Góc của Phan
Cà phê - cháo lòng
Hình: quán cháo lòng ở Saigon
Nhà tôi có quán cà phê. Nhưng cha mẹ tôi mở quán với ý giúp một người ơn. Chuyện dài dòng của đời trước, tóm lược là: Năm 54, cha mẹ tôi và bốn người con di cư vô Nam, được một gia đình người Nam bộ giúp đỡ lúc mới định cư. Đó là gia đình bà Năm. Cả nhà ông bà đã giúp đỡ hết lòng cho gia đình tôi ổn định đời sống mới.
Tuy thế, gia đình tôi chỉ ở miền tây vào thời gian đầu, sau đó dọn về Sài Gòn, khi cha tôi đã liên lạc được với bạn bè ông...
Rồi ngay tại Sài Gòn, mẹ tôi tình cờ gặp lại bà Năm sau nhiều năm cách biệt. Hỏi ra mới biết sự tình là cả nhà bà đã chết hết vì đạn pháo kích của Việt cộng. Bà Năm không còn người thân, cũng không nhà để ở, bà trôi dạt theo những người láng giềng chạy giặc lên Sài Gòn...
Cha mẹ tôi hết lòng giúp đỡ bà Năm để trả ơn. Thấy bà buồn nhớ người thân và ruộng vườn rồi sinh bệnh, nên sau khi chạy chữa cho bà tạm ổn về sức khỏe, cha mẹ tôi mở quán cà phê ngay sân nhà mình cho bà Năm có việc làm, cho bà bớt buồn khổ.
Nhưng tính bà hiền lành, thật thà và không tham lam. Bà chỉ làm việc từ sáng tới tối cho cái quán cà phê bình dân. Bà không chịu nhận làm chủ quán; cũng không chịu ăn lương... cứ làm việc cho qua ngày tháng. Chỉ những hôm rằm hay lễ lạc thì đi chùa với mẹ tôi chút đỉnh rồi về. Bà không còn hứng thú đi chơi hay hành hương đâu cả. Có lẽ nỗi đau mất hết người thân và bị bứng ra khỏi ruộng vườn làm bà chỉ còn sống như người không hồn cho đến hết kiếp...
Nhưng có hôm bà Năm nấu cháo lòng cho cả nhà tôi ăn. Ai cũng trầm trồ khen ngợi bà Năm nấu cháo lòng ngon nhất Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bà cười. Riêng tôi, thuở bé tham ăn không chỉ nhất nhà mà nhất xóm; có thể nhất xứ không chừng! Tôi thèm cháo lòng bà Năm tới trằn trọc, dù mới chục tuổi đầu, sau bữa cháo đã đời ông địa...
Tôi nghĩ thấu những đêm trăn trở bởi thèm mới ra kế: xui bà Năm bán cháo lòng! Mặc kệ quán cà phê cho các chị tôi lo. Tôi hứa đủ điều với bà Năm, nào là: con sẽ phụ bà Năm chẻ củi để nấu cháo, bưng cháo, rửa tô... Đặc biệt là xóm mình không thằng nào dám ăn giựt bà Năm đâu. Con đánh lộn không thua thằng nào hết...
Bà Năm, “...thôi thôi thôi... thôi. Đừng đánh lộn nữa! Để bà Năm nấu cháo lòng, rồi bán. Bán không hết thì cho con ăn hết ha?...”
Tôi trúng mánh lớn nên càng tròn ra. Bà Năm bán cháo lòng đắt lắm! Nhớ tối nào đi ngủ. Bà Năm cũng đưa cho tôi đồng 20$ – hình lục giác, (bát giác) ngày xưa. Để sáng ra ăn mở hàng cho bà Năm buôn may bán đắt, mau hết nồi cháo khổng lồ...
Nên những sáng tinh mơ, trời chưa tỏ mặt người, khi người gánh hàng đi chợ sớm chỉ lờ mờ đôi quang gánh trên vai, ông đánh xe ngựa còn ngái ngủ trên hương lộ một mình; con chó sủa ma ngủ gục đêm qua nên gần sáng mới cất tiếng... tôi mắt nhắm mắt mở, nhào ra hàng cháo của bà Năm thơm phức mùi hương, quất một tô cháo lòng thấm thía lục phủ ngũ tạng, rồi vô ngủ tiếp đến sáng bảnh mắt mới dậy đi học.
Tuổi thơ ấy qua đi như một giấc mơ với hương thơm tô cháo và hình ảnh những người lao động bắt đầu một ngày mới bên tách cà phê đã in đậm trong tôi mãi về sau. Ông Hai chạy xích lô máy là người ồn nhất xóm, ông đến quán sớm hơn ai hết. Ông ngồi vào chỗ quen của ông với ly cà phê đen nghi ngút khói bay, bốn mùa đánh bóng chiếc ghế đẩu bóng loáng. Ông Hai ăn cháo rất bình dân vì chỉ cháo với mấy miếng huyết, không ăn đồ lòng. Không chừng ông có lòng với bà Năm không chừng! Vì ông cũng gà trống nuôi con từ khi bà Hai đi bán muối. Nhưng cơn mưa quái ác một đêm hè đã giũ sổ ông Hai bằng một trận cảm lạnh không qua khỏi.
Từ đó, những sáng tinh mơ chưa tỏ mặt người, bà Năm pha ly cà phê đen nghi ngút khói bay, múc tô cháo với huyết không thôi. Bà Năm bưng đến đúng chỗ ông Hai thường ngồi. Bà rút cái khăn quàng vai quanh năm của bà, quét quét lớp bụi có cũng như không trên chiếc ghế đẩu bóng loáng; rồi buông tiếng thở dài não nuột, lẩm bẩm mời anh Hai về dùng ly cà phê với tô cháo cho ấm bụng...
Lại còn ông Tàu già, quanh năm xà lỏn. Sáng nào cũng cỡi xe đạp tầm vông, chở hết mùi hương dầu cháo quảy trong cái càn xế bọc giấy dầu, tới giao hết tinh túy của ông cho bà Năm mỗi sáng. Ông không ăn cháo, chỉ gọi một ly bạc xỉu (sữa nước sôi pha chút cà phê), rồi đổ ra cái dĩa như cho mèo uống sữa. Ông chấm dầu cháo quảy của ông vào dĩa sữa nước sôi pha chút cà phê thật điệu nghệ. Cuối cùng là bưng dĩa sữa còn lại, đưa lên miệng, húp cái rột. Thở khì ra đã đời.
Rồi cà chọt, cà chọt một chân trên pê-đan xe đạp; một chân chỏi đất lấy trớn, trước khi thót lên được con ngựa sắt chở hết tinh túy của người Tàu đi bán rong...
Bà ve chai cũng vậy, sáng sớm đã có mặt, người ăn nói ồn ào. Nhưng sáng nào cũng xếp đôi quang gánh gọn bên bụi bông bụp. Thế là nhanh nhảu bưng cháo, dọn tô, lau bàn... luôn cả thâu tiền cháo giúp bà Năm. Tới mặt trời sáng bảnh, bà mới ngồi ăn tô cháo – công sức của mình (vì bà Năm không tính tiền tô cháo với bà ve chai bao giờ). Bà ve chai no bụng mới quảy đôi quang gánh lên vai, cất tiếng rao lanh lảnh tới tận hang cùng ngõ hẹp...
Tuổi thơ ấy qua đi như một giấc mơ. Chỉ còn tôi ngồi lại với cái quán nhà đầy bụi và váng nhện. Bà Năm đã về quê để tìm xác thân nhân, sau hòa bình. Ông già Tàu biến mất trên con lộ đỏ nắng bụi mưa sình; tiếng rao lanh lảnh của bà ve chai bỗng trở thành ký ức không quên...
Có hôm tôi ngồi nhìn đống đồ nghề của bà Năm trong góc nhà quạnh quẽ. Bởi ngay gia đình tôi cũng đã ly tán theo dòng lịch sử sang trang. Cái giá của hòa bình mà cả dân tộc mình vừa có được sau lịch sử chiến tranh triền miên thì xá gì chút mất mát riêng tư mà buồn.
Thằng nhỏ tham ăn đã lớn nên gầy guộc; trẻ con đã lớn để thấy quê hương: Hầu như gia đình nào cũng có người đi tù cải tạo, sau hòa bình. Con em quân dân cán chính VNCH đương nhiên không có lý lịch cách mạng thì đừng hòng thi đậu đại học...
Tuổi thơ thôi khép lại. Tôi cùng bạn bè bắt đầu hút thuốc và uống cà phê công khai, không còn lén lút ra bờ sông hay nhà bỏ hoang chi nữa, vì những người cấm đoán bọn tôi đã đi tù cải tạo. Nhưng khi thực sự ngồi quán cà phê thì không biết mình đang uống gì mà đắng chát? Có lẽ thế nên những mái đầu xanh dạo ấy cũng chỉ bàn bạc toàn những chuyện tang tóc của thời vượt biên.
Đến thời quán bắt đầu để nhạc Pháp không lời, hay nhạc nhẹ của Paul Mariat với những bản hòa tấu bất tử như: Love is Blue, La vie en Rose, Serenade... Riêng tôi vẫn thèm một tô cháo lòng đến tím cả ruột gan, đặc biệt là cháo lòng do bà Năm nấu. Nó đơn giản, bình dân cho vừa túi tiền người chạy xích lô, người đi mua ve chai... nhưng hương vị không lầm lẫn được với cháo lòng trưởng giả. Cái ngon ngọt, thơm tho của tô cháo giàu tiền lắm bạc đương nhiên là thanh đạm nhưng không thanh thản như ăn tô cháo lòng của bà Năm – ăn xong, chỉ lăn quay ra ngủ một giấc, rồi dậy đi tắm sông hay đá banh là sướng nhất trên đời.
Nhiều khi ngồi nhớ lại thời mở cửa, cà phê phong phú hơn hết những ngành kinh doanh khác ở Sài Gòn bởi vốn đầu tư không lớn. Người Sài Gòn đã có kinh nghiệm với cộng sản sau 10 năm bưng bít nên kẻ cắp với bà già còn thăm dò nhau. Dọc đường Trần Quang Khải là một dãy quán cà phê bất tận; nhưng hương vị cà phê của một thời quá vãng lại nằm ở cà phê gò mả tả quân Lê Văn Duyệt. Ở đó, quán bình dân, giá rẻ, nên còn có Sài Gòn đã mất trong ly cà phê trưa qua những cặp kính cận của giới trí thức cũ còn kẹt ở Sài Gòn.
Rồi cà phê máy lạnh bùng lên, ôm ấp nở rộ. Ly cà phê còn đó nhưng hồn quán đã chết tự bao giờ. Sài Gòn vĩnh biệt.
Nhiều khi thấy nhạc Trịnh có triết lý riêng hơi lập dị nhưng cũng đúng phần nào, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt...” Đi ta bà thiên địa qua những quán cà phê châu Âu, rồi Mỹ... mỗi hương vị cà phê mặc sức pha chế theo phong thổ, địa dư... sao tôi cứ nhớ dĩa bạc xỉu của ông Tàu già chấm dầu cháo quảy. Nhớ tô cháo lòng khi đang ngồi trong Starbucks; thèm quay quắt tô cháo lòng, miếng dồi sả, bên sông Seine khi có ly vang ngon... Làm người biệt xứ coi vậy không khó bằng quên được quê cũ trong lòng từ mùi hương còn nhớ.
Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét