Phạm Hồng Sơn
Cách đây gần 20 năm, lúc còn chưa bị coi là “phản động”, khi giao du với những người làm nghề công an, tôi được họ kể cho nghe nhiều cách họ học trong trường để khuất phục những đối tượng “cứng đầu”. Ví dụ, nếu một chủ doanh nghiệp không chịu hào phóng “tự nguyện” biếu tiền cho Công an Phường vào dịp lễ tết hoặc dịp đi nghỉ mát thì chỉ cần cho người lén khóa trái cửa văn phòng đó một lần là mọi việc sẽ “xuôi” hết.
Đến nay tôi không rõ công an Việt Nam có còn dùng chiêu trò trên hay họ còn có những chiêu trò nào khác để làm tiền các doanh nghiệp, nhưng chắc chắn giới an ninh chính trị Việt Nam đang và sẽ phổ biến một trò để ngăn khách đến thăm một người bất đồng chính kiến: Một lọ keo nhãn hiệu Con Voi là đủ. Bơm đầy keo Con Voi vào ổ khóa nhà đối tượng trước giờ hẹn ít phút là “xong”.
Đó chính là trò an ninh Việt Nam đã áp dụng đối với cá nhân tôi vào sáng ngày 21/06/2013. Cửa cổng nhà không thể mở ngay được và vị khách cũng không thể qua được hàng rào người lố nhố chắn ngay trước ngõ 72B Thụy Khuê – Hà Nội. Cuộc gặp mặt tại nhà đã trở thành vài câu trao đổi và chúc nhau bình an qua sóng điện thoại có theo dõi.
Nếu coi lịch sử là những bàn chân ướt của con người giẫm trên tấm thảm khô chứa cả tương lai thì những chiêu trò hạ đẳng kể trên của thế hệ công an Việt Nam hiện nay cũng chỉ nằm trong vệt thấm loang ra từ những bước chân của các thế hệ cầm quyền cộng sản trước đó và của cả những tiền nhân không cộng sản.
Nồi đất úp phân trâu giả mìn để cản xe bọc thép, đội quân tóc dài cho đi đầu để giấu bớt tính đối đầu, thu dụng cả quân du đãng, “chạy dọc” vào đội quân cách mạng, đóng giả thầy mo để che mắt địch, giả dạng tử thi để đột nhập vào bệnh viện cướp dụng cụ phẫu thuật, lập ra đảng cuội để giăng bẫy và giấu diếm bản chất độc tài, ưu tiên chiến thuật du kích hơn đánh chính qui, khủng bố đối phương rồi lẩn trốn vào dân chúng, tung truyền đơn gây rối rồi vu cho đối lập… cho đến những trò khóa trái cửa, ném mắm tôm trộn phân người với nhớt xe máy, đụng xe trên đường, quấy rối bằng thương binh giả và thật, dùng dân phòng, an ninh giả dạng côn đồ hay dùng chính côn đồ thứ thiệt để sách nhiễu, hăm dọa người bất đồng chính kiến v.v. và v.v.
Tất cả, tất cả những thứ đó, nhìn thật kỹ, rút lại vẫn hoàn toàn ở trong cái vòng tiềm thức láu cá, tiểu nông, nhỏ hẹp, man khai với nhu cầu hàng đầu là tồn tại, quyết ăn thua bằng mọi giá pha lẫn khát khao tự khẳng định một cách yêng hùng hạ đẳng từ một cây văn hóa có những rễ cái kiểu Trạng Quỳnh “cho ỉa cấm đái”, “Đ.M thằng nào kể cho thằng nào”. Một nền văn hóa đắc thắng với sự trả thù cá nhân đầy lén lút “Trạng chết thì Chúa cũng băng hà”. Một nền văn hóa ngật ngưỡng với “trí khôn của ta đây”. Một nền văn hóa hả hê với sự nước đôi đầy vị kỷ “khôn chết, dại chết, biết thì sống”. Một nền văn hóa vẫn lan tràn sự tự mãn với phương châm “hai chê kèm sáu nịnh”, “cứ chửi Đảng nhưng đừng ra khỏi Đảng” dù nhu cầu sống còn không còn là nguy cấp.
Trên cái phông văn hóa đó, trong hơn nửa thế kỷ qua, thậm chí vài trăm năm qua, đã in đậm màu của nhiều chiến thắng, thành quả khiến nhiều kẻ phải nghiêng mình và phần nào đã giữ cho dân tộc Việt vẫn tồn tại, nhưng các gam màu của chính trực, cao thượng, minh bạch, phản biện triệt để – những sắc màu của văn minh – thực quá hiếm, quá nhạt.
Tôi biết thật phiến diện và có thể là thái quá khi nhìn văn hóa, lịch sử và tương lai của một dân tộc từ một ổ khóa đã chết vì keo Con Voi. Nhưng tôi chắc chắn cái chết của ổ khóa đó không hoàn toàn đến từ những cá nhân cụ thể trong hệ thống an ninh độc tài hiện nay. Ngay trong đám người lố nhố sáng hôm qua ở cổng nhà tôi – như những người quen của tôi kể lại – đa phần lại có những khuôn mặt, dù lộ rõ sự căng thẳng được trộn nham nhở với chất lén lút, vẫn không mất hết những nét sáng sủa, tinh khôi của cái tuổi đẹp nhất của đời người – tuổi 20, 30 – cái tuổi thuộc về tương lai, cái tuổi lẽ thường phải nhiều hồn nhiên hơn thủ đoạn.
Chính tôi cũng thấy thấp thoáng vài gương mặt non trẻ, láo lác đó vào ngay lúc phát hiện ra sự cố. Và tôi tự hỏi, một nền văn hóa, một truyền thống chuộng sự cao thượng, phổ biến thái độ rõ ràng không nước đôi, từ gia đình ra xã hội, có sinh được ra một chế độ mập mờ, lưu manh hạ cấp như hiện nay không? Tôi tin là không, không thể.
© 2013 Phạm Hồng Sơn & pro&contra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét