Thiện Tùng
Thầy tôi đề cặp trong bài viết nầy tất nhiên là giới trí thức nói chung, thuộc 3 môn khoa học cơ bản:Khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Họ hoạt động theo những chuyên ngành. Họ là những “con chim” đầu đàn, là nguyên khí quốc gia, quyết định tiến thoái, thậm chí tồn vong của đất nước và dân tộc.
Để tận dụng nguyên khí quốc gia (Trí thức), người ta căn cứ vào cái tâm, cái tầm của họ mà phân làm 2 loại: “biết làm gì”, tức là biết chủ trương (sáng tác) và “biết làm thế nào”, tức là biết tổ chức thực hiện (biểu diễn).
Trong thực tế hiển hiện 3 loại trí thức:
1/ Loại Biết làm gì và biết làm như thế nào – biết chủ trương và biết tổ chức thực hiện. Đây là loại trí thức hoàn hảo nhất, thuộc hạng số 1, có thể liệt số người nầy vào hàng “thầy” (toàn diện).
2/ Loại Biết làm thế nào nhưng không biết làm gì - biết thực hiện chớ không biết chủ trương, liệt vào hàng “thợ”. Nên dùng vào việc tổ chức thực hiện (phiến diện).
3/ Loại Biết làm gì nhưng không biết làm thế nào – chỉ biết chủ trương. Nên dùng vào việc nghiên cứu (phiến diện).
Dựa vào phân tích nầy cho thấy cộng loại 2 và 3 lại mới bằng loại 1.
Riêng ở VN ta hiện nay, xuất hiện một số không nhỏ hạng người “không biết làm gì và chẳng biết làm thế nào”, bất tài thất đức, bằng cách nầy cách nọ dán nhãn trí thức rồi ngồi vào ghế quan tha hồ “vung râu đá giáp”, làm giàu trên xương máu bá tánh.
Dưới thể chế độc tài toàn trị, giới lãnh đạo luôn biểu hiện “vạn sự thông”, giành quyền “sáng tác”, thích nói cho người ta nghe chớ không nghe người ta nói….Họ ra oai bằng ban chiếu chỉ theo ý nghĩ chủ quan, nhưng buộc bên dưới phải tuân chỉ theo kiểu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Hậu quả thế nào họ chẳng cần biết, chỉ biết ngự trị trên bệ hưởng “phước lộc thọ”.
Theo quan sát của tôi, ở VN ta hiện nay dường như lãnh đạo chỉ trọng dụng một dạng Trí thức “thợ”, họ là những Trí thức Công chức, làm việc ăn lương, luôn trong trạng thái thụ động, không phản biện (tranh luận) do sợ mất lòng lãnh đạo, mất ghế… Họ chỉ làm công việc giải thích mang tính chất minh họa, bôi trơn những chủ trương của cấp trên đã đề ra. Lãnh đạo quá đổi hài lòng với “dàn thợ nhẹ roi”, có thuộc tính “gọi dạ bảo vâng” nầy.
Cũng ở VN ta hiện nay, Trí thức “thầy”, họ không nhứt thiết phải ở trong guồng máy nhà nước. Vì lợi ích cộng đồng, theo sự hiểu biết của mình, họ không ngần ngại phản biện những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước mà theo họ là không thích hợp, thiếu khoa học, gây phương hại cho quốc gia, dân tộc. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, lãnh đạo xem số Trí thức không biết thân phận nầy như “những thế lực thù địch, xua đuổi, ghét cay ghét đắng với những cố tật của họ: ưa xía vào những việc đại sự làm mất ổn định xã hội, làm méo mó khuôn mẫu đã định hình…
Theo tôi được biết, giới cầm quyền ở các nước đa nguyên kinh tế và chính tri (Dân chủ), một tay họ nắm chặt “thầy” để cùng họ xây dựng những quyết sách, một tay họ nắm chặt “thợ”làm phương tiện thực hiện những quyết sách đã đề ra. Họ làm như thế, hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm trong đường lối, chính sách đối nội cũng như đối ngoại.
Chuyện xa xưa bên Tàu, sau Đào Viên kết nghĩa, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi là những người chỉ “biết làm thế nào” (thực hiện) chớ “không biết làm gì”(chủ trương). Vì vậy, họ luôn lâm vào cảnh khó khăn bế tắt. Cả ba anh em phải ngày đêm băng rừng lội suối,vượt núi trèo đèo tìm cho được người “biết làm gì ”. Khi gặp, cả 3 quỳ mọp cầu khẩn Khổng Minh hợp tác. Khi có Khổng Minh hợp tác mới dựng nên cơ nghiệp.
Dầu đã bị loại ra rìa, những người “thầy” vẫn còn thấy trách nhiệm của mình với nước với dân, đóng góp không công đối với đường lối chủ trương… của Đảng và Nhà nước những vấn đề không nhỏ.Về dối nội: Họ góp ý về Đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, nhà máy lộc dầu Dung quốc, Bauxite Tây nguyên, việc cho thuê đất rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ven biển, mở rộng Thủ đô, về “những quả đấm thép”, việc sở hữu đất đai, đường sắt cao tốc, điện hạt nhân Ninh Thuận v.v… Về đối ngoại: các “thầy” cũng không quên nhắc nhở Đảng và Nhà nước làm tốt hơn chính sách “đa phương đa dạng”để giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, làm bạn, làm ăn với cộng đồng quốc tế. Họ cũng cảnh báo với lãnh đạo âm mưu thâm độc của nhà cầm quyền Trung quốc về cái bẩy “16 chữ vàng và 4 tốt”, về cái bẩy “thương lượng song phương” đối với biên giới hải đảo, về những sự không minh bạch và với cử chỉ ươn hèn của lãnh đạo nước ta với giới cầm quyền Trung quốc v.v…
Như bị tạt nước lạnh vào mặt, Đảng và Nhà nước ta chẳng những không đếm xỉa đến những tâm huyết của “thầy”, còn phỉ bán họ, xem họ như những “thế lực thù địch”, chỉ cản trở, gây mất ổn đinh sư nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
“Đảng và Nhà nước ta” không nghe “thầy” chuốc lấy thảm họa như thế nào không cần nói vì mọi người đã biết.
“Không thầy đố mầy làm nên” xem ra nó có giá trị vĩnh viễn. Mong rằng “Đảng và Nhà nước ta”sớm “tôn sư trọng đạo” để an nước, an dân, để tự cứu mình khỏi sụp đổ, khỏi nhơ danh trước mắt và muôn đời sau./.
29/07/2013
Thiện Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét