Tie Suc
Hôm nay đã qua ngày 21/6 mà bạn tôi gọi là ngày "nói không với báo chí" nên mới thẽ thọt chia sẻ với mọi người về 1 hiện tượng báo chí đặc sắc của Việt Nam, điều mà nhiều người có thể đã thấy nhưng bỏ qua vì có thể nó đã phổ biến hoặc chủ động lờ nó đi. Đó là: người nông dân /làm báo/. Từ /làm báo/ dù khác với /viết báo/ nhưng có lẽ mới gần đủ ý.
Ta hãy thảo luận về 1 ví dụ cụ thể: Một nhóm người nông dân mặc áo có viết thông tin về tình trạng quan tham cướp đất nào đó đứng đầu đường Thanh Niên, đoạn ngã tư đèn đỏ, nơi nhiều người dừng lại. Người Việt người Tây đi qua, họ lao ra đường vẫy những tấm vải kín đặc chữ như một phản xạ có điều kiện.
Theo tôi, thông tin viết trên đó đã đủ trở thành tin vì:
- Cung cấp địa điểm
- Cung cấp thời gian
- Cung cấp tính chất sự kiện (con người, sự việc, sự vật, quá trình...)
Nhưng còn hơn thế nữa, họ không chỉ là người viết ra tin tức mà còn là người phát ra tin tức, tự chịu trách nhiệm về nguồn tin mình đưa ra. Nên họ không chỉ là phóng viên mà còn là vị tổng biên tập, là người chủ bút, là người trả "thù lao" cho chính mình tác nghiệp.
Đặc biệt hơn, họ còn tự biến mình là "vật truyền tin" khi viết lên chính người mình. Theo tôi, đây là chi tiết quan trọng nhất, bởi, khi con người đã bị "đồ vật hóa" nghĩa là họ đã bị rơi vào tính huống "vô tri", "tha hóa" "phi nhân tính" theo logic: con người --> đồ vật (*)
Nhiệm vụ của báo chí là trả lời câu hỏi: Vì sao? Thì chính những con người này cũng là hiện diện của câu hỏi đó. Vì sao họ phải làm nhiệm vụ bất đắc dĩ này? Vì sao họ bị "vật hóa" theo cách này.
Thế lực nào kích động họ? Nếu lùi lại hơn 7 thập kỷ trước dù quyền lợi đất đai bị xâm phạm nặng nề, nhưng chỉ khi có một thế lực kích động, người nông dân Việt Nam mới tập hợp lại để trở thành một lực lượng nòng cốt mang tên "cách mạng". Vậy những sự hiện diện đơn lẻ kia có nằm trong dòng chảy của cái gọi là "báo chí cách mạng" không? Câu trả lời chính thống là không?
Nhưng theo tôi, tự thân sự kiện này đã hàm chứa một cuộc cách mạng về báo chí khi mỗi công dân đều trở thành người làm tin, người phát tin thậm chí, người nông dân không ngồi phòng lạnh (như tôi hiện giờ) mà đang xông thẳng vào sự kiện, đấu tranh cho chính lợi ích của bản thân họ.
Một nhân tố có giá trị bảo lưu sự tồn tại của hệ thống báo chí là: /độ xác thực của nguồn tin/, trong đó lập luận đánh đổ các cá nhân làm tin/phát tin là: nguồn tin không được kiểm định bởi tập thể, bởi tổ chức "chuyên nghiệp".
Đây quả là một trong các nhân tố quan trọng để các hãng thông tấn tồn tại. Nhưng một khi các tổ chức, tập thể buộc phải "đi đều bước" thì chính nó cũng rơi vào logic (*) để trở thành công cụ vô tri. Chúng còn đáng sợ và đáng khinh hơn bất kỳ người nông dân đơn lẻ nào /làm báo.
Cái đáng suy ngẫm chính là (*). Bởi khi, một vài cá thể bị rơi vào tình trạng vật vô tri nghĩa là đã tồn tại sự vô tri của cộng đồng xung quanh họ. Đây là loại virus zombie tạo nên những thây sống biết đi. Theo tôi, các vụ đám đông đánh bọn trộm chó đến chết (dù có đầy đủ động cơ trong đó) là một tín hiệu cấp tính của "virus vô tri".
Cũng phải nói thêm, chúng ta không cần đánh số quyền lực, bởi nếu báo chí được trao 1 quyền lực nào đó (thứ 4 chẳng hạn), thì nó cũng hoàn toàn bị tha hóa bởi chính quyền lực đó. Tôi dự cảm rằng, càng có thêm nhiều người /làm báo/ độc lập, sẵn sàng từ chối quyền lực/ đối đầu với quyền lực thì ít ra, ta có thêm kỳ vọng về một tương lại lành mạnh của báo chí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét