Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Phú của Tú Mỡ

tumo01041

Phú là một thể văn vần quan trọng trong nền văn học cổ điển của ta. Ngày nay không mấy người biết làm phú nhưng ai muốn thưởng ngoạn văn học cũng như nghiên cứu văn hóa cổ không thể không biết rõ về phú.

Trong Văn học Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, có hai bài phú nổi tiếng vì thể hiện một cuộc bút chiến về quan điểm giữaNguyễn Huy Lượng(?-1808)  Phạm Thái (1777-1813). Nguyễn Huy Lượng khi tả cảnh Tây hồ trong Tụng Tây hồ phú đã ngụ ý ca tụng nhà Tây sơn. Trong khi ấy Phạm Thái đối kháng, cũng tả cảnh Tây hồ trong bài Chiến tụng Tây hồ phúnhưng đả kích tân triều.

Xem lại Văn học thế kỷ XIX không mấy ai quên hai bài phú tả cảnh nghèo rất chân xác và không kém phần bóng bảy và thi vị (Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ  Tài tử đa cùng phú của Cao Bá Quát) và bài phú tả tâm trạng cười ra nước mắt của kẻ hỏng thi (Phú hỏng thi của Trấn Tế Xương).

Gần hơn nữa là nhiều bài phú của chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940) như Tỉnh quốc dân phú, Hương giang thu phiếm... là những áng văn tuyệt hay và cho thấy nỗi lòng của một nhà đại ái quốc.

Trước kia, phú giữ vai trò quan trọng trong việc thẩm định văn tài và kiến thức của nho sĩ. Thơ cũng như phú trước khi khoa cử cũ bãi bỏ (khoa đầu tiên dưới triều Lý 1075, khoa thi hội cuối cùng mở ra ở Huế 1918) là những thể loại nho sĩ trước khi lều chõng tới trường thi phải rành rẽ. Cũng vì thế cổ nhân khuyên sĩ tử rằng muốn hy vọng chiếm bảng vàng thì ngoài hai môn Nam sử (sử Việt) Bắc sử (sử Tàu) còn cần thuộc lòng “một ngàn bài thơ, một trăm bài phú và năm mươi bài văn sách” (thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi).

Phú là gì? Đây là một lối văn mô tả như định nghĩa “phú giả, trực trần kỳ sự” nghĩa là “Phú là thể tài trình bày trực tiếp sự việc”. Nói rõ hơn như cố giáo sư Dương Quảng Hàm trong Quốc văn trích diễm:

Phú cũng là một lối văn vần. Phú nghĩa đen là tả cảnh, nên phú thường làm để tả cảnh, tả tình hay tả phong tục”.

Cũng theo Quốc văn trích diễm thì phú có nhiều cách gieo vần (hay hạ vần). Bài phú có thể theo độc vận nghĩa là từ đầu đến cuối bài chỉ gieo một vần. Nhưng cũng có thể hạn vận “là đã chọn một câu làm vần thì cứ theo đúng thứ tự những chữ trong câu ấy mà hạ vần”. Tuy nhiên, có thể phóng vận và cho phép người làm phú muốn gieo vần nào cũng được.

Cách đặt câu trong bài phú thường đăng đối từng cặp (đối về số chữ, cấu trúc của câu và ý nghĩa trong câu không khác gì lối viết văn tế).

Bố cục bài phú thường gồm các phần sau đây:

  1. Lung là phần mở bài nói sơ qua ý nghĩa của đề.
  2. Biện nguyên là phần nói xuất xứ của đề.
  3. Thích thực là phần tả chi tiết chủ đề.
  4. Phu diễn là mở rộng chủ đề.
  5. Nghị luận  Kết là bàn về đầu đề rồi đưa tới kết luận.


Trong Văn học Quốc ngữ trước 1945, nhà văn nào có vốn cổ học đôi khi dùng phú để tự họa hoặc châm biếm bức tranh xã hội giao thời như Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn-1911-1990) và Tú Mỡ (1900-1976).

Bài Kinh tế khủng hoảng phúcủa Tú Mỡ in trong tác phẩm Giòng nước ngược xuất bản năm 1934, tiêu biểu cho chất hóm hỉnh, nụ cười sâu sắc của cây bút trào phúng số một trong văn học hiện đại và cũng phản ánh chủ trương đả phá cái cũ xây dựng cái mới của Tự Lực văn đoàn.

Bức tranh kinh tế do Tú Mỡ vẽ ra là hoàn cảnh những năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1930-31, được gọi là cuộc Đại suy thoái (Great Depression) trên thế giới. Hậu quả của nó ở Đông dương trong đó có Việt Nam thực là tệ hại về nhiều mặt nhất là Việt Nam lúc đó chỉ là một nước nông nghiệp bị “mẫu quốc” khai thác. Nếu mang so sánh với cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây trên toàn cầu, từ 2008 tới nay, thì hai bức tranh xã hội ảm đạm do nó tạo ra không khác bao nhiêu, nhất là trên một đất nước chưa xây dựng được một nền kinh tế vững chắc và độc lập như đất nước ta.

Kinh tế khủng hoảng phú

1-Ghê thay nạn kinh tế! 
Ghê thay nạn kinh tế! 
2-Nguyên bởi từ đâu? 
Hại sao đến thế! 
3-Trong vạn quốc, từ nhỏ đến to,
Khắp muôn dân, cả lớn lẫn bé
Cũng băn khoăn vì tài chính lung lay 
Đều nhăn nhó bởi bán buôn tắc bế.
Làm ăn lủng củng, dưới con dân khôn nỗi xoay xu, 
Xuất nhập hụt hao, trên nhà nước khó đường thu thuế.
Hạng quan lại đang ăn tiêu rộng rãi, cũng cắn răng vâng lệnh sụt lương,
Bọn sinh viên vừa thi đỗ vênh vang, đành bấm bụng đóng vai vô nghệ.
Sĩ đã buồn tênh, 
Nông càng quẫn tệ.
Mừng được năm hoà cốc phong đăng, 
Rủi gặp lúc thông thương đình trệ.
Tiền hòm rỗng tuếch, lấy chi mà nộp thuế, nộp sưu, 
Thóc vựa chứa chan, lo để đấy mọc mầm, mọc rễ. 
Bởi nông phu tiền thiếu gạo thừa, 
Nên thương mại khách thưa hàng ế.
Buôn thua bán lỗ, hiệu nhỏ to vỡ nợ đùng đùng, 
Mượn quịt vay lường, kẻ hơn thiệt kiện nhau chí choé.
Nhà kỹ nghệ hàng không trôi chẩy, giảm bớt nhân công,
Bọn thợ thuyền việc ít nằm khàn, khó tìm sinh kế.
4-Việc tuy không sẵn, miệng vẫn phải ăn, 
Gạo chẳng ai cung, hàm không nhẽ trễ.
Túng phải tính liều, 
Đói đâm ê trệ.
Nẩy nòi trộm cướp, khó giữ cho yên,
Vỡ tổ ăn mày, cứu sao cho xuể.
Kinh tế khủng, ái tình cũng khủng, lo ế chồng phụ nữ chổng mông gào,
Sự nghiệp suông, loan phụng đành suông, hoãn lấy vợ nam nhi quay mặt... kệ! 
Cả đến xóm hoa đưa liễu đón, vừa độ nào oanh yến xôn xao, 
Cũng trải phen phách mốc đàn meo, nay đã thấy làng chơi vắng vẻ.
4-Nghĩ cũng lo thay 
Nguy khôn xiết kể!
Mới trong ít độ, tứ dân đà tấn tới giật lùi 
Cứ thế này lâu, nhân loại sẽ văn minh tắc tị.
Chấn hưng kinh tế, hỏi ai nào đại thánh ra tay? 
Cứu vãn tiền đồ, còn đợi có phúc tinh giáng thế

Bài phú Kinh tế khủng hoảng phú
 có những đặc điểm gì?

Trước hết về vần, bài văn tế trên thuộc loại độc vận (vần ế: tế, thế, thuế, trệ…), với bố cục phân minh:

Bốn câu đầu là lung  biện nguyên nói về kinh tề suy thoái và tìm hiểu nguyên nhân.

Hai mươi câu kế tiếp là phần thích thực mô tả tình cảnh bi đát của sĩ, nông, công, thương trong cơn kinh tế khủng hoảng.

Mười câu tiếp theo là phần phu diễn nói tới hậu quả của kinh tế suy thoái đối với con con dân đất Việt và xã hội Việt Nam.

Bài phú trên không nhằm tả thực nhưng ngòi bút của Tú Mỡ đã vẽ ra bức tranh toàn diện của một dân tộc bị trị “một cổ đôi ba tròng”, sống trong một xã hội lạc hậu, dưới một chế độ hà khắc sưu cao thuế nặng. Từng chi tiết một tưởng đã phai mờ trong tâm trí người đọc nhưng gần một thế kỷ sau (hai mốc của cuộc đại suy thoái toàn cầu 1930 và 2008), chúng bỗng hiện rõ như một cuốn phim trắng đen được tái tạo và tô đậm nét.

Tuy nhiên, Tú Mỡ không phải là nhà làm phim mà là cây viết trào phúng. Ngòi bút của ông trong bài phú nhắm tố cáo những tệ đoan của xã hội ta dưới chế độ phong kiến và thực dân mà lúc bình thường cái xấu, cái tệ đoan bị che giấu dưới lớp hào nhoáng của giới trưởng giả và sau lũy tre làng. Nhưng khi kinh tế thoái chiều thì tất cả cái tiêu cực, cái đáng thương bộc lộ trên bề mặt. Từ đó, nó gián tiếp phô bày, nhân lúc kinh tế khủng hoảng, thủ đoạn sưu cao thuế nặng của thực dân nhắm vào dân chúng càng lộ rõ tính cách vô nhân đạo.

Một đặc điểm khác của Bài Kinh tế khủng hoảng phú là rất trong sáng. Nếu ta đã đọc những bài phú của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hẳn phải thấy những áng danh văn này tuy “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” nhưng người thưởng ngoạn cần ngẫm nghĩ mới hiểu nghĩa, cần có kiến thức văn chương mới thấy được vẻ cao kỳ của lời của ý. Trái lại, phú của Tú Mỡ gần với phú của Trần Tế Xương bộc bạch rõ ý, phô bày rõ tình nhờ thuần nôm và nhờ vận dụng một cách khéo léo, không những dễ hiểu mà còn dễ nhớ, dễ chọc cười. Có thể nói từ câu đến chữ trong bài phú là lời quen thuộc hằng ngày nơi cửa miệng người bình dân. Cũng vì thế nụ cười của Tú Mỡ, thêm giản dị, bình dân và tác dụng vào người đọc trực tiếp và sâu sắc hơn.

Đọc lại những câu sau đây mới thấy chữ quốc ngữ tới nhóm Tự Lực văn đoàn đã trưởng thành như thế nào và cũng không thể phủ nhận Tú Mỡ qua những bài phú như phú Hồ gươm, Dân ngu phú  Kinh tế khủng hoảng phú …xứng đáng là người kế thừa nguồn thơ của nhà thơ Cổ Nguyệt đường và thi sĩ Non Côi sông Vị:

Kinh tế khủng, ái tình cũng khủng, lo ế chồng phụ nữ chổng mông gào,
Sự nghiệp suông, loan phụng đành suông, hoãn lấy vợ nam nhi quay mặt... kệ!
Cả đến xóm hoa đưa liễu đón, vừa độ nào oanh yến xôn xao,
Cũng trải phen phách mốc đàn meo, nay đã thấy làng chơi vắng vẻ.

Hoàng yên Lưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét