời
sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà
giới văn học ngày nay phải công nhận”.
Chương trình xây dựng nhà ánh
sáng của Tự lực
văn đoàn bị nhóm phê bình
giáo điều chỉ trích là cải lương, là thỏa hiệp với thực dân, nhưng Tú Mỡ từng hô hào xây dựng nhà ánh sáng trên
tờ Phong
hóa:
Các ngài hãy để tiền trăm bạc
ngàn
Giúp đoàn ánh sáng món tiền
Dựng nhà cao ráo khắp miền thôn
quê
Cho dân nghèo sống thỏa thuê
Ấy là quả phúc nên vê cho tròn
(Quả phúc)
Sau 1945, Tú Mỡ vẫn tự hào về chương trình này và coi
nó là ý hướng tiến bộ của nhóm ông.
Trong Hồi ký trontg bếp núc của Tự
lực văn đoàn Tú Mỡ tỏ lòng
thương tiếc văn đoàn và anh em trong văn đoàn, ông viết bằng cả tấm lòng của kẻ
“trải qua một cuộc bể dâu”:
“Cuộc
kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta bùng nổ. Cái thất tinh hội “Tự lực văn đoàn”
tan tác trong cơn phong ba như những sao đổi ngôi...
Chỉ còn ba chúng tôi người cũ trong Tự lực văn đoàn là may mắn,
tan rồi lại hợp (chỉ Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu), còn các anh khác biệt vô âm
tín.
Tôi không biết anh Khái Hưng có ra được vùng tự do mà tìm được con
đường sống như anh đã nói với tôi hay không? Bẵng đi mấy năm mới được tin anh
chết nhưng không rõ anh chết ở đâu, vì sao mà chết?
Sau đó lại được tin anh Hoàng Đạo đã rơi rụng trên đất Quảng Châu
(Trung Quốc) sau một thời gian phiêu bạt, ốm yếu nơi đất khách quê người.
Anh Trần Tiêu cũng mất tại quê hương.
Thế là Thất tinh hội đã rơi rụng mất ba.”
Đối với Nhất Linh, Tú Mỡ tỏ lòng cảm thương cái chết của người
tri âm này và cho tới những năm cuối đời và trong một bài thơ cuối cùng ông vẫn
nhắc tới nỗi lòng thương bạn và kỷ niệm khó quên khi theo Nhất Linh làm báo Phong Hóa tại một căn nhà nhỏ ở ấp Thái Hà vào năm 1932:
Duyên văn nghệ là duyên tri ngộ
Từng vui buồn sướng khổ có nhau
Khi cà phê, khi phở tái, khi
thuốc sái, khi trà tàu
Khi sắm vai trên sân khấu, khi
làm báo suốt đêm thâu...
Không nên quên Hồi ký trong bếp núc của Tự
lực văn đoàn hoàn thành
12-08-1969 nhưng 20 năm sau nó mới được phép ra mắt bạn đọc trên hai kỳ Tạp chí Văn học 1987 khi Tú Mỡ đã chết được hai chục năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét