Trong các thể văn cũ, cổ nhân
ngoài thơ luật, thường sáng tác phú và văn tế. Phú là loại văn mô tả như định
nghĩa (phú giả, trực trần kỳ sự có nghĩa ‘phú là thể mô tả trực tiếp sự việc’).
Còn văn tế là thể văn truy điệu nhân một kỳ tế lễ, bày tỏ lòng thương tiếc,
kính ngưỡng của người sống, qua những lời ca tụng đức tính, công nghiệp của
người quá cố. Trong văn học Việt Nam thế kỷ XIX, nhiều bài văn tế
của Nguyễn
Đình Chiểu (1822-1888) đã trở
thành bất hủ như các bài: Văn
tế vong hồn mộ nghĩa, Văn
tế Trương
Công Định, Văn tế Nghĩa sĩ Cần giuộc... Tuy nhiên, nhà văn cũng có thể dùng
văn tế để tống tiễn quỷ thần, đặc biệt là ác thần, như Nguyễn Thuyên đời Trần làm bài văn tế Đuổi cá sấu về biển Đông.
Nhà văn cũng dùng văn tế để
châm biếm, để tế sống (Văn tế Trường lưu nhị nữ của Nguyễn Du) và như trường hợp báoPhong
Hóa đăng vài Văn tế An Nam tạp chí của
Tản Đà khi tờ báo này bị đóng
cửa.
Văn tế An Nam tạp chí của Tú
Mỡ là một tác phẩm đặc sắc
của ngòi bút trào phúng, tác giả “Giòng nước ngược” và cũng phản ánh lập trường
“theo mới đả phá cái cũ” của Tự
Lực văn đoàn.
Văn tế có thể viết theo lối cổ
phong, dùng câu dài ngắn xen kẽ hay dùng thể song thất lục bát như Văn tế Thập loại chúng sinh của Nguyễn
Du.
Bài Văn tế An Nam tạp chí của Tản Đà được viết theo thể luật có bố cục bốn
phần:
Mở đầu: Những câu nói về hoàn cảnh
sáng tác của bài văn (6 câu đầu).
Phần hai: Kể thành tích của chủ báo và
của tờ báo (từ câu ‘Nhớ bạn xưa...’ tới câu... ‘cho
cao phẩm giá’).
Phần ba: Kẻ đứng tế hay viết bài văn
tế tỏ lòng thương tiếc, kính ngưỡng kẻ “quá cố” (từ câu ‘Than
ôi...’ đến câu ‘yên mồ, đẹp mả’).
Phần bốn: Những câu còn lại nhằm truy
điệu vong hồn kẻ quá cố về hưởng lễ vật.
Bài trên là bài văn tế độc vận
(buồn bã, tiếng cả, Á, hóa, khá...) và viết theo thể biền ngẫu (Biền là cặp
ngựa đi sóng đôi). Biền ngẫu là lối đặt câu như những cặp ngựa song song nghĩa
là gồm những câu dài ngắn như nhau, nhịp điệu tương đồng, ý nghĩa đối nhau từng
cặp.
Tác phẩm tuy mang chất châm
biếm, cay nhưng không độc, biếm nhưng không ác, và khéo ở chỗ nói được những
đặc tính của Tản Đà như trọn đời nuôi giấc mộng duy trì
đạo đức, bồi bổ văn hóa nhưng bản thân ông là nhà Nho, tư tưởng và văn pháp bảo
thủ, nguồn cảm hứng xa rời thực tế (đề cao mộng mị, hư ảo, yếm thế, bi quan) và
dùng văn chương ca tụng thú say sưa và hưởng lạc.
Cũng nên biết người tế và người
được tế là hai cây viết có giao tình trọng hậu.
Nguyễn Khắc Hiếu sinh năm 1889, tại làng Khê
thượng, huyện Bất bạt, tỉnh Sơn tây, mất
năm 1939 tại Hà nội.
Ông lấy bút hiệu là Tản
Đà vì quê hương có hai thắng
cảnh là Tản viên (Ba vì) và Đà giang.
Là một nhà thơ tài hoa bậc nhất
trong văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XX, Tản
Đà còn là một nhà báo tiền
phong, ra tờAn Nam tạp chí từ 1926 với tham vọng tài bồi bức dư
đồ rách (tình trạng văn hóa nước ta suy đồi khi Âu Á giao thoa), bằng cách mang
thuyết thiên lương ra truyền bá cho đời. Nhưng An Nam tạp chí với chủ trương cũ, vốn liếng nghèo,
người điều khiển lại là nhà Nho nghệ sĩ, khó địch lại với văn học tân trào
32-45, với các tờ báo mới chuyên nghiệp, nhất là trong thời kỳ độc giả có
khuynh hướng “theo mới chối bỏ cái cũ bị cho là cổ hủ”. Báo vì thế bị đóng cửa
nhiều lần như vào năm 1930 và 1931, đồng thời đổi báo quán qua nhiều địa chỉ từ Hàng lọng tới Hàng khoai và từ Hà nội xuống Nam định. Có thể nói An Nam tạp chí phá kỷ lục về các lần xuất bản và tục
bản (tới 6 lần) trong lịch sử báo chí Việt Nam.
Bài văn tế của Tú Mỡ viết vào năm Quý Dậu 1933 khi tạp chí An Nam đình bản.
Trong bài văn tế của Tú Mỡ có nhắc lại một số đặc điểm trong thơ
văn và cuộc đời của Tản
Đà:
Tản Đà trong cuộc đời nổi danh về thơ và rượu như ông tự hào:
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
Tản Đà nức tiếng về mộng mị với Giấc
mộng con và Giấc mộng lớn. Ông cũng
là kẻ tuyên bố gánh văn lên ‘bán chợ trời” vì “văn chương hạ giới rẻ như bèo”.
Tờ Phong hóa chủ trương đổi mới nên công kích Tản Đà đại diện cho phái cũ. Tuy nhiên,
giữa Tản Đà và Tú
Mỡ có thể kể là bạn tri giao
và Tự lực
văn đoàn tuy cười cợt Tản Đà nhiều lần từ tranh hý họa tới thơ
chua, nhưng nụ cười của họ không hàm ý độc ác với thi sĩ, và sau này Ngày nay còn mời Tản Đà cộng tác trong mục dịch thơ Đường.
Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu)cùng Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) có nhiều phen xướng họa. Tản Đà từng gửi thơ tâm sự với Tú Mỡ với những vần thơ đầy tình tri kỷ,
nặng nghĩa tri âm:
Tôi bác sao mà bác Tú ơi
Cùng tên ta lại ở đôi nơi
Khói mây non Tản tôi gầy lắm
Bơ sữa thanh Long bác béo hoài
Có rượu có thơ người sống nổi
Quản chi mưa gió cuộc đời trôi
Thơ này Hiếu gửi đăng Phong hóa
Hiếu có thanh nhàn họa lại hơi.
Tú Mỡ kể lại: “Đối với Tản Đà, báo Phong Hóa hay có những
lời thơ châm chọc, bức tranh biếm họa, câu văn bông lơn, những cái không hợp
thời của nhà thơ, nhất là cái nết nghiện rượu. Nhưng Tản Đà là người biết đùa, không giận, sau khi đọc bài
thơ Giời đày Nguyễn Khắc Hiếu nhà thơ thân đến tòa soạn, cười ngất phê bình:
Bài thơ thú lắm nhưng mà xược! Anh Khái hưng hỏi: Thực tình anh có giận chúng tôi không?
Tản Đà cười khà khà: Chúng ta ví như những vai hề trên sân khấu, có khi giễu xỏ
nhau ở rạp hát để thiên hạ mua vui. Nhưng diễn xong trò, ta vẫn là ta, bạn đồng
nghiệp cả, việc quái gì mà giận nhau”.
Sau đây là nguyên văn bài Văn tế An Nam tạp chí:
Ngày 12 tháng năm dư năm Quý
dậu:
Ngu hữu là Phong Hóa tuần báo
đứng trước linh vị An Nam tạp chí hậm hực mà than rằng:
Đỉnh non Tản mây đen mù mịt,
quấn băng tang lặng lẽ âu sầu.
Giải sông Đà nước xám lờ đờ,
cuộn dòng lệ rĩ rền buồn bã.
Than như không mà khóc cũng như
không,
Im cũng dở mà nói ra cũng dở.
Nhớ bạn xưa:
Giấy trắng mực đen,
Nhà không tiếng cả.
Dựng tiểu nghiệp văn chương đất
Bắc, kế sinh nhai khen đã cố công thay!
Lấy đại danh tạp chí nước Nam,
tuyên chủ nghĩa thực đà to chuyện quá!
Duy trì đạo đức, giương Đông kích
Tây,
Bồi bổ văn mình, dung Âu hợp Á.
Nhồi độc giả năm pho kinh sử,
nhai đi nhai lại, chi, hồ, giả, dã, rõ cơ quan tiến thủ giật lùi,
Ru quốc dân hai hũ thơ sầu, mơ
màng tiên, cuội, trời trăng, khiến niên thiếu liên miên bả lả.
Ố kim, nệ cổ đã từng phen nắm
đuôi ngựa Phan Khôi,
Ghét cợt, chê cười còn nhớ trận
vuốt râu hùm Phong Hóa.
Dằng dai như đỉa đói, chết đi
sống lại bao lần,
Siêu bạt tựa vịt trời, nay đó,
mai đây mấy thủa.
Hơn bảy, tám năm lăn lóc khi Hà
thành khi Nam định ngoẻm trăm ấy, veo ngàn khác, than ôi thua vẫn hoàn thua,
Non ba mươi tháng vật vờ, hết
Hàng lọng đền Hàng khoai thay dạng nọ đổi dạng kia ngán nỗi khá không thấy khá.
Vẻ vang thay nghìn rưỡi số in,
Hân hạnh lắm được một trăm độc
giả.
Cứ tưởng tạm ngơi ít bữa, lấy
đà dưỡng sức, cho qua thời kinh tế lung lay,
Nào hay đánh giấc ngàn thu, bặt
tiếng im hơi, chẳng thoát nạn lý tài trắc trở.
Hay là ngán trần tục, viết văn
không kẻ hiểu, luống uổng công phu,
Cho nên thăng thiên đường tái
bản để Trời xem cho cao phẩm giá.
Than ôi!
Cùng làng ngôn luận tân cựu đôi
đường,
Nửa kiếp kinh doanh, âm dương
hai ngả.
Bâng khuâng luống xót xa lòng,
Thương nhớ thêm ngao ngán dạ.
Vừa độ nào, ta đây bạn đó, điều
phải chăng còn giũa bút luận bàn,
Mà bây giờ kẻ khuất người còn,
thơ chua chát biết cùng ai xướng họa.
Thôi! Chẳng may mỏng phận, ngắn
đời,
Song nay đã yên mồ đẹp mả.
Ngu hữu gọi là lễ mọn vi thiềng:
Rượu lậu một bầu, trứng tươi
hai quả
Mực nướng vài con, sò huyết một
tá
Bạn có khôn thiêng
Xin về chứng quả!
Thượng hưởng!
Hoàng Yên Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét