Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Daft Punk, cánh chim đầu đàn dòng nhạc French Touch



Tuấn Thảo

Trong làng nhạc quốc tế, ít có trường hợp nào lạ lùng như nhóm Daft Punk. Trong vòng 20 năm sự nghiệp, ban nhạc chỉ cho ra mắt bốn album. Tập nhạc thứ tư và cũng là album mới của nhóm phá kỷ lục số bán khi được phát hành vào tháng 5/2013. Mang tựa đề Random Access Memory, album này đánh dấu ngày Daft Punk trở lại trên tột đỉnh, sau 8 năm vắng bóng.
Nghe
  
Nhóm Daft Punk là cánh chim đầu đàn của dòng nhạc điện tử theo kiểu Pháp, gọi là French Touch. Ban nhạc gồm hai thành viên là Thomas Bangalter và Guy Manuel de Homem-Christo. Họ chuyên kết hợp các âm thanh điện tử house và electro với các nhịp điệu kích động của rock, groove và disco.
Nét độc đáo của nhóm này là không bao giờ lộ diện trước công chúng. Daft Punk tự định nghĩa họ là những nghệ sĩ độc lập vô danh, do vậy công chúng không bao giờ thấy được diện mạo của họ. Khi xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu, nhóm này tựa như người máy robot, trên đầu lúc nào cũng đội mũ bảo hiểm, che kín khuôn mặt của mình.
Trong giai đoạn khởi đầu, nhóm này thật ra gồm ba thành viên. Họ quen nhau từ năm 1987, khi còn là học sinh trường trung học Carnot ở Paris. Thomas Bangalter và Guy Manuel de Homem-Christo cùng thành lập với Lawrence Brancowitz một ban nhạc rock tên là Darlin'. Bản nhạc ghi âm đầu tiên của nhóm phát hành vào năm 1991 hoàn toàn gặp thất bại. Lawrence sau đó tách ra riêng và gia nhập ban nhạc rock Phoenix, rất ăn khách vào những năm 2000. Còn Thomas và Guy Manuel thì tiếp tục thử nghiệm với âm thanh điện tử.
Vào tháng Năm năm 1993, tức cách đây vừa đúng 20 năm, một nhà phê bình âm nhạc của tạp chí chuyên ngành Melody Maker khi khám phá dòng nhạc thử nghiệm của ban nhạc người Pháp tỏ ý chê bai và gọi đó là ‘‘daft punky trash’’, hiểu theo nghĩa một mớ tạp âm ngớ ngẩn điên khùng. Đôi bạn Thomas và Guy Manuel mới chọn câu nói này làm nghệ danh. Ban nhạc Daft Punk chính thức ra đời vào giữa năm 1993.
Trong vòng 4 năm liền, Daft Punk chọn hình thức tự sản xuất, hợp tác với các hãng đĩa độc lập thay vì dựa vào mô hình công nghiệp lăng xê của các hăng đĩa lớn để phát hành âm nhạc của họ. Nhóm này tham gia vào nhiều liên hoan nhạc điện tử, hòa âm trong các hộp đêm, biểu diễn mở màn cho nhóm Chemical Brothers tại Luân Đôn. Sau 4 năm hoạt động, Daft Punk lọt vào mắt của hãng đĩa Source, một chi nhánh của tập đoàn Virgin để trình làng album đầu tay với tựa đề Homework.
Được phát hành đầu năm 1997, tập nhạc đầu tiên của nhóm Daft Punk mang đậm sắc thái của dòng nhạc house, theo trường phái Detroit và Chicago. Âm thanh khá mới lạ của nhóm nhạn được sự hưởng ứng của giới phê bình lẫn công chúng. Bài Around the World nhờ vào sự hợp tác của đạo diễn Michel Gondry và nhà biên đạo múa Blanca Li, trở thành một trong những video clip thịnh hành nhất trên các kênh truyền hình ca nhạc.
Sau thành công bước đầu này, Daft Punk không vội cho ra mắt album kế tiếp. Ngược lại, họ không ngừng làm viiệc trong phòng ghi âm, thử nghiệm đủ loại âm thanh để tìm ra những sắc thái khác biệt với các dòng nhạc điện tử ăn khách trên thị trường thời bấy giờ.
Mãi đến năm 2001, Daft Punk mới cho ra amwst album thứ hai mang tựa đề Discovery, hiểu theo nghĩa thám hiểm, du hành vũ trụ. Trích từ album này, bản nhạc One More Time lập kỷ lục số bán. Đà thành công của Daft Punk đánh đấu sự trỗi dậy của phong trào French Touch, mở đường cho các nhóm nhạc điện tử của Pháp chinh phục thế giới.
Vào năm 2005, Daft Punk trình làng tập nhạc thứ ba mang tựa đề ‘‘Human After All’’ khẳng định rằng đằng sau những âm thanh máy móc, vẫn có bàn tay của con người. Tuy nhiên, tham vọng của Daft Punk muốn biến những máy móc điện tử vô tri thành những nhạc cụ biểu cảm, chỉ đạt có một nửa. Tập nhạc thứ ba không thành công rực rỡ như mong đợi.
Vài năm sau đó, khi nhóm này tập hợp và hòa âm lại các ca khúc tiêu biểu nhất của cả ba album trước cho đợt trình diễn Alive, thì lúc đó nhóm Daft Punk mới chính thức được công nhận. Nhóm này đoạt hai giải Grammy dành cho Ghi âm và Album nhạc điện tử xuất sắc nhất năm 2009, sau 12 lần nhận đề cử. Nhờ vậy mà tập đoàn Disney mới đặt hàng cho Daft Punk sáng tác phần nhạc nền cho bộ phim Tron : Legacy.
Vào tháng Giêng năm 2013, nhóm Daft Punk rời hãng đĩa EMI để ký hợp đồng với Columbia Records. Tập nhạc studio thứ tư mang tựa đề Random Access Memories được phát hành vào ngày 20 tháng Năm. Ca khúc trích đoạn đầu tiên Get Lucky chiếm hạng đầu thị trường trên hơn 50 quốc gia, phá luôn kỷ lục số bán do ca sĩ Adele nắm giữ với nhạc phẩm Skyfall.
Lần này, Daft Punk mở rộng sự hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có nhà sản xuất Giorgio Moroder, người đã làm nên tên tuổi của Donna Summer và nhất là ca sĩ Pharell Williams cũng như tay đàn ghi ta điện Nile Rodgers. Nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ sáng lập ban nhạc Chic, tay đàn Nile Rodgers trước đó đã hợp tác với David Bowie trên album Let’s Dance(1983) và sau đó là Madonna trên abum Like a Virgin (1984).
Khi hợp tác với nhóm Daft Punk, tay đàn Nile Rodgers chẳng những tham gia sáng tác mà còn triệu tập hay tay trống cừ khôi nhất thế giới. Đầu tiên hết là John Junior Thompson, người đã chơi hầu hết các ca khúc của Michael Jackson trên hai album Of the Wall và Thriller, dưới sự điều khiển của Quincy Jones. Tay trống xuất sắc thứ nhì là Omar Hakim, hợp tác với Stevie Wonder từ năm 16 tuổi.
Kết quả là lần đầu tiên từ 20 năm qua, tức là từ khi được thành lập cho tới bây giờ, ban nhạc Daft Punk không còn sử dụng máy móc điện tử để tạo ra nhịp điệu cho các ca khúc. Thay vào đó là một bộ trống thật cũng như các nhạc khí truyền thống như ghi ta và đàn phím, để tạo ra một âm thanh ấm áp gần gũi hơn. Toàn bộ album mang đậm sắc thái của dòng nhạc funky soul của những năm 1970, phối hợp với lối hòa âm điện tử.
Tập nhạc thứ tư đạt đến chủ đích mà Daft Punk đã không thực hiện được trên album trước là Human After All, hiểu theo nghĩa rốt cuộc vẫn là con người. Âm thanh của Daft Punk trước kia lạnh lùng nay lại trở nên hoài cảm, lưu luyến. Một cách để ngầm cho hiểu rằng : Máy móc điện tử chỉ có bộ nhớ, chỉ có con người mới thật sự tràn đầy kỷ niệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét