Hoàng Yên Lưu
Khi nhận định về Đông Dương tạp chí, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã viết: “Trong nhóm Đông Dương tạp chí, những cây bút xuất sắc nhất về phía Tây học là Nguyễn văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Tố, Phạm Duy Tốn; còn những cây viết xuất sắc nhất về Hán học là Phan Kế Bính và NguyễnĐỗ Mục”.
Tác giả Nhà văn hiện đại cũng nhấn mạnh: “Nguyễn văn Vĩnh, Phan Kế Bính và Nguyễn Đỗ Mục là những nhà văn đã viết đều đặn từ đầu đến cuối cho tạp chí Đông Dương”. Tuy nhiên, cũng theo Vũ Ngọc Phan thìPhan Kế Bính, bên cạnh Nguyễn văn Vĩnh, gắn liền với tạp chí Đông dương hơn cả: “Trong nhóm Đông dương tạp chí, có lẽ ông là nhà văn xuất sắc nhất, và về lượng ngoài Nguyễn văn Vĩnh ra, ông là người viết nhiều hơn cả. Ông là người thận trọng cây bút, nên văn ông rất đều; từ đầu đền cuối trong toàn bộ Đông Dương tạp chí, bài nào của ông cũng viết kỹ càng, không bao giờ cẩu thả”.
Một thế kỷ trôi qua (tờ Đông dương ra đời năm 1913) nhiều công trình nghiên cứu, dịch thuật của thế hệ tiền phong, về văn học, tư tưởng Âu Tây cũng như về cổ học của ta, đã trở thành tài liệu quý giá cho giới nghiên cứu và học giả chuyên khảo. Còn đối với quần chúng nói chung, kể cả những kẻ hiếu học bậc trung thì tài liệu Đông Dương cũng như Nam Phong không gây cho họ nhiều chú ý so với sách vở về văn học, khoa học kỹ thuật của thời đại. Tuy nhiên, có những tác phẩm tuy xuất hiện trên dưới trăm năm trước vẫn được hậu thế coi như sách gối đầu giường. Để giải trí, đó là những dịch phẩm phổ biến, được tái bản nhiều lần như bản dịch Tam quốc chí diễn nghĩa của Phan Kế Bính, Đông châu liệt quốc của Nguyễn Đỗ Mục và Thơ ngụ ngôn của La Fontaine của Nguyễn văn Vĩnh... Để hiểu về tục xưa lệ cũ của xã hội ta, không mấy ai quên Việt Nam Phong tục của học giả Bưu văn. Còn muốn mở rộng khả năng thưởng thức văn chương và có tầm nhìn khái quát về văn học cổ thì không thể rời cuốn Việt Hán văn khảo của Phan Kế Bính. Với tác phẩm này, có thể xếp Phan Kế Bính vào hàng ngũ các nhà tiền phong ở ta trong việc nghiên cứu ngành thẩm mỹ học trong văn học và lịch sử văn học Việt Nam và Trung hoa.
Trước hết ta tìm hiểu xem văn học là gì và đưa ra lý do xếp Việt Hán văn khảo vào loại tác phẩm thẩm mỹ học trong văn chương và nghiên cứu lịch sử văn học.
Theo giáo sư Nghiêm Toản trong Việt Nam văn học sử trích yếu: “Văn học ở trong phạm vi văn hóa và gồm cả văn chương, học thuật, tư tưởng.
Dùng ngôn ngữ, văn tự để ghi chép trình bày, truyền bá hết thảy tính tình tư tưởng, nghệ thuật kỹ năng... của một dân tộc tức là văn học.
Dân tộc Việt Nam sống ở trên một phần bán đảo Ấn độ Chi-na, hãy kể trong khoảng hai nghìn năm trở lại đây đã có những cảm tình, ý thức tư tưởng tinh thần công cộng, tạo thành một nền học thuật riêng.
Học thuật ấy tất nhiên do hoàn cảnh kinh tế xã hội bên trong và ảnh hưởng bên ngoài mà thay đổi, và được phô diễn hay ghi chép bằng những lời văn truyền khẩu hay những tác phẩm chữ viết còn để lại đến giờ.
Khảo về tính tình, tư tưởng và kỹ thuật của dân tộc Việt Nam qua các tài liệu trên tức là khảo về lịch sử văn học. Văn chương chỉ là một phần hình thức diễm lệ bên ngoài, học thuật mới là cốt cách bên trong, văn học bao trùm cả hai thứ đó”.
Việt hán văn khảo có nội dung bao gồm cả văn chương lẫn học thuật. Ta cứ đọc lại lời tựa của tác phẩm này thì thấy chủ tâm của tác giả đã thỏa mãn đòi hỏi của một tác phẩm nghiên cứu văn học truyền thống như thế nào:
Bài tựa:
Ta trông lên bầu trời, trăng sao vằng vặc, sông ngân hả lấp lánh, lúc cầu vồng mọc, khi đám mây bay, bóng dáng chiều hôm; cơn mưa buổi sớm, làm cho sướng mắt ta, gọi là văn chương của bầu trời. Ta nhìn xem dưới trái đất, ngọn núi kia cao chút vút, khúc sông nọ chạy quanh co, chỗ rừng núi, nơi hồ đầm, cây cổ thụ um tùm, đám cỏ hoa sặc sỡ, nào thành, nào quách, nào tháp, nào chùa, nào đồng điền cây cối tốt tươi, nào chỗ thị thành lâu đài san sát, làm cho vui mắt ta, gọi là văn chương của trái đất. Ta xem trong sách, nghe những lời nghị luận của các bậc thánh hiền, xem những bài trước tác của các nhà văn sĩ, câu thơ đoạn phú, khúc hát điệu ca, tươi như hoa, đẹp như gấm, vui như tiếng đàn tiếng địch, vang như tiếng khánh tiếng chuông, làm cho ta vui tai, sướng dạ ta, gọi là văn chương của loài người.
Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Nhời của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương.
Người ta ai là không có tính tình tư tưởng. Đem cái tính tình tư tưởng ấy, diễn ra thành câu nói tả ra thànhđoạn văn, gọi là văn chương. Vậy thì văn chương tức là một bức tranh vẽ cái cảnh tượng của tạo hóa cùng là tính tình và tư tưởng của loài người bằng nhời nói vậy.
Văn chương chẳng những là một nghề chơi thanh nhã để di tình dưỡng tính mà thôi: mà lại có thể cảm động được lòng người di dịch được phong tục, chuyển biến được cuộc đời, cái công hiệu về đường giáo hóa lại càng to lắm. Cho nên xưa nay vẫn lấy văn chương làm một khoa học rất cao; mà bên Âu châu lại kể vào một nghề mỹ thuật, vì là cũng bởi ở tay tài tình mới tả được ra thành văn chương linh động có thần.
Nước Việt ta xưa nay chẳng thiếu gì danh văn kiệt tác, tuy lý tưởng so với Âu văn thì cũng khí hẹp hòi thực, song những ý tứ cao kỳ, những lời chính đáng, những vẻ châu ngọc gấm thêu, cũng đủ lưu truyền làm gương soi chung cho một nước thì cũng có thể tự phụ được là một nước có văn chương.
Văn chương của ta phần nhiều lại có gốc ở nước Tàu. Nay ta muốn biết văn chương của ta thì trước hết lại nên tham khảo đến văn chương của Tàu nữa. Mà muốn biết cho đến nơi đến chốn, cho tường tận thủy chung, thì lại phải xét xem căn nguyên văn chương ở đâu mà ra, thể cách văn chương thế nào, lý thú làm sao, kết quả được những gì, trình độ mỗi thời biến đổi làm sao, có xét kỹ như thế thì mới biết được hết nguồn gốc văn chương.
Ký giả vì lẽ ấy ra tập Việt Hán Văn Khảo này, chủ ý cốt nghị luận kê cứu về mục văn chương của ta và Tàu, trước là để lưu truyền cái tinh thần, cái lề lối văn chương của cổ nhân, sau là để giúp thêm một chút vào việc khảo cứu trong mục văn chương cho hậu nhân vậy.
Trong tập sẽ chia ra từng tiết, từng mục như sau:
Tiết thứ I –Luận về nguyên lý văn chương.
Tiết thứ II –Nói về các thể cách văn chương.
Tiết thứ III –Nói về phép làm văn.
Tiết thứ IV –Nói về lý thú văn chương.
Tiết thứ V –Nói về sự kết quả của văn chương.
Tiết thứ VI –Luận về văn chương đời thượng cổ.
Tiết thứ VII –Luận về văn chương đời trung cổ.
Tiết thứ VIII –Luận về văn chương cận thời.
Đây là hãy tạm giàn giá như vậy, nếu sau này nghĩ ra có sót điều gì, có lẽ cũng còn gia giảm, song đại ý chẳng qua cũng thế mà thôi.
Ôi! Khoa văn chương là một khoa học rất cao, việc khảo cứu là một việc rất khó, ký giả tài sơ học thiển, đâu dám khoe khoang ngòi bút để mua thêm một trò cười cho các nhà đại phương. Song đương buổi này là buổi giao thời của tân cựu học giới, mai sau này tân học thịnh hành e có khi cái văn chương cựu thời cũng phải tiêu diệt. Văn chương ta tức là quốc túy từ mấy nghìn năm của ta, nếu để một mai theo cái tân trào mà tiêu diệt đi mất thì chẳng khá tiếc lắm ru? Bởi vậy, ký giả không tự lượng cái sức nhỏ mọn mà dám cả gan nghị luận đến đề mục to tát ấy, thực là một tấm lòng bất đắc dĩ vậy.
Nay tựa
1918
Bài tựa đã cho chúng ta một định nghĩa rõ ràng, giản dị, khá cụ thể thế nào là văn chương: “Văn là gì? Văn là vẻ đẹp. Chương là gì? Chương là vẻ sáng. Nhời của người ta rực rỡ bóng bẩy, tựa như có vẻ đẹp vẻ sáng, cho nên gọi là văn chương”.
Nó cũng phô bày rõ tâm huyết của tác giả khi viết tác phẩm:
“Song đương buổi này là buổi giao thời của tân cựu học giới, mai sau này tân học thịnh hành e có khi cái văn chương cựu thời cũng phải tiêu diệt. Văn chương ta tức là quốc túy từ mấy nghìn năm của ta, nếu để một mai theo cái tân trào mà tiêu diệt đi mất thì chẳng khá tiếc lắm ru? Bởi vậy, ký giả không tự lượng cái sức nhỏ mọn mà dám cả gan nghị luận đến đề mục to tát ấy, thực là một tấm lòng bất đắc dĩ vậy”.
Tác phẩm Việt Hán văn khảo tuy nhấn mạnh tới văn chương, nhưng có mục tiêu nghiên cứu khá rộng từ văn thể, thẩm mỹ học trong văn học tới lược khảo lịch sử văn học của ta và của Tàu từ thượng cổ, tới trung cổ và cận thời. Phan Kế Bính trở thành người mở đầu cho ngành nghiên văn học bằng chữ quốc ngữ. Các nhà văn học sử sau này như Dương Quảng Hàm (Việt nam văn học sử yếu), Nghiêm Toản (Việt nam văn học sử trích yếu) và Nguyễn Hiến Lê (Đại cương văn học sử Trung quốc) đều dùng Việt hán văn khảo làm sách tham khảo chính.
Qua Việt Hán văn khảo, ngòi bút của Phan Kế Bính một lần nữa đã chứng tỏ điều Vũ Ngọc Phan nhận định là xác đáng: “Nếu quả thật như lời Buffon: văn tức là người và chỉ có văn mới là đáng kể, thì văn của Phan Kế Bính thật đáng lưu truyền. Về sau nhiều người cũng dịch cổ văn như ông trong các tạp chí văn học nhưng không một ai theo kịp ông.
Vào thời ông, chính ngay những người viết quốc văn chứ không nói chi những người đọc quốc văn, cũng cho quốc văn còn chưa thành lề lối vậy mà văn ông, nếu đem so với những áng văn hay nhất ngày nay, cũng không khác nhau mấy tí.
Giản dị và hùng tráng, đó là hai điều ít khi người ta thấy được trong văn chương các nhà Nho; vậy mà đọc văn của Bưu Văn, điều đặc biệt mà người ta có thể thấy ngay chính là sự giản dị và sự hùng tráng. Từ cách chấm câu đến diễn đạt ý kiến cùng tư tưởng của ông, người ta tưởng như ông là một nhà Tây học kiêm Hán học, chứ không mấy ai có thể biết ông chỉ là một nhà Hán học thuần túy, chưa hề chịu ảnh hương Tây học trực tiếp”.
Hoàng Yên Lưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét