Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Favic : "Những liền anh, liền chị" người Pháp

Một buổi biểu diễn của nhóm Favic ( www.favic.site11.com)
Một buổi biểu diễn của nhóm Favic ( www.favic.site11.com)
 Đức Bình - rfi
  


Vào một buổi chiều đầu hè, nhận lời mời của một người bạn thân, tôi quyết định nghé qua thăm ″đại bản doanh″ của hội FAVIC, hội của những người không phải là người Việt, nhưng lại biết hát các bài hát Việt.

Thực ra, từ bấy lâu nay, tôi đã từng nghe mong manh về tiếng tăm của hiệp hội này, với những người bạn Pháp, "ông Tây bà Đầm", nhiệt tình cần mẫn học tiếng Việt, thông qua một phương pháp″sư phạm″ hết sức độc đáo mà cũng không kém phần hiệu quả, đó là tập hát các làn điệu dân ca trữ tình quen thuộc khắp ba miền của Việt Nam.
Trước ngày hẹn ghé qua thăm hội, tôi tranh thủ dành chút ít thời gian để rà soát tìm hiểu một số thông tin về hoạt động của FAVIC qua mạng Internet, với hy vọng cập nhật được nhiều hơn nữa những chi tiết liên quan đến hội. Tuy vậy kết quả thật ngạc nhiên, những tin tức về FAVIC gần như hoàn toàn vắng bóng, hoặc thử, cũng hết sức khiêm tốn và ít ỏi, mặc dù hiệp hội này đã tồn tại suốt hơn 10 năm qua.

Có thể nói, động lực thúc đẩy việc cho ra đời vào năm 2001, một ca đoàn mang tên “Favic - Tốp ca không có người Việt Nam, chuyên hát nhạc Việt”, thoạt đầu chỉ là một cuộc phưu lưu trắc nghiệm về sinh ngữ mà ông Đoàn Trần Thiều – vốn là người sáng lập ra hội, muốn dành tặng riêng cho các bạn bè Pháp của mình, với phương pháp học tiếng Việt làm sao đạt được mục đích chuyển đúng giọng, từ một sinh ngữ đa âm, qua một sinh ngữ độc âm, khi mà mình không biết gì về sinh ngữ thứ hai này.
Quay ngược lại dòng thời gian, cuộc di tản rầm rộ nhất trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975, khiến hiện nay có hơn 4 triệu người Việt sống ở khắp nơi trên thế giới. Cuộc sống mới của bộ phận người Việt này tại nước ngoài, luôn bị chi phối bởi bối cảnh sống mới, bởi những hòa nhập biến đổi về pháp luật, phong tục tập quán của nước sở tại tiếp nhận mình.
Với khuynh hướng “toàn cầu hóa”, người Việt xa xứ nói chung, và đặc biệt là thế hệ con cháu họ nói riêng, có nguy cơ quên dần đi cái gốc “Việt” của mình. Thêm vào đó, qua những hôn nhân tạp chủng, con cháu của những người này, nhiều khi bề ngòai vẫn giữ vẻ á đông, nhưng bên trong, thực chất chẳng còn chút gì Việt.

Hơn nữa, “Chỉ có ông già, bà cả ở nhà mới nói tiếng Việt với nhau, ở trường, ở sở, có ai nói tiềng Việt bao giờ đâu, học làm chi cho mệt !.”. Những ý nghĩ như vậy không phải là hạn hữu trong đầu các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra sau này trên xứ người. Và từ đó, nảy sinh ra những mặc cảm tự ti dân tộc...Và cũng từ đó, những cái hay cái đẹp của một nền văn hóa truyền thống đặc thù, có thể sẽ dần dần mai một đi trong tâm trí các em ….
Để đánh động lương tâm các thế hệ thứ hai, thứ ba …gốc ‘Việt” này, cần có một ý tưởng gì đó thật độc đáo, đủ để gợi trí tò mò của họ. Hơn thế nữa, cái “tự hào dân tộc” về truyền thống văn hóa Việt Nam, không nên được nói lên bởi chính những người "tự cho mình" cái niềm tự hào đó. Tốt hơn hết, nên để những người “ngoài cuộc” đánh giá, như vậy sẽ khách quan hơn.
Và đó là tất cả những gì mà ông Đoàn Trần Thiều, ngoài đời thực chất là một chuyên gia pháp lý, muốn dốc toàn tâm toàn ý, để tạo dựng và vun đắp lên hội FAVIC. Tính đến thời điểm này, các thành viên của FAVIC đã lên đến gần 20 người, với nhiều nguồn gốc xuất thân khác nhau : Pháp, Nhật, Nam Tư (Yougoslave),Ý, Thụy điển, Bồ đào nha, Algieri, Đài loan, Martinique, và Guadeloupe…
Cha mẹ họ không phải là người Việt Nam, có một vài trường hợp cá biệt, một số thành viên có vợ hoặc chồng là người Việt, hay chính bản thân họ cũng mang một phần tư giòng máu Việt, tuy nhiên trước nhất họ vẫn là người Pháp, bởi đơn giản là sinh ra và trưởng thành trên đất Pháp, nên mang đạm nét văn hóa Pháp là chủ đạo.
Họ đến với văn hóa Việt và gắn bó với âm nhạc Việt Nam có thể là qua một chuyến du lịch, một cuốn phim, một cuốn truyện, hay qua một chương trình âm nhạc. Nhưng họ cũng có thể là những nhân vật chính trong một câu chuyện tình cảm với một chàng trai hay một cô gái Việt.

Tập nhạc của tốp ca FAVIC thường gồm chủ yếu là những bài hát dân ca, những bài tân nhạc, hoặc một số những bài hát quốc tế nổi tiềng đã được chuyển dịch qua lời Việt như : La Paloma, Besame mucho, Come back to Sorrento ...
Trước khi học một bài hát, họ thường được giải thìch rõ ràng về thân thế tác giả, nội dung bài hát, ý nghĩa từng câu trong bài, để có thể đủ những dữ kiện cảm nhận về bài hát, và như vậy, vô hình chung, họ cũng đồng thời đang học thêm một sinh ngữ mới.
Các thành viên thường có mặt vào thứ tư hàng tuần, tại "đại bản doanh" của FAVIC, nằm len lỏi trên phố National thuộc quận 13 của thủ đô Paris, cũng là nơi tập trung đông đảo các cộng đồng sắc dân Châu Á khác, và mỗi lần tập dượt như thế, họ cũng chỉ tập trung học được hai hoặc ba bài hát.
Sau hơn 10 năm hoạt động, Favic đã đi hát ở rất nhiều nơi trên đất Pháp, cho cộng đồng và hội đòan Việt Nam hay Pháp, đồng thời cũng tham dự một số các “liên hoan ca đoàn” của Pháp hay của nhiều nước như “Ngày hội Âm Nhạc”, “Festival St Lô”, festival “Montmartre au Choeur”, festival “Voix sur Berges”… và luôn không xa rời mục tiêu chính của mình là giới thiệu âm nhạc Việt Nam với bạn bè ngoại quốc.
Thành quả còn nhỏ nhoi, vì đôi khi còn thiếu nhiều nhân lực và vật lực. Một cánh én nhỏ không làm nổi mùa Xuân. Thế nhưng, nhìn lên bầu trời, không một bóng mây, trông thấy được một cánh én, kể cũng thật vui …

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét